thoidaianhhung
Administrator
Phong Thủy của nền kinh tế tri thức
Cụ Trần Quốc T. là một nhà Phong Thủy thâm hậu thời nay. Cụ đã từng ngao du khắp các vùng miền trong nước Việt. Cụ cũng đi nhiều nơi trên thế giới nữa. Cụ có đôi lông mày rậm, ánh nhìn trầm tư, nét mặt nghiêm trang, nhưng khi cười thì rạng rỡ. Cụ thường nói “Vùng Đá Chông, dưới chân núi Ba Vì, là một khu vực linh thiêng. Xét khắp nước Việt, không có chỗ nào hơn”. Các thầy Phong Thuỷ đa phần đồng ý như vậy. Địa thế, hình thể của dải đất chữ S bên bờ Thái Bình dương của chúng ta đã quyết định tính linh thiêng của vùng Đá Chông. Cụ Trần bảo đó là dùng Phong Thủy để suy đoán về đất đai, sông, núi gò đồi,… Nhưng đối với những khái niệm vô hình thể (như sự lên xuống của chứng khoán, sự thăng trầm của kinh tế,…) thì môn Phong Thuỷ sẽ dự đoán thế nào?
Bài dưới đây góp đôi ý kiến về Phong Thuỷ của nền kinh tế, tuy hai lĩnh vực đó (Kinh Tế và Phong Thủy) khá xa nhau. Vậy để tiện đường tham khảo, trước hết chúng tôi trình bày vài khái niệm cơ bản của Phong Thuỷ theo ngôn ngữ mới, sau đó dùng các khái niệm ấy để xét về Phong Thuỷ của nền kinh tế Việt nam trong thời hiện tại, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
1. Phong Thủy và Ngũ hành theo khoa học
Ngũ hành là một khái niệm cổ, rất khó hiểu và cũng rất khó ứng dụng nữa. Tuy nhiên dưới góc độ khoa học (Vật lý và Toán học) có thể tiếp cận Ngũ hành một cách dễ hiểu hơn. Cụ thể, trong Ngũ hành người ta bảo năm Kỷ Sửu thuộc hành Thổ, còn năm Mậu Tý đã qua là thuộc hành Thủy. Vậy thời gian có tính chất Ngũ Hành. Không gian cũng có tính chất Ngũ hành nữa. Ví dụ Phương Tây thuộc Kim, Phương Nam thuộc Hỏa… Phổ biến hơn cả, các đồ vật cũng được sắp xếp theo Ngũ Hành. Ví dụ, con sông là Thủy, quả núi thuộc Thổ, mỏ sắt thuộc Kim, cái bàn thuộc Mộc,….

Như vậy, người xưa đã phân loại mọi khái niệm và vật thể trên đời theo Ngũ hành. Từ không gian, thời gian, đến các vật thể quanh ta, thậm chí cả tim phổi con người nữa, tất cả đều được gán vào Ngũ hành, hoặc là Kim, hoặc là Thổ, ….
Vì vậy, chắc chắn rằng người xưa phải có một qui tắc nào đó để gán một “vật” hay một khái niệm vào hành này hay hành kia. Qui tắc ấy phải vừa logic về lý thuyết, mà lại vừa được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Bởi chỉ có như vậy, Ngũ hành mới có thể bền vững hàng ngàn năm, bất chấp bao thăng trầm lịch sử và cả những tiến bộ khoa học vượt bậc hiện nay nữa. Chẳng hạn, chỉ nhờ thông tin mạch đập từ ba ngón tay, một thầy thuốc Đông y, theo biện chứng Ngũ hành, đã chẩn bệnh và kê đơn chính xác, đạt kết quả điều trị cao.
Ngày nay, xem các sách luận bàn về Ngũ hành, ta không thấy sách nào bàn về phương pháp gán Ngũ hành, ta chỉ thấy các bảng phân loại một cách cứng nhắc, theo kiểu tiên đề, rằng nhất định Phương Tây là hành KIM, cái bàn gỗ thuộc hành MỘC,…. Các sách ấy không đưa ra nguyên lý phổ quát của sự phân loại theo Ngũ Hành. Họ không trả lời câu hỏi tại sao phổi lại thuộc về hành Kim, Phương Nam thuộc hành Hỏa, năm Kỷ Sửu thuộc hành Thổ. Họ chỉ đưa ra các kết quả gán đã xếp thành bảng, thành biểu hoặc qui tắc.
Để bổ khuyết cần xây dựng một qui tắc phân loại Ngũ hành mới, dễ hiểu, có logic và khả năng ứng dụng cao. Nhằm mục đích xây dựng phép gán Ngũ hành, chúng tôi đã đưa ra một số qui tắc, trình bày trong cuốn “Ngũ hành và Khoa học” NXB Văn Hóa Thông tin 2007 (1), và cuốn “Ngũ hành Nhịp điệu Sáng Tạo” NXB Văn hóa Thông tin 2008 (2) của tác giả Thu San Nguyễn Thế Hùng. Các qui tắc ấy dựa trên lập luận rằng “các nhà Toán học hay gán biến cho các phương trình và các nhà Vật lý hay gán phương trình cho các vận động”. Từ đó suy ra rằng các nhà Ngũ hành thực sự đã gán biểu tượng cho vận động. Qui tắc ấy như sau: “Mọi vận động trong tự nhiên và xã hội đều được qui về một trong 5 phương thức: Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ”. Năm phương thức vận động đó gọi là Ngũ hành. Hành ở đây được hiểu theo nghĩa Hán tự, tức là hành trình, qui trình (processes).
Chúng tôi đã trình bày trong 2 cuốn sách kể trên về 5 biểu tượng, 5 hành trình, 5 phương thức của vận động theo Ngũ hành. Dưới đây chúng tôi chỉ tóm tắt lại những gì quan trọng nhất, để dùng các khái niệm đó phân tích về đặc điểm của nền kinh tế tri thức và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Các qui tắc về Ngũ hành:
1. Mọi vận động trong tự nhiên và xã hội đều có thể qui về 5 phương thức.
2. Trong 5 phương thức ấy có một phương thức khởi đầu, gọi là phương thức KIM, tiếp theo là các phương thức THỦY, MỘC, HỎA, THỔ. Sau khi vòng luân chuyển đó quay về THỔ, thì một chu trình vận động mới lại bắt đầu từ KIM. Mọi vật cứ thế xoay vần.
3. Dấu hiệu để nhận biết các phương thức như sau:
- Phương thức vận động hành KIM: đó là quá trình tích tụ, tích lũy, bồi đắp, qui về một mối…. Trung tâm qui tụ có thể là một điểm trong không gian, trong thời gian, có thể là trong cả tâm trí con người nữa. Khi tích tụ thì có chọn lựa, thải loại, theo một qui chuẩn nào đó. Ví dụ, một người sống bình thường thì trước hết anh ta phải theo qui tắc vận động của hành KIM. Anh ta phải tích tụ thực phẩm để biến thân xác 2-3kg cha mẹ sinh ra thành một cơ thể khỏe mạnh, sau nữa anh ta phải tích tụ vào óc mình những kiến thức chuyên môn, các qui tắc sống,… Quá trình tích lũy đó xảy ra suốt đời. Khi nào ngừng tích, anh ta chết.
- Phương thức vận động hành THỦY: đó là quá trình phân tán, tản ra cái đã tích tụ. Đây là qui trình vận động thứ hai sau khi đã thực hiện phương thức vận động hành KIM. Tất nhiên sự tản ra đó không chỉ đơn thuần là truyền tải, mà phải có chế biến, có nâng cấp. Ví dụ, kiến thức của một người sau khi được tích KIM, thì tản ra dưới dạng thức khác phù hợp uyển chuyển với hoàn cảnh xung quanh thành lời nói, thành kế hoạch, bản thiết kế,…
Vậy KIM là tích vào, như tích tiền. THỦY là tản ra như sự chảy đi của dòng nước. Do vậy, hai hành đầu tiên của Ngũ hành là KIM và THỦY là hai hành tich/tản. Điều đó có nghĩa là hai hành KIM THỦY là biểu tượng của hai quá trình vận động. Vận động tích tụ được gọi là KIM, vận động phân tán được gọi là THỦY. Hai hành này như một nhịp điệu, như sự thở, sự tiến lui của sóng biển,… Đây là hai biểu tượng quan trọng nhất, phổ biến nhất của mọi vận động. Bạn hãy quan sát xung quanh xem, rất nhiều thứ đang tiến lui, đang tich/tản, tạo thành cái nhịp điệu vô cùng vô tận, tạo thành cái nhịp điệu vĩnh hằng của mọi hiện tượng trong vũ trụ.
Dưới dạng toán học, hai hành KIM và THỦY này được biểu diễn bằng các vecto chỉ hướng ra vào như trong hình 1.

Hình 1. Biểu tượng của hành KIM- các quá trình tích tụ và hành THỦY
- các quá trình tản phát
- Phương thức vận động hành MỘC: Đây là phương thức vận động của sự tạo thành cái mới. Biểu tượng như một mầm cây đâm chồi lên. Nó kết quả của quá trình tích tản liên tiếp, không ngừng không nghỉ. Ví dụ, một người tích lũy nhiều kiến thức trở thành kỹ sư, anh ta tản ra các ý tưởng, thực hành các ý tưởng đó có thể làm nảy sinh một cái máy mới. Trong quá trình sinh thành, sáng tạo cái mới, có rất nhiều khó khăn. Do đó biểu tượng MỘC, chỉ sự vươn dậy mạnh mẽ của chồi cây, chỉ sự không khuất phục. Cho nên trong các sách cổ thường nói MỘC có tính cứng, rắn, mạnh mẽ.
- Phương thức vận động hành HỎA: Sau khi sự vận động đã đạt tới hành MỘC, thì một cái mới đã được sáng tạo. Cái mới đó, cần phải được hoàn thiện và nhân rộng. Nếu không thể hoàn thiện và nhân rộng thì quá trình sáng tạo đó là không bền vững, sản phẩm mới không thể tồn tại lâu dài. Cái mới ấy không làm tiền đề cho sự phát triển tiếp theo. Do đó, sau hành MỘC, đến hành HỎA. Hành này là sự nhân rộng cái mô hình đã hoàn thiện của MỘC. Sự vận động trong quá trình HỎA có tính sao chép để nhân rộng, ít có tính sáng tạo. Tính chất của vận động ở đây rất nhanh gấp, ào ào, mãnh liệt. Ví dụ, sau khi cái mô hình mới về nuôi tôm nước lợ thành công ở xã Z tỉnh Q, thì nhiều bà con nông dân các nơi khác ào ào bắt chước, tạo thành một phong trào nuôi tôm nước lợ. Phong trào đó là phương thức vận động hành HỎA.
- Phương thức vận động hành THỔ: Hành Thổ là im lặng, yên tĩnh, chở che như tính chất của khối đất. Do đó, những dạng vận động mang những tính chất ấy đều được gán cho hành THỔ. Nó là giai đoạn vận động tất yếu xảy ra sau hành HỎA. Nó là tro tàn của một quá trình bốc cháy ào ạt của hành HỎA. Chẳng hạn, sau khi mọi người ào ào đua nhau mua đất, tậu trang trại, nhất định sẽ đến một giai đoạn trầm lắng, giao dịch buồn tẻ. Phương thức đó gọi là vận động theo hành THỔ. Trong lãnh vực buôn bán bất động sản (BĐS), trước đây vài năm, người ta tranh mua tranh bán. Giá BĐS leo thành từng tuần. Lúc đó, BĐS đang vận động theo hành HỎA. Do đó, cũng là đất đai, nhưng không phải lúc nào cũng là THỔ. Có lúc nó vận động như HỎA. Bong bóng bất động sản của nền kinh tế MỸ cũng hình thành và vận động như vậy. Lúc thì nó bùng lên mạnh mẽ như lửa, lúc nó trầm lặng như tro. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay là một giai đoạn THỔ qui mô lớn.
Tuy nhiên, sự trầm lắng của hành THỔ, chính là điều kiện để phát sinh, hình thành các hành trình tích tụ mới. Cho nên, người ta nói THỔ sinh KIM. Tức là một vòng Ngũ Hành mới chỉ có thể được hình thành trong lòng của hành THỔ. Cũng như sự tạo thành mầm tinh thể chỉ có thể hình thành trong các điều kiện hết sức ổn định, gần như không có các dao động nào. Hơn nữa các vòng Ngũ hành đều phải trải qua 5 giai đoạn mới trở về trạng thái vận động ban đầu. Hai hành KIM/THỦY là thử nghiệm tìm cái mới, hành MỘC là sáng tạo, hành HỎA là nhân rộng, hành THỔ là suy tàn để lại đổi mới.
Trên đây là tóm tắt vài nét chính nhất của môn Ngũ hành theo ngôn ngữ mới, ngôn ngữ vận động. Ngũ hành là biện chứng của tự nhiên. Chỉ cần chiêm nghiệm, bạn nhất định sẽ nhìn thấy mọi vận động đang đi theo con đường biện chứng đó.
Ví dụ về một vòng ngũ hành qui mô nhỏ là vòng đời. Kể từ lúc sinh ra là hành KIM, hành vi đầu tiên sau tiếng khóc chào đời là tìm vú mẹ. Nó hút sữa, lúc đó đứa trẻ bắt đầu hành vi tích KIM đầu tiên. Sau đó, nó còn tích nhiều thứ khác nữa, từ thực phẩm và khí trời đến kiến thức và kinh nghiệm sống ….. để sáng tạo rất nhiều hành MỘC cho chính cơ thể nó và cho cuộc đời. Vòng sinh bệnh lão tử chính là biện chứng vận động theo Ngũ hành, gồm cả KIM, THỦY, MỘC, HỎA, THỔ.
Một ví dụ khác về vòng Ngũ hành qui mô lớn là sự hình thành và biến đổi của vũ trụ. Sự hình thành các Lỗ đen là hành KIM. Vì lỗ đen hút tất cả các vật thể xung quanh nó, từ ngôi sao, hành tinh, đến quần thể hành tinh, cả các hạt bụi vũ trụ và ánh sáng nữa, để dồn nén vào một phạm vi thể tích cực nhỏ bé và cực nóng. Quá trình tích lũy đó cũng gọi là tích KIM. Quá trình tích KIM vũ trụ kéo dài nhiều tỉ năm. Sau khi lỗ đen đã đạt đến một độ đậm đặc giới hạn thì nó bùng nổ tạo dưới dạng BIG BANG. Big Bang trong vũ trụ học được gọi là vụ nổ lớn. Đó là hành THỦY. Thời điểm bùng nổ Big Bang rất ngắn, nó chỉ là một thời điểm giao thời giữa KIM và THỦY vũ trụ. Sau Big Bang, quá trình THỦY vũ trụ diễn tiếp hàng nhiều tỉ năm nữa. Quá trình ấy là các quá trình rời xa nhau của các Thiên hà, quá trình tản ra. Hiện chúng ta đang sống trong hành THỦY vũ trụ. Trong hành THỦY ấy nảy sinh các hành MỘC. Đó là sự sáng tạo ra cái mới. Hệ Mặt trời, Trái đất cũng là sản phẩm hành MỘC của vũ trụ. Sự tiến hóa của các loài cũng chính là hành MỘC. Trong quá trình ấy, nhiều ngôi sao trong vũ trụ đạt đến trạng thái HỎA, sau đó suy biến dần về THỔ.
Ví dụ về các vòng Ngũ hành qui mô trung bình là sự thăng trầm của các triều đại, các nền văn minh, các nền kinh tế. Bài này sẽ dùng biện chứng tự nhiên Ngũ hành để nghiên cứu kinh tế và cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
2. Định nghĩa Kinh tế học
Kinh tế học là gì? Định nghĩa cơ bản trong các sách giáo khoa như sau : "Kinh tế học là môn học nghiên cứu cách phân bổ một cách hiệu quả nhất những nguồn lực khan hiếm cho những mục tiêu thay thế lẫn nhau". Phần đầu của định nghĩa này khá dễ hiểu. Theo đó, kinh tế học là nghiên cứu cách sản xuất và phân bố của cải nói chung. Phần sau nói về các mục tiêu thay thế lẫn nhau thì hơi trừu tượng. Nó muốn nói đến các nguồn lực khan hiếm với ý rằng khi muốn khai thác và sử dụng các nguồn lực đó thì phải chi phí. Các nguồn lực khan hiếm nhấn mạnh ở đây để làm cơ sở cho thuyết cung cầu, để từ đó xây dựng các thuyết về thị trường hiện đại.
Tuy nhiên, kinh tế học còn được xem như một cách tư duy nữa. Ông John Maynard Keynes là một nhà kinh tế học người Anh lừng danh thế giới từng nói "Economics is a way of thinking." (Kinh tế học là một cách suy nghĩ). Theo định nghĩa của Keynes thì kinh tế học rộng lớn hơn rất nhiều, kinh tế chính là cách suy nghĩ của chúng ta về thực tại. Do đó, kinh tế học có được xem là một bộ phận của triết học. Trong các nhà trường của chúng ta (Việt Nam) môn kinh tế luôn được gắn với chính trị, người ta gắn hai môn đó lại gọi là kinh tế-chính trị học theo Marx-Lenin. Như vậy ít nhất có hai định nghĩa về kinh tế học, Phong Thủy và Ngũ Hành muốn góp thêm một cách phân tích mới. Theo Ngũ hành bất cứ một hành vi tích tụ nào đều thuộc hành KIM, gọi là tích KIM. Sản xuất của cải là tích tụ các thành tố khác nhau lại để cấu thành sản phẩm, nên sản xuất thuộc hành KIM. Ví dụ, người thợ gốm, tích tụ đất sét, cao lin, thạch anh, các phẩm mầu, sức nóng (của than, củi, khí gas…), sức lao động, …. để chế tạo ra cái bát, cái lọ thì đó chính là hành vi tích KIM. Sau đó, anh ta phải phân bố những sản phẩm ấy, hoặc là trực tiếp, hoặc thông qua các nhà buôn, các đại lý. Hành vi phân bố, chính là tản các sản phẩm đã chế tạo ra, nên hành vi đó thuộc hành THỦY.
Như vậy, theo định nghĩa kinh điển của kinh tế học, sản xuất và phân bổ thuộc hai hành KIM/THỦY. Tuy vậy, phương thức tích tụ các thành tố để cấu tạo nên sản phẩm rất khác nhau, và ngày càng phức tạp. Mức độ phức tạp tăng dần theo mức độ phát triển của xã hội loài người. Nghiên cứu mức độ phức tạp của hai hành KIM THỦY trong kinh tế cho phép chúng ta có một cách nhìn nhận mới về kinh tế học và sự khủng hoảng kinh tế hiện nay.