What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Vingroup ThinkTank

LOBBY.VN

Administrator
Vingroup công bố sẽ trở thành Tập đoàn công nghệ
Vingroup công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028 trở thành một Tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính

Ngày 21/8 tại Hà Nội, Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường Đại học hàng đầu Việt Nam, đồng thời, công bố định hướng trở thành Tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai

Theo thỏa thuận, Vingroup và các trường Đại học sẽ hợp tác 4 nội dung gồm tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; giảng dạy và chia sẻ tri thức

Vingroup cũng đặt các trường đại học đào tạo với cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT trong vòng 10 năm tới

Tại lễ ký kết, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành một Tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính

Để thực hiện được mục tiêu trên, Tập đoàn Vingroup đã đưa ra hàng loạt nhóm giải pháp. Với mảng thương mại dịch vụ hiện có, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện và nâng cấp chất lượng và hiệu quả hoạt động

Thương mại dịch vụ không chỉ đóng vai trò là chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới, mà còn là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp

Với mảng công nghiệp, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện thông minh, gia dụng

Dự kiến ngay cuối năm nay, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới

Với mảng công nghệ, Vingroup xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có ba điểm chính. Đầu tiên là tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập Công ty VinTech, tách ra từ Công ty VinSmart

Công ty VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới

Công ty đã thành lập hai Viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (do ông Vũ Hà Văn, hiện là Giáo sư trường Đại học Yale, Mỹ làm Giám đốc khoa học) và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (do GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng)

Mũi nhọn thứ hai là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội

Mục tiêu của VinTech City là tạo ra hệ sinh thái toàn diện tương tự như thung lũng Silicon để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về CNTT, bao gồm từ các khu văn phòng làm việc tới chỗ ăn ở... và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đi kèm

Mũi nhọn thứ ba là lập Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu

Ngoài việc được hỗ trợ về tài chính, các đối tác của Vingroup sẽ được sử dụng hệ sinh thái của Tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm

Ngoài ra, VinTech còn lập Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong nước

Quỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào nghiên cứu và thực nghiệm các nghiên cứu khoa học công nghệ, góp phần nâng cao năng lực của các kỹ sư khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy sự đi lên của nền công nghệ và công nghiệp Việt Nam - Quỹ cũng sẽ hỗ trợ cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam

Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, qua 25 năm đầu tư và tích lũy, đến nay Vingroup đã hội tụ đủ các điều kiện để gia nhập lĩnh vực công nghệ - công nghiệp

Việc đầu tư mạnh vào hai mảng trên không chỉ giúp Vingroup nâng cao vị thế mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái về công nghệ - công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên bản đồ công nghệ - công nghiệp thế giới

Nguyên Đức
 
Last edited:
Vingroup sẽ trở thành tập đoàn công nghệ
Ngày 21/8/2018 tại Hà Nội, Tập đoàn Vingroup ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường Đại học hàng đầu Việt Nam đồng thời công bố định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai

Theo thỏa thuận, Vingroup và các trường đại học sẽ hợp tác 4 nội dung gồm: Tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; Trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; Giảng dạy và Chia sẻ tri thức; Vingroup cũng đặt các trường Đại học đào tạo với cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới



Đông đảo lãnh đạo các trường đại học, các nhà khoa học đã tham dự sự kiện

Tại lễ ký kết, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính

Để thực hiện được mục tiêu trên, Tập đoàn Vingroup đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, cụ thể

Với mảng thương mại dịch vụ hiện có - Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động. Thương mại dịch vụ không chỉ đóng vai trò là chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới, mà còn là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp


Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 54 trường Đại học Khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam

Với mảng công nghiệp, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện thông minh - gia dụng. Dự kiến ngay cuối năm nay, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới

Với mảng công nghệ, Vingroup xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có ba điểm chính. Đầu tiên là tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập Công ty VinTech, tách ra từ Công ty VinSmart. Công ty VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Công ty đã thành lập hai Viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT)


Trong khuôn khổ của Lễ ký kết, ngày 21/8/2018 Tập đoàn Vingroup đã chính thức ra mắt: Công ty Phát triển Công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu Công nghệ cao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ Ứng dụng

Mũi nhọn thứ hai là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội. Mục tiêu của VinTech City là tạo ra hệ sinh thái toàn diện tương tự như thung lũng Silicon để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin, bao gồm từ các khu văn phòng làm việc tới chỗ ăn ở... và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đi kèm

Mũi nhọn thứ ba là lập Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu. Ngoài việc được hỗ trợ về tài chính, các đối tác của Vingroup sẽ được sử dụng hệ sinh thái của Tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm




Lãnh đạo Vingroup trao đổi hợp tác với đại diện lãnh đạo các trường đại học

Ngoài ra, VinTech còn lập Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học - Công nghệ ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong nước. Quỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào nghiên cứu và thực nghiệm các nghiên cứu khoa học công nghệ, góp phần nâng cao năng lực của các kỹ sư khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy sự đi lên của nền công nghệ và công nghiệp Việt Nam - Quỹ cũng sẽ hỗ trợ cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định: “Trải qua 25 năm đầu tư và tích lũy, đến nay, Vingroup đã hội tụ đủ các điều kiện để gia nhập lĩnh vực công nghệ - công nghiệp. Việc đầu tư mạnh mẽ vào hai mảng trên không chỉ giúp Vingroup phát triển lên một tầm cao mới mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái về công nghệ - công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên bản đồ công nghệ - công nghiệp thế giới. Chúng tôi coi đó là sứ mệnh của mình và sẽ nỗ lực hết sức để hiện thực hóa khát vọng này”

Với lợi thế về tiềm lực tài chính, uy tín quốc tế, năng lực triển khai hiệu quả và hệ sinh thái đa dạng, Vingroup đang hội tụ những điều kiện cần và đủ để trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ trong tương lai

Trong khuôn khổ của Lễ ký kết Vingroup đã chính thức ra mắt

- Công ty Phát triển Công nghệ VinTech: VinTech được tách từ Công ty VinSmart. VinTech sẽ chủ động nghiên cứu, mua bản quyền các sáng chế về tổ chức thực nghiệm tại Việt Nam nhằm nhanh chóng đưa các sáng chế, công nghệ này vào sản xuất và cuộc sống. Đồng thời, VinTech sẽ thành lập các Trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và nguyên liệu thế hệ mới

- Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn: Nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn trong ngành Dữ liệu lớn như học máy, trí tuệ nhân tạo; tập trung phát triển khoa học ứng dụng. Song song với đó, Viện kết hợp giảng dạy và đào tạo trí thức cho ngành nghiên cứu Dữ liệu lớn còn đang rất sơ khai tại Việt Nam. Viện do Tiến sĩ Vũ Hà Văn hiện là Giáo sư trường Đại học Yale, Mỹ làm Giám đốc khoa học

- Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT): Viện Công nghệ đa ngành chuyên về nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ cao thuộc các lĩnh vực năng lượng mới; vật liệu mới; công nghệ sinh học, môi trường; cơ điện tử và các công nghệ liên quan đến Công nghệ - Công nghiệp cao. Viện do GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng

- Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ Ứng dụng: tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotics, tự động hóa, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới… với định hướng đưa ra các sản phẩm, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Quỹ cũng sẽ tài trợ học bổng cho các sinh viên tài năng của Việt Nam trong lĩnh vực Kĩ thuật Công nghệ để nuôi dưỡng các nhân tài

Minh Tuấn
 
Vingroup sẽ "châm ngòi" cho thay đổi về cách làm khoa học ở Việt Nam

photo1535010436841-1535010436843981303987.jpg

Thúc đẩy nền khoa học của cả một đất nước không thể chỉ dựa vào một cá nhân hay công ty. Dù vậy, những hành động ban đầu có thể trở thành "phát súng hiệu"

Vingroup sẽ tích hợp nghiên cứu khoa học cơ bản với nghiên cứu công nghệ

Vừa qua, Tập đoàn Vingroup vừa ra mắt Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Big Data, đều trực thuộc công ty VinTech. Vingroup đang trong giai đoạn chuyển đổi trong 10 năm tới, chuyển dịch thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ, trong đó công nghệ sẽ chiếm tỷ trọng chính

1p0a6547-15350103743881911107411.jpg

Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Vin Hi-Tech

"Kế hoạch phát triển công nghiệp chế tạo ô tô được VinFast đảm nhiệm", ông Nguyễn Quốc Sỹ, tân Viện trưởng Vin Hi-Tech nói tại cuộc gặp báo chí chiều 22/8. Ngoài những thông tin về mua công nghệ, bản quyền thiết kế, dây chuyền, ông Sỹ cho biết VinTech vừa được thành lập đã được giao nhanh chóng xúc tiến các nghiên cứu cả về cơ bản lẫn kỹ thuật để chủ động hơn về công nghệ

"Đấy là nhiệm vụ quan trọng cần thực thi", ông Sỹ nói. Ông nhấn mạnh sự độc lập dần trong công nghệ. Nguyên nhân, không một ai có thể xây dựng một nền khoa học, công nghệ nếu chỉ đi mua về. "Chưa có nước nào làm được như thế và không thể làm như thế được", ông khẳng định

Tập đoàn, trong quá trình rút ngắn, hay còn gọi là "đi tắt đón đầu" có thể đi mua công nghệ, thiết kế, tuy nhiên về lâu dài, những kỹ sư, nhà khoa học của Vingroup phải tự cáng đáng. Thậm chí, ngay cả khi mua máy móc, ông Sỹ cho biết Vingroup cũng buộc phải có một bộ phận thẩm định, kiểm tra xem có tương thích với sản phẩm của tập đoàn không. Bộ phận này hiện nằm trong Vin Hi-Tech

Đối với việc nghiên cứu, vị tân Viện trưởng nói rằng mô hình thế giới hiện nay không phân tách thành nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ, thay vào đó, trong nghiên cứu công nghệ có cả nghiên cứu cơ bản, ngoài ra còn bao gồm cả ứng dụng

"Chu trình này các nhóm nghiên cứu trên thế giới đều làm. Nếu chỉ tập trung nghiên cứu cơ bản thì sẽ bị loại bỏ vì không có nguồn cung tài chính. Trừ khi điều này diễn ra ở những nước rất giàu, còn trong điều kiện của Việt Nam và các nước xung quanh thì phải tích hợp vào chuỗi", ông Sỹ nói

Ông cũng nói thêm rằng đối với vật lý cơ bản, sắp tới Vin Hi-Tech sẽ có nhiều đề tài nghiên cứu về mảng này

Văn hoá làm khoa học mới

Ông Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Big Data nói rằng nhiệm vụ của viện là nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn là ngành Dữ liệu lớn như học máy, trí tuệ nhân tạo,... đào tạo một lớp trí thức mới, có kiến thức cao, năng động và độc lập...

1p0a6718-1535010304293455332165.jpg

Ông Vũ Hà Văn, GĐ Viện nghiên cứu Big Data

Bên cạnh đó, Viện còn có Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Quỹ này, ông Văn nói mục đích nhằm để hỗ trợ các trường đại học, những người nghiên cứu tại Việt Nam

Trong quá trình trở về nước giảng dạy, ông Văn cho biết đã chứng kiến nhiều người trẻ dù có khả năng, tham vọng nhưng gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện giấc mơ của mình. Quỹ có nhiệm vụ trợ sức cho những giấc mơ đó, đồng thời, ngăn cản xu hướng chảy máu chất xám

"Mức hỗ trợ sẽ là cao nhất có thể" ông Văn chia sẻ và cho biết tuy không có mức trần hỗ trợ nhưng tối thiểu cũng sẽ được từ 2 – 3 tỷ đồng/dự án. Quỹ hỗ trợ này sẽ bắt đầu nhận hồ sơ từ 1/1/2019

Những đề tài được Quỹ hỗ trợ không chỉ nhằm phục vụ cho Vingroup mà xa hơn, theo ông Văn là hướng đến thúc đẩy nền khoa học của Việt Nam. Theo đó, trong lâu dài, sẽ thay đổi văn hoá làm khoa học

Giám đốc khoa học Viện Big Data cũng nhấn mạnh nâng cao nền khoa học nước nhà không phụ thuộc vào một cá nhân xuất sắc hay một công ty nào, đó là việc làm của cả xã hội, có sự cộng tác của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở giai đoạn khó khăn, những bước chân đầu tiên, dù đi được 1 – 2 bước, cũng có thể tạo ra một phong trào sau đó

Đức Minh
 
Vingroup công bố sẽ dành 300 triệu USD hỗ trợ các ý tưởng công nghệ đột phá
Ngoài Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Hỗ trợ nghiên cứu Khoa học - Công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, Vingroup còn lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD, để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ


ceo.jpg

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup

Ngày 21/8, Vingroup bất ngờ công bố đầu tư mạnh để trở thành Tập đoàn công nghệ, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hệ sinh thái cộng đồng startup, với khát vọng góp phần đưa Việt Nam vào bản đồ công nghệ thế giới. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup đã chia sẻ xung quanh định hướng hoàn toàn mới này

Công nghệ sẽ là lĩnh vực số 1 của Vingroup


Từ việc đầu tư vào sản xuất ô tô, điện thoại và giờ là chuyển hướng trọng điểm sang công nghệ. Có phải Vingroup đang xa rời dần các lĩnh vực kinh doanh trước đây là cốt lõi như bất động sản, du lịch, y tế, giáo dục…thưa ông ?

Vingroup không xa rời các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu, chúng tôi chỉ bổ sung thêm các lĩnh vực mới để làm hoàn hảo thêm hệ sinh thái của mình. Định hướng là trong vòng 10 năm tới, Vingroup sẽ trở một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ có tầm quốc tế. Trong đó, công nghệ sẽ là hướng đi chủ lực

Vậy tương lai của sự thay đổi này sẽ như thế nào, thưa ông ?

Mảng thương mại dịch vụ hiện có sẽ được tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động để làm chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới, đồng thời cung cấp môi trường thực nghiệm đa dạng, hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp

Mảng công nghiệp gồm ô tô và sắp tới là điện thoại và các đồ gia dụng điện tử như TV thông minh, điều hòa thông minh, tủ lạnh… cũng sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Riêng mảng công nghệ, Vingroup xác định ba mũi nhọn chính để thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ

Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về ba mũi nhọn chính trong chiến lược phát triển công nghệ ?

Đầu tiên là thành lập Công ty VinTech nhằm tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng, để phát triển sản xuất phần mềm, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển nguyên vật liệu thế hệ mới, lập chuỗi các Viện như Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT)….

Tiếp theo là đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội

Thứ ba là lập ra các Quỹ như Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, ý tưởng trên phạm vi toàn cầu và Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Hỗ trợ nghiên cứu Khoa học – Công nghệ ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án trong nước, hỗ trợ cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam….

Ngày 21/8 vừa qua, chúng tôi đã đồng loạt ra mắt 1 công ty, 2 viện nghiên cứu, 1 Quỹ hỗ trợ trong nước và tiến hành ký kết với hơn 50 trường Đại học hàng đầu về công nghệ để chuẩn bị nguồn nhân lực trong 10 năm tới

Quy mô lớn là lợi thế nhưng cũng là sức ỳ với bất cứ tổ chức nào, nhưng dường như Vingroup đang triển khai mọi việc với tốc độ thần tốc....

Bạn đừng quên slogan của chúng tôi là: “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” và phong cách của chúng tôi là “miệng nói, tay làm”. Thực tế, sau 25 năm phát triển, Vingroup đã có thay đổi cơ bản về quản trị

Hiện tại, chúng tôi theo mô hình holdings, các Công ty thành viên (P&L) chủ động công việc, bộ máy tập đoàn chỉ tư vấn, kiểm soát, đánh giá nên Vingroup luôn duy trì được sự gọn nhẹ và năng động. Công ty VinTech chúng tôi mới thành lập trong lĩnh vực công nghệ - công nghiệp cũng sẽ hoạt động theo mô hình độc lập như vậy

Nghìn tỷ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp


Được biết, Vingroup bước đầu đã đầu tư hàng nghìn tỷ cho hướng đi mới này. Tiềm lực tài chính quả là lợi thế rất lớn của Vingroup…

Chúng tôi lại cho rằng, không chỉ tiền là đủ. Vingroup đã nghiên cứu rất kỹ mô hình của Silicon Valley, muốn thành công cần có hệ sinh thái hỗ trợ

Vì thế, bên cạnh việc tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu các nguyên vật liệu thế hệ mới, chúng tôi sẽ xây dựng khu tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao mang tên VinTech City theo mô hình Silicon Valley

Trong đó, chúng tôi không chỉ xây dựng ra các toà văn phòng, được trang bị đầy đủ hệ thống từ máy tính mà hỗ trợ đầy đủ về hệ sinh thái cần thiết, đi cùng đó là hỗ trợ về pháp lý, nhân sự, thủ tục hành chính, kế toán…

Trong thời gian 1-3 năm đầu, các công ty công nghệ khởi nghiệp sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí thuê văn phòng và 1 phần hoặc toàn bộ các phí dịch vụ còn lại

Người ta vẫn nói “không có bữa trưa nào miễn phí”. Vậy các startup sẽ phải trả lại gì cho Vingroup, thưa ông ?

Phần hỗ trợ là cho không, các dự án họ làm xong thì họ hưởng. Trong điều kiện cần vốn để phát triển thêm, cần chúng tôi đầu tư thì chúng tôi sẽ nghiên cứu thấy phù hợp sẽ hợp tác, hoặc không sẽ tư vấn, giúp đỡ gọi đầu tư. Hơn thế nữa, như đã nói ở trên, chúng tôi có các Quỹ đầu tư, không phải 1 mà là 2 quỹ

Thứ nhất là Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Hỗ trợ nghiên cứu KH-CN có mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng. Thứ hai là Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD, để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ. Tôi cho rằng như vậy chúng ta mới có đủ điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi

Nhưng với cách làm đó ông có nghĩ rằng các bạn trẻ khởi nghiệp sẽ ỷ lại việc được hỗ trợ từ Vingroup không ?

Đây không phải bao cấp, mà là sự hỗ trợ mang tính thúc đẩy và gỡ bỏ một phần các áp lực. Chúng tôi biết các nhà khởi nghiệp trẻ về công nghệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cản trở nên chúng tôi tạo chất xúc tác, như “mồi câu” ban đầu giúp mọi người có nền tảng để phát triển, từ đó thúc đẩy cho ngành công nghệ nước ta phát triển

Chúng tôi hỗ trợ 3 năm đầu và sản phẩm của họ phải chứng minh được tính hiệu quả. Và chúng tôi cho đó là trách nhiệm xã hội của Vingroup với đất nước


Thiên Lam
 
Vingroup lập công ty con về an ninh mạng và công nghệ phần mềm

Tập đoàn góp 100% vốn vào Vincss, Vinconnect và HMS

Thứ nhất, Vingroup lập Công ty TNHH dịch vụ an ninh mạng Vincss với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh nghiên cứu, phát triển an ninh mạng.

Thứ hai, Vingroup lập Công ty TNHH Giải pháp và dịch vụ công nghệ Vinconnect, vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin.

Công ty con số 3 hoạt động trong ngành sản xuất phần mềm có tên Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Phần mềm HMS. Vốn điều lệ 50 tỷ đồng
 
Vingroup ngày càng giống với hình mẫu của một chaebol Hàn Quốc

photo1561629788446-1561629788737-crop-156162985024310012971.jpg

"Với uy tín của chúng tôi, bất kỳ sản phẩm nào mà Vingroup tung ra thị trường đều bán rất chạy" - bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup nói với phóng viên Financial Times trong một cuộc gặp tại văn phòng mới của VinFast

Cách đây vài tuần, tôi (phóng viên của Financial Times) đã có một chuyến thăm Việt Nam. Từ Hà Nội đi về phía Đông, tôi có mặt tại thành phố cảng Hải Phòng. Tài xế đưa tôi qua một con đường nhỏ đến đảo Cát Hải, nơi có nhà máy của thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam, VinFast

Đó là một dự án trị giá 3,5 tỷ đô USD của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, được điều hành bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nhà máy đã được xây dựng trong khoảng 21 tháng - một công cuộc thần tốc đến nỗi, khi tôi mở Google Maps để kiểm tra vị trí của chúng tôi, ứng dụng định vị rằng tôi đang đứng giữa biển

Tại Việt Nam, Vingroup ngày càng giống với hình mẫu của một chaebol Hàn Quốc, một tập đoàn công nghiệp, như Huyndai hay Samsung, không chỉ thống lĩnh thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sản phẩm ra thế giới

Tập đoàn Vingroup, khởi đầu là một doanh nghiệp kinh doanh mì gói ở Ukraine đã lần lượt thành công trong lĩnh vực bất động sản, khu nghỉ dưỡng rồi mở rộng sang các siêu thị, trường học, y tế và gần đây là điện thoại thông minh và xe hơi

Vingroup cũng đã xây dựng một khách sạn năm sao và tòa nhà Landmark 81 - tòa nhà cao nhất Đông Dương ở thời điểm hiện tại - một vị trí đắc địa để ngắm nhìn toàn cảnh Thành phố Hồ Chí Minh

Khi F1 tổ chức cuộc đua đầu tiên tại Hà Nội vào năm tới, Vingroup sẽ là nhà tài trợ độc quyền. Hôm nay, người Việt có thể sống ở Vinhomes, gửi con cái họ đến Vinschool (và, từ năm 2020 sẽ có VinUni), đi nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng ở Vinpearl và sạc xe tay ga điện VinFast của họ tại VinMart

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch của Vingroup cho biết công ty sẽ là một nhà cung cấp hầu như đầy đủ hàng hóa và dịch vụ từ cơ bản đến trọng điểm cho một quốc gia đang tăng trưởng mạnh mẽ

"Với uy tín của chúng tôi, bất kỳ sản phẩm nào mà Vingroup tung ra thị trường đều bán rất chạy" - bà Thủy nói với Financial Times trong một cuộc gặp tại văn phòng mới của VinFast

Sự phát triển của Vingroup đã phản ánh rằng Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Nhà sáng lập Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng đồng thời cũng là người giàu nhất trong số năm tỷ phú của Việt Nam, theo tạp chí Forbes

Theo nhóm nghiên cứu thị trường Nielsen, tiền lương trung bình của người Việt tăng 17% và thu nhập khả dụng cá nhân tăng 29% trong giai đoạn 2014-2018. Tiền lương sẽ tăng thêm 30% và thu nhập sẽ còn tăng thêm 26% vào năm 2022

Nielsen lưu ý, tầng lớp giàu có ở Việt Nam đang tăng nhanh chóng, số lượng triệu phú ở Việt Nam sẽ tăng 170% lên 38.600 vào năm 2025

Không khó để thấy rằng nhiều người đang dành tình cảm cho Vingroup. Tập đoàn đã thành công trong việc tuyển dụng cả nhân lực Việt Nam, cả chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm về làm việc cho mình, bao gồm Jim DeLuca, cựu thành viên của General Motors, hiện đang là CEO của VinFast

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của tập đoàn cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng công ty có thể sẽ gặp rủi ro khi đầu tư vào một ngành cạnh tranh như sản xuất ô tô

Giáo sư Vũ Hà Văn cho biết, nghiên cứu các ứng dụng dữ liệu lớn sẽ cho phép Vingroup cung cấp nhiều dịch vụ hơn khi hoạt động của họ mở rộng sang điện thoại và TV thông minh, nhà ở và ô tô

Ví dụ, các cửa hàng VinMart có thể sử dụng công nghệ để thu thập thông tin thời gian khách hàng ở lại trong một khu vực nhất định của cửa hàng, từ đó hiểu được nhu cầu mua sắm của họ

Trung tâm AI cũng đang tiến hành nghiên cứu nhằm giúp đỡ cộng đồng khoa học nói chung, bao gồm cả kế hoạch xây dựng bản đồ bộ gen người Việt Nam

Thông qua một chương trình có lợi cho sự phát triển của đất nước, với khu vực công nghệ cao mới thành lập, Vingroup đang hỗ trợ học bổng cho sinh viên tài năng mà không đòi hỏi họ sau này phải làm việc cho tập đoàn. "Chúng tôi tin rằng lực lượng lao động phát triển cũng sẽ có lợi cho bản thân chúng tôi" - ông Văn cho biết

Hoài An
 
Sự trỗi dậy của đế chế Vingroup
Vingroup kinh doanh vô số mặt hàng, từ smartphone, bất động sản cho đến trường học. Tuy nhiên không ít người lo ngại về tầm ảnh hưởng của tập đoàn này

Vài tuần trước, từ Hà Nội, tôi đi tới cảng Hải Phòng. Tài xế đưa tôi tới đảo Cát Hải, nơi một công trình lớn đang thành hình. Đó là nhà máy ôtô VinFast, “thương hiệu xe hơi quốc gia” đầu tiên của Việt Nam

Dự án có tổng đầu tư 3,5 tỷ USD, Vingroup - công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam - xây dựng một nhà máy lắp ráp xe hơi trên nền đất bồi lấn ven biển. Cơ sở hiện đại này được hoàn tất trong vòng 21 tháng, nhanh đến mức khi tôi mở Google Maps để kiểm tra địa điểm thì ứng dụng xác định tôi đang đứng trên mặt biển

Ở Việt Nam, Vingroup được nhiều người đánh giá không khác gì một chaebol, tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc kiểu Hyundai hoặc Samsung, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn xuất khẩu hàng hóa ra thế giới

Thương hiệu Vingroup xuất hiện khắp nơi tại Việt Nam. Vingroup khởi đầu là một doanh nghiệp kinh doanh mì gói ở Ukraine, xây dựng uy tín trong ngành bất động sản và resort trước khi mở rộng kinh doanh ở những lĩnh vực như cửa hàng tiện lợi, trường học, bệnh viện và gần đây nhất là điện thoại thông minh và xe hơi

Hồi tháng 4, Vingroup khai trương khách sạn 5 sao tại Landmark 81, tòa nhà cao nhất Đông Dương, một địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn các tòa nhà cao tầng làm thay đổi đường chân trời TP.HCM

Khi giải đua xe Công thức 1 bắt đầu tại Hà Nội vào năm tới, Vingroup sẽ là nhà tài trợ độc quyền

Ở thời điểm này, tại Việt Nam chắc chắn có không ít người giàu có sống trong khu dân cư Vinhome, cho con cái học ở Vinschool (và từ năm 2020 Đại học VinUni), nghỉ mát ở resort Vinpearl và sạc xe điện VinFast tại một cửa hàng VinMart

Tốc độ mở rộng chóng mặt

Phó chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy mô tả tập đoàn này cung cấp dịch vụ và hàng hóa “đầu cuối” cho một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ

“Nhờ uy tín cao của Vingroup, bất cứ sản phẩm nào chúng tôi tung ra thị trường cũng bán chạy”, bà Thủy, cựu giám đốc ngân hàng Lehman Brothers, khẳng định khi tiếp tôi tại văn phòng của VinFast

Có thể nói sự phát triển của Vingroup cũng phần nào đó tương tự đất nước Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Nhà sáng lập Vingroup là người giàu nhất trong nhóm 5 tỷ phú USD của Việt Nam với khối tài sản ròng 7,6 tỷ USD, theo ước tính của tạp chí Forbes

Đất nước Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng. Theo hãng nghiên cứu thị trường Niesel, mức lương trung bình của người Việt Nam tăng 17%, thu nhập sau thuế tăng 29% từ năm 2014 đến 2018. Mức lương trung bình sẽ tăng thêm 30%, thu nhập sau thuế 26% vào năm 2022

Niesel cho biết số lượng người giàu tại Việt Nam tăng rất nhanh, bao gồm số triệu phú USD. Dự kiến tới năm 2025, số triệu phú USD tại Việt Nam sẽ tăng 170% lên 38.600 người

Trong vòng vài tháng nghiên cứu Vingroup, tôi đã quan sát được sự thay đổi của Việt Nam một cách rõ ràng hơn. Tôi di chuyển liên tục giữa Hà Nội và TP.HCM, tới đảo Phú Quốc nơi Vingroup đang xây một công viên safari và hàng nghìn phòng khách sạn

Tôi nói chuyện với những người đã theo dõi chặt chẽ sự vươn lên của Vingroup, từ các giám đốc công ty và cố vấn, nhà phân tích, nhân viên cũ mới cho tới các nhà hoạt động xã hội

Không khó để ngưỡng mộ Vingroup. Công ty này đã thành công trong việc tuyển dụng hàng loạt nhân sự Việt Nam và ngoại quốc có kinh nghiệm và trình độ để mở rộng hoạt động. CEO của VinFast là Jim DeLuca, cựu Phó chủ tịch General Motors

Mở rộng quá đà ?

Tuy nhiên tốc độ mở rộng chóng mặt của Vingroup cũng dẫn tới nhiều câu hỏi. Một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại công ty này đang mở rộng quá đà ra khỏi ngành bất động sản để kinh doanh trong lĩnh vực xe hơi có tính cạnh tranh và độ mạo hiểm quá lớn

Nhiều người Việt Nam bày tỏ lo ngại Vingroup và các công ty tư nhân lợi dụng mối quan hệ để mở rộng kinh doanh. Điều đó có thể dẫn tới nguy cơ các tập đoàn lớn sở hữu quá nhiều quyền lực, giống như các chaebol ở Hàn Quốc

“Để thành công tại Việt Nam, bạn phải nuôi dưỡng mối quan hệ tốt”, chuyên gia Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương nhận định

Khi viết bài báo này, tôi đọc được thông tin rằng nhiều khách hàng Vingroup đã gặp rắc rối sau khi lên tiếng chỉ trích tập đoàn này. Các bài chỉ trích Vingroup sau khi được đăng đột ngột biến mất trên các trang web và cả Facebook

Đặng Hoàng Giang, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ, cho biết người dân Việt Nam có quan điểm khá mâu thuẫn về Vingroup

“Một phần họ ngưỡng mộ Vingroup về những hạ tầng như khu dân cư, resort… Một phần khác, mà tôi là một trong số đó, lo ngại về những tác động tiêu cực tới môi trường từ các hoạt động kinh doanh của Vingroup, về chuyện tài sản công trở thành tài sản của Vingroup, về việc họ tìm cách lèo lái truyền thông và ngăn ngừa những chỉ trích”

Tỷ phú kín tiếng

Ông chủ Vingroup là Phạm Nhật Vượng, còn được nhiều người gọi là “Vượng Vin”. Tỷ phú giàu nhất Việt Nam là một người kín tiếng. Tôi được biết ông ấy chỉ trả lời phỏng vấn báo chí một lần mỗi năm

Ông Vượng sinh năm 1968 và lớn lên tại Hà Nội. Thời thập niên 1980, ông được đi học tại Đông Âu. Sau khi học đại học tại Moscow, ông chuyển tới Kharkiv ở Ukraine

Giai đoạn Liên Xô tan rã tạo ra những cơ hội kinh doanh béo bở cho bất kỳ ai đủ nhanh nhạy để nắm bắt. Ông Vượng ban đầu hợp tác với Lê Viết Lam, một sinh viên Việt Nam, người sau này trở thành ông chủ tập đoàn Sungroup

Năm 1993, hai người thành lập công ty Technocom, sử dụng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam, để thành lập Mivina, thương hiệu mì gói bán chạy nhất Ukraine

10 năm trước, ông Vượng bán công ty này cho Nestle với giá 150 triệu USD và đem số tiền này về nước để đầu tư. Đó là thời điểm hoàn hảo, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu tấn công Ukraine trong khi các cải cách thị trường thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam

Dự án lớn đầu tiên của ông Vượng là khu nghỉ dưỡng Vinpearl nằm trên một hòn đảo hoang sơ ở Nha Trang. Hiện nay, thỉnh thoảng các nhân viên Vingroup vẫn nói về việc ông Vượng vượt qua hàng loạt khó khăn về kỹ thuật để xây hệ thống cáp treo nối liền thành phố Nha Trang với Vinpearl

Sau thành công bước đầu đó, ông Vượng xây khu phức hợp văn phòng - căn hộ đầu tiên tại Hà Nội, Vincom Center Bà Triệu và một số khu dân cư ở Hà Nội cũng như TP.HCM. Phần lớn được xây dựng với sự hỗ trợ của cơ chế “xây dựng - chuyển giao”, nghĩa là nhà đầu tư được cấp đất để phát triển dự án, đổi lại phải xây dựng đường xá, hạ tầng

Năm 2012, ông Vượng sáp nhập Vinpearl, công ty kinh doanh khu nghỉ dưỡng, với Vincom, công ty bất động sản, để thành lập Vingroup. Một năm sau, Forbes xác định ông Vượng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam

“Câu chuyện của ông Vượng phản ánh sự phát triển của Việt Nam thời kỳ hậu chiến”, tạp chí này khen ngợi

Tham vọng xe hơi

Ở thời điểm này, chiến lược kinh doanh của ông Vượng vẫn được thực hiện theo đúng ý đồ này. Vingroup là môi trường làm việc đầy áp lực. Công ty áp dụng quy định trang phục nghiêm ngặt, nhân viên vi phạm sẽ bị trừ lương

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Vượng mô tả văn hóa của công ty được xây dựng dựa trên 3 giá trị là “lòng yêu nước, kỷ luật và văn minh”. Ông yêu cầu các nhân viên đọc cuốn Good to Great: Why Some Companies Make the Leap… and Others Don’t của Jim C. Collins

Vingroup đang tiếp tục mở rộng kinh doanh trong các ngành khác và liên tục tung ra sản phẩm mới. VinFast mới giới thiệu xe máy điện, nhưng đặt cược rằng nhiều người Việt Nam sẽ bỏ tiền ra mua xe hơi. Hoạt động sản xuất mẫu sedan đầu tiên của VinFast đã bắt đầu trong tháng này

Năm ngoái Việt Nam đưa ra các quy định mới hạn chế nhập khẩu xe hơi nước ngoài. Những quy định này có lợi cho các nhà sản xuất xe hơi ở Việt Nam. Chính phủ cũng công bố kế hoạch hạn chế xe máy gây ô nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM

Khi tôi hỏi bà Thủy rằng Vingroup có tác động đến các chính sách giao thông, bà phản bác: “Chúng tôi không bao giờ vận động hành lang”

Nói về kế hoạch của ông Vượng với Vingroup, bà Thủy cho biết công ty này có nhiệm vụ “dẫn dường” trong nhiều ngành công nghiệp với mục tiêu trở thành người dẫn đầu

“Chúng tôi rất may mắn bởi trong những năm qua, chính quyền đã hỗ trợ khu vực tư nhân mạnh mẽ. Chúng tôi may mắn vì ở vị trí chính xác và đang làm tất cả vì lợi ích của đất nước”, bà Thủy nói

Giấc mơ AI

Sự xâm nhập của Vingroup vào tất cả các lĩnh vực của đời sống tại Việt Nam sẽ còn tiếp diễn. Năm ngoái công ty gây ngạc nhiên khi tuyên bố thành lập doanh nghiệp kinh doanh điện thoại VinSmart và cơ sở nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu

Ông Vượng tuyển hàng loạt nhân tài cho các chi nhánh này, bao gồm một số Việt kiều. Giáo sư Vũ Hà Văn, từng học tiến sĩ tại Đại học Yale, trở thành cố vấn về AI cho Vingroup

Tôi nói chuyện với giáo sư Văn tại khu căn hộ Times City ở Hà Nội. Nơi đây ngoài các căn hộ còn có bệnh viện Vinmec, trường Vinschool, trung tâm mua sắm Vincom Mega Mall và Thủy cung Vinpearl Aquarium

Trong văn phòng của Vingroup, nơi có treo ảnh Bill Gates và Steve Jobs, giáo sư Văn cho biết hoạt động nghiên cứu dữ liệu sẽ giúp Vingroup phát triển thêm nhiều dịch vụ khi mở rộng kinh doanh ở các mảng điện thoại, tivi, nhà thông minh và xe hơi

Ví dụ chuỗi siêu thị VinMart có thể sử dụng “máy quay thông minh” để xác định khoảng thời gian khách hàng dừng lại ở một khu vực nào đó của cửa hàng

Ông Văn nói rằng nhóm AI đang thực hiện những nghiên cứu “để giúp cộng đồng khoa học nói riêng và xã hội nói chung”. Một dự án của họ là lập bản đồ gen của người Việt Nam. Thông qua một chương trình có thể đem lại lợi ích cho ngành công nghệ cao còn non trẻ của Việt Nam, Vingroup cấp học bổng cho các sinh viên tài năng mà không kèm điều kiện là phải trở về làm việc cho công ty

“Đằng nào thì chúng tôi cũng sẽ được hưởng lợi khi lực lượng lao động của cả đất nước phát triển”, ông Văn khẳng định

Tuy nhiên, khi Vingroup và các công ty tư nhân khác mở rộng tầm ảnh hưởng và đầu tư vào các công nghệ mới, nhiều người cho rằng cần phải có cơ chế giám sát họ

Giám sát mạng xã hội

Khi tôi lần đầu viết về VinFast cho Financial Times hồi năm 2018, công ty liên hệ với tôi chỉ vài phút sau khi bài báo của tôi xuất hiện trên mạng. Họ đề nghị tôi xóa một câu về mối quan hệ giữa Vingroup với BMW. Vingroup không phủ nhận thông tin này và Financial Times từ chối yêu cầu đó

Kiến trúc sư Sơn Đặng ở Nha Trang cho biết ông phát hiện Công viên Safari Phú Quốc của Vingroup được xây lấn vào vườn quốc gia. Ông viết bài về vấn đề này và đăng trên Facebook, sau đó được BBC Việt ngữ dẫn lại. “Sau khi tôi đăng bài, có rất nhiều bình luận chỉ trích tôi và bênh Vingroup xuất hiện”, ông nói. Ông còn cho biết bị quấy rối ngay tại nhà

Tại Hà Nội, tôi gặp một nhóm doanh nhân. Năm người mua căn hộ ở khu Vinhomes Skylake cho biết họ đã trả mức giá trên mỗi m2 thuộc vào loại cao nhất Hà Nội để mua căn hộ mà họ không muốn chuyển đến ở. Họ bức xúc vì đến giờ dự án vẫn chưa có hồ điều hòa và đường xá như đã hứa

Và các nhà đầu tư này rất ngạc nhiên vì phản ứng của Vingroup. Hồi tháng 1, khoảng 250 khách hàng mua nhà ở khu Skylake gặp đại diện Vingroup để chất vấn về sự chậm trễ này. Sau cuộc gặp đó, một số khách hàng cho biết họ nhận tin nhắn điện thoại với nội dung “đe dọa sự an toàn” của các thành viên gia đình họ

Khi tôi hỏi Vingroup về những vấn đề này, công ty trả lời “thông tin đó là không chính xác, không có cơ sở thực tế, chỉ là tin đồn vô căn cứ”

Khi được hỏi về tranh chấp Skylake, Vingroup giải thích UBND Hà Nội sẽ thực hiện các công trình công cộng và “chúng tôi không thể can thiệp”. Họ nói vấn đề này “đã được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà” và đã giải thích cho khách hàng, “nhưng một số không chịu hiểu”

Đỗ Thanh Huyền sống ở Hà Nội cho biết một nhân viên Vingroup đã liên hệ với cô khi cô viết trạng thái than phiền chuyện một máy trộn xi măng nằm chình ình trên vỉa hè tại một khu Vinhomes, khiến người đi bộ phải đi xuống đường

Nhân viên Vinhomes nói đang xử lý vấn đề và đề nghị cô gỡ dòng trạng thái đó, nhưng cô từ chối. “Chuyện Vingroup không phải là chuyện xe hơi, xe máy điện, AI hay trường học. Đó là chuyện họ muốn kiểm soát xã hội. Chúng ta cần học bài học từ các chaebol (ở Hàn Quốc)”, cô nhấn mạnh

Vingroup xác nhận họ có theo dõi mạng xã hội với mục tiêu “phản ứng nhanh để bảo vệ lợi ích của khách hàng”. “Thông thường những người viết than phiền trên mạng xã hội sẽ tự nguyện sửa hoặc gỡ bài viết”, đại diện Vingroup nói với tôi

Quá lớn để sụp đổ ?

Cuộc tranh luận về Vingroup diễn ra trong một thời điểm quan trọng. Các chaebol là nền tảng của “phép màu phát triển kinh tế” Hàn Quốc, nhưng các tập đoàn này cũng liên tục khiến hệ thống tài chính Hàn Quốc chấn động và dính líu tới nhiều vụ scandal

Một chuyên gia Hàn Quốc nói có nguy cơ các công ty mới nổi ở Việt Nam có thể trở thành “quá lớn để sụp đổ”, dẫn tới nhiều hậu quả với nền kinh tế và xã hội

“Nếu Vingroup và các công ty khác kiểm soát phần lớn hệ thống sản xuất của Việt Nam và tuyển dụng phần lớn nguồn nhân lực, chính quyền có thể phải dựa vào họ khi xem xét các chính sách kinh tế”, giáo sư Woochan Kim thuộc Đại học Hàn Quốc (Seoul) nói

“Quản trị doanh nghiệp sẽ trở nên khó khăn, và truyền thông sẽ bị phụ thuộc nặng nề vào doanh thu quảng cáo. Khi đó, truyền thông sẽ không dám đưa tin về scandal của những công ty này”, giáo sư Kim phân tích

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng và thị trường bất động sản luôn nóng, Vingroup có nhiều điều kiện để tiếp tục phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, sự phát triển của các công ty không bao giờ đi theo một đường thẳng, kể cả những tập đoàn lớn nhất


John Reed
 

Attachments

  • upload_2019-6-28_19-37-21.png
    upload_2019-6-28_19-37-21.png
    277 bytes · Views: 1
Last edited:
Đường đến ngôi vị bá chủ của Vingroup

Chỉ mất một thập niên kể từ dự án đầu tiên, Vingroup đã vượt qua những tên tuổi sừng sỏ để trở thành tập đoàn địa ốc lớn nhất Việt Nam

Đường đến ngôi vị bá chủ của Vingroup


Người về từ Đông Âu

30 năm trước, vào một ngày tháng 8, ông Phạm Nhật Vượng cùng với 3 “chiến hữu” đã ngồi lên một chiếc ô tô Lada màu đỏ, đi tới thành phố Kharkov (Ukraine) để khởi nghiệp. Năm đó, ông Vượng mới 25 tuổi, vừa mới kết hôn. Có lẽ không ai, kể cả chính ông Vượng, có thể hình dung được, đây sẽ bước đi thay đổi cuộc đời ông

Ở Ukraine, vợ chồng ông Vượng bắt tay vào sản xuất mì ăn liền với cái tên “Mivina”. Chỉ 2 năm sau đó, “Mivina” trở nên nổi tiếng và trở thành thương hiệu chung cho nhiều loại sản phẩm như bột canh, khoai tây ăn liền, mì trứng, bánh mì sấy, xì dầu, tương ớt, bim bim…

Tới năm 2009, thương hiệu “Mivina” được định giá lên tới hơn 1 tỷ USD. Có được lợi nhuận lớn từ “Mivina”, ông Vượng tính chuyện đầu tư về Việt Nam và lĩnh vực ông lựa chọn là bất động sản. Hai công ty đầu tiên được thành lập cho nhiệm vụ này là Công ty Hòn Tre (năm 2001, sau được đổi tên thành Vinpearl) và Công ty Tổng hợp Việt Nam (năm 2002, sau được đổi tên thành Vincom)

Tháng 3/2003, tổ hợp tháp đôi văn phòng, trung tâm thương mại ở phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội (tức Vincom Bà Triệu) do Công ty Vincom làm chủ đầu tư được khởi công. Cuối năm ấy, khách sạn Vinpearl Resort Nha Trang – do Công ty Vinpearl làm chủ đầu tư, cũng được khai trương

Đây là 2 dự án chẳng những đã khởi đầu cho hành trình rực rỡ của Vingroup mà còn là dấu mốc quan trọng của thị trường bất động sản Việt Nam. Vincom Bà Triệu có thể xem là trung tâm thương mại hiện đại đầu tiên ở Hà Nội, còn Vinpearl Nha Trang là một trong những dự án đã mở ra kỷ nguyên của bất động sản nghỉ dưỡng ở nước ta

Năm 2007, Công ty Vinpearl niêm yết trên HoSE. Một năm sau đó, đến lượt Vincom. Tới năm 2009, ông Vượng rút toàn bộ hoạt động ở Ukraine về trong nước

Từ năm 2010, Vingroup bắt tay vào thực hiện một chiến dịch đầu tư bất động sản rất lớn, khởi đầu là 2 dự án rất lớn tại TP. HCM và Hà Nội, lần lượt là Vincom Center và Royal City, được tiếp sau bởi những: Times City, Vinhomes Riverside (Hà Nội), Vinpearl Luxury Nha Trang, Vinpearl Golf Club Nha Trang (Khánh Hòa), Vinpearl Luxury Đà Nẵng (Đà Nẵng)

Những dự án này đều được triển khai trong giai đoạn 2010 – 2013, là những năm “bão giông” của thị trường bất động sản Việt Nam, khi hàng loạt tên tuổi thua lỗ, gục ngã hoặc phải tháo chạy khỏi thị trường địa ốc (điển hình như “ông lớn” Hoàng Anh Gia Lai)

Mạo hiểm nhưng đầy nỗ lực, cú ngược dòng ngoạn mục này đã mang lại cho Vingroup thành quả to lớn. Từ năm 2010 đến năm 2013, doanh thu của Vingroup tăng gấp 5 lần, từ gần 3.900 tỷ đồng lên hơn 18.300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần, từ hơn 2.400 tỷ đồng lên hơn 7.100 tỷ đồng

Từ kẻ đi sau, Vingroup vươn lên thành người dẫn đầu, là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất cả nước. Bản thân ông Phạm Nhật Vượng, sau cú hợp nhất Vinpearl vào Vincom vào năm 2012, cũng đã trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam vào năm 2013 với khối tài sản 1,5 tỷ USD, xếp thứ 974 trên thế giới

Thập liên bá

Thành công ngay trong khủng hoảng đã đưa Vingroup tiến vào giai đoạn phục hồi – tăng trưởng của thị trường bất động sản (2014 – 2019) với vị thế gần như tuyệt đối so với các đơn vị khác, vốn dĩ đang loay hoay bước ra từ đống tro tàn hoặc mới bắt đầu tạo lập “đế chế”

Xét về doanh thu, từ 2014 đến 2019, doanh thu của Vingroup tăng nhanh tới mức chóng mặt, từ hơn 27.700 tỷ đồng lên hơn 130.000 tỷ đồng, tức trung bình mỗi năm tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng, lớn hơn bất kỳ doanh nghiệp địa ốc nào khác

Đó là chưa nói từ năm 2013, Vingroup đã lập ra Vinhomes (niêm yết 2018 với mã VHM) và sau đó là Vincom Reatail (niêm yết 2017 với mã VRE). Đây là 2 doanh nghiệp thống trị 2 phân khúc: nhà ở và trung tâm thương mại

Doanh thu của Vinhomes từ 2015 đến 2022 đã tăng từ 4.900 tỷ đồng lên 62.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng từ 790 tỷ đồng lên 28.800 tỷ đồng. Doanh thu của VRE từ 2014 đến 2022 đã tăng từ khoảng 1.900 tỷ đồng lên hơn 7.300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng từ 105 tỷ đồng lên 2.700 tỷ đồng

Để có được sự tăng trưởng mạnh mẽ đó, trong các năm 2014 – 2019, Vingroup đã cho triển khai một số lượng dự án “khổng lồ”, có quy mô từ lớn đến rất lớn, trải rộng từ Nam ra Bắc, thuộc nhiều phân khúc khác nhau của thị trường bất động sản như: chung cư, biệt thự - liền kề, bất động sản nghỉ dưỡng, sân gôn, công viên giải trí, trung tâm thương mại…

Cái tên ấn tượng đầu tiên trong giai đoạn này là Vinhomes Central Park (Tân Cảng, TP. HCM), khởi công năm 2014. Dự án có quy mô 44ha, gồm 18 tòa tháp chung cư cao tầng, trong đó nổi bật là Landmark 81 (81 tầng), cao nhất Việt Nam

Trong cùng năm này, Vingroup cũng khai trương tổ hợp Vinpearl Phú Quốc (giai đoạn 1) – tổ hợp du lịch, giải trí 5 sao có tổng quy mô 300ha, mở đầu cho chuỗi du lịch nghỉ dưỡng của tập đoàn tại Phú Quốc

Nối tiếp các dự án trên, Vingroup cho triển khai một loạt dự án nhà ở đình đám: Vinhomes Golden River (TP. HCM), Vinhomes Gardenia, Vinhomes Sky Lake, Vinhomes Thăng Long, Vinhomes Westpoit, Vinhomes Greenbay (Hà Nội)…

Đặc biệt, năm 2018 - 2019, Vingroup liên tục ra mắt 3 đại dự án quy mô hàng trăm hecta gồm: Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City (Hà Nội), Vinhomes Grand Park (TP. HCM). Ba 3 dự án này là 3 “bom tấn”, đã làm khuynh đảo thị trường nhà ở tại 2 thành phố lớn nhất cả nước cũng như góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo khu vực phía đông của Hà Nội và TP. HCM

Điều đáng nói hơn nữa là Vingroup đã làm tất cả kinh ngạc khi triển khai các đại dự án này với tốc độ cực kỳ nhanh chóng, chỉ mất vài năm, trong khi các dự án có quy mô tương tự thường mất ít nhất 10 năm, thậm chí có những dự án kéo dài gần 30 năm vẫn mới chỉ hoàn thành được một phần

Từ năm 2020 đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Vingroup không còn được duy trì, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 (kéo dài từ 2020 đến 2022), tiếp theo là cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản (từ giữa 2022 đến nay). Tuy nhiên, doanh thu các năm 2020 – 2022 của tập đoàn này vẫn duy trì từ 100.000 – 120.000 tỷ đồng, lớn nhất trong nhóm địa ốc

Vingroup vẫn đang và/hoặc ấp ủ kế hoạch triển khai các đại dự án khác trên mọi miền đất nước, như: Hạ Long Xanh (Quảng Ninh), Vinhomes Vũ Yên (Hải Phòng), Vinhomes Cổ Loa, Vinhomes Đan Phượng (Hà Nội), Vinhomes Cần Giờ (TP. HCM)... Tập đoàn cũng tuyên bố sẽ phát triển 500.000 căn nhà ở xã hội với thương hiệu Happy Home trên toàn quốc

Có thể nói, giai đoạn 2013 – 2023 của Vingroup là một thập niên vàng. Đó cũng là 10 năm tập đoàn này chễm chệ trên vị trí số 1 thị trường bất động sản Việt Nam - một “thập liên bá” mà có lẽ sau này sẽ không có doanh nghiệp địa ốc nào tái lập được

Nhìn từ xa

Vingroup đã xuất hiện trên thị trường bất động sản Việt Nam được hơn 20 năm, có đóng góp rất lớn đối với thị trường cả về quy mô lẫn trình độ phát triển. Những dự án của tập đoàn này không chỉ đi đầu về chất lượng (quy hoạch hiện đại, đầy đủ pháp lý, thi công tốt, bàn giao đúng hoặc vượt tiến độ, đồng bộ tiện ích dịch vụ, quản lý chuyên nghiệp), có khả năng dẫn dắt xu hướng phát triển của thị trường, mà còn tạo ra sự đổi thay rất lớn của những vùng đất nơi dự án được xây dựng

Điều đáng nói khác là ngay từ đầu, Vingroup đã định vị được thương hiệu của mình như một chuẩn mực của sự cao cấp và duy trì điều đó cho đến tận ngày nay. Có thể nói không ngoa, trong lịch sử 30 năm của thị trường bất động sản Việt Nam, chưa có tập đoàn nào có ảnh hưởng lớn và mạnh mẽ đến như vậy. Trong tương lai, nếu không có biến cố nào nghiêm trọng, Vingroup chắc chắn vẫn sẽ dẫn đầu và tỏa sức ảnh hưởng của mình đến phần còn lại, như những gì tập đoàn này đã làm trong mười mấy năm qua
 
Top