What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Chuyển giao công nghệ

LOBBY.VN

Administrator
Nhà sáng chế muốn chuyển giao tất cả máy móc​

- Sau khi đăng loạt bài về những sáng chế của ông kỹ sư già Vũ Hồng Khánh, ông Khánh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả cũng như một số cơ quan Nhà nước. Xúc động với sự quan tâm đó, ông Khánh tuyên bố, sẽ chuyển giao tất cả những sáng chế của mình cho các cá nhân, doanh nghiệp, hoặc tổ chức nào có năng lực và tâm huyết để phục vụ đất nước

Ông Vũ Hồng Khánh là một người có đầu óc làm kinh tế, song rất lãng tử. Những sáng tạo của ông phần nhiều đều xuất phát từ những cảm xúc bất chợt. Chiếc máy đầu tiên ông sáng chế là máy nghiền mắm, cũng xuất phát từ cảm xúc xót xa khi chứng kiến các thôn nữ bị lở loét cả bàn tay khi tiếp xúc với muối mặn, cá thối. Chiếc máy sản xuất vành xe đạp tự động cũng bắt đầu từ nỗi buồn khi chứng kiến người dân phải bỏ ra mấy tạ thóc để mua đôi vành xe đạp từ Nhật.

Nhưng cũng chính cái tính cảm xúc đã giết chết một tỉ phú giàu có hàng đầu đất cảng một thời. Những chiếc máy sản xuất vành xe đạp inox tự động đã đánh bại hoàn toàn vành xe đạp nhập khẩu từ Nhật bởi chất lượng tương đương mà giá thành chỉ bằng 1/6. Chỉ trong vài năm, hàng loạt xưởng chế tạo ra đời, đưa ông trở thành một tỉ phú hàng đầu đất cảng thời đó.

Ông Khánh dẫn tôi vào căn phòng phủ bụi dưới chân cầu Niệm. Đó là căn phòng lưu giữ những bức ảnh phóng lớn, treo kín bốn bức tường. Những tấm ảnh chụp hàng chục lãnh đạo cấp cao về thăm ông Khánh và Doanh nghiệp tư nhân Khánh Hòa, một doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Hải Phòng. Doanh nghiệp của ông đã tạo công ăn việc làm ổn định cho cả ngàn công nhân với mức thu nhập cao gấp nhiều lần cán bộ Nhà nước.

Tuy nhiên, chỉ vì con đường Tô Hiệu mở ra, xưởng sản xuất bị mất vì chính quyền thu hồi đất, không được đền bù đồng nào (mặc dù đất của ông, mang tên ông đàng hoàng), ông đã mất niềm tin với cuộc sống, mất niềm tin vào tương lai, và ông cũng mất luôn cảm hứng làm việc, kiếm tiền.

1286696660-nha-sang-che1.jpg

Ông Khánh giới thiệu những loại máy móc ông mới sáng chế​

Ông đắp chiếu toàn bộ máy móc của mình và sống thu mình trên mảnh đất trong ngõ sâu thuộc quận Kiến An. Ông đã làm một công việc rất kỳ quặc: Xây mộ và tìm hiểu kỹ thuật để tự ướp xác cho vợ chồng. Ngôi mộ của ông cực kỳ đặc biệt, nằm dưới một cái hồ nước. Sau này, xác ông sẽ ướp dưới mộ, rồi bơm nước ngập vào hồ. Ông bảo, ông thích nằm dưới nước cho mát mẻ, nên xây dựng cái mộ như thế. Tỷ phú Vũ Hồng Khánh, nhà sáng chế Vũ Hồng Khánh nổi danh một thời tự dưng biến mất hoàn toàn và chỉ còn là ký ức với người dân đất cảng.

Sống thu mình và miệt mài chế tác, xây dựng ngôi mộ để tự chôn mình, ông coi như mình đã chết. Không còn tham vọng, không còn thấy cuộc sống có ý nghĩa gì nữa.

Tuy nhiên, óc sáng tạo đã ngấm vào máu ông rồi, nên khi đặt lưng lên giường, hình ảnh kết cấu của những chiếc máy cứ hiển hiện trong đầu, cả trong mộng mị. Thế là, hàng ngày, từ tán cây bên ngôi mộ, ông vẽ vời, sáng chế ra không biết bao nhiêu máy móc.

Ông bảo, sáng chế máy móc không có gì khó cả, chỉ cần ham học hỏi và có lòng đam mê. Ngày bé, cha mẹ mua cho thứ đồ chơi gì, như ôtô, máy kéo, cậu bé Vũ Hồng Khánh đều tháo tung ra tìm hiểu, rồi ráp lại. Đến bây giờ, dù đã bước qua tuổi 70, song niềm đam mê tìm hiểu vẫn không ngừng nghỉ. Thế giới có máy móc gì mới, có ứng dụng tốt, ông cũng mua về tìm hiểu, học hỏi và tiếp tục sáng tạo.

Việc sáng chế dây chuyền biến rác thải thành nhiên liệu cũng xuất phát từ tình yêu với môi trường. Những thứ chất thải nhựa, cao su thải ra môi trường thì không biết bao nhiêu thế kỷ mới phân hủy được.

Chiếc máy khổng lồ này đã đốt của ông không biết bao nhiêu tỉ đồng. Để làm xong một chiếc máy, phải tốn vài tỉ đồng. Tuy nhiên, đã mấy lần, do sự bất cẩn của công nhân, chiếc máy đã cháy thành tro bụi.

1286696660-nha-sang-che3.jpg

1286696660-nha-sang-che4.jpg

Chiếc máy chế biến rác thải thành chất đốt do ông Khánh chế tạo rất đồ sộ, phức tạp​

Chiếc máy đặc biệt này hoạt động theo quy trình như sau: Rác nhựa, cao su được đưa vào hệ thống phân loại, làm vệ sinh, sấy khô, nghiền nhỏ, trộn phụ gia. Băng chuyền đưa rác vào lò kín, đốt ở nhiệt độ 700 độ C để tạo thành khí. Khí bay vào lò tiếp theo và bị hóa chất làm ngưng đọng. Khí bị nén ở áp lực cao trong hệ thống gồm 7 buồng ngưng hoàn toàn. Tiếp đó, nhiệt độ giảm đột ngột xuống 12 độ âm, sẽ thu được chất đốt hóa lỏng

Điều đặc biệt, trước khi chất đốt hóa lỏng ra lò thì khí thải đã bị đốt cháy hoàn toàn ở nhiệt độ cao, nên không gây ô nhiễm. Chất lỏng khi đó là một loại dầu hỗn hợp. Loại chất này dùng để đốt lò, nung gốm sứ, nấu thủy tinh, nấu nhôm, thay thế dầu FO trong cán thép… Tiếp tục chưng cất sẽ thu được dầu diezen và xăng, dùng để chạy ôtô và xe máy. Nhựa và cao su được sản xuất từ dầu mỏ, nên chiếc máy của ông Khánh có công dụng chưng cất thành nhiên liệu. Ông Khánh bảo, nếu mỗi tỉnh thành có vài chiếc máy như thế này, thì không sợ rác thải nhựa và cao su tác quái môi trường

1286696660-nha-sang-che5.jpg

Chất đốt sản xuất từ rác thải​

Tuy nhiên, hiện chiếc máy này đang phải đắp chiếu vì người dân Kiến An không đồng ý cho đặt ở khu dân cư. Mặc dù máy không gây tiếng ồn, ô nhiễm, song những chiếc xe tải chở phế liệu đến tập kết đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh khu vực

Từ chiếc máy này, ông Khánh có thể sáng chế ra hàng loạt máy đốt rác thải độc hại, y tế. Theo ông Khánh, việc sản xuất những chiếc máy xử lý rác thải là quá dễ. Các cơ quan, doanh nghiệp có thể nhờ sự giúp đỡ của ông để sản xuất hàng loạt, không việc gì phải bỏ ra nhiều triệu đô-la để nhập từ nước ngoài

Cũng vì lòng xót thương người nông dân, nên trong thời gian ngắn, ông Khánh sáng chế ra hàng loạt máy móc giúp người nông dân làm giàu. Đơn giản như chiếc máy chế biến tinh bột sắn. Qua tìm hiểu, ông thấy người nông dân bán củ sắn, củ khoai với giá rất rẻ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán ra nước ngoài. Nước ngoài chế biến, rồi lại nhập về Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam chế biến thành thức ăn gia súc, rồi bán lại cho nông dân chăn nuôi. Tính ra, người nông dân bán 1kg sắn với giá 1 ngàn đồng, rồi lại đi mua thức ăn chăn nuôi với giá 10 đồng/kg

Thấy việc này quá bất công, ông Khánh đã sáng chế chiếc máy sản xuất tinh bột sắn. Chỉ việc cho củ sắn, khoai vào một đầu, đầu kia sẽ cho ra tinh bột sau khi đã loại bã. Người nông dân có thể bán tinh bột cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá cao gấp 10 lần bán nguyên liệu thô. Cũng theo ông Khánh, với ông, việc sản xuất một chiếc máy chế biến thức ăn cũng quá dễ. Nếu ông tiếp tục nghiên cứu, ông sẽ cho ra đời chiếc máy tự động biến sắn, khoai, ngô thành thức ăn chăn nuôi để phục vụ bà con

Niềm mong ước của ông Khánh là chuyển giao cho một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào đó, có đủ lực để sản xuất hàng loạt loại máy này để phục vụ bà con nông dân. Khi mỗi gia đình, hoặc vài gia đình nông dân miền núi có được chiếc máy này, thì mới giàu có, mới công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn được

Rồi còn hàng loạt máy móc nữa, như: máy ép dầu điều, máy sản xuất cồn, máy sản xuất xăng sinh học, máy phát điện di động… đều đã được ông Khánh sáng chế thành công, đang hoạt động rất tốt. Ông muốn chuyển giao tất cả các loại máy móc này để phục vụ đất nước

Ngay cả chiếc máy điều chế hydro từ nước, một sản phẩm mà ông rất tâm huyết, ông cũng muốn chuyển giao nốt. Đây là chiếc máy ông mất đúng 5 năm trời nghiên cứu và đã tiêu tốn vào nó hơn 6,1 tỉ đồng

Kỹ sư Vũ Hồng Khánh tâm sự: “Con cái tôi, đứa ở nước ngoài, đứa lập doanh nghiệp may mặc, đều làm ăn khấm khá cả. Có mỗi cậu con trai trót đam mê sáng chế như tôi nên cứ suốt ngày vất vả, lận đận với dầu mỡ, máy móc. Tôi thì già, mà cậu con thì chỉ ham mê sáng chế chứ không ham kinh doanh, làm giàu. Do đó, tôi muốn chuyển giao tất cả các loại máy móc, sáng chế cho những cá nhân, tổ chức, cơ quan nào đủ điều kiện để nghiên cứu, sản xuất hàng loạt, phục vụ đời sống, làm giàu cho bản thân và cho đất nước”

Ông Khánh bảo, ông đã tự xây mộ cho mình, là coi như không còn ham hố gì cho bản thân nữa. Ông muốn, những ngày cuối đời, ông tập trung tư tưởng, sáng chế thật nhiều máy móc, vừa để làm giàu cho đất nước, nhưng cái quan trọng hơn là để cổ vũ tinh thần sáng tạo cho giới trẻ nước nhà
 
Nông dân bán bản quyền nghiên cứu cho nhà nước​

Thêm một vợ chồng nông dân ở Quảng Nam hơn 7 năm mày mò nghiên cứu đã lai tạo thành công giống lúa lai cho năng suất cao và bán lại cho một công ty nhà nước với giá 200 triệu đồng. Hợp đồng ký kết chuyển giao được thực hiện vào sáng hôm nay 10-10…

Hai vợ chồng nhà khoa học “chân đất “ ấy tên họ đầy đủ là anh Lê Quốc Cường và chị Phan Thị Tuyến, xã viên HTX 1 Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. đã lai tạo thành công và cho ra đời giống lúa chất lượng cao

Không học hàm, học vị, không viện nghiên cứu. Từ hai bàn tay trắng với trình độ của một lão nông, vợ chồng anh Cường đã nhận 3 cặp lai của giống lúa Việt Đài 20 (VĐ20) làm giống bố và Khang Dân 18 (KD18) làm giống mẹ. từ Dự án “Bảo tồn, ứng dụng và phát triển đa dạng sinh học châu Á” (Gọi tắt là chương trình BUCAP) giúp đở ban đầu

images2048578_BAN_BAN_QUYEN.jpg

Vợ chồng nông dân chân đất Lê Quốc Cường và chị Phan Thị Tuyến nghiên cứu thành công giống lúa lai và bán bản quyền cho nhà nước​

Ngay trên 3 sào ruộng khoán của mình, hơn 7 năm trời, vợ chồng anh Cường bắt đầu sự nghiệp “nghiên cứu khoa học” của mình đã mày mò đã cho ra đời giống lúa lai CT2

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam khẳng định: Qua nhiều năm đưa vào trồng khảo nghiệm tại một số cánh đồng ở xã Điện Thọ, giống lúa CT2 có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa khác. Không chỉ cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon, CT2 còn thích nghi với đặc thù khí hậu miền Trung, phù hợp cho việc cơ cấu 2 vụ đông xuân và hè thu của vùng đất Quảng Nam

Khảo nghiệm nhiều năm, giống lúa lai CT2 cho năng suất bình quân từ 65 - 70 tạ/ha, chống chịu được sâu bệnh, thích nghi với nhiều chân đất trên đồng ruộng Quảng Nam và được hội đồng khoa học của ngành nông nghiệp Quảng Nam thẩm định đánh giá cao

Để độc quyền sản xuất giống lúa lai ưu việt này, Công ty cổ phần Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam đã chính thức mua lại bản quyền giống lúa lai CT2 trên 200 triệu đồng. Ngay sau khi mua xong bản quyền, công ty đổi tên thành giống lúa QnamI và đưa vào sản xuất giống lúa lai cung cấp cho khu vực
 
Áo khoác điều chỉnh nhiệt độ​

6918_fx500.jpg

So với máy tính bỏ túi fx500, thiết bị điều chỉnh nhiệt độ cho áo khoác nhỏ gọn hơn nên không gây bất tiện, cồng kềnh cho người sử dụng.

Ý tưởng về chiếc áo khoác điều chỉnh nhiệt độ ở Việt Nam xuất phát từ một sinh viên sinh ra ở miền Nam, vùng đất chẳng bao giờ biết đến mùa đông

Năm 2009, Nguyễn Văn Tình (hiện là sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM) ra Hà Nội nhận học bổng của Đại học Melbourne (Úc) đúng vào mùa đông. Nhận học bổng xong, Tình đón xe lên Sapa để thăm thú vùng địa đầu tổ quốc. Dù đã được cảnh báo nên mặc nhiều lớp áo bông dày cộm, Tình kể khi đó vẫn run cầm cập vì cái lạnh ở đây.

Câu hỏi sao không có chiếc áo khoác nào gắn thiết bị cung cấp nhiệt độ để giữ ấm cơ thể thay vì cứ phải mặc quá nhiều áo như thế cứ theo Tình cả khi về miền Nam.

Ý tưởng về chiếc áo khoác như thế đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 2004-2005. Chẳng hạn, cuối năm 2004, nhà thiết kế thời trang người Đan Mạch Alex Soza đã ra mắt sáng chế áo khoác tự sưởi ấm, đo nhiệt độ bên ngoài để xác định nhiệt độ cần thiết cho cơ thể. Khi trời nhiều gió, áo sẽ phồng lên tạo thành một lớp cách nhiệt lý tưởng cho cơ thể.

Cũng trong thời gian này, một số nhà khoa học Ý đã sản xuất ra một loại áo sơ-mi mà các tay áo sẽ tự xắn lên khi trời nóng. Do có các thông số bên trong được lập trình ở những nhiệt độ khác nhau nên áo sẽ dài đến gót khi nhiệt độ xuống dưới 200C và ngắn lên gần đầu gối khi nhiệt độ lên hơn 200C.

Vậy là thật tình cờ, ý tưởng đó cũng đã đến với một sinh viên Việt Nam. Từ các linh kiện mua tại chợ Nhật Tảo (TP.HCM), Nguyễn Văn Tình bắt đầu hỏi han, mày mò chế thiết bị cung cấp nhiệt để gắn vào áo khoác.

Đến nay, thiết bị cung cấp nhiệt độ cho áo của Tình ngoài vỏ làm bằng nhựa cách nhiệt, có khả năng chịu lực cao còn gồm các bộ phận chính là pin, quạt, dây titan (dây tóc bóng đèn) và ống na-nô nối thiết bị với áo.

Pin sẽ cung cấp năng lượng làm nóng dây titan, quay quạt, từ đó đẩy khí nóng lên ống na-nô luồn vào trong áo (áo khoác thường có 2 lớp, ống sẽ được đặt nằm giữa 2 lớp áo này). Ống na-nô chỉ có đường kính khoảng 1mm, khá mềm (như dây tai nghe điện thoại) lại khá bền, tuổi thọ tới 3-4 năm nếu mỗi tuần giặt áo 1-2 lần.

Riêng với pin, Tình dự định dùng pin sạc mang dòng điện 10V để bảo đảm an toàn cho người dùng. Nhưng vấn đề còn bỏ ngỏ là liệu cường độ dòng điện có ảnh hưởng tới phổi, tim mạch, nhất là đối với người già hay không.

Toàn bộ thiết bị có trọng lượng khoảng 300 gr, kích cỡ 14cm x 7cm x 3cm. “So với máy tính bỏ túi fx500, thiết bị này còn nhỏ gọn hơn nên không gây bất tiện, cồng kềnh cho người sử dụng”, Tình cho biết. Hơn nữa, có thể điều chỉnh chiều dài, chiều rộng của thiết bị cho gọn hơn nhưng bề dày thì rất khó vì phải tùy vào kích thước cánh quạt

Đặc biệt, sáng chế của Tùng có một biến trở tương tự máy điều hòa, giúp người sử dụng tự điều chỉnh nhiệt độ, có thể đặt ở túi trong phía trước ngực của áo.

Như vậy, tính an toàn trong việc sử dụng thiết bị đối với người dùng tương lai đã khá ổn, còn về mặt thẩm mĩ, Tình cho biết cần có sự hỗ trợ của nhà sản xuất áo.

Về giá cả, theo Tình, nếu sử dụng pin tròn thì giá rẻ hơn nhưng lại làm tăng kích thước thiết bị. Dùng pin dẹt thì thiết bị sẽ gọn, đẹp hơn nhưng giá lại cao hơn. Tính trung bình, giá cao nhất chỉ ở mức 80.000-90.000 đồng/chiếc. Khi được sản xuất đại trà, giá sẽ còn rẻ hơn, khoảng 50.000 đồng/chiếc.

Những linh kiện chế thành thiết bị không khó kiếm, giá cũng rẻ nên Tình mới có thể mua về tự chế tạo được. Do đó, chi phí sản xuất thiết bị theo Tình là không nhiều vì pin, quạt đều có thể liên kết với các nhà sản xuất chuyên về linh kiện này. Dây na-nô cũng rẻ, chỉ 2.000 đồng/m

Nhưng vấn đề là ở vỏ thiết bị. Đối với một sinh viên miền quê như Tình, việc làm vỏ cho thiết bị là điều gần như “không tưởng” do máy đổ khuôn làm vỏ có giá tới 40 triệu đồng. Nên thay vì tự chế tạo, Tình lên sàn để rao bán ý tưởng (Sanytuong.vn) này

Nói về đầu ra cho áo khoác gắn thiết bị điều chỉnh nhiệt khi thành phẩm, ông Diệp Thành Kiệt, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, nhận định nếu sản xuất để bán tại thị trường Việt Nam sẽ rất khó tiêu thụ vì mỗi năm Việt Nam chỉ có mấy tháng lạnh, lại chủ yếu ở miền Bắc. Do vậy, theo ông, nếu sản xuất thì nên nghĩ đến xuất khẩu.

Sau khi ý tưởng của Tình được đưa lên sàn giao dịch ý tưởng, anh Đinh Quang Nhật từ Gia Lai đã xuống TP.HCM để gặp gỡ và trao đổi với Tình về ý tưởng này. Anh Nhật nói sẵn sàng bỏ ra một số tiền dưới 50 triệu đồng mua lại với điều kiện Tình phải làm được mẫu sản phẩm hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do chi phí tạo khuôn đúc vỏ thiết bị vượt xa khả năng tài chính của Tình nên đến nay sản phẩm mẫu vẫn chưa hình thành. “Mong muốn của tôi là có nhà đầu tư hỗ trợ để biến ý tưởng thành hiện thực”, Tình nói
 
Nga tách thành công dầu diesel sinh học từ bùn​

Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học và Công nghệ sinh học Siberia, Nga, đã rút ra kết luận rằng từ các lớp bùn dưới đáy hồ và sông ngòi, có thể dễ dàng tách suất dầu diesel nguồn gốc sinh học và đáp ứng mọi tiêu chuẩn chất lượng quốc tế

1_add50.jpg

Dầu diesel sinh học có thể được tách suất từ bùn​

Theo các nhà khoa học, quá trình tách suất diesel sinh học từ bùn khá đơn giản, với một số phản ứng hóa học không phức tạp, chất lỏng nhớt bẩn sẽ biến thành sản phẩm tinh sạch. Chi phí nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu mới cũng không cao

Đây có thể coi là một nguồn nhiên liệu giá rẻ và không bao giờ cạn kiệt

Trước đó, các nhà khoa học có thể thu được diesel sinh học từ ngô và cải dầu, tuy nhiên đây là phương pháp tốn kém vì phải trồng rất nhiều hai loại cây nguyên liệu trên

Kết quả nghiên cứu mới hứa hẹn đem lại hiệu quả hơn hẳn bởi nguồn nguyên liệu đã ở sẵn trong tự nhiên, các lớp bùn ở đáy hồ và sông ngòi là vô hạn, trong khi quá trình tách suất chúng lại đơn giản

Các nhà nghiên cứu Nga ước tính, từ lớp bùn đọng lại sau khi các chất thải đã qua xử lý do con người thải ra trung bình mỗi ngày, có thể thu được gần 1.500 lít nhiên liệu diesel chất lượng cao.

Phát minh của các nhà khoa học Siberia không chỉ là bước đột phá trong sản xuất nhiên liệu sinh học, mà còn cho phép giải quyết vấn đề môi trường - phát thải từ các nhà máy xử lý nước thải lại trở thành nguồn nguyên liệu điều chế nguồn nhiên liệu thay thế mới

Đây quả là một vòng tròn khép kín hoàn hảo. Nếu chất thải được khai thác nghiêm túc thì trong tương lai nhiên liệu sinh học thu được từ chúng có thể sẽ được sử dụng tại các xí nghiệp có nhu cầu cao về nhiên liệu diesel

Kết quả phát minh trên của các nhà khoa học Nga đã trải qua những giám định quốc tế chặt chẽ và đã được công bố trên các tạp chí khoa học và trong tương lai, dự án về sản xuất nhiên liệu sinh học mới với chi phí thấp sẽ được thực hiện
 
Doanh nghiệp Nhật muốn chuyển giao công nghệ cho Việt Nam​

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thời gian tới sẽ tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và rất quan tâm đến các nhà đầu tư Nhật Bản

Hội thảo Xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ giữa lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với đoàn doanh nghiệp, chính quyền thành phố Kawasaki và thành phố Tsubame (Nhật Bản) đã diễn ra chiều 17/2, tại thành phố Vũng Tàu

Phía Nhật Bản bao gồm những doanh nghiệp loại vừa, nhỏ và siêu nhỏ với quy mô chỉ khoảng 10 lao động đến vài chục lao động trong một đơn vị nhưng sở hữu những công nghệ rất hiện đại như thiết kế, chế tạo khuôn mẫu chính xác, chất bán dẫn, tinh thể lỏng, bộ phận điều khiển điện tử, thiết bị bắn tia lửa điện, phao đo mực nước, gia công mẫu hợp kim siêu cứng... Những thiết bị này được sử dụng nhiều trong điện thoại di động, máy bay, ôtô...

Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, đây là những công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo của đôi bàn tay, người Việt Nam rất tương đồng với người Nhật Bản và phù hợp với những công việc này

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản rất muốn chuyển giao những công nghệ này cho phía Việt Nam vì thực tế hiện nay chi phí sản xuất, vật tư ở Nhật Bản đang rất cao nên những doanh nghiệp này về lâu dài sẽ khó tồn tại

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp phía Nhật Bản cho biết, vì là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít nên việc đầu tư ra nước ngoài rất khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có những nhà xưởng có sẵn (quy mô chỉ từ 300m2 đến 1.000m2) để thuê, cũng như mức giá thuê để tính toán khả năng đầu tư

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tập trung tìm hiểu quy trình, thủ tục đầu tư, điều kiện sống khi chỉ có một nhóm ít người...

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết định hướng của tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và rất quan tâm đến các nhà đầu tư Nhật Bản. Vì vậy, các ý kiến của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được tập hợp, đánh giá kỹ càng để xây dựng chính sách tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư

Từ giữa năm 2011 đến nay có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu

Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã khoanh vùng để xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản
 
Lên kế hoạch chặn công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc​

- Theo nguồn tin từ bộ Tài chính ngày 16.2, bộ này đã có công văn trao đổi với bộ Khoa học và công nghệ về các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc

Theo đó, ngoài việc đã có công văn gửi các tỉnh thành, các bộ, ngành cảnh báo cần tránh nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc, bộ này cũng đã gửi văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài

Song song đó, bộ Khoa học và công nghệ dự kiến đề xuất trình Chính phủ một số giải pháp như: Chính phủ ra văn bản cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ với 18 ngành nghề. Về lâu dài đề nghị đưa nội dung quản lý nhập khẩu máy móc thiết bị vào văn bản hướng dẫn luật Thương mại năm 2005; đồng thời, có quy định chi tiết về phần công nghệ của máy móc, thiết bị nhập khẩu để triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam

Những động thái trên xuất phát từ việc Trung Quốc mới đây công bố sẽ loại bỏ 2.255 xí nghiệp lạc hậu, hiệu quả sản xuất thấp
 
Nguyễn Việt Cường và sáng kiến tiền tỉ​

Gần 3 tháng nghiên cứu, Nguyễn Việt Cường chế tạo thành công bộ giải nhiệt dầu sử dụng hệ thống nước làm mát gián tiếp, giúp công ty tiết kiệm gần 1 tỉ đồng đầu tư mua thiết bị mới

sangkien.jpg

Bộ giải nhiệt do Cường chế tạo tiết kiệm tiền tỉ mỗi năm​

Thành công này đưa Cường (29 tuổi) lên vị trí trưởng phòng cơ điện trẻ nhất tại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên

Cường bắt tay chế tạo bộ giải nhiệt từ tháng 7.2010 trong thời điểm dây chuyền cán thép liên tục xảy ra sự cố quá nhiệt ở máy nén khí. Máy làm mát dầu nhập ngoại có cấu tạo từ hợp kim nhôm, khe tản nhiệt chỉ rộng chừng 1 mm

Trong quá trình vận hành, cặn dầu bẩn cộng thêm bụi bám trên các khe tản nhiệt khiến dầu máy nén khí khó lưu thông qua khe tản nhiệt của máy làm mát. Dầu không được làm mát khiến máy nén khí còn phát sinh thêm nhiệt là nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố dây chuyền

Mỗi lần máy gặp sự cố, thời gian khắc phục, sửa chữa mất đứt gần 2 ngày, đến khi đưa vào hoạt động trở lại, máy chạy phập phù, không ổn định. Giải pháp thuê đơn vị chuyên môn có kinh nghiệm sục rửa, vệ sinh cũng đã sử dụng nhưng không thành công, bởi máy làm mát nhập ngoại chế tạo từ hợp kim nhôm cũng không thể dùng chất tẩy rửa cực mạnh. Cường nhẩm tính: sau 16 lần máy làm mát “dở chứng”, sản lượng thép sụt giảm hơn 5.061 tấn

Qua nghiên cứu, khảo sát, Cường mạnh dạn đề xuất giải pháp thiết kế và chế tạo bộ giải nhiệt dầu máy nén khí sử dụng hệ thống nước làm mát gián tiếp. Rút kinh nghiệm từ điểm yếu của các loại máy nhập ngoại, Cường tập trung nghiên cứu, tìm cách cải tiến bộ phận giải nhiệt. Theo đó, bộ giải nhiệt do Cường thiết kế sẽ tách làm 2 phần lõi và vỏ

Ống chứa nước làm mát hàn bằng ống thép không gỉ chia làm nhiều tầng, với độ lớn tiết diện khác nhau. Ống chứa nước làm mát sẽ chạy vòng quanh bên ngoài ống chứa dầu khiến nhiệt độ dầu giảm xuống đáng kế

Sau nhiều lần chạy cải tiến, bộ thiết bị của Cường đã giữ nhiệt độ dầu máy nén khí dao động từ 80 - 85 độ, giúp dây chuyện vận hành ổn định. “Bộ thiết bị này sử dụng nguyên liệu sẵn có, dễ tìm tại Việt Nam. Tiết diện của ống tản nhiệt lớn, làm từ thép không gỉ nên dễ dàng vệ sinh, bảo dưỡng hay thay thế

Lobbymarket: Cộng cả thiết kế và thi công, mỗi bộ tản nhiệt này chỉ tốn 12 triệu đồng, trong khi máy làm mát nhập từ Đức, Ý thường không dưới 36.000 euro”, Cường tự hào cho biết...sản phẩm tốt như thế Mr Cường không cần đi làm thuê nữa, đăng ký sáng chế, sản xuất sản phẩm bán ra thị trường quốc tế, lobby.vn sẵn sàng hỗ trợ Mr Cường thương mại sản phẩm này ra thị trường quốc tế...kiếm cả triệu USD. Nếu chỉ phục vụ nhà máy gang thép Thái Nguyên thì quá lãng phí...

Phan Hậu
 
Quần áo chữa cháy chuyên dụng từ 100- 200 triệu đồng/bộ
- Ngày 5-6, thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hô, Bộ Công an cho biết mỗi bộ quần áo trang bị cho lính cứu hoả có giá trị lên đến 100-200 triệu đồng/bộ hoặc hơn nữa


Bộ quần áo đặc chủng cách nhiệt được lực lượng Cảnh sát PCCC sử dụng trong vụ cháy cây xăng

Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn cho biết đây các loại quần áo chuyên dụng trang bị cho lính cứu hoả có thể chữa cháy hoá chất, quần áo chữa cháy phóng xạ…

Riêng với loại quần áo màu trắng bạc được sử dụng chữa cháy trong vụ hoả hoạn tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo hôm 3-6 của Đức có giá dao động từ 40-50 triệu đồng/bộ, tuỳ theo thời điểm và tuỳ theo hãng sản xuất

Chính vì giá thành đắt như vậy nên Bộ Công an và các địa phương trang bị cho mỗi xe cứu hoả được từ 1-2 bộ. Ngay cả mặt nạ phòng độc cũng chỉ trang bị được đến mức như vậy

Tướng Sơn cho biết những bộ quần áo đặc dụng này trang bị ưu tiên cho những cán bộ chiến sĩ làm công tác trinh sát ban đầu và trực tiếp áp sát ngọn lửa, cầm vòi cứu hoả chữa cháy. Còn lại đại trà cán bộ chiến sĩ tuyến sau đều không có đủ những quần áo loại này để trang bị mà chỉ được trang bị quần áo của lực lượng cảnh sát PCCC thông thường. Những bộ quần áo này hiện Việt Nam tự sản xuất được nên giá thành rẻ, chưa đến 1 triệu đồng/bộ

Về ý kiến của thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Hà Nội cho rằng mỗi bộ quần áo chữa cháy chuyên dụng lên đến 300 triệu đồng/bộ, tướng Sơn cho rằng khả năng này không loại trừ

Minh Quang
 
Đẩy mạnh thương mại hóa sáng chế tại các viện, trường

- Các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và lưu giữ hầu hết các kết quả nghiên cứu, sáng chế. Mặc dù không ít viện, trường đã đạt được nhiều thành công trong việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sáng chế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, con số này chưa tương xứng với tiềm năng

Doanh thu cao từ thương mại hóa sáng chế

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xem là trường đi đầu trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sáng chế. Trường đã ký kết nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nước cũng như thế giới như Tập đoàn SUN MicroSystems, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Trong giai đoạn 2006 – 2010, doanh số trong chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh của trường đạt gần 450 tỷ đồng

Với nhiều sáng chế, công nghệ mới được các đơn vị sử dụng đáng giá cao như thiết bị xay xát lúa gạo; thiết bị xử lý rác thải, hệ thống lọc nước biển cho hải đảo, thiết bị tự động hóa khai thác dầu khí….

Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng là một trong số ít các trường thành công trong việc thương mại hóa tài sản trí tuệ. Giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ mà trường đã ký năm 2007 là khoảng 60 tỷ đồng, năm 2008 gần 70 tỷ đồng, năm 2009 là hơn 63 tỷ đồng, năm 2010 là 67 tỷ đồng

Riêng năm 2012, trường có 113 đề tài khoa học các cấp được duyệt với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, thực hiện nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trên 90 tỷ đồng

Bên cạnh các trường đại học, nhiều viện nghiên cứu ngành kỹ thuật cũng đã thành công trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Theo ước tính của Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, các sản phẩm cơ khí mới của Viện đã tiết kiệm được mỗi năm hơn 10 triệu USD do thay thế hàng nhập khẩu. Từ năm 2005, một số sản phẩm công nghệ cao còn được xuất khẩu ra nước ngoài

Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha trang đạt được nhiều thành tựu trong chuyển giao công nghệ. Với đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sản xuất fucoidan từ một số loài rong nâu Việt Nam” đã cho ra đời sản phẩm fucoidan, phục vụ công tác chữa bệnh hiệu quả với chi phí rẻ tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu còn tạo điều kiện cho nhiều địa phương trong đó có tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy hải sản

Theo ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc chuyển giao công nghệ tại các trường đại học và viện nghiên cứu thời gian qua đã có những kết quả rất đáng ghi nhận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu

Tuy nhiên, xét về tổng thể mức đóng góp các hoạt động KH&CN và chuyển giao công nghệ CGCN tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam đối với nhu cầu xã hội còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng là đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu


Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ sinh học
Còn nhiều hạn chế

Một số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, nguồn thu từ hoạt động KH&CN trong tổng nguồn tài chính của 40 trường đại học trong cả nước từ 2006-2008 chỉ đạt gần 4%. So với Nghị quyết của Chính phủ thì con số này mới chỉ bằng 26%

Đặc biệt, trong tỷ lệ này, nguồn thu từ các hoạt động triển khai, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học chỉ chiếm gần 0,4%. Trường Đại học Bách khoa là trường mạnh về chuyển giao công nghệ nhưng nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ của nhà trường cũng chỉ chiếm khoảng 2%

Để các tài sản trí tuệ được thương mại hóa một cách rộng rãi, các tài sản trí tuệ cần được đăng ký xác lập quyền và duy trì hiệu lực văn bằng

Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc đăng ký xác lập quyền SHTT và duy trì hiệu lực văn bằng tại các viện, trường rất khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của cục SHTT, trong giai đoạn 2003 -6/2012 trong tổng số 600 đơn từ trường đại học, viện nghiên cứu chỉ có 91 văn bằng được cấp, trong đó chỉ còn 38 văn bằng đang còn hiệu lực

Đặc biệt, các viện nghiên cứu hầu như không nộp phí duy trì hiệu lực. Năm 2009 chỉ có 1 trong tổng số 8 văn bằng được cấp còn hiệu lực; năm 2010 cũng chỉ có 1 trong tổng số 12 văn bằng còn hiệu lực do nộp phí duy trì

Ông Phạm Hồng Quất, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, thực trạng các trường đại học, viện nghiên cứu chưa tích cực thực hiện đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ và theo đuổi duy trì hiệu lực cho các văn bằng bảo hộ của mình chính là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc chuyển giao sáng chế, giải pháp hữu ích từ khối trường, viện cho doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, các nhà nghiên cứu, viện, trường cần cung cấp các kết quả nghiên cứu, sáng chế đáp ứng đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, phối hợp với các doanh nghiệp khai thác kết quả nghiên cứu, sáng chế

Các trường đại học, viện nghiên cứu cũng có thể khai thác tài sản trí tuệ bằng cách chuyển giao các kết quả nghiên cứu của mình phục vụ nhu cầu thực tế của địa phương hoặc hợp tác với địa phương theo hình thức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN dưới sự “đặt hàng” của địa phương và sự hỗ trợ từ nhà nước tạo thành mô hình liên kết 3 chiều nhà nghiên cứu- nhà nước - doanh nghiệp, địa phương

Thanh Lâm
 
Nhà nghiên cứu cũng phải biết tiếp thị
Công việc marketing không chỉ là của một nhóm người có chuyên môn bán hàng, mà là công việc của tập thể ở mọi lúc, mọi nơi nhằm phát hiện và đáp ứng nhu cầu thị trường

Anh Nguyễn Tiến Đạt, làm việc tại một cơ sở sản xuất nano bạc ở TP HCM trong diễn đàn "Làm thế nào để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học" chia sẻ quá trình anh thành công trong việc tạo ra nano bạc. Để làm điều này, anh đã trải qua quá trình vất vả tìm hiểu nhu cầu của mọi người, từ đó anh và đồng nghiệp thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đông đảo mọi người, và anh đã thành công. Anh viết

"Theo kinh nghiệm của tôi, làm khoa học trước hết phải bắt đầu từ việc giải quyết các bài toán thực tế của cuộc sống. Nhà khoa học phải gần dân, sát dân để tìm hiểu và phát hiện các nhu cầu của họ. Khoa học nên dựa trên nền tảng kiến thức để phân tích và nhận định, và sau đó đưa ra các giải pháp phù hợp với cuộc sống. Khi giải pháp đưa ra, công trình nghiên cứu đó là hữu ích, và tự nhiên nó trở thành loại "hàng hóa" đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Vì vậy, tôi nghĩ nên trang bị cho các nhà nghiên cứu kỹ năng marketing. Đừng nghĩ rằng công việc marketing là của một nhóm người có chuyên môn bán hàng, mà là công việc của tập thể, mọi lúc, mọi nơi nhằm phát hiện nhu cầu, đáp ứng nhu cầu. Bán được hàng chỉ là kết quả của cả quá trình tiếp cận khách hàng mà thôi

Tôi xin kể bài học về việc thương mại hóa sản phẩm nano bạc do mình sản xuất

Cách đây hai năm, tôi đã nghiên cứu nano bạc thành công. Tôi mất khoảng một năm thực hiện các công việc thử nghiệm vô cùng tốn kém mà không biết tìm đâu ra khách hàng. Khi đó, tôi lâm vào hoàn cảnh bế tắc về tài chính và nhiều lúc muốn bỏ cuộc

Tuy nhiên, thay vì chờ đợi khách hàng mua về chế tạo các sản phẩm ứng dụng, tôi đã tìm hiểu và biết nhu cầu nano bạc trong ngành thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp rất lớn. Nếu chỉ mua nano bạc về, khách hàng không biết sử dụng như thế nào cho phù hợp, đây là bài học thất bại của các công ty sản xuất và các trung tâm nghiên cứu trước đây. Sản phẩm của tôi cũng bị nhiều khách hàng từ chối do khó sử dụng và hiệu quả không rõ rệt

Tôi nhận ra, sản phẩm công nghệ cao, tính năng tốt nhưng "không phù hợp với nhu cầu sử dụng" thì cũng không thể thương mại hóa được

Thay vì chờ đợi, tôi tìm hiểu nhu cầu của người nuôi trồng thủy sản, của bà con nông dân trồng cây ăn quả. Từ đó, tôi thiết kế và chế tạo lại sản phẩm cho phù hợp với cách sử dụng và an toàn cho môi trường, không độc hại và hiệu quả cao. Kết quả là sản phẩm nano bạc của tôi đã bán ra thị trường và phổ biến rộng rãi cả nước

Không dừng lại ở thành công ban đầu, sản phẩm nano của chúng tôi liên tục được cải tiến để phù hợp hơn với nhu cầu của bà con nông dân, và các nhà sản xuất công nghiệp

Bài học để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học là hãy bắt đầu từ nhu cầu thực tế, đừng làm ra sản phẩm rồi "bắt" mọi người phải dùng

Nguyễn Tiến Đạt
 
Bài học thương mại hóa nghiên cứu của Đại học Stanford
Giáo sư ở cùng bộ môn, một vị có thu nhập 2 triệu USD/năm, còn vị kia chỉ 200 nghìn USD/năm. Lý do là vị giáo sư hai triệu đô kia thành công trong thương mại hóa các công trình nghiên cứu

Tiến sĩ Phan Toàn Thắng, thuộc Bộ Môn Ngoại, Đại học Y Khoa Yong Loo Lin, thuộc Đại học Quốc gia Singapore trong diễn đàn "Làm thế nào để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học" đưa ra một mô hình thực hiện thương mại hóa thành công ở một trường Đại học ở Mỹ

"Năm nay Đại học Oxford và Đại học Stanford vui mừng ghi thêm vào lịch sử của khi đạt giải Nobel. Nếu tính về hiệu quả kinh tế nghiên cứu khoa học (tỷ số đô la trên các công trình đẳng cấp quốc tế) thì các nhà khoa học Anh làm khá tốt. Cũng một phần là họ ít tiền hơn nhiều so với người anh em bên kia Đại Tây Dương

Oxford và Stanford đều nằm trong thung lũng, tuy nhiên thung lũng Silicon của Stanford nổi tiếng và giàu có hơn nhiều. Đổi lại Oxford có một khu vực trường tuyệt đẹp với các ngọn tháp cổ đầy thơ mộng, các tòa nhà với hàng trăm năm lịch sử. Oxford tiền ít hơn, nhưng mọi người thân thiện, vui vẻ, hòa nhã

Trong khi đó, bên trường Stanford lại cạnh tranh nhau khốc liệt nên tạo ra một không khí khá căng thẳng, thậm chí hằm hè nhau. Trong đó, một lý do là chương trình đào tạo nâng cao 5 năm cho bác sĩ sau khi có bằng MD của Mỹ là phải có hai năm làm nghiên cứu trong lab (phòng thí nghiệm) bắt buộc

Thời gian hai năm này rất quan trọng, vì nếu có các công trình tốt, được giáo sư hướng dẫn yêu quý, bác sĩ này có cơ hội tốt được nhận vào các bệnh viện hàng đầu của Mỹ, với mức lương cao và có cả danh tiếng. Thêm vào đó, còn một lượng PhD (tiến sĩ) làm post-doctoral, nhóm này cũng cần điều kiện tương tự

Vì là Đại học hàng đầu, Stanford luôn có một lượng nghiên cứu viên rất đông. Người nhiều và dự án nghiên cứu tốt có hạn nên tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt. Đôi lúc thiếu lành mạnh

Một điểm đặc biệt ở Đại học Stanford là chênh lệnh mức thu nhập. Cùng là giáo sư ở cùng bộ môn, một vị có thu nhập tới 2 triệu USD/năm, còn vị kia chỉ có 200 nghìn USD/năm. Lý do là vị giáo sư hai triệu đô kia thành công trong thương mại hóa các công trình nghiên cứu của ông ấy, và vị ấy có vài ba công ty ngoài thung lũng Silicon

Do vậy ngoài khoản lương 200 nghìn USD từ công việc tại trường Đại học, vị giáo sư còn thu thêm 1,8 triệu đô từ thành công thương mại hóa công nghệ. Văn hóa này trở thành yếu tố tự nhiên và công khai tại Stanford. Không hề sợ bị kèn cựa, chọc phá. Thậm chí Stanford có chính sách rất tốt ủng hộ và phát huy văn hóa này

Nếu so sánh ba Đại học hàng đầu của Mỹ nằm trong thung lũng Silicon là Đại học California San Francisco, Đại học California Berkeley và Đại học Stanford, thì các giáo sư và giảng viên của Stanford hưởng chính sách thông thoáng nhất về thời gian, họ được sử dụng cơ sở vật chất, và sở hữu trí tuệ trong các hoạt động tư bản hóa và thương mại hóa khoa học công nghệ

Mô hình này cực kỳ thành công. Chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động hàn lâm không hề bị suy giảm mà còn tốt hơn, và một lượng của cải vật chất được tạo ra từ mô hình này. Các giảng viên của Stanford có thêm danh hiệu ‘triệu phú’, ‘tỷ phú’ gắn kèm danh hiệu hàn lâm như giáo sư, tiến sĩ

Sau đó những vị giáo sư thành công lại đem tặng lại một phần tài sản của bản thân cho Đại học Stanford để tạo ra cái mới điều tốt đẹp. Ví dụ như giáo sư James H Clark, sáng lập viên của Netscape tặng 60 triệu USD xây Trung tâm nghiên cứu sinh y hiện đại Bio-X. Nếu tới thăm khu vực trường của Stanford, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy các tòa nhà lớn, bộ môn giảng dạy, phòng thí nghiệm hiện đại đều mang tên các đại gia công nghệ đương đại của Mỹ như Bill Gates, David Packard (HP), Bill Hewlett (HP), Gordon Moore (Intel)

Phong trào nghiên cứu khoa học và thương mại hóa công nghệ trong sinh viên, nghiên cứu sinh của Stanford cũng diễn ra rất mạnh mẽ. Đây cũng là văn hóa lâu đời và đặc trưng của Stanford. Nó được hình thành có lẽ từ câu chuyện thành công của Sun Microsystems, Yahoo, Google tại Đại học này. Bên cạnh đó, chính sách tốt trong quản lý; hay các thị trấn xung quanh Stanford như Menlo Park, Palo Alto đều có cư xá, biệt thự tuyệt đẹp của các siêu đại gia công nghệ là những yếu tốt hàng ngày tác động vào các sinh viên, nghiên cứu viên của trường

Nhiều sự kiện hay hội thảo khoa học được tổ chức với sự tham gia của đông đảo mọi thành phần từ các vị giải Nobel như Paul Berg, Steven Chu tới các sinh viên năm đầu, và ngay cả các chuyên ngành khác nhau như hóa học, vật lý, điện tử, y khoa cùng tham gia. Mọi người tụ tập với nhau để cùng đưa ra ý tưởng mới, giải quyết các vấn đề khó khăn, rồi tìm kiếm chuyên môn thích hợp của nhau

Sau đó họ chia thành các nhóm nhỏ, bàn luận sâu hơn, rồi bàn đến việc thành lập công ty, tìm kiếm tài trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và phát triển tiếp, nếu điều này thành công, các công ty lớn có thể mua lại ý tưởng đó để phát triển

Các hoạt động này diễn ra tự nguyện, đều đặn, trật tự, hiệu quả và khá vui. Bởi vì các thành phần tham gia đặc biệt các sinh viên trẻ, nghiên cứu sinh đều có một động lực duy nhất là muốn mình thành công, dù không được như Yahoo hay Google mà họ chỉ một phần nhỏ thì cũng là quá tốt rồi

Rất đáng học Oxford về hiệu quả nghiên cứu khoa học và theo Stanford về phong trào tư bản hóa/thương mại hóa khoa học công nghệ

Phan Toàn Thắng
 
Top