LOBBY.VN
Administrator
Khai thác lợi thế, giảm nhập siêu với Trung Quốc
- Điều kiện địa lý, giao thông là lợi thế quan trọng của Việt Nam so với nhiều nước khác trong hợp tác thương mại với Trung Quốc

Hàng đoàn xe nông sản nối đuôi nhau ở cửa khẩu, chờ xuất sang Trung Quốc
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh điểm này khi trao đổi về vấn đề điều chỉnh cơ cấu nhập khẩu từ Trung Quốc
Ông cho rằng, lợi thế và điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại với Trung Quốc, trước hết phải kể đến sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ hai nước thông qua hành lang pháp lý cởi mở, các cam kết ưu đãi thông thoáng, các biện pháp hỗ trợ, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư…
Ngoài ra, cũng cần phải kể đến thị trường tiêu thụ rộng lớn của Trung Quốc với gần 1,5 tỷ người tiêu dùng, với nhu cầu đa dạng, nhiều cấp độ, sức mua lớn và không ngừng tăng cao. Nhiều nét tương đồng về văn hóa cũng góp phần tích cực giúp các hoạt động giao thương phát triển
Trong khuôn khổ WTO, Trung Quốc đang đề ra các yêu cầu kỹ thuật để quản lý thương mại. Việt Nam và các nước khác thường xuyên theo dõi sát những thay đổi về chính sách này và có thể yêu cầu Trung Quốc giải thích, điều chỉnh nếu cần thiết để không cản trở thương mại
Trên thực tế, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng đã và đang thường xuyên trao đổi với phía Trung Quốc theo hướng này. Mặt khác, việc đầu tư, nâng cao năng lực đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu của Trung Quốc cũng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngày càng bền vững hơn.
Về cơ bản, chúng ta nỗ lực giảm nhập siêu nói chung bằng hai hướng, đó là tăng cường xuất khẩu và điều chỉnh cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất trong nước
Chúng ta sẽ tăng tỷ trọng các nhóm hàng công nghiệp, những mặt hàng mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao, giảm dần xuất khẩu hàng khoáng sản, nguyên liệu thô, nông sản chưa gia công, chế biến
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp lớn như ưu đãi thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất nguyên liệu, gia công xuất khẩu để giảm dần và thay thế nguồn nguyên nhiên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài như xăng dầu, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, da...
Kết quả cho thấy, tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo đang tăng dần trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc đã cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc là một tín hiệu đáng mừng
Ngoài ra, cần làm tăng sức tiêu thụ hàng Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa phong trào Người Việt dùng hàng Việt, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam dùng thiết bị Việt Nam...
Tuy nhiên, việc cùng lúc thực hiện yêu cầu giảm nhập khẩu để giảm nhập siêu, trong khi vẫn phải đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô là bài toán kinh tế tổng hợp. Và để giải quyết được, đòi hỏi sự điều hành chặt chẽ của Chính phủ, sự phối hợp thực thi linh hoạt của các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của doanh nghiệp và người dân
Ông Bùi Huy Sơn cho biết, trước năm 2005, Việt Nam chỉ nhập từ Trung Quốc chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng với giá trị thấp như xe đạp, hoa quả, bia, rượu. Trong khi đó, chúng ta xuất sang Trung Quốc các mặt hàng khoáng sản, nguyên liệu thô, có giá trị lớn hơn. Vì lẽ đó, cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam
Tuy nhiên, giai đoạn sau, cùng với đà hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, quy mô nền kinh tế chúng ta không ngừng lớn mạnh, hướng ra xuất khẩu, năng lực sản xuất gia tăng. Nhu cầu máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu tăng cao trong khi nguồn nguyên liệu trong nước chưa đủ đáp ứng cho sản xuất
Các cam kết mở cửa thị trường cũng được thực hiện từ giai đoạn này như ACFTA... Mặc dù các doanh nghiệp đã rất nỗ lực, nhưng hàng hóa Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh về chất lượng, giá thành, mẫu mã...
Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc, sau nhiều năm đầu tư, với mẫu mã đa dạng phong phú mà giá cả lại rất cạnh tranh nên nhiều nhóm hàng nguyên vật liệu, máy móc (thiết bị dây chuyền sản xuất, vải sợi, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất, xăng dầu, sắt thép, kim loại, phương tiện vận tải, phân bón) để đầu tư phát triển sản xuất đã được không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng nhập về
Những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư để phát triển kinh tế. Nhiều dự án lớn về thủy điện, nhiệt điện... được triển khai. Và nhiều thiết bị, máy móc của Trung Quốc có chất lượng đáp ứng yêu cầu và giá cả cạnh tranh đã trở thành là sự lựa chọn cho các nhà đầu tư không chỉ tại Việt Nam mà tại cả các nước/khu vực phát triển như Mỹ, EU...
Chúng ta đang dần hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm nguyên nhiên liệu thô, vốn mang lại kim ngạch thương mại lớn mà giờ chủ yếu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ngược lại, chúng ta lại vẫn phải nhập về máy móc thiết bị, nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Vì lẽ đó, cán cân thương mại lệch dần về phía Trung Quốc
Theo ông Bùi Huy Sơn, nhập siêu từ Trung Quốc không phải vấn đề mới và cũng không phải chỉ riêng Việt Nam. Nhiều năm qua, Trung Quốc thặng dư thương mại với thế giới gần 140 tỷ đô la Mỹ, trong đó Trung Quốc xuất siêu sang nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU
Năm 2010, chúng ta có 10 nhóm sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, đều là những nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu không chỉ phục vụ sản xuất tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho cả sản xuất hàng xuất khẩu. Đó là máy móc, thiết bị, phụ tùng (22,9%), vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày (14,6%), sắt thép, sản phẩm sắt thép các loại (10,5%), xăng dầu các loại (5,4%), hóa chất và sản phẩm hóa chất (4,5%), phân bón (2,7%)
Đó cũng là những nhóm hàng mà chúng ta chưa thể tự đáp ứng đủ nhu cầu (như xăng dầu), hoặc chưa có sản phẩm đảm bảo chất lượng, sức cạnh tranh để phục vụ sản xuất, xuất khẩu (như vải, phụ liệu dệt may, da giày)