LOBBY.VN
Administrator
CMC muốn xây tổ hợp công nghệ 12.000 tỉ đồng tại Đà Nẵng
Tập đoàn công nghệ CMC (có trụ sở tại TPHCM) đề xuất với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng việc xây dựng Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC (CMC Creative Space) với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng

Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ cầu Thuận Phước. Thành phố đang khuyến khích các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao
Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC sẽ có các phân khu chức năng như khu nghiên cứu và phát triển, khu sản xuất phẩn mềm, công nghệ thông tin, trạm trung chuyển Internet, trung tâm dữ liệu, khu nhà ở cho chuyên gia, cán bộ nhân viên và dịch vụ liên quan với đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn cao cấp
Dự án được chia làm hai giai đoạn, đem lại việc làm cho khoảng 2.000 lao động vào giai đoạn 1 và 10.000 lao động ở giai đoạn 2, với tham vọng đưa Đà Nẵng thành cửa ngõ quốc tế về trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu, nằm trong chiến lược đưa Việt Nam trở thành Digital Hub (Trung tâm công nghệ số) khu vực châu Á – Thái Bình Dương của CMC
Những thông tin này được đề cập trong buổi làm việc trực tuyến ngày 18-8, giữa lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và CMC
Tại buổi làm việc, đại diện CMC cho biết tập đoàn công nghệ này đang triển khai dự án đề xuất Việt Nam trở thành Digital Hub khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc trở thành Digital Hub khu vực – điểm tập trung lưu trữ dữ liệu và trung chuyển lưu lượng Internet của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, nội dung số toàn cầu… với quy mô cung cấp dịch vụ trên địa bàn rộng nhiều quốc gia lân cận/vùng/khu vực - đóng vai trò quan trọng trong vị thế quốc gia và nền kinh tế của một nước, đặc biệt trong thời đại kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay
Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện có 3 Digital Hub chính là Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản; và Việt Nam được đánh giá hội đủ các điều kiện để trở thành Digital HUB tiếp theo của khu vực. Để hiện thực hóa điều này, Tập đoàn CMC đang quyết liệt xúc tiến nhiều chương trình hành động như xây dựng Data Center (Trung tâm dữ liệu) trung lập với kết nối cao, quy mô lớn tại Khu chế xuất Tân Thuận và Khu Công nghệ cao (đều tại TPHCM)
Bên cạnh đó, CMC đã đẩu tư xây dựng tuyến cáp trục xuyên Việt CVCS (Cross Vietnam Cable System), có tổng chiểu dài hơn 2.500 km đi qua 19 tỉnh thành trên cả nước, từ Lạng Sơn đến Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM đến Tây Ninh. Tuyến CVCS có tổng đầu tư hơn 500 tỷ đồng và là tuyến cáp Việt Nam duy nhất kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á - A Grid. Theo đó, Việt Nam đã chính thức nằm trong mạng lưới khu vực, kết nối qua các quốc gia Malaysia, Singapore, Campuchia và Thái Lan
Được biết, lãnh đạo Đà Nẵng thống nhất chủ trương cho phép CMC đầu tư dự án và yêu cầu doanh nghiệp triển khai các thủ tục liên quan nhằm sớm trình hồ sơ đề xuất dự án
Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các bên liên quan đang tiến hành tìm kiếm các khu đất phù hợp với dự án
Chia sẻ với TBKTSG Online hôm nay, 19-8, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, chia sẻ: “Nhà đầu tư muốn tìm kiếm một khu đất bên ngoài khu công nghiệp và khu công nghệ cao để đầu tư dự án. Đây là một điều đáng tiếc vì hiện nay tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có quy hoạch quỹ đất cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo”