What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Korea ThinkTank

LOBBY.VN

Administrator
Tương lai màu xám của kinh tế Hàn Quốc khi dân số già hóa
Tỷ lệ sinh xuống mức quá thấp báo hiệu dân số Hàn Quốc đang bước vào thời kỳ già hóa chóng, dẫn đến năng suất lao động tăng chậm, gây trì trệ cho nền kinh tế

Năm 1960, Hàn Quốc có tổng tỷ lệ sinh hơn 6 em bé trên mỗi phụ nữ, mức đủ cao để tạo ra cơn bùng nổ dân số. Nhưng khi nền kinh tế Hàn Quốc phát triển đi lên, tỷ lệ sinh này giảm dần qua mỗi thập kỷ

Một đất nước cần có tổng tỷ lệ sinh khoảng 2,1 em bé trên mỗi phụ nữ để duy trì sự ổn định dân số trong dài hạn. Tổng tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giờ đây chỉ khoảng phân nửa con số này và đang tiếp tục giảm

Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc cho biết trong năm 2018, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm về mức thấp kỷ lục, 0,98, thấp hơn nhiều so với cả những nước đang đối mặt vấn đề dân số già hóa nghiệm trọng như Nhật Bản (có tỷ lệ sinh cao hơn 1,4)

Điều này có nghĩa là Hàn Quốc đang hướng đến một cú sụp đổ về cơ cấu dân số. Trong 50 năm tiếp theo, trừ phi có những cải thiện rõ rệt về tỷ lệ sinh, dân số Hàn Quốc với 51 triệu người hiện này có thể giảm đến 1/3. Hàn Quốc được dự báo trở thành nước phát triển có dân số già nhất thế giới vào năm 2065

Câu hỏi đặt ra là liệu tốc độ sụt giảm dân số nhanh chóng có gây tổn thương nền kinh tế Hàn Quốc hay không? Xét về mặt toán học, những nước chứng kiến dân số suy giảm vẫn có thể cải thiện về mức thu nhập tính trên đầu người, chẳng hạn Nhật Bản

Điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo: Nếu người dân có thể sung túc hơn, vì sao tổng dân số lại là vấn đề quan trọng ?

Câu trả lời ngắn gọn là vì dân số già thường khiến các nước kém năng suất hơn. Khi những người già về hưu, có nghĩa là họ không còn đóng góp nhiều cho năng suất kinh tế, làm chậm mức tăng trưởng thu nhập trung bình trên mỗi đầu người. Khi tỷ lệ công nhân về hưu ngày càng tăng, mỗi công nhân sẽ phải tiêu nhiều tiền, thời gian và công sức hơn để chăm sóc lực lượng người già

Dân số giảm có thể tác động đến mức đầu tư của các công ty tại một nước. Các công ty muốn sản xuất hàng hóa và dịch vụ gần nơi người tiêu dùng cư trú nên khi quy mô của một thị trường quốc gia bắt đầu suy giảm, điều này sẽ làm giảm động lực xây dựng các văn phòng và nhà máy mới ở đây. Gần đây, vào cuối thập niên 1990, Nhật Bản đầu tư khoảng 30% tổng giá trị GDP mỗi năm nhưng con số này giờ đây rơi về mức 24%

Dù một số khoản đầu tư có thể kém hiệu quả hoặc lãng phí, mức đầu tư thấp thường dẫn đến tổng giá trị tài sản cố định của một nền kinh tế suy giảm và mức sống thấp hơn của người dân trong dài hạn

Dân số già cũng có thể khiến tăng trưởng năng suất lao động suy giảm. Một khi công nhân bước vào độ tuổi 45, năng suất của họ bắt đầu giảm, chủ yếu vì họ chậm thích nghi với các điều kiện kinh doanh đang thay đổi. Một nghiên cứu của các nhà kinh tế ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2016 kết luận dân số già hóa có thể là lý do khiến năng suất suy giảm ở châu Âu. Một nghiên cứu khác của ba nhà kinh tế Nicole Maestas, Kathleen Mullen và David Powell phát hiện ra rằng các bang ở Mỹ có lực lượng dân số già lớn có mức tăng trưởng thu nhập trên đầu người chậm hơn

Vậy nên một thế giới già hóa sẽ khiến mức sống của người cải thiện chậm chạp. Thật không may, cho đến nay, vẫn chưa có chính sách nào có thể giúp tăng tỷ lệ sinh bền vững

Theo phân tích của nhà kinh tế Lyman Stone, các sáng kiến cung cấp các ưu đãi tài chính và dịch vụ trông trẻ miễn phí để khuyến khích sinh đẻ chỉ tạo ra hiệu ứng khiêm tốn

Điều này khiến dân nhập cư trở thành một phương án quan trọng để duy trì sự ổn định dân số ở các nước có dân số đang già hóa. Trên giả thiết, Hàn Quốc có thể bù đắp cho tốc độ suy giảm dân số bằng cách tiếp nhận lực lượng lao động nhập cư từ nước láng giềng Trung Quốc và các nước khác

Tuy nhiên, Hàn Quốc cần lượng dân nhập cư lớn để duy trì ổn định dân số. Trong vòng năm thập kỷ tới, nước này cần có đến 1/3 dân số là người nhập cư hoặc con cháu của họ nếu muốn duy trì mức dân số ổn định như hiện nay. Đây chắc chắn là một nhiệm vụ khó khăn vì vẫn không rõ những người dân bản địa có chấp nhận một mức tăng dân nhập cư nhanh chóng như vậy không, đặc biệt là ở một đất nước ít có lịch sử về vấn đề nhập cư như Hàn Quốc

Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng ở tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit, dự báo do lực lượng lao động suy giảm, mức tăng trưởng GDP của Hàn Quốc sẽ giảm về mức 2% vào năm 2030 và về mức 1% vào năm 2050

Điều đáng lo ngại hơn là tỷ lệ sinh giảm hầu hết ở hầu hết các nước trên thế giới. Trung Quốc có thể là nguồn cung cấp dân nhập cư lớn cho Hàn Quốc nhưng nước này đang chứng kiến dân số ở độ tuổi lao động suy giảm hàng triệu người mỗi năm. Ấn Độ rồi cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Ngay cả ở châu Phi, nơi sẽ cung cấp động lực tăng trưởng dân số trong thế kỷ tiếp theo, sự chuyển tiếp sang tỷ lệ sinh thấp đang diễn ra

Về dài hạn, điều này có nghĩa là nguồn cung dân nhập cư tiềm năng trên toàn cầu sẽ cạn kiệt. Trừ khi có các chính sách mới và hiệu quả để giúp nâng cao tỷ lệ sinh, dân số ở nhiều nước sẽ giảm dần và các nước như Hàn Quốc sẽ dẫn đầu cơn suy giảm này, từ đó, gánh nặng người phụ thuộc sẽ gia tăng trên toàn cầu

Noah Smith, phó giáo sư tài chính ở Đại học Stony Brook (Mỹ), cho rằng các chính phủ, nhà kinh tế, giới kinh doanh cần bắt tay hoạch định phát triển cho một thế giới già hóa. Họ cần thiết kế các sáng kiến tận dụng tài năng của người già hiệu quả hơn, tăng cường tự động hóa, giảm chi phí y tế và tái thiết kế hệ thống lương hưu để giúp chúng bền vững hơn về mặt tài chính

Lê Linh
 
Last edited:
Chiến lược tỷ đô có thể biến Hàn Quốc thành cường quốc vaccine
Hàn Quốc lên kế hoạch đầu tư gần 2 tỷ USD để bước vào nhóm 5 nhà sản xuất vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới trong vài năm tới

Kế hoạch đầy tham vọng được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố vào ngày 5/8, tại cuộc họp của ủy ban hợp tác công - tư về giải pháp thúc đẩy sản xuất vaccine Hàn Quốc. "Chúng ta sẽ cố gắng nhảy vọt, trở thành một trong năm nhà sản xuất vaccine hàng đầu toàn cầu vào năm 2025", ông Moon nhấn mạnh

Tổng thống Hàn Quốc muốn đưa vaccine Covid-19 vào nhóm ba công nghệ chiến lược quốc gia, bên cạnh vật liệu bán dẫn và pin, trong bối cảnh nỗ lực chống dịch của quốc gia Đông Bắc Á này đang bị cản trở đáng kể bởi nguồn cung vaccine toàn cầu hạn chế và các hãng dược liên tục trễ hẹn đơn hàng

Với lộ trình đầu tư gần 2.200 tỷ won (khoảng 1,9 tỷ USD) trong 5 năm, Hàn Quốc dự kiến hỗ trợ khoảng 200 nhà khoa học y khoa, đào tạo 10.000 chuyên viên thử nghiệm lâm sàng và 2.000 nhân lực sản xuất sinh phẩm mỗi năm. Theo giới phân tích, chiến lược này sẽ giúp Hàn Quốc chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản Covid-19 kéo dài cũng như những đại dịch trong tương lai

"Chúng ta không thể biết trước đại dịch nào sẽ giáng đòn lên thế giới lần sau. Hàn Quốc cần phát triển ngành vaccine để giữ nền kinh tế sống sót trong tương lai", Yoon Sung-suk, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Chonnam, cảnh báo

Ông Yoon đánh giá Hàn Quốc cần tự trang bị năng lực phát triển và sản xuất vaccine để bảo vệ chính mình trước đại dịch. Thành công trong lĩnh vực này còn giúp Hàn Quốc củng cố vị thế nhà cung cấp sản phẩm chiến lược toàn cầu, điều đặc biệt quan trọng giữa bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng phức tạp và nhiều lần đe dọa xóa trộn chuỗi cung ứng

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang thấm thía nỗi khổ thiếu hụt vaccine Covid-19 vì phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, trong khi làn sóng Covid-19 thứ tư đang bùng phát nghiêm trọng tại nước này

Tính đến ngày 8/8, Hàn Quốc đã tiêm chủng ít nhất một liều cho 45% trên tổng dân số 52 triệu người. Tỷ lệ tiêm đủ hai mũi chiếm khoảng 15% dân số, thấp hơn nhiều nước trong nhóm thu nhập cao

Ngày 9/8, Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol xin lỗi người dân vì hãng dược Moderna chỉ giao được 4,5 triệu liều vaccine trong tháng 8, bằng một nửa cam kết ban đầu

Đây không phải lần đầu tiên hãng dược Mỹ trễ hẹn. Theo báo cáo từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bện Hàn Quốc (KDCA), nước này mới nhận được 2,4 triệu liều trong đơn hàng 40 triệu liều vaccine Covid-19 đặt mua từ Moderna

Thực tế là nguồn cung vaccine Covid-19 thế giới liên tục đối diện nguy cơ biến động. Đầu tuần qua, KDCA tuyên bố kế hoạch đàm phán sớm những lô hàng cho năm 2022 trước nguy cơ xuất hiện làn sóng thu gom vaccine thứ hai của các nước phương Tây. Với sự xuất hiện của biến chủng Delta, một số nước giàu đã khởi động kế hoạch tiêm mũi thứ ba cho người dân, kéo theo sức ép lên dây chuyền sản xuất ở châu Âu và Mỹ

Các hãng dược Pfizer và Moderna cũng vừa nâng giá sản phẩm. Trong khi đó, Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine và biệt dược lớn nhất thế giới, vẫn đang tập trung cho thị trường nội địa vì diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Mất đi nguồn cung vaccine từ Ấn Độ đã đẩy hàng loạt khu vực trên thế giới vào cảnh "vỡ kế hoạch" chống dịch. Không ít quốc gia trong nhóm thu nhập vừa và thấp phụ thuộc vào nguồn cung vaccine giá thành hợp lý của cường quốc Nam Á này

moon-jae-in-jpeg-1628569970-7219-1628570643.jpg

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm phòng thí nghiệm vaccine của SK Bioscience tại thành phố Andong vào tháng 1

Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh chỉ có tự phát triển và sản xuất vaccine Covid-19 nội địa mới có thể đảm bảo "tự chủ vaccine" quốc gia

"Khi nào thế giới còn chưa đủ vaccine cho tất cả quốc gia, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn nCoV lây lan với những biến chủng mới liên tục xuất hiện. Hàn Quốc muốn tiên phong giải quyết vấn đề này bằng cách trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu", ông tuyên bố

Lee Hoanjong, giáo sư danh dự Bệnh viện Nhi - Đại học Quốc gia Seoul, cũng lạc quan về triển vọng ngành vaccine trở thành động lực tăng trưởng mới cho Hàn Quốc. Ông lưu ý quốc gia Đông Bắc Á này đang giữ vị thế nước sản xuất y sinh lớn thứ hai thế giới và có nhiều nhà sản xuất tầm cỡ như Samsung Biologics hay SK Bioscience. Theo ông, việc kết hợp hạ tầng sản xuất của Hàn Quốc với năng lực nghiên cứu - phát triển của Mỹ và châu Âu là một ý tưởng nhiều hứa hẹn

Mong muốn xây dựng quan hệ đối tác vaccine với phương Tây cũng được Tổng thống Moon đề cập trong bài phát biểu tuần qua. Ông xác nhận đã cùng người đồng cấp Mỹ Joe Biden ủng hộ kết hợp kinh nghiệm vaccine và năng lực sản xuất của hai nước tại cuộc họp thượng đỉnh tháng 5

Dù vậy, kế hoạch trở thành "cường quốc vaccine" của Hàn Quốc vẫn khó tránh khỏi những hoài nghi. Kim Woo-joo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Guro, Đại học Y Hàn Quốc, cho rằng tham vọng biến Hàn Quốc thành đối thủ cạnh tranh với những nhà phát triển vaccine hàng đầu thế giới vào năm 2025 là "thái quá"

"Hàn Quốc có thể đóng vai trò cơ sở sản xuất cho những nhà phát triển vaccine, nhưng nước này khó lòng đấu với các công ty Mỹ và châu Âu ở mảng nghiên cứu và phát triển", Kim nói, nhắc nhở rằng AstraZeneca, Moderna và Pfizer phát triển vaccine với tốc độ kỷ lục vì họ đã có hàng thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm trước đó

"Nếu không có những công nghệ nền tảng đã được đăng ký bản quyền bởi các nước phát triển, chỉ có phép tiên mới giúp được Hàn Quốc tự phát triển vaccine nội địa trong thời gian ngắn", ông đánh giá

Trung Nhân
 
6 triệu người Hàn Quốc đăng ký kinh doanh mới

photo1629355956389-16293559564861224152880.jpg

Lý do chính ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc khởi nghiệp là vì... chẳng thể xin được việc làm

Hiện Hàn Quốc là nước có tỷ lệ nợ tính theo GDP cao nhất tại Châu Á và đang trở thành một quả bom nổ chậm trong nền kinh tế. Vì thiếu vốn, người dân Hàn Quốc phải tìm đến tín dụng đen và tạo nên vòng xoáy nợ nần, trong khi giới trẻ mải mê chạy theo lối sống vật chất để rồi ngập trong cờ bạc, rượu chè

Số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy tỷ lệ dư nợ hộ gia đình tại nước này đã đạt 1,7 triệu tỷ Won, tương đương 1,58 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2021. Con số này cao hơn 9,53% so với cùng kỳ năm ngoái

Tồi tệ hơn, cứ mỗi phút trôi qua thì số dư nợ hộ gia đình lại tăng thêm 100.000 USD và cứ mỗi 12 phút là lại có một người Hàn Quốc phải tuyên bố phá sản

Lối sống vật chất

Trong khoảng 2014-2018, hơn 800 người đã tự tử tại cầu Sapo thuộc Seoul-Hàn Quốc, biến nơi đây thành "cây cầu tử thần". Nguyên nhân chính của những vụ tự sát này phần lớn là do nợ nần, một điều vô cùng phổ biến trong giới trẻ Hàn ngày nay

Trên thực tế, việc dùng thẻ tín dụng là một thói quen phổ biến tại Hàn Quốc. Chúng đóng góp lớn cho lợi nhuận ngân hàng cũng như nền kinh tế nhưng lại gián tiếp đẩy hàng triệu thanh thiếu niên vào vòng xoáy nợ nần


Tỷ lệ nợ hộ gia đình theo số thu nhập khả dụng tại các nước (%) tính đến năm 2019

Thậm chí, tỷ lệ sử dụng thẻ thanh toán tại Hàn Quốc cao hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng chiếm tới 40% GDP của Hàn Quốc, cao hơn nhiều so với mức 18% của Mỹ. Nguyên nhân chính là xã hội Hàn coi trọng sự thành đạt, vẻ ngoài hào nhoáng và lối sống vật chất. Hệ quả là người dân quay cuồng trong những xu hướng thời trang, sản phẩm tiêu dùng hay những thứ giúp gia tăng hình ảnh của họ với mọi người

Quay ngược về thập niên 1990, tỷ lệ nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc vẫn chưa cao như vậy. Thế nhưng cuộc khủng hoảng 1997 khiến nền kinh tế nước này lao đao. Tỷ lệ thất nghiệp tăng trong khi hệ thống tài chính có nguy cơ đổ vỡ, buộc chính phủ phải có những biện pháp khuyến khích người dân tiêu dùng để kích thích tăng trưởng trở lại

Việc chính phủ có những động thái như giảm thuế cho chi tiêu bằng thẻ tín dụng đã khiến hàng loạt người tiêu dùng Hàn mở thẻ. Trong khoảng 1999-2002, bình quân mỗi người trưởng thành Hàn Quốc sở hữu 4 chiếc thẻ tín dụng, mức tăng 100%. Thị trường thẻ tín dụng nóng lên khiến các ngân hàng đua nhau nâng mức giới hạn vay tiền để cạnh tranh, đẩy ngày càng nhiều người vào vòng xoáy nợ nần

Tuy nhiên bong bóng thẻ tín dụng nhanh chóng đổ vỡ vào năm 2003 khi chính phủ phải tung hàng tỷ USD cứu trợ các ngân hàng. Thế nhưng hệ lụy của nó đến xã hội thì vẫn còn cho đến tận ngày nay. Văn hóa tiêu dùng, lối sống vật chất vẫn bám chặt lấy người Hàn Quốc từ khi chính phủ cổ vũ người dân gia tăng vay nợ vào cuối thập niên 1990

Mức thanh toán tiền thẻ tín dụng hàng năm tại Hàn Quốc trước khi đại dịch bùng phát đã cao hơn so với thời kỳ bong bóng thẻ tín dụng 2003 tới 17%, đạt 700 tỷ USD. Chính sách giảm thuế khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng vẫn còn và người dân Hàn tiếp tục "nghiện" quẹt thẻ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của mình

Điều trớ trêu hiện nay là giới trẻ Hàn có thu nhập rất kém, khiến họ không có đủ khả năng chi trả cho những chiếc thẻ tín dụng của mình dù lối sống vật chất khiến nhiều người không dừng mua sắm lại được


Tốc độ tăng trưởng nợ hộ gia đình trong khoảng 2016-2019

Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ Hàn Quốc dưới 24 tuổi là 10,5%, cao hơn Mexico (6,9%) hay Cộng hòa Czech (6,7%) dù GDP bình quân đầu người xếp trên

Trong những năm gần đây, bình quân khoảng 134.000 người Hàn đã phải tuyên bố phá sản mỗi năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tương đương cứ 300 người lớn thì có 1 người Hàn Quốc bị vỡ nợ. Phần lớn những người này là các bạn trẻ ngoài 20, vốn là tầng lớp chưa có sự nghiệp nhưng dễ bị cuốn theo lối sống vật chất

Với những bạn trẻ có điều kiện hay gia đình giàu có, việc chạy đua theo lối sống này không thành vấn đề. Thế nhưng với những người kém may mắn hơn, áp lực phải ganh đua khiến họ mất hết cả sự nghiệp lẫn tương lai

"Xã hội Hàn Quốc rất hay phụ thuộc vào các xu thế, lối sống mới. Điều này khác với tư tưởng tự lập của Phương Tây. Ví dụ như tại Pháp, mỗi người sẽ có quan điểm và phong cách ăn mặc riêng theo sở thích của họ. Thế nhưng tại Hàn Quốc, nếu một kiểu quần áo nào được cho là đẹp mà người tiêu dùng không thể mua được, họ sẽ cảm thấy buồn và bị bỏ rơi, dẫn đến cơn cuồng mua sắm lẫn nợ nần", Chuyên viên đòi nợ Hwang Il Dong nhận định

Thất nghiệp, Nợ nần, Cờ bạc

Giới trẻ Hàn cần tiền cho lối sống vật chất nhưng lại không có nhiều cơ hội nghề nghiệp vì kinh tế giảm tốc. Những tập đoàn gia đình trị Chaebol kiểm soát toàn nền kinh tế lại ít tuyển mới trong khi các doanh nghiệp nhỏ liên tục phá sản vì không cạnh tranh nổi. Hệ quả là thanh thiếu niên Hàn hướng đến những công cụ làm giàu nhanh như chứng khoán hay cờ bạc, những người tuyệt vọng hơn thì hướng đến rượu chè hay tự sát để giải thoát

Số liệu của Trung tâm chống nghiện cờ bạc Hàn Quốc (KCGP) cho biết số thanh thiếu niên phải vào đây điều trị đã tăng 6 lần, từ 168 em năm 2015 lên 1.027 bệnh nhân năm 2018. Phần lớn các thanh thiếu niên này bị cuốn vào những trò cờ bạc bất hợp pháp trên mạng

Theo Chuyên gia tư vấn tín dụng Kim Min Chul, việc nghiện cơ bạc trên mạng đã đẩy nhiều thanh thiếu niên Hàn trở thành đối tượng cho các nhóm vay nặng lãi nhắm vào. Những lời rao như cho vay 240 USD trong 2 tuần trả lại 400 USD, tương đương mức lãi 500%, tràn ngập trên các mạng xã hội Hàn Quốc


Các thanh thiếu niên, học sinh có thể dễ dàng nhận được khoản vay này mà chẳng cần bất kỳ khoản thế chấp nào. Hệ quả là chính những người thân của các học sinh này sẽ là người phải gánh chịu

Những cuộc khảo sát cho thấy trước khi đại dịch diễn ra, hơn 400.000 người Hàn đã thừa nhận đang vay nặng lãi, đó là chưa tính đến những người giấu chuyện vay nợ. Như vậy cứ 100 người lớn Hàn Quốc thì có 1 người vay nặng lãi và tổng số tiền của thị trường này ước tính đạt tới 5,5 tỷ USD

Các cuộc khảo sát cho thấy 60% số sinh viên tốt nghiệp tại Hàn Quốc với khoản nợ ít nhất 10.000 USD, phần lớn là tiền học phí

Tồi tệ hơn, các nghiên cứu cũng chỉ ra cứ 10 thanh niên Hàn dưới 24 tuổi thì có 2 người không được giáo dục, thất nghiệp và sống vật vờ ăn bám xã hội. Mức học phí cao cùng chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến nhiều bạn trẻ không có cơ hội học hành, tạo nên vòng xoáy thất nghiệp, nợ nần, cờ bạc, rượu chè

Sự thật sau những quán gà khởi nghiệp

Thế nhưng không riêng gì thanh thiếu niên, khoảng ¼ số lao động Hàn là những người kinh doanh nhỏ lẻ và họ còn nợ nần nhiều gấp 5 lần các bạn trẻ. Hàn Quốc hiện có khoảng 6 triệu người đăng ký kinh doanh nhỏ lẻ, con số cao nhất thế giới. Vấn đề là không phải người kinh doanh nhỏ lẻ nào cũng muốn "khởi nghiệp" mà đơn giản là cơ hội việc làm quá ít

Chuyên gia Kim Sang Bong của trường đại học Hansung cho biết phần lớn người Hàn kinh doanh nhỏ lẻ chỉ quẩn quanh các loại quán gà nướng, quán cà phê, quán bánh ngọt hay tiệm tạp hóa. Thậm chí sự bùng nổ nhan nhản của các quán nướng, quán nhậu, quán gà đã khiến cung vượt cầu. Hiện Hàn Quốc có khoảng 87.000 quán bia và gà trên cả nước, nhiều gấp đôi số quán McDonald’s trên toàn thế giới


Điều đáng buồn là những quán kinh doanh này không đủ điều kiện để vay tiền ngân hàng và họ buộc phải hướng đến những nhóm cho vay nặng lãi. Thế nhưng, kinh tế giảm tốc khiến họ chẳng đủ tiền trả lãi và càng ngập trong nợ khi phải vay nợ mới trả nợ cũ

Năm 2019, gần 50% những doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hàn không đủ tiền thanh toán lãi vay. Khoảng ¼ số hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa tại Hàn Quốc khi chưa hoạt động được 1 năm. Giá thuê nhà cao do bong bóng thị trường bất động sản khiến nhiều người phải nhượng lại cửa hàng

Sau mỗi lần giảm tốc hay khủng hoảng, Hàn Quốc lại cố gắng kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất và khuyến khích tiêu dùng. Thế nhưng ngân hàng sẽ chẳng cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ vay khi lãi suất hạ vì lợi nhuận quá thấp, trong khi khuyến khích tiêu dùng chỉ làm tăng thêm nợ cá nhân. Rõ ràng, Hàn Quốc đang lâm vào một thách thức chưa từng có và vẫn đang loay hoay tìm đường ra
 
Doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc
Cùng với nền công nghiệp giải trí, ngành công nghiệp công nghệ thông tin cũng đóng góp giá trị khó có thể đong đếm cho Hàn Quốc

Công nghệ và đổi mới đứng sau tốc độ phát triển thần kỳ của Hàn Quốc

Không thể phủ nhận Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Chỉ mất hai thập kỷ, Hàn Quốc đã cách mạng hóa ngành viễn thông và thay đổi cuộc sống của toàn bộ người dân. Trước thập niên 80, khi chính quyền quân sự theo đuổi chiến lược công nghiệp hóa xuất khẩu, ngành dịch vụ nội địa, bao gồm thị trường viễn thông, phần lớn bị bỏ qua. Tuy nhiên, tình thế thay đổi vào đầu những năm 1980 khi công chúng cần cải thiện sinh kế và dịch vụ viễn thông tốt hơn. Chính phủ quyết định tư nhân hóa doanh nghiệp viễn thông

Đến giữa thập niên 90, chính phủ vạch ra hai kế hoạch lớn để phát triển xã hội thông tin vào năm 1996 và 1999. Cuối năm 2002, hơn 68% dân số kết nối Internet, 68% dùng điện thoại di động, 70% hộ gia đình sở hữu Internet băng rộng. Hàn Quốc nổi bật với một trong những hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tiến bộ nhất thế giới, trong khi ngành công nghiệp CNTT là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quốc gia

Về cơ bản, ngành CNTT Hàn Quốc được phân ra làm ba lĩnh vực chính: dịch vụ viễn thông, thiết bị CNTT và phần mềm. Ngành đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế quốc gia từ đầu những năm 1990 bất chấp hai đợt suy thoái kinh tế lớn năm 1997 và 2001. Sau khi phục hồi vào năm 2002, ngành CNTT đạt tỉ lệ tăng trưởng thường niên 25,9%, vượt tỉ lệ tăng trưởng GDP. Tỉ trọng đóng góp của ngành công nghệ trong GDP quốc gia năm 2003 là 16%, trong khi xuất khẩu đạt 57,6 tỷ USD, chiếm 37,1% doanh thu xuất khẩu


Công nghệ và đổi mới là hai yếu tố quan trọng củng cố năng lực xuất khẩu của Hàn Quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế đáng kể của đất nước trong những thập kỷ qua. Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng ấn tượng đến mức quốc gia Đông Á này đã từ một trong những nước nghèo nhất trong những năm 1960 trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới vào năm 2014. Hiện nay, kinh tế Hàn Quốc đứng thứ 4 châu Á và thứ 10 thế giới

Rajiv Biswas, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty phân tích toàn cầu IHS, cho biết: “Hàn Quốc đã chuyển mình kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên từ một xã hội nông nghiệp nghèo nàn sang một nền kinh tế đô thị hóa, công nghệ cao với lực lượng lao động có tay nghề cao”

Tỉ trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong GDP của Hàn Quốc ở mức cao so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc đã chi 4,29% GDP cho R&D trong năm 2014, tiếp theo là Israel (4,11%) và Nhật Bản (3,58%). Ngoài ra, Chỉ số Đổi mới Bloomberg đã xếp hạng quốc gia này có nền kinh tế đổi mới nhất thế giới 6 năm liên tiếp (2014-2019) và vừa giành lại ngôi đầu vào năm 2021 sau khi năm 2020 bị xếp sau Đức. Chỉ số đánh giá các quốc gia theo sáu hạng mục khác nhau, bao gồm R&D, các công ty công nghệ cao, sản xuất, nhân viên nghiên cứu, bằng sáng chế và giáo dục

Vai trò khó đong đếm của tập đoàn công nghệ

Thành công kinh tế của Hàn Quốc sau Chiến tranh Triều Tiên ban đầu phản ánh chiến lược của chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của xuất khẩu sản xuất giá rẻ. Tuy nhiên, chính sự xuất hiện của các tập đoàn Hàn Quốc, được gọi là "chaebol", đã trở thành yếu tố cần thiết cho sự chuyển đổi kinh tế của đất nước

Theo website định giá doanh nghiệp CEO Score, năm 2017, doanh số gộp của 10 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc là 677,8 tỷ USD, tương đương 44,2% GDP Hàn Quốc. Đặc biệt, tập đoàn Samsung đóng góp 14,6% GDP cả nước, tiếp theo là Hyundai (5,9%), LG (3,8%). Điều đó cho thấy đóng góp to lớn của các tập đoàn gia đình trị (chaebol)

Chaebol ra đời từ những năm 1950, hình thành quan hệ gần gũi với chính phủ và nhận được nhiều ưu đãi như lãi suất thấp, tham gia các hợp đồng nhà nước. Lịch sử hình thành và phát triển của chaebol có thể chia làm 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn hiện tại liên quan đến các ngành nghề mới như quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ thông tin và toàn cầu hóa. Họ cũng đầu tư mạnh mẽ vào xe hơi, điện tử trong và ngoài nước. Họ tập trung phát triển công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và các kênh tiếp thị, một phần qua đầu tư nước ngoài

Các chaebol Hàn Quốc nắm trong tay hầu hết các ngành công nghiệp quan trọng. Họ là thành phần quan trọng cấu thành tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, và là người hùng của xuất khẩu. Những thương hiệu công nghệ cao như Samsung, Hyundai, LG, SK hay Naver trở thành biểu tượng của Hàn Quốc trên toàn cầu

Quy mô của các công ty lớn này - chẳng hạn như Samsung và Huyndai - không chỉ tạo điều kiện cho một nguồn tài nguyên khổng lồ, mà còn đưa ngành sản xuất của Hàn Quốc bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới nhờ sự dẫn đầu về công nghệ và đổi mới, với danh tiếng về chất lượng cao và sản phẩm tiên tiến hàng đầu

Chẳng hạn, tỉ trọng xuất khẩu trong GDP tăng từ 4% năm 1961 lên hơn 40% năm 2016, một trong những tỉ trọng cao nhất toàn cầu. Trong cùng kỳ, thu nhập trung bình của người dân Hàn Quốc tăng từ 120 USD/năm lên hơn 27.000 USD/năm. Chaebol cũng là những nhà tuyển dụng lớn nhất nước, chẳng hạn tính đến cuối tháng 9/2020, Samsung tuyển dụng 104.723 nhân viên, Hyundai 68.242 nhân viên, LG 40.500 nhân viên. Khi hàng triệu người thoát nghèo, câu chuyện của chaebol đã gắn liền với câu chuyện về cuộc chuyển mình của Hàn Quốc thời hậu chiến

Theo nhà phân tích Biswas, một trong những chiến lược của các chaebol để trở thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu là đầu tư mạnh mẽ vào R&D và phát triển dấu ấn toàn cầu thông qua việc mua bán và sáp nhập ở Mỹ và châu Âu, nhờ đó, cho phép họ nâng cao năng lực công nghệ của mình

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đóng một vai trò quan trọng bằng cách tạo ra cơ sở hạ tầng vật chất đẳng cấp thế giới cũng như hệ thống giáo dục chất lượng cao trong nước. Kinh tế Hàn Quốc phát triển ra sao trong trung và dài hạn phụ thuộc vào duy trì vị thế dẫn dầu thế giới về công nghệ và đổi mới để duy trì lợi thế cạnh tranh toàn cầu
 
100 người giàu nhất Hàn Quốc sở hữu gần 21.000 căn nhà
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2020, 100 người giàu nhất nước này sở hữu 20.689 ngôi nhà, với tổng giá trị 2.520 tỷ won. Như vậy, trung bình mỗi “ông lớn” thuộc nhóm này sở hữu trung bình 207 căn, trị giá 25,2 tỷ won

Năm 2016, số lượng nhà thuộc sở hữu của 100 người giàu nhất Hàn Quốc mới chỉ ở mức 17.244 căn với tổng giá trị ước đạt 1.500 tỷ won. Điều này đồng nghĩa với việc, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, mỗi chủ sở hữu này đã thu về được hơn 10 tỷ won từ việc gia tăng số lượng và giá trị tài sản nhà ở

Các nhà lập pháp chỉ ra rằng, những người sở hữu nhiều bất động sản ở Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch sửa đổi thuế của chính quyền Yoon Suk-yeol. Theo đó, ông Yoon đang lên kế hoạch bãi bỏ mức thuế nặng hơn với đối tượng sở hữu nhiều bất động sản dân dụng và nâng mức trần đối với các khoản khấu trừ thuế cơ bản trên giá nhà

Nếu luật sửa đổi này được áp dụng, những “đại gia bất động sản” kể trên ước tính sẽ được giảm thuế trung bình khoảng 1 tỷ won/người. Cụ thể, trước đó mỗi người sẽ phải chịu mức thuế bất động sản toàn diện là 1,48 tỷ won, nhưng sắp tới sẽ chỉ bị đánh thuế 394,2 triệu won sau khi sửa đổi luật

"Chính quyền Yoon đã sửa đổi thuế bất động sản toàn diện, từ đó cắt giảm thuế cho giới siêu giàu, mang lại lợi ích cho những người sở hữu hàng trăm ngôi nhà", hạ nghị sĩ Kim Hoi-jae cho biết. "Chúng tôi sẽ ngăn chặn việc cắt giảm thuế đối với giới siêu giàu, và thay vào đó, tạo ra một ngân sách hỗ trợ tầng lớp lao động và trung lưu"
 
Last edited:
Hàn Quốc lên kế hoạch tích hợp ID số lên smartphone nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
ID số được tích hợp vào smartphone là một trong những công nghệ mới của nền kinh tế số. Theo World Bank, ID số có khả năng "thay đổi cuộc chơi” nền kinh tế toàn cầu ...

1x-1-1.jpg

Một người đi bộ sử dụng điện thoại thông minh tại ga Seoul, Hàn Quốc
Theo hãng tin Bloomberg, Hàn Quốc dự định sẽ cho phép sử dụng smartphone thay thế thẻ danh tính kỹ thuật số (ID số) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Danh tính số được bảo mật bằng công nghệ blockchain. Có thể hiểu với kế hoạch này, người dân Hàn Quốc sẽ có thể sử dụng smartphone của họ thay thế ID số, vì ID số đã được tích hợp trong smartphone. Dân số Hàn Quốc được xem là nhóm dân số hiểu biết về công nghệ nhất thế giới

ID số được tích hợp vào điện thoại thông minh là một trong những công nghệ mới của nền kinh tế số - nền kinh tế ngày càng có nhiều người làm việc tại nhà, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và khám phá siêu vũ trụ metaverse

ID số sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính như xác minh danh tính, đăng nhập qua các mã xác thực gửi bằng tin nhắn. Thay vào đó, các hoạt động như nộp đơn xin trợ cấp nhà nước, chuyển tiền hoặc thậm chí bỏ phiếu được thực hiện một cách đơn giản hơn

Hwang Seogwon, một nhà kinh tế tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho biết: “ID số có thể mang lại lợi ích kinh tế to lớn về tài chính, chăm sóc sức khỏe, thuế, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác và có thể bắt kịp nhanh chóng với sự hiểu biết về công nghệ của người dân Hàn Quốc”

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo “cần các đánh giá rủi ro về mặt công nghệ để đảm bảo nguy cơ không lớn hơn lợi ích”

Ngân hàng Thế giới gọi ID số là “người thay đổi cuộc chơi” và hãng nghiên cứu McKinsey nhận thấy tiềm năng to lớn của ID số trong việc tăng tổng sản lượng quốc nội của một quốc gia lên tới 13%, đồng thời giúp cắt giảm chi phí kinh doanh hàng nghìn tỷ đô la

Ước tính của McKinsey cho rằng việc sử dụng rộng rãi ID số sẽ giúp tiết kiệm thời gian trong công việc hành chính, giảm gian lận, mở rộng tín dụng tiêu dùng, tạo thuận lợi cho thương mại và tạo ra các thị trường mới

Suh Bo Ram, tổng giám đốc văn phòng chính phủ kỹ thuật số của Hàn Quốc, người đang dẫn đầu kế hoạch cho biết: “Mọi dịch vụ chưa thể chuyển đổi trực tuyến hoàn toàn giờ đây sẽ có thể làm như vậy”

Hàn Quốc có thể gặt hái ít nhất 60 nghìn tỷ won (42 tỷ USD), tương đương 3% GDP, về giá trị kinh tế trong vòng một thập kỷ, ông nói

Người Hàn Quốc rất sốt sắng trong việc áp dụng ID số trên smartphone. Người dân Hàn Quốc xếp hạng số 1 trên thế giới về sự nhiệt tình và khả năng ứng dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày, doanh nghiệp và chính phủ, theo Viện Portulans, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington

Người Hàn Quốc hiện đang dựa vào thẻ đăng ký cư trú - tương tự như thẻ an sinh xã hội của Hoa Kỳ - để nhận dạng bản thân. Theo đề xuất, một ứng dụng sẽ nhúng các ID đó vào thiết bị di động

Hàn Quốc sẽ ra mắt ID kỹ thuật số vào năm 2024 và dần dần áp dụng cho toàn bộ 45 triệu công dân trong vòng hai năm. Tuy nhiên để đạt tham vọng, mỗi người dân Hàn Quốc sẽ phải đến văn phòng hành chính và trả phí để gia hạn thẻ đăng ký của họ

20220211151918337-8u9jo7wg.jpg

Người Hàn Quốc rất sốt sắng trong việc áp dụng ID số trên smartphone
Suh thừa nhận những lo ngại song vẫn bày tỏ sự tin tưởng rằng trở ngại “không là gì” so với lợi ích. Ông nói, chính phủ cũng nhận thức được mối quan tâm của người dân về dữ liệu cá nhân

Theo kế hoạch, chính phủ sẽ không có quyền truy cập vào thông tin được lưu trữ trên điện thoại cá nhân, bao gồm chi tiết về ID kỹ thuật số của ai được sử dụng, cách chúng được sử dụng và ở đâu, bởi vì hệ thống sẽ hoàn toàn dựa vào danh tính phi tập trung, một chuỗi công nghệ blockchain tiên tiến, ông nói

Blockchain là một công nghệ nhật ký dữ liệu kỹ thuật số được các thiết bị trên mạng xác minh bất cứ khi nào nó được cập nhật. Tin tặc sẽ phải đột nhập vào từng thiết bị riêng lẻ để thao túng dữ liệu, trong khi khả năng bị đánh cắp giảm do không có máy chủ trung tâm lưu trữ thông tin

Heather Vescent, chủ tịch IDPro có trụ sở tại Oregon, một hiệp hội dành cho các chuyên gia ID kỹ thuật số, cho biết: “Hàn Quốc đang trở thành một cường quốc thầm lặng minh chứng cho tương lai của công nghệ toàn cầu”

Các chính phủ khác cũng đã công nhận lợi ích của ID kỹ thuật số

Tại Estonia, nơi hầu hết 1,3 triệu người đủ điều kiện có ID kỹ thuật số để bỏ phiếu, thanh toán hóa đơn và ký tài liệu, chính phủ cho phép sử dụng điện thoại để xác minh nếu có gắn thẻ SIM đặc biệt. Đức cũng có một chương trình dựa trên chip tương tự

Theo những người đề xuất, các lợi ích khác của ID kỹ thuật số bao gồm hỗ trợ các dịch vụ y tế trực tuyến mà không cần đến gặp bác sĩ trực tiếp; vào phòng khách sạn chỉ bằng cách quét điện thoại thông minh qua ki-ốt; ngăn chặn giả mạo và trộm cắp ID; phê duyệt hợp đồng từ xa mà không cần phải ký; nâng cao quy trình kiểm soát nhanh lên máy bay tại các sân bay
 
Hàn Quốc đầu tư 15 tỷ USD để phát triển công nghệ pin mới
Chính phủ Hàn Quốc và các hãng pin hàng đầu của nước này có kế hoạch đầu tư tổng cộng 20 nghìn tỉ won (15,1 tỉ đô la Mỹ) trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để phát triển các công nghệ pin tiên tiến nhất, bao gồm cả pin thể rắn

PIN-THE-RAN.jpg

Pin thể rắn được gọi là “pin mơ ước” nhờ đặc tính chống cháy của nó
“Khoản đầu tư chung giữa nhà nước và khu vực tư nhân cho phép Hàn Quốc bắt đầu sản xuất thương mại pin thể rắn trước các nước khác”, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 20-4 sau cuộc họp do Tổng thống Yoon Suk-yeol chủ trì

“Pin là một trong những tài sản chiến lược quan trọng của quốc gia, cùng với chip bán dẫn. Pin là trung tâm của cuộc cạnh tranh toàn cầu về ưu thế công nghệ. Đó là sức mạnh của xe điện trong thời kỳ trung hòa carbon và là chìa khóa để chuyển đổi số”, Tổng thống Yoon Suk-yeol nói trong cuộc họp

Hàn Quốc là quê hương của ba trong số năm nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, gồm LG Energy Solution (LGES), Samsung SDI và SK On

Cả ba công ty này cùng nhau kiểm soát hơn 25% thị trường pin xe điện toàn cầu. Họ là nhà cung cấp pin cho các hãng xe lớn như Tesla, Volkswagen, General Motors và Ford. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết ba công ty này sẽ xây dựng các nhà máy thử nghiệm ở Hàn Quốc, đóng vai trò như là trung tâm đổi mới sản phẩm và sản xuất của họ. Các nhà máy sẽ được sử dụng để thử nghiệm và sản xuất các sản phẩm tiên tiến như pin thể rắn, pin 4680 hình trụ (có đường kính 46 milimét và chiều dài 80 milimét) và pin không sử dụng cobalt trước khi chuyển sang sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở nước ngoài

Ngày nay, hầu hết các loại xe điện đều sử dụng pin lithium-ion. Nhưng loại pin này có những hạn chế, bao gồm nguy cơ dễ bắt lửa, rò rỉ hóa chất, dẫn đến cháy nổ xe

Các nhà phân tích và lãnh đạo của các hãng xe cho biết cấu hình thể rắn có thể giúp pin sạc nhanh hơn và giúp an toàn hơn cho pin bằng cách loại bỏ dung dịch điện ly (môi trường cho phép các ion lithium chuyển dịch từ điện cực này sang điện cực kia) dễ cháy của pin lithium-ion, và thay vào đó là lớp điện ly dạng rắn như sứ, thủy tinh hoặc polymer. Pin thể rắn được gọi là “pin mơ ước” nhờ đặc tính chống cháy của nó. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn rất tốn kém và tương đối chưa được chứng minh nhiều trong các ứng dụng thực tế

Các hãng pin lớn trên toàn cầu đang chạy đua phát triển các công nghệ pin mới hứa hẹn mở rộng chặng đường vận hành tối đa của xe điện sau một lần sạc đầy pin. Các công nghệ này sẽ nâng cao mật độ năng lượng và độ an toàn của pin so với pin lithium-ion thông thường

Hôm 19-4, tại Triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải, CATL (Trung Quốc), hãng pin lớn nhất thế giới, công bố một loại pin vật chất ngưng tụ ở thể bán rắn với mật độ năng lượng lên tới 500 Watt giờ (Wh)/ kg, cao hơn nhiều so với mật độ năng lượng chưa đến 300 Wh/kg của thế hệ pin lithium-ion hiện nay. CATL cho biết sẽ sản xuất pin này hàng loạt vào cuối năm để cung cấp xe điện, thậm chí có thể sử dụng cho máy bay chở khách

Tháng trước, CATL cho biết hãng gặp khó khăn trong nỗ lực phát triển một sản phẩm pin thể rắn có tính khả thi và cạnh tranh về mặt công nghệ. Trong khi đó, Toyota của Nhật Bản và Volkswagen của Đức đang nghiên cứu công nghệ pin này

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cũng cho biết Hàn Quốc sẽ tăng gấp bốn lần năng lực sản xuất vật liệu cực âm trong nước và tăng gấp ba lần xuất khẩu thiết bị liên quan đến sản xuất pin

Kế hoạch trên được đưa ra sau khi hồi đầu tháng này, Seoul công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 7 nghìn tỷ won (5,3 tỉ đô la) dành cho các hãng pin trong nước đang tìm cách đầu tư sản xuất ở Bắc Mỹ

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ yêu cầu 50% giá trị của các bộ phận pin phải được sản xuất hoặc lắp ráp ở Bắc Mỹ để xe điện đủ điện đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 3.750 đô la. 40% giá trị của các khoáng sản quan trọng của pin phải được khai thác ở Mỹ hoặc một đối tác thương mại tự do của Mỹ để xe điện đủ điều kiện nhận thêm khoản tín dụng thuế 3.750 đô la nữa

Theo các quy tắc mới nhất, có 16 mẫu xe điện ở Mỹ hiện đủ điều kiện được giảm thuế toàn phần hoặc một phần. Theo phân tích của Korea Investment & Securities, gần 80% xe điện đủ điều kiện nhận tín dụng thuế của Mỹ sử dụng pin từ LGES, Samsung SDI và SK On
 
Hơn một nửa thanh niên ở Seoul rơi vào tình trạng nghèo

Gần một nửa dân số thanh niên ở Seoul, Hàn Quốc hiện đang sống trong cảnh nghèo đói. Nhiều người đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ

Nghiên cứu của Hội đồng Thanh niên Seoul cho thấy, hơn 55,6% người trưởng thành từ 18 đến 35 tuổi ở thành phố này đang đối mặt với tình trạng nghèo. Điều này có nghĩa là tài sản lưu động của họ không đủ để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong vòng 3 tháng. Đó là tiền, vàng bạc đá quý và tài sản tương đương tiền

Hơn một nửa thanh niên ở Seoul rơi vào tình trạng nghèo - Ảnh 1.
Hầu hết những thanh niên này phải xin hỗ trợ từ gia đình, một số khác vay tiền từ các tổ chức tài chính

Hơn 10% người được khảo sát cho biết họ đang bế tắc, chưa tìm ra giải pháp cho tình trạng tài chính của mình

Chuyên gia cho biết, tỷ lệ nghèo cao trong giới trẻ Hàn Quốc có thể là do tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài. Hệ quả đi kèm là tỷ lệ người trẻ mắc trầm cảm gia tăng. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nỗ lực đưa ra các gói hỗ trợ cho thanh niên nghèo để giải quyết các khó khăn trong cuộc sống và khuyến khích họ tích cực tham gia vào thị trường lao động
 
Hàn Quốc tính xây 'cụm siêu bán dẫn': Thu hút đầu tư gần 500 tỷ USD, tạo 3 triệu việc làm

Hàn Quốc đã công bố kế hoạch thiết lập "cụm siêu bán dẫn" ở phía nam tỉnh Kyunggi vào năm 2047 bằng cách thúc đẩy tổng vốn đầu tư 622.000 tỷ won (472 tỷ USD) từ các tập đoàn lớn như Samsung Electronics và SK hynix

korea.webp

Hàn Quốc công bố kế hoạch xây dựng cụm công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới trong 20 năm tới

"Cụm siêu bán dẫn"

Ngày 15/1, Bộ công nghiệp và khoa học Hàn Quốc công bố kế hoạch xây dựng một cụm công nghiệp bán dẫn, bao gồm nhiều khu công nghiệp (KCN) khác nhau ở phía nam tỉnh Kyunggi, tổng diện tích 21 triệu m2 và đạt công suất sản xuất hàng tháng là 7,7 triệu tấm wafer vào năm 2030

Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ hợp nhất các nhà máy sản xuất có sẵn tại khu vực (21 nhà máy), đồng thời xây mới 16 nhà máy trong vòng 20 năm tới, thành một cụm công nghiệp lớn có khả năng sản xuất chip nhớ, chip đúc và các hoạt động nghiên cứu, trải rộng khắp các thành phố lớn phía nam Thủ đô Seoul, bao gồm các Hwaseong, Giheung, Pyeongtaek, Anseong, Yongin, Icheon, Suwon và Pangyo

Hàn Quốc cũng sẽ xây dựng một khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vật liệu, linh kiện và thiết bị tại Anseong, với các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Giheung và Suwon

Tổng cộng, số lượng nhà máy dự kiến trong khu vực tính tới năm 2047 là 37 nhà máy, trong đó có 3 nhà máy dành cho nghiên cứu

"Bằng cách hoàn thành việc xây dựng siêu cụm bán dẫn trong giai đoạn sớm hơn, chúng tôi sẽ đạt được khả năng cạnh tranh hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chip và cung cấp việc làm có chất lượng cho thế hệ trẻ", Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun cho biết

Hàn Quốc cũng sẽ chiếm 10% thị trường chip nhớ toàn cầu vào năm 2030, tăng mạnh so với ước tính 3% hiện tại

Thu hút đầu tư hơn 600.000 tỷ won

Kế hoạch táo bạo này bao gồm các cam kết đầu tư trước đây của gã khổng lồ sản xuất chip di động Samsung Electronics và các đối tác của họ, bao gồm kế hoạch trị giá 360.000 tỷ won để thành lập một nhà máy đúc cho các khách hàng thiết kế chip ở Yongin và kế hoạch bổ sung thêm 120.000 tỷ won để xây dựng dây chuyền sản xuất chip nhớ và dịch vụ đúc chip ở Pyeongtaek. Tính cả các chi phí khác, tổng cộng, Samsung dự kiến đầu tư 500.000 tỷ won cho dự án

Đối thủ của Samsung là "ông lớn" SK hynix, cũng tham gia vào cụm công nghiệp với kế hoạch trị giá 122.000 tỷ won để thành lập một nhà máy sản xuất chip nhớ mới ở Yongin

Như vậy, tổng số vốn huy động ban đầu cho khu "siêu bán dẫn" lên tới 622.000 tỷ won (472 tỷ USD)

Tạo ra 3 triệu việc làm

Phát biểu trong cuộc tranh luận công khai về khung chính sách liên quan đến ngành công nghiệp chip bán dẫn trong nước ở Suwon, tỉnh Kyunggi ngày 15/1, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết: "Ước tính ban đầu của chúng tôi là khoản đầu tư trị giá 622.000 tỷ won và trong 20 năm tới, chúng tôi hy vọng nó sẽ tạo ra ít nhất 3 triệu việc làm mới chất lượng cao", ông Yoon cho biết

tong%20thong%20yoon.webp

Tổng thống Yoon Suk Yeol phát biểu trong cuộc tranh luận công khai về khung chính sách liên quan đến ngành công nghiệp chip bán dẫn trong nước ở Suwon, tỉnh Kyunggi

Theo ước tính cụ thể của Bộ công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ tạo ra 3,46 triệu việc làm

Tổng thống Hàn Quốc cũng lưu ý rằng trong ngắn hạn, khoảng 158.000 tỷ won sẽ được đầu tư trong 5 năm tới, tạo ra 950.000 việc làm

"Hiện tại lĩnh vực chip của chúng tôi có 180.000 việc làm, nhưng một khi cụm này hoàn thành, chỉ riêng một nhà máy này sẽ tạo ra thêm 70.000 việc làm nữa" ông Yoon nói, nhấn mạnh rằng doanh thu dự kiến sẽ tăng 200.000 tỷ won cho các ngành liên quan, chẳng hạn như thiết kế, phụ tùng và vật liệu

Khuyến khích phát triển năng lượng hạt nhân

Bên cạnh đó, Tổng thống Yoon cũng khuyến khích xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các nhà máy chip

Tổng thống Yoon Suk Yeol nói: "Các nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng để cung cấp điện chất lượng cao ổn định. Mặt khác, việc loại bỏ hạt nhân sẽ phải trả giá bằng sự phát triển công nghệ tiên tiến”

"Chúng ta cần một lò phản ứng hạt nhân 1,3 gigawatt để vận hành một xưởng đúc, vì một đường dây như vậy tiêu thụ nhiều điện hơn cả các thành phố như Daejeon hay Gwangju. Và phải mất hơn 10 năm mới thiết lập được cơ sở hạ tầng điện để vận hành Cơ sở Giheung của Samsung, nơi có tới 7 dây chuyền sản xuất”, ông Yoon cho biết

Tổng thống cũng tuyên bố sẽ gia hạn tín dụng thuế cho các khoản đầu tư vào ngành bán dẫn sắp hết hạn trong năm nay, đồng thời bác bỏ những lời chỉ trích rằng chương trình này chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn
 
Top