What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

AliboboHIS & Đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa

LOBBY.VN

Administrator
Cơ hội để y tế nước nhà phát triển bền vững​

- Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2) năm nay, tại Hà Nội, bộ Y tế chính thức triển khai dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Nếu đọc kỹ dự án, nhiều người có quyền hy vọng nó sẽ không đi theo vết xe đổ của những dự án y tế mang nặng tính phong trào trước đây

Khoảng cách chăm sóc y tế quá lớn

Có thể khẳng định ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong những năm qua. Nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến nước ngoài được bác sĩ trong nước học tập rất nhanh, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và nâng cao tuổi thọ của người dân. Các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện nhiều ca cứu chữa ngoạn mục, khiến đồng nghiệp nước ngoài phải ngả mũ bái phục. Y tế nước ta cũng từng đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm, là bài học cho nước ngoài tham khảo

Thế nhưng, nếu phân tích cặn kẽ, ai cũng phải thừa nhận rằng sự phát triển của y tế nước nhà chưa thật sự bền vững. Bền vững sao được khi thống kê cho thấy trong 63 tỉnh/thành phố cả nước số bác sĩ tuyến huyện chiếm 30% tổng số bác sĩ cả nước (16.213/57.066 người), nhưng trên thực tế nhân lực ở nhiều bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện nghèo còn quá nhiều bất cập

Có những bệnh viện huyện ở Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái hay Lai Châu chỉ có 7 – 8 bác sĩ/bệnh viện, trong đó chỉ có 1 – 2 bác sĩ chuyên khoa 1! Ở một số trung tâm y tế huyện như tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Nghệ An chỉ có 4 – 5 bác sĩ/trung tâm và số bác sĩ chuyên khoa 1 – trình độ cao nhất ở đó – cũng chỉ là 1 – 2 người

Thiếu số lượng đã đành, nhưng chất lượng bác sĩ cũng không khá mấy, bởi ở nhiều vùng sâu, vùng xa không ít người dân ở đó đã bị tước đoạt cơ hội được chữa trị đúng mức, thậm chí còn phải chịu những tai biến y khoa mà nguyên nhân có phần từ tay nghề chưa tốt của người thầy thuốc

Chất lượng chăm sóc y tế ở vùng sâu, vùng xa không tốt nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ tử vong dưới năm tuổi và tử vong mẹ khi sanh nở ở những nơi đó cao hơn những vùng còn lại. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh khu vực cực chẳng đã phải chạy lên y tế tuyến trên chữa bệnh, đồng nghĩa với kham thêm gánh nặng chi phí, thậm chí có thể làm bần cùng hoá họ

Trông đợi một dự án thiết thực

Lâu dài, cũng phải hướng tới việc luật hoá, buộc mọi bác sĩ trẻ khi ra trường đều phải đi công tác ở vùng sâu, vùng xa như một trách nhiệm xã hội của nghề nghiệp. Ngoài ra, ngành y tế cũng cần kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, những người có tâm huyết mang lại điều tốt đẹp cho người nghèo

Nhiều năm trước ngành y tế cũng từng chủ trương đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về công tác ở vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ người dân, thu ngắn sự bất bình đẳng trong chăm sóc y tế giữa các vùng miền. Tuy nhiên, chủ trương này “sớm nở, tối tàn” vì nhiều lý do khác nhau

Có lý do người bác sĩ khi đến vùng sâu, vùng xa công tác bị ràng buộc quá nhiều trách nhiệm nhưng gần như không có quyền lợi nào đi kèm. Có lý do bác sĩ trẻ thừa nhiệt huyết, nhưng thiếu chuyên môn, không am hiểu phong tục, tập quán người dân, khiến địa phương nơi đó dần dà mất niềm tin

Dự án lần này hoàn toàn khác. Đối tượng được chọn phải là bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy loại khá/giỏi, bác sĩ nội trú tại các trường đại học y trong cả nước, hoặc đã có bằng chuyên khoa cấp 1, thạc sĩ y khoa trở lên. Ngoài ra, bác sĩ phải có phẩm chất đạo đức tốt, sức khoẻ tốt, ưu tiên những bác sĩ là người thuộc tỉnh có bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện tham gia dự án, người biết tiếng dân tộc thiểu số và am hiểu phong tục, tập quán địa phương

Thời gian cho mỗi bác sĩ tình nguyện công tác là ba năm (nữ hai năm). Khi công tác, bác sĩ sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của đơn vị cũng như địa phương. Công tác xong, bác sĩ sẽ được tiếp nhận về công tác tại các bệnh viện trực thuộc bộ Y tế

Đối với các bác sĩ mới ra trường tốt nghiệp loại khá, giỏi hoặc chưa có bằng chuyên khoa cấp 1, thạc sĩ y khoa, khi tham gia dự án sẽ được học tập trung liên tục trong 20 tháng để xét cấp chứng chỉ hành nghề, bằng chuyên khoa cấp 1; còn người đã có bằng chuyên khoa cấp 1, thạc sĩ thì được ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề

Cần sự chung tay của xã hội

Theo PGS.TS.BS Phạm Lê An, trưởng trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình đại học Y dược TP.HCM, đưa bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn tốt về vùng sâu, vùng xa là dự án rất tốt, giúp thu hẹp sự bất công trong chăm sóc y tế giữa người giàu, người nghèo và giữa các vùng có điều kiện kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, để dự án phát triển bền vững, việc đào tạo y khoa hiện nay cũng cần điều chỉnh ít nhiều

Ông nói: “Ở nhiều trường đại học y khoa hiện nay sinh viên được học nặng về kỹ năng thăm khám nội trú, mà nhẹ về thăm khám ngoại trú cũng như ít được cung cấp kiến thức chăm sóc ban đầu. Như thế, nếu về vùng sâu, vùng xa làm việc, bác sĩ trẻ dù giỏi đến mấy cũng không khỏi bỡ ngỡ, khó làm việc, từ đó họ có thể bỏ cuộc giữa chừng”

Vài nét về dự án

Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2016: đưa khoảng 500 bác sĩ trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, trong đó ưu tiên cho 62 huyện nghèo nhằm giải quyết sự thiếu hụt về nhân lực, đặc biệt là bác sĩ

Cuối năm 2016, sẽ tổng kết dự án và triển khai giai đoạn 2 bao gồm việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội của đội ngũ thầy thuốc trẻ trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân trình cấp có thẩm quyền ban hành

Từng làm việc nhiều ở Thái Lan, quốc gia tương đồng về y tế như nước ta và có chính sách đưa bác sĩ về tuyến dưới rất tốt, PGS.TS.BS Phạm Lê An lưu ý dự án cần kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội và cộng đồng

Ông cho biết, ở Thái Lan, chính sách đưa bác sĩ ra trường về vùng sâu, vùng xa đã thành luật. Ngoài ra, các nhà chùa (Phật giáo phát triển rất mạnh ở nước này) là chỗ dựa chủ lực khi kêu gọi cộng đồng hỗ trợ trang thiết bị, máy móc cho các cơ sở y tế vùng khó khăn, ai tham gia sẽ được ghi nhận công đức trong chùa

Cách làm và kinh nghiệm của Thái Lan đáng để nền y tế nước ta tham khảo. Nên chăng về lâu dài, các bộ, ban, ngành cần ngồi lại với bộ Y tế để cùng đưa ra những chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để giúp các bác sĩ trẻ an tâm công tác mà không thiệt thòi quyền lợi (thí dụ ưu tiên nâng lương trước hạn, đi học nước ngoài hoặc đề bạt các chức vụ sau này)

Lâu dài, cũng phải hướng tới việc luật hoá, buộc mọi bác sĩ trẻ khi ra trường đều phải đi công tác ở vùng sâu, vùng xa như một trách nhiệm xã hội của nghề nghiệp. Ngoài ra, ngành y tế cũng cần kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, những người có tâm huyết mang lại điều tốt đẹp cho người nghèo

Nếu làm tốt những điều trên, hy vọng trong tương lai không xa nước nhà sẽ có được những chuyên gia đầu ngành y học giỏi xuất phát từ chính những người hôm nay từng tình nguyện về làm việc ở vùng sâu, vùng xa

Bởi họ chính là những người có chuyên môn giỏi, trải nghiệm thực tế, có tinh thần xung kích, chấp nhận gian khổ, và đặc biệt là biết sẻ chia với người bệnh và cộng đồng. Đó cũng là những phẩm chất của một người bác sĩ có tài, có tâm cần có mà cách giáo dục y khoa và những chính sách y tế hiện nay chưa trang bị được nhiều cho sinh viên

Phan Sơn
 
Top