LOBBY.VN
Administrator
“Voi Ấn Độ” gia nhập CLB 1.000 tỷ USD

- Tuy không “ồn ào cất cánh”, nhưng “Voi Ấn Độ” lại đang lừng lững tiến lên để gia nhập “Câu lạc bộ GDP trên 1.000 tỉ USD” và trở thành thực thể kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030
Báo cáo phát triển kinh tế trong “Năm tài chính 2010-2011” kết thúc ngày 31/3/2011 do Cục thống kê nhà nước Ấn Độ công bố ngày 31/5/2011 cho biết: Tăng trưởng GDP đạt 48.770 tỉ Rupi (bằng 1.080 tỷ USD), tăng 8,5% so với năm trước. So với mức 8,6% dự kiến ban đầu có giảm đôi chút do phát triển công nghiệp và dịch vụ suy giảm, mặc dù sản xuất nông nghiệp tăng tới 6,6%. GDP quí 1 “Năm tài chính 2011-2012” tăng 7,8%, thấp hơn mức 8,1% theo dự kiến. Tổ chức tiền tệ thế giới IMF dự kiến GDP “Năm tài chính 2011-2012” của Ấn Độ tăng 7,8%
Tờ “Thời báo Ấn Độ” dẫn phát biểu Thủ tướng Manmohan Singh nói tháng 4/2011: “Ấn Độ đang tích cực kiềm chế lạm phát, đảm bảo Kế hoạch 5 năm 2008-2012 đạt mức tăng trưởng bình quân 8,2%, 5 năm tiếp theo (2012-2017) đạt mức tăng trưởng bình quân từ 9%-9,5%”
Nhìn lại phát triển kinh tế những năm qua, người ta thấy GDP Ấn Độ luôn tăng trưởng cao vững chắc luôn duy trì ở mức bình quân trên dưới 8%. Một số nhà kinh tế đánh giá: “Con Voi Ấn Độ tuy không cất cánh như các thực thể kinh tế khác, nhưng lại cần cù với những bước tiến vững chắc và có thể thồ được gánh nặng lạm phát hiện nay”
Báo cáo của Cục thống kê nhà nước cho biết tỉ lệ lạm phát tháng 4/2011 là 8,5%, tháng 5/2011 đã tới 9,06%, tăng gần 0,5% so với tháng 4/2011, cao hơn mức dự kiến của Chính phủ. Ngày 16/6/2011, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ tuyên bố tăng 0,25% lãi suất, đây là lần tăng thứ 10 trong 16 tháng qua. Hiện lãi suất đã ở mức 7,5%, dự kiến từ tháng 6/2011 tới tháng 9/2011 lãi suất có thể tăng thêm 3 lần nữa và mỗi lần là 0,25%. Khi công bố tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho rằng đây là biện pháp chính sách tiền tệ chống lại lạm phát
Công ty chứng khoán Nomura của Nhật ở Ấn Độ nhận xét điều đáng lưu ý là nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao ở Ấn Độ lại xuất phát từ hàng công nghiệp chứ không phải là hàng nông sản như một số nước khác. Giá mặt hàng này liên tục tăng cao tới 8% trong 17 tháng qua, bởi vậy kiềm chế lạm phát lại bắt đầu từ sản xuất công nghiệp. Đây chính là nguyên nhân làm chậm mức tăng trưởng GDP ở Ấn Độ thời gian qua
Mặc dù lạm phát đang là gánh nặng đè lên nền kinh tế, nhưng hầu hết các nhà kinh tế thế giới đều lạc quan về kinh tế Ấn Độ. Thể hiện rõ nhất ở các chỉ tiêu kinh tế. Một là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 đạt 539,2 tỉ USD, tăng 27,8% so với năm 2009. Hai là FDI đổ vào Ấn Độ ngày càng tăng, như 8 tháng đầu năm 2009 là 8,6 tỉ USD, nhưng 8 tháng đầu năm 2010 tới 13,6 tỉ USD, riêng tháng 9/2010 tới 7,1 tỉ USD, mức kỉ lục trong các thực thể kinh tế đang trỗi dậy. Ba là thị trường chứng khoán tăng trưởng cao. Chỉ số Mumbai năm 2010 đã vượt ngưỡng 20.893,6 điểm, lập mức cao kỉ lục mới trong 2 năm qua. Trong 10 năm qua, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng gấp hơn 3 lần
Ủy ban chứng khoán Ấn Độ (SEBI) cho biết thời gian qua các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư tới 67,5 tỉ Rupi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp Ấn Độ do họ lạc quan đối với kinh tế Ấn Độ thời gian tới, nhất là GDP có triển vọng tiếp tục tăng cao. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Ấn Độ cởi mở và nới lỏng hơn nhiều so với một số thị trường khác kể cả Trung Quốc, nhất là có hệ thống quản lý tốt hơn, minh bạch hơn. Trong 12 tháng qua, chỉ số Mumbai đã đạt mức tăng trưởng 22%, mức tăng ngoạn mục so với thị trường chứng khoán các nước và dẫn đầu trong Nhóm BRICS
Kinh tế tăng trưởng cao ổn định, thị trường chứng khoán biểu hiện lành mạnh, vì vậy đồng Rupi cũng lên giá, hãng Bloomberg dự kiến có thể tới 13% vào trước tháng 6/2012
Đánh giá về kinh tế Ấn Độ, IMF cho rằng thời gian 20 năm tới GDP vẫn đạt mức tăng trưởng từ 8% - 8,5%. CitiBank cho rằng trong thời gian 2010-2015 tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Ấn Độ đạt 8,8%, vượt mức 8,7% của Trung Quốc
Chattered Bank còn đánh giá lạc quan hơn, khi cho rằng: “Voi vẫn có thể cất cánh và đếnnăm 2030 Ấn Độ trở thành thực thể kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Thậm chí, Ấn Độ có thể vượt cả Trung Quốc bởi vì có nhiều thế mạnh, nhất là có lớp trẻ nắm vững khoa học kỹ thuật và những cải cách thị trường hóa nền kinh tế tương đối thành công”
Last edited: