What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Công ty mía đường Lam Sơn

LOBBY.VN

Administrator
Chủ tịch Mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam
Từ "vị đắng" của đường đến "tiếng thơm" cùng cây mía​

Ở tuổi 75, mái tóc ông đã trắng như cước bởi màu thời gian nhưng “tiếng thơm” về Người anh hùng Lê Văn Tam vẫn vẹn nguyên cùng cây mía và bà con nông dân vùng đất Lam Sơn như cách đây 3 thập kỷ

DN-le-van-tam-1.jpg

Doanh nhân Lê Văn Tam​

Đó là thời điểm ông Lê Văn Tam mới đảm nhận chức Giám đốc, Nhà máy Mía đường Lam Sơn đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ, ông và người lao động đã phải nếm trải “vị đắng” của mía đường. Với sự quyết tâm chèo lái của ông, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) tỉnh Thanh Hóa từ chỗ bên bờ vực phá sản trở thành Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, con chim đầu đàn của ngành mía đường Việt Nam

Cuộc thoát nạn đầu tiên

Với nhiều người, trước nhiệm vụ khó khăn này có thể tìm cách thoái thác, không ai dại gì đảm nhận nhiệm vụ chèo lái một nhà máy mà xây dựng 4 năm vẫn chưa xong và đang có nguy cơ bị tháo dỡ đem đi nơi khác, kèm theo đó là nợ nần triền miên. Ngay như bạn bè, người thân của ông cũng lo lắng và khuyên không nên lên vùng heo hút, nghèo khó để cho tương lai bị thụt lùi

Với trình độ, năng lực và cương vị Phó Giám đốc Nông nghiệp lúc đó thì con đường thăng quan tiến chức là rất xán lạn. Nhưng ông Tam lại hoàn toàn nghĩ khác, bởi lý do rất đơn giản: mình là cán bộ, đảng viên nếu gặp việc khó mà rút lui thì chẳng bao giờ có thể làm nên được việc gì

Tổ chức lúc khó khăn mới cần đến những cán bộ như mình để chèo chống, cùng nhau vượt qua thách thức mới có thể phát triển và tiến bộ lên được. Vì vậy, khi được bổ nhiệm vào chiếc ghế nóng ông không nề hà, lảng tránh. Ngược lại ông rất tự tin sẽ tìm được biện pháp để xây dựng thành công và đưa nhà máy phát triển

Đúng ba ngày chân ướt chân ráo lên nhà máy, người ta đã thấy ông Tam cắp cặp đến gõ cửa Ngân hàng Nông nghiệp của tỉnh Thanh Hoá để vay tiền. Nhưng ông đã bị ngân hàng từ chối thẳng thừng, với lý do: nhà máy đang trong cảnh nợ nần triền miên và đang bên bờ vực phá sản, vì vậy không thể cho vay được

Ngân hàng tỉnh không xong, ông lại lặn lội ra Hà Nội nhờ cậy ngân hàng Trung ương và bạn bè. Lần này, nghe ông trình bày về nguyện vọng cần vay vốn mua thiết bị hoàn thành nhà máy, để xoá đói giảm nghèo cho người nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam đồng ý cho vay 500 triệu đồng. Với một nhà máy đang có nguy cơ phá sản mà được cho vay vốn đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến: “Vui thì vui thật, nhưng số tiền này vẫn chưa đủ để mua sắm thiết bị hoàn thiện nhà máy” – ông Tam không khỏi lo lắng

Những ngày ở Hà Nội xoay vốn, trong lòng ông lúc nào cũng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Nhưng trời không phụ lại sự nhiệt tình của ông, bên ông vẫn còn bạn bè từ hồi học đại học đã thành danh, có người làm chức này, chức kia, nhưng quan trọng là họ rất nhiệt tình cùng ông tìm cách tháo gỡ khó khăn

Có được 1 tỷ đồng trong tay, Giám đốc Tam cho triển khai ngay kế hoạch mua sắm thiết bị để hoàn thành nhà máy và tiến hành tổ chức sản xuất. Bằng quyết tâm của nội lực, cùng với sức sáng tạo, ý chí quyết tâm của cán bộ công nhân viên, cùng các đoàn chuyên gia của các bộ, ngành, trường đại học, các học viên kỹ thuật đã tự nghiên cứu chế tạo các loại thiết bị thiếu và lắp đặt hoàn chỉnh

Đúng gần 2 năm sau, nhà máy đã đi vào hoàn thiện và ngày 2/11/1986 đi vào sản xuất vụ đầu tiên và làm ra được 14 nghìn tấn đường thành phẩm. Vậy là bao nhiêu năm bị ngưng trệ, nhà máy đã đi vào vận hành, niềm vui của cán bộ công nhân viên và nhân dân vùng đất Lam Sơn như được nhân lên gấp nhiều lần

Nhưng niềm vui lại nhanh chóng biến thành nỗi lo, bởi sản phẩm làm ra lại không có thị trường tiêu thụ, vì rơi đúng vào thời điểm nền kinh tế bất ổn, lạm phát, lãi suất ngân hàng ngất ngưởng đến 25-27%/năm, đời sống nhân dân rất cơ cực… Bên cạnh đó, sức ép món nợ ngân hàng 1 tỷ đồng đã đến thời hạn phải trả cả gốc lẫn lãi nên một lần nữa nhà máy lại được đặt lên bàn cân

Đứng trước thử thách này, một lần nữa Giám đốc Lê Văn Tam lại nghĩ ra được một kế sách mà chính ông cho rằng, cách làm này đã đưa Mía đường Lam Sơn vượt khó ngoạn mục. Đó là chia cho mỗi cán bộ công nhân viên mỗi người 50 kg đường đem đi bán. Bản thân ông là Giám đốc nên nhận gấp đôi, gấp ba và cùng nhân viên cơm đùm, cơm nắm vượt hàng trăm cây số lên tận vùng biên giới Việt – Trung, ra các mỏ than ở Quảng Ninh để bán đường cho công nhân, doanh trại bộ đội, nhân dân vùng biên...

Nhờ cách làm này mà 14 nghìn tấn đường đã được bán hết và thu về được khoảng 1,4 tỷ đồng. Có tiền, nhà máy trả nợ ngân hàng đúng hạn và có tích luỹ để triển khai vụ sản xuất tiếp theo. Và khi đã tạo được niềm tin với ngân hàng, nhà máy tiếp tục được cho vay vốn sản xuất – đó là cuộc thoát nạn đầu tiên của mía đường Lam Sơn

Vay tiền hộ nông dân

Có thể nói rằng, trong thời kỳ đầu (gần 10 năm) những khó khăn, thách thức luôn đan xen, bủa vây lấy Nhà máy Mía đường Lam Sơn. Bởi cứ giải được bài toán khó này thì bài toán hóc búa khác lại cần có đáp án. Nhà máy có công suất 1.500 tấn mía cây/ngày nhưng vùng nguyên liệu rất khiêm tốn, chỉ đủ sản xuất trong vài tuần, vụ đầu tiên chỉ có 24.000 tấn mía nguyên liệu. Đây là vấn đề theo ông Tam là rất nan giải, vì nhà máy mà không có nguyên liệu sản xuất sẽ đi về đâu ?

Vì vậy, trong một thời gian dài, Giám đốc Tam cùng với ban lãnh đạo nhà máy đã đến từng nhà, từng vùng, từng xã để vận động, liên kết và bàn kế hoạch tổ chức sản xuất, khai hoang phục hoá trồng mía. Được cán bộ và nhân dân hưởng ứng, ông Tam lại lặn lội đi đến các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp để mua mía giống về phát cho nông dân trồng.

Gần như ngày nào ông cũng xuống với nông dân, kề vai sát cánh hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng mía. Một khí thế hăng say sản xuất tràn ngập trên từng cánh đồng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, khí thế đó không còn được duy trì

Nguyên nhân cũng vì cái đói cản trở. Bởi xét về bối cảnh lúc đó, nền kinh tế sau khi chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các vùng nông thôn cái đói cứ đeo đẳng quanh năm. Thanh Hoá lúc đó cũng không nằm ngoại lệ, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tục khiến cho mùa màng thất bát triền miên, cái đói khiến bà con không còn sức để sản xuất

Tình hình này được ông Tam ra Hà Nội báo cáo với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ này đồng ý phát cho 3 cái phiếu để vào miền Nam mua gạo về chia cho nhân dân ăn lấy sức trồng mía

Có gạo ăn, nông dân phấn khởi sản xuất. Nhưng khi mía lên bằng gang tay lại nảy sinh vấn đề thiếu phân bón chăm sóc. Đúng là trăm cái khó vây quanh, đeo đẳng và một lần nữa, Giám đốc Tam bằng uy tín của mình lại đến nhờ cậy ngân hàng để vay tiền hộ cho nông dân mua phân bón về chăm sóc mía

Với cách làm đúng đắn của Giám đốc Lê Văn Tam, bước sang những năm 1990, những cánh đồng, quả đồi hoang hoá được phủ màu xanh bạt ngàn của mía – đây chính là lần thoát hiểm lần thứ hai của Nhà máy đường Lam Sơn

Tăng tốc

Trăn trở, trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, phải bằng mọi cách đưa nhà máy phát triển đi lên, ngay từ ngày đầu đảm nhận chức Giám đốc, ông Lê Văn Tam không chỉ đưa ra được nhiều quyết sách đúng đắn tạo bước đột phá thần kì, mà còn có những khẩu hiệu đã khích lệ tinh thần hăng say sản xuất của lao động và hàng vạn nông dân trồng mía. Trong đó, khẩu hiệu “Đổi mới – Sáng tạo- Tăng tốc” đến nay vẫn còn nguyên giá trị

Với khẩu hiệu thiết thực này, từ năm 1992 đến nay Công ty đã liên tục đầu tư đổi mới công nghệ trị giá 1.559 tỷ đồng, bằng việc chuyển đổi công nghệ nhà máy đường số 1 từ sản xuất đường thô sang sản xuất đường kính trắng và nâng công suất từ 1.500 tấn mía/ngày lên 2.500 tấn/ngày

Đồng thời Cty tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy đường số 2, công suất 4.000 tấn mía/ngày, công nghệ tiên tiến của Nhật Bản sản xuất theo phương pháp trao đổi ion, đến nay đã nâng công suất lên 4.500 tấn/ngày

Hiện tổng công suất của 2 nhà máy đường là 7.000 tấn mía/ngày, hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 120.000 tấn đường, với 3 loại: đường vàng tinh khiết, đường trắng và đường tinh luyện xuất khẩu. Cùng với nhà máy cồn thực phẩm, nhà máy cồn xuất khẩu 25 triệu lít/năm, nhà máy sản xuất phân bón…

Kèm theo đó là vùng nguyên liệu trồng mía ngày càng được mở rộng và phát triển bền vững trên 11 huyện vùng Tây bắc của Xứ Thanh
 
Top