What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Làng tỷ phú Hưng Hà

LOBBY.VN

Administrator
Làng tỷ phú Hưng Hà

Vừa đặt chân đến đầu làng Mẹo, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà - Thái Bình, tôi đã ngỡ ngàng bởi tiếng thoi đưa máy dệt rộn ràng


Mời tôi chén trà Thái Nguyên đậm đà, ông Đinh Văn Khắc thong thả bắt chuyện: “Người làng Mẹo giỏi làm nghề, giỏi đi buôn cũng có phần từ cái khó phải ló cái khôn. Từ bao đời nay, người làng Mẹo có rất ít ruộng đất nên phải luôn làm nghề phụ và nghề ấy trở thành nguồn thu nhập chính

Dệt vải trở thành nghề làm giàu của người làng Mẹo hàng trăm năm qua dù chúng tôi chẳng có tấc đất trồng dâu”. Rồi ông tự hào: “Thời nào cũng vậy, dân làng Mẹo chưa từng bị đói mà chỉ có giàu hay không thôi”! Tôi chợt nhớ lại câu mà người dân Thái Bình thường nói: “Người làng Mẹo quẳng đâu cũng không chết”

Ông Khắc nhớ lại thời điểm đổi mới sau năm 1986, làng Mẹo đã hình thành ngay các tổ hợp sản xuất với ngành dệt là mũi nhọn và đến nay đã trở thành cả “khu công nghiệp” dệt

Tôi từng được nghe người làng Mẹo không chỉ khéo léo trong việc tạo ra sản phẩm mà còn đáng nể ở khâu bán hàng, chào hàng. Tất tật sản phẩm làm ra đều một tay người làng Mẹo mang đi chào bán khắp nơi, kể cả nước ngoài. Người làng Mẹo ai cũng thuộc nằm lòng câu ca:

Hỡi cô thắt dải lưng xanh

Có về làng Mẹo với anh thì về

Làng Mẹo buôn bán trăm nghề

Sáng đi bán lụa, tối về buôn tơ

Phần đông người làng Mẹo đều tin rằng ngôi làng của mình chí ít cũng 700-800 năm tuổi, với tên cổ Ứng Mão khắc trên cổng làng vẫn còn lưu lại. Làng Mẹo có 11 dòng họ lớn. Trong đó, những dòng họ có nhiều con em thành đạt là Trần, Vũ, Đinh, Lê...

Con cháu một số dòng họ còn truyền tai nhau việc có một bài kệ dạy nghề đi buôn của ông cha để lại, ai thuộc ắt sẽ nhanh chóng làm giàu. Thực hư chẳng biết thế nào nhưng chuyện người làng Mẹo “buôn bán có nòi” thì nhiều người đã biết và nể phục

Người làng Mẹo tự hào cho biết từ thời xa xưa, lụa nơi đây đã nức tiếng, sớm lên Hà Nội bán khắp phố Hàng Ngang, Hàng Đào rồi đi tứ xứ. Người làng Mẹo còn dệt chỉ khâu, bện dây thừng, dựng khung cửi... Tất thảy sản phẩm nào mang thương hiệu làng Mẹo đều bán chạy

Đến thời kháng chiến và bao cấp, cả nước cùng khó khăn, người làng Mẹo lại nhanh nhạy dệt lưới đánh cá bán cho các vùng nông thôn. Rồi khi người Việt ta đi xuất khẩu lao động ở các nước XHCN nhiều thì làng Mẹo dệt vải bò gửi bán khắp Đông Âu

Kinh tế thị trường mở ra, người làng Mẹo lại xoay sang dệt thổ cẩm làm quà lưu niệm và xuất khẩu. Khoảng 10 năm nay, sản phẩm chủ lực của làng Mẹo là khăn mặt xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu...

“Xã hội cần sản phẩm gì, người ta làm được gì thì làng Mẹo cũng học được, làm được và làm đẹp hơn. Có khó khăn đến mấy nhưng làng Mẹo chẳng khi nào ngớt tiếng thoi đưa. Chỉ khi nào thế giới không dùng vải, làng Mẹo mới không còn khung cửi” - ông Khắc cười sảng khoái

Không chỉ giỏi dệt vải và đi buôn, người làng Mẹo còn đầy sáng tạo. Ông Đinh Xuân Cảnh, một cán bộ nghỉ hưu về làng dưỡng già, khoe: “Người làng Mẹo vừa chế ra hệ thống cơ khí dệt giúp giải phóng sức lao động rất lớn, cho năng suất cao và tạo ra được sản phẩm rất tinh xảo, mẫu mã đa dạng. Nhiều kỹ sư cơ khí đến tham quan, khi thấy khung cửi dệt khăn mặt do người làng Mẹo làm đã phải phục sát đất”

Vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ vốn thanh bình, im ắng nhưng ngôi làng nằm kề Quốc lộ 39 này luôn rộn rã tiếng thoi đưa. Từ sáng đến khuya, xe container vào ra tấp nập cõng hàng từ làng Mẹo ra đất cảng. “Làng tỉ phú” đã có hình hài phố thị

Ông Nguyễn Văn Chưng, Chủ tịch UBND xã Thái Phương - cũng là con dân làng Mẹo, cho biết làng có trên 1.300 hộ, hầu hết mỗi hộ đều có ít nhất 2 khung cửi. Làng Mẹo nay được chia thành 4 thôn - Phương La 1, 2, 3, 4 – và có tới hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, nhỏ với cả vạn lao động. Đến giờ tan ca, người lao động đổ ra đường không khác gì ở một khu công nghiệp lớn

Theo ông Chưng, trong số hàng trăm cơ sơ sản xuất ở làng Mẹo, nổi bật nhất là các đại gia có kim ngạch xuất khẩu khăn mặt hàng đầu Việt Nam như Tuấn Lộc, Toàn Thắng, Nam Thành, Tân Phương, Tân Cúc... Mỗi tháng, các doanh nghiệp này xuất hàng trăm container khăn mặt các loại đi khắp thế giới. Họ đóng thuế cả trăm tỉ đồng và doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm

Tính sơ, làng Mẹo có trên trăm hộ là tỉ phú, còn ô tô lớn, nhỏ vài trăm chiếc đậu đầy đường. Nhà cao tầng ở làng Mẹo mọc lên san sát, tôi cứ ngỡ mình đi giữa phố

Dân làng Mẹo đi xa lập nghiệp cũng có nhiều người rất thành đạt. Nổi bật trong số đó là ông Vũ Quang Huy - Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, ông Trần Văn Sen - chủ hãng bia Hương Sen với thương hiệu bia Đại Việt, ông Trần Xuân Ứng - Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Thành Công, ông Lê Minh Quang ở cảng Hải Phòng...

Đàn ông, con trai làng Mẹo giỏi giang nên người dân khắp nơi đều muốn gả con gái và cô nào làm dâu được ở làng này cũng xem như có phúc. Dâu “làng tỉ phú” cũng xinh đẹp, khéo tay, hay nết nhất vùng. Con gái làng Mẹo cũng nức tiếng xinh đẹp, nết na, nhất là có tài dệt cửi

Người làng Mẹo đã giàu nên có điều kiện đầu tư cho con cái học hành. Mỗi năm, làng có hàng chục người thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học và dần dần xóa đi “lời nguyền” rằng người làng Mẹo chỉ giỏi đi buôn
 
Truyền kỳ về lăng mộ lớn nhất Việt Nam​

Làng Mẹo, tức làng Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình) là nơi sản sinh ra nhiều tỷ phú. Các tỷ phú có nhiều tiền, nên họ có thể thỏa mãn ước vọng, ham muốn của mình

Công trình lăng mộ khổng lồ nằm trên mảnh đất đẹp nhất, ngay đầu làng, rộng 50.000 mét vuông, tức 5 héc-ta. Để tiến hành xây dựng lăng mộ, đại gia Trần Văn Sen đã mua nửa cánh đồng làng Mẹo, nơi mà đất đắt chả kém gì đất thủ đô

Mỗi người có một thú chơi khác nhau. Một số đại gia trong làng có niềm đam mê chơi cây. Nổi tiếng nhất về chơi cây có lẽ là đại gia Đinh Hồng Quân, TGĐ Công ty dệt may Hồng Quân, là công ty dệt may lớn nhất ở tỉnh Thái Bình, mỗi năm nộp thuế vài chục tỷ

XHLangmo.jpg

Ông Đinh Hồng Quân và siêu cây "Thăng Long" ở triển lãm
1.000 năm Thăng Long - Hà Nội​


Ông Quân đã bỏ ra vài chục tỷ đồng để mua cây về chơi. Cách đây 5 năm, ông Quân đã khiến giới chơi cây cả nước ngưỡng mộ khi mua một cây sanh ở Nam Định với giá 3 tỷ đồng

Vừa rồi, trong đợt triển lãm sinh vật cảnh kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội, ông cũng mang một số cây lên đua sắc. Giới chơi cây đã choáng váng khi ông Quân tuyên bố cây sanh thế “Thăng Long” của ông có giá… 150 tỷ đồng

Cái giá đó là do ông tự định, chứ chẳng biết có ai mua nổi không, nhưng qua đó cũng thấy rằng, ông là một trong những đại gia có thú chơi khủng ở “làng tỷ phú”

Tuy nhiên, thú chơi cây của tỷ phú làng Mẹo không phải là nổi bật. Thú xây mồ mả, đền thờ ở đây mới đáng kính nể, không đâu ở đất nước này khủng khiếp bằng

Các dòng họ nổi tiếng ở làng này như Đinh, Lê, Vũ đều đã có lăng mộ tổ tiên, đền thờ trị giá nhiều tỷ đồng

Nằm ngay cạnh chợ làng là công trình đền thờ hoành tráng của họ Lê, làm toàn bằng gỗ quý và đá xanh, đá trắng Nghệ An

Riêng bậc đá bước vào nhà thờ cũng trị giá cả trăm triệu. Những hạng mục bằng gỗ được trạm trổ hoa văn rồng phượng cầu kỳ, tinh xảo

Tuy nhiên, đứng giữa chợ, nhìn công trình đền thờ của họ Lê, thấy quá nhỏ bé so với công trình lăng mộ của họ Trần, do đại tỷ phú Trần Văn Sen xây dựng. Lăng mộ nằm ngay đầu làng, ánh màu vàng chóe trong ráng chiều thật ấn tượng

Cũng không biết phải gọi công trình này thế nào cho chính xác. Người thì gọi đây là đền thờ, vì trước đây, tại mảnh đất này, có một ngôi đền nhỏ xíu tên là Đền Nhà Ông

Tại ngôi đền nhỏ xíu đó, có ngôi mộ của đức tổ Hoằng Nghị Đại Vương, tức ông Trần Hoằng Nghị, người dạy dân làng Mẹo trồng dâu, nuôi tằm, dệt cửi, và là cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ

Công trình khổng lồ này đã xây trùm lên ngôi mộ và ngôi đền đó. Chính vì những lý do trên, nên người dân trong làng gọi công trình này là lăng mộ

Công trình lăng mộ khổng lồ nằm trên mảnh đất đẹp nhất, ngay đầu làng, rộng 50.000 mét vuông, tức 5 héc-ta

Để tiến hành xây dựng lăng mộ, đại gia Trần Văn Sen đã mua nửa cánh đồng làng Mẹo, nơi mà đất đắt chả kém gì đất thủ đô


XHLangmo2.jpg

Phía trước lăng mộ​


Đứng trước lăng mộ, trông những ngôi nhà 3-4 tầng phía sau quá nhỏ bé, chưa tới mái tầng một của lăng mộ

Móng lăng mộ ăn sâu xuống lòng đất 4,2m, được đổ bêtông kín đặc tạo thành tầng hầm rất rộng

Phần móng nổi lên mặt đất của lăng mộ cao 2,5m. Tiếp theo phần móng là đến thân lăng mộ. Đứng từ dưới nhìn lên, thấy mái lăng mộ gồm ba lớp bêtông xếp chồng lên nhau

Phần trước lăng mộ là những công trình bằng đá xanh, chạm trổ rất cầu kỳ

Đôi rồng đá thời Trần ngự hai bên rất đẹp, đôi lộc bình bằng đá cao quá đầu người. Phần hiên của công trình rộng mênh mông, đủ làm một sân khấu hoành tráng

Toàn bộ công trình lăng mộ này là một khối bêtông sắt thép đồ sộ

Lăng mộ gồm 3 tầng, 6 mái, cao 41m, bằng tòa nhà cao tầng hiện đại. Mái tầng một của lăng mộ gồm đôi rồng khổng lồ chầu vào chiếc “bánh xe lịch sử” ở trung tâm mặt trước lăng mộ

Những tầng trên, các mái dốc đều có rồng chầu mặt nguyệt. Hình thù rồng, mặt nguyệt cùng các hình vẽ, hình khắc đều được sự tư vấn của các nhà văn hóa, sử học để cho phù hợp với kiến trúc đời Lý và đời Trần

Lăng mộ có 3 cửa vào. Cánh cửa khổng lồ bằng gỗ dày đến 20cm. Tôi trộm nghĩ, riêng một chiếc cánh cửa này cũng phải cỡ trăm triệu


XHLangmo4.jpg

Tượng ông Hoằng Nghị Đại Vương


XHLangmo5.jpg

Ông Trần Văn Sen trong buổi khánh thành công trình lăng mộ tổ họ Trần làng Mẹo


Bên trong lăng mộ gây choáng ngợp thực sự. Hàng vạn chi tiết đều cầu kỳ, tinh vi và màu chủ đạo là vàng và đỏ. Trong lòng lăng mộ rộng gần 800 mét vuông này có tới 42 cột trụ đỡ mái rộng nặng nghìn tấn

Phía dưới tầng chính của lăng mộ là tầng hầm sâu xuống lòng đất. Tầng hầm gồm tổng cộng 20 căn phòng thông nhau, 4 phòng xây kín

Phòng thông nhau để con cháu hội họp còn 4 phòng kín chứa vật dụng, đồ quý

Người làng Mẹo nói vui, nếu có chiến tranh, bom rải thảm ở làng, thì các cụ họ Trần vẫn đàng hoàng ngồi họp hành bàn việc họ

Công trình lăng mộ này được khởi công xây dựng từ tháng 6-2002, đến tận ngày 10-2-2011, tức là sau 9 năm xây dựng mới hoàn thành

Tuy nhiên, theo cụ Trần Văn Thoan, người trông nom lăng mộ, thì hiện tại mới hoàn thành hạng mục chính

Trên khu đất rộng 5 héc-ta đó, sẽ còn vô vàn công trình kiến trúc khác nữa, có thể là quần thể đền mộ nhỏ hơn của từng gia đình, công viên, các khu sinh hoạt văn hóa, các công trình kiến trúc mô tả đời sống thời Lý - Trần...

Cũng có thể sẽ đào một cái hồ lớn, đắp ngọn núi để tạo phong thủy cho quần thể lăng mộ

Chủ chi và cũng là người bỏ nhiều tâm huyết nhất vào công trình này là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nghệ nhân Trần Văn Sen. Ông Sen đã nung nấu thực hiện công trình này từ nhiều năm trước. Trong chuyến sang Trung Quốc, ông thấy lăng mộ họ Trần đều hoành tráng, nghĩ đến lăng mộ tổ Trần làng mình mà tủi thân, nên ông quyết tâm thực hiện tâm nguyện cuối đời của mình, là xây dựng một công trình lăng mộ, đền đài để lại cho muôn đời sau

Để xây dựng lăng mộ này, ông đã phải mất hàng chục năm tham khảo, học hỏi, và chi phí tới cả tỷ đồng thuê các kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Theo thiết kế ban đầu, lăng mộ sẽ cao 51m, để người bên kia sông Hồng vẫn nhìn thấy lăng mộ, tuy nhiên, do nền đất yếu, công trình lại quá nặng, lún sâu cả mét, nên phải rút ngắn độ cao, rút bớt nhiều hạng mục

Công trình lăng mộ này không những thể hiện sự giàu có về tiền bạc, mà còn thể hiện sự giàu có về tâm đức của người con làng Mẹo với tổ tiên, với tổ nghề và với vị thành hoàng của cả làng
 
Top