What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Sinh viên Trung Quốc gian nan khởi nghiệp kinh doanh

L

LOBBY.VN

Guest
Sinh viên Trung Quốc gian nan khởi nghiệp kinh doanh​

“Hiện nay, để giải quyết tình trạng sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm, Chính phủ Trung Quốc đang đề ra chủ trương khuyến khích họ tự làm kinh doanh” - Chen Guang, Phó Tổng giám đốc Hiệp hội Hướng nghiệp Giáo dục quốc gia của Trung Quốc cho biết.

“Ở những đất nước phát triển và những đất nước có nhiều cơ hội việc làm hơn, tỉ lệ sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp tự làm kinh doanh chiếm từ 20 đến 30%. Nhưng ở Trung Quốc, số lượng này chỉ chiếm 1%. Sự khác biệt ở đây là rất lớn”.


Khởi nghiệp

“Hiện tại, chúng tôi đang ra sức giáo dục và đào tạo cho mọi sinh viên đại học lên kế hoạch bắt đầu kinh doanh riêng. Không chỉ các trường đại học khuyến khích sinh viên của mình đứng ra làm ông chủ mà các học viện hướng nghiệp ở nhiều nơi cũng đang làm tương tự như vậy.

“Nhiều trường đại học hiện nay cũng đã đưa bộ môn kinh doanh vào giảng dạy và một số trường đã thiết lập những chương trình thăm dò nghề nghiệp. Các tổ chức giáo dục nhà nước cũng đóng góp ý kiến và cung cấp những nhà cố vấn có kinh nghiệm”, ông Wang Yadong - Phó Giám đốc Phòng Xúc tiến nghề nghiệp của Bộ An ninh Xã hội và Nhân lực cho biết.

Kể từ năm 2002, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích và hướng dẫn sinh viên tiến hành tự kinh doanh. Năm 2008, 11 bộ và các hội đồng, ủy ban đã cùng thống nhất những ý kiến chỉ đạo khuyến khích mọi người tự làm kinh doanh để tạo việc làm cho mình.

Tài liệu này khuyến khích nhiều địa phương thiết lập những cơ sở kinh doanh, tổ chức đào tạo, hướng dẫn và giúp đỡ những tổ chức kinh doanh cần sự ủng hộ, đồng thời yêu cầu các địa phương khác nhau tổ chức quảng cáo về dự án, đề ra kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo những kế hoạch kinh doanh táo bạo và giúp đỡ về mặt tài chính để tạo nên một sự chỉ đạo và cố vấn chuyên nghiệp.

“Những biện pháp này của chính phủ nhằm mục đích giải quyết những khó khăn mà các sinh viên mới tốt nghiệp gặp phải và phản ánh tầm quan trọng của việc sinh viên mới tốt nghiệp đứng ra tự làm chủ doanh nghiệp của mình” - ông Chen Guang nói.

Một số công ty lớn cũng rất muốn giúp đỡ, tạo cơ hội cho sinh viên làm kinh doanh. Tháng 6/2009 vừa qua, China Talent Group - nhà cung cấp nhân sự hàng đầu Trung Quốc - và Viện Công nghệ Bắc Kinh đã cùng thành lập trung tâm BIT & CTG Pioneering. Li Hao - Chủ tịch của China Talent Group nói, “chúng tôi hi vọng có thể đào tạo và phát triển các em sinh viên, những người có thể tạo ra giá trị bằng những sáng kiến mới”.

China Talent Group đã mời một số các doanh nhân giỏi và những người quản lý có kinh nghiệm từ rất nhiều công ty nổi tiếng làm công tác cố vấn và hướng dẫn. Các khóa đào tạo và những bài giảng được đưa ra đều nhằm mục đích khuyến khích sinh viên mới ra trường làm kinh doanh và giới thiệu những kiến thức cơ bản nhất trong việc vận hành vốn.

Một số các chương trình đào tạo tốt của nước ngoài cũng được giới thiệu trong dịp này. Một trong số đó là chương trình Tuổi trẻ Trung Quốc làm kinh doanh (YBC) đã trở nên nổi tiếng trong giới “doanh nhân sắp vào nghề”. Từ năm 2003, chương trình này đã có mặt ở những khu trung tâm chính của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Côn Minh, Tây An (Thiểm Tây) và Tể Nam (tỉnh Sơn Đông).

Bên cạnh đó, một dự án quốc tế do 6 cơ quan Trung Quốc trong đó có Hiệp hội Thanh niên Trung Quốc, Hiệp hội Sinh viên Trung Quốc và Bộ An ninh Xã hội và Nhân lực phối hợp với Diễn đàn Các nhà lãnh đạo kinh doanh quốc tế (IBLF) và tổ chức Tuổi trẻ Quốc tế làm kinh doanh của Anh cũng đang được tiến hành.

Gu Liping, Tổng Giám đốc của YBC nói rõ, chương trình này nhắm đến đối tượng ở độ tuổi giữa 18 và 35, những người có khát khao và khả năng tự kinh doanh. Dựa trên sự hỗ trợ của các mạng lưới xã hội, đặc biệt là giới kinh doanh, chương trình hỗ trợ công tác cố vấn, cung cấp tài chính, công nghệ và các mạng lưới làm việc. “Nếu ’kế hoạch làm ăn’ của các em sinh viên được chuyên gia đánh giá cao thì họ sẽ được nhận một khoản đầu tư ban đầu từ 30.000 đến 50.000 NDT. Chúng tôi cũng sẽ chỉ định một người có kinh nghiệm làm cố vấn và hướng dẫn cụ thể cho họ”.

Cuối năm 2008, YBC đã giúp đỡ gần 600 dự án kinh doanh đi vào hoạt động, tạo ra hơn 5.000 việc làm. Hành trang cho sự nghiệp "làm ông chủ"

Khi Liu Binchun, một doanh nhân trẻ 25 tuổi tự đứng ra kinh doanh sau khi tốt nghiệp nảy ra ý tưởng thu nhận các kế hoạch kinh doanh của sinh viên, chọn lựa để cấp vốn cho họ thực hiện, anh đã nghĩ rằng “chắc chắn kế hoạch của mình sẽ được hưởng ứng nhiệt liệt”. Nhưng trái với những gì anh nghĩ, một tháng sau, anh chỉ nhận được 5 bản kế hoạch bao gồm kế hoạch mở cửa hàng thịt nướng nóng, một quán bar Internet và một đoàn biểu diễn lưu động. Chỉ có một kế hoạch có vẻ như đáng được ủng hộ nhất: Dịch vụ giá trị gia tăng liên quan đến viễn thông.

“Có quá nhiều người thờ ơ với kế hoạch cứu trợ tài chính của tôi” - anh nói vui, nhưng lộ một chút thất vọng.

Bản điều tra cuối cùng của MyCos, một công ty chuyên cung cấp thông tin nguồn nhân lực cho thấy, ở các khu vực có nền kinh tế phát triển và các thành phố lớn có nhiều cơ hội việc làm hơn thì lại có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tự làm kinh doanh thấp nhất. Ông Wang Boqing - Giám đốc của Mycos nói: “Hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều không sẵn sàng tự kinh doanh nếu họ có thể tìm được việc. Số sinh viên có ý tưởng táo bạo này thường xuất thân trong những gia đình đã có các công ty tư nhân, do vậy thấm đẫm tinh thần trở thành người tiên phong rồi”.

Tuy nhiên trong bản kế hoạch kinh doanh của những sinh viên không có kinh nghiệm, điểm yếu kém nhất họ để lộ nằm ở khâu quản lý. Mới đây, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên lần đầu tiên đã tổ chức một cuộc hội nghị đánh giá mức độ thành công trong giai đoạn đầu của bản kế hoạch kinh doanh của giới trẻ.

Chưa đến 10% trong số 600 kế hoạch đạt yêu cầu. Các chuyên gia đều “ngao ngán” vì các ứng cử viên không thể giải thích rõ ràng những vấn đề cơ bản liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của họ như: Cách thức hoạt động, lợi nhuận, cách quản lý công ty và phân tích tài chính. Điều đáng lo ngại nhất là sinh viên mới ra trường thiếu sự hiểu biết về các rủi ro, không có sự chuẩn bị tốt để tránh thất bại.

Trong một bản điều tra “những mong muốn ở giai đoạn khởi nghiệp” của Liu Binchun ở 5 trường đại học, anh đã thống kê được có 25% số sinh viên được hỏi mong muốn công ty riêng của mình trong ba năm đầu tiên, mỗi năm đạt mức lợi nhuận 3 triệu NDT, 39% hi vọng có được lợi nhuận 1 triệu NDT và 5% không tin về sự tồn tại của mình trong ba năm đầu.

Có một sự thật khắc nghiệt là tỉ lệ thành công của sinh viên mới tốt nghiệp dám đứng ra tự làm kinh doanh riêng rất nhỏ - chỉ hơn 3%. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân là do Trung Quốc mới bước vào nền kinh tế thị trường chưa được bao lâu. Do đó, sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân vào GDP còn bị nhiều hạn chế.

Vấn đề quyết định để thành công

Những năm gần đây, giáo dục về kinh doanh đã dần phổ biến nhưng vẫn còn một số lớn sinh viên cảm thấy lúng túng khi bắt đầu việc kinh doanh của chính mình.

Tháng 6 vừa qua, Cục Thống kê Quốc gia đã tiến hành một cuộc điều tra “mong ước được làm kinh doanh của sinh viên tỉnh Hồ Nam”. Trong tổng số sinh viên tốt nghiệp năm 2009, có đến 85% muốn được độc lập kinh doanh nhưng có tới 90% số người hưởng ứng biết rất ít về các chính sách của chính phủ khuyến khích động thái này. Chỉ 10% còn lại khẳng định là có biết một chút và đưa ra một số câu hỏi về các chính sách liên quan.

“Theo như chúng tôi được biết, tỉ lệ thành công của sinh viên tốt nghiệp bắt đầu làm kinh doanh là chưa đến 1%. Vì họ không biết nhiều về các chính sách ưu tiên và có ít kinh nghiệm với thương trường nên không biết lựa chọn lĩnh vực kinh doanh nào cho phù hợp” - ông Hao Zhiqiang, lãnh đạo của trung tâm BIT & CTG Pioneering nói. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, thiếu nguồn vốn là nỗi đau đầu lớn nhất của những thanh niên muốn trở thành ông chủ.

Theo số liệu điều tra của Trường Đại học Thanh Hoa thì 60% các doanh nghiệp tư nhân khi mới bắt đầu kinh doanh có số vốn chưa đến 50.000 NDT và 18,2% có số vốn ít hơn 10.000 NDT. Hầu hết các doanh nghiệp này đều không được tổ chức nào đầu tư. Ngoài số vốn tự có, họ trông chờ vào sự giúp đỡ của những người quen.

Giáo sư Cheng Yuan của Trung tâm Pioneering Trường Đại học Thanh Hoa cũng tham gia vào cuộc điều tra này cho biết: “Theo những gì chúng tôi thu được thì những nguồn góp vốn quan trọng nhất của sinh viên mới khởi nghiệp là người quen của họ: các thành viên trong gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm, kế tiếp mới là các tổ chức tài chính và sự giúp đỡ của chính phủ. Chính phủ vẫn chưa cung cấp các hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp non trẻ".

Về phần vốn đầu tư cho các dự án kinh doanh, hầu hết các nước phát triển đều có thị trường đủ mạnh có thể đáp ứng được một khoản vay thỏa đáng cho các doanh nghiệp có độ rủi ro cao, cộng với nguồn thông tin và dịch vụ cố vấn phát triển. Ở Trung Quốc, thị trường vốn vẫn còn bị tụt hậu và hoạt động vốn đầu tư vận hành chưa hiệu quả. Những dự án kinh doanh có độ rủi ro cao thường phải mất nhiều thời gian chờ đợi.

Ở khía cạnh khả quan hơn, nghiên cứu của Trường Đại học Thanh Hoa cũng cho thấy Chính phủ Trung Quốc hiện đang có những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện môi trường khởi nghiệp cho các doanh nhân trẻ.
 
Top