What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tư vân đầu tư vào thị trường chứng khoán Lào

LOBBY.VN

Administrator
Lào sắp có vụ IPO đầu tiên trong lịch sử​


Lao-Stock-Exchange-to-launch-in-October.jpg

dien31288440575.jpg

Công ty Điện lực Lào (EDL - Electricite du Laos) có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Lào

William D. Greenlee, Giám đốc điều hành đồng thời là chuyên gia tư vấn pháp lý của Hãng tư vấn thuế và pháp lý DFDL Mekong chi nhánh Lào cho biết ông rất lạc quan vào EDL và sẽ đổ tiền đầu tư vào cổ phiếu này.
Theo ông, EDL có tài sản tốt và còn nắm giữ cổ phần trong các nhà máy phát điện tương lai của nước này

Tiếp sau EDL, Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) cũng sẽ tiến hành IPO. Ông William D. Greenlee cho biết BCEL là một ngân hàng có tài sản tốt

Liên quan đến Sở giao dịch chứng khoán Lào LSX, ông cho rằng việc mở cửa vào ngày 10/10/2010 là một điều hết sức tốt đẹp. Vì người Lào tin tưởng vào thần may mắn nên họ sẽ sẵn sàng mở hầu bao để đầu tư vào chứng khoán

Ông cho biết thêm, LSX đã được trang thiết bị đầy đủ và sẵn sàng thực hiện các lệnh mua bán từ nhà đầu tư

Với triển vọng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế Lào nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, cổ phiếu của EDL và BCEL có thể tăng giá rất mạnh
 
Ngân hàng Ngoại thương Lào thông báo đấu giá 15% cổ phần​

BCEL.gif

Một buổi tập huấn nghiệp vụ của các nhân viên BCEL​

Ngoài ra, BCEL cũng sẽ bán 10% cổ phần tới các đối tác chiến lược thông qua việc phát hành riêng lẻ

Ngày 29/11 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) thông báo về việc sẽ bán 15% cổ phần trên Sở Giao dịch Chứng khoán Lào (LSX) vào đầu năm tới

Ngoài ra, BCEL cũng sẽ bán 5% cổ phần cho các nhân viên và 10% cổ phần tới các đối tác chiến lược thông qua việc phát hành riêng lẻ

Nằm trong các công tác chuẩn bị niêm yết trên LSX vào tháng 01/2011, trong tuần trước, BCEL công bố các thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh của mình tại trụ sở LSX, thủ đô Viêng Chăn

BCEL được thành lập năm 1975 như là một đơn vị của Ngân hàng Trung ương Lào và chính thức trở thành ngân hàng thương mại quốc doanh vào năm 1989

BCEL có chi nhánh ở tất cả các tỉnh thành của Lào và nắm giữ 40% thị phần ngành ngân hàng với gần 1.000 nhân viên.Tầm nhìn của BCEL là trở thành ngân hàng hiện đại nhất tại Lào

BCEL có cổ phần trong một công ty bảo hiểm, Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (Lao-Viet Bank) và Lao French Bank. Bên cạnh đó, BCEL còn liên doanh với một công ty của Thái Lan để thành lập một công ty chứng khoán
 
Từ 16-24/12 đăng ký mua cổ phiếu Điện lực Lào​

217 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán với giá từ 9.800 -11.000 đồng/CP

Tổng Giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Lào (LSX) cho biết Lao Electricity Public Ltd Company - công ty con chịu trách nhiệm phát điện của Điện lực Lào (EDL) sẽ chào bán 217 triệu cổ phiếu trên LSX

Trong đó, hơn 130 triệu cổ phiếu sẽ được cháo bán tới các nhà đầu tư tổ chức

Giá cổ phiếu của Lao Electricity Public Ltd Company sẽ ở vào khoảng 4.000-4.500 kip/CP (tương đương 0,5- 0,56 USD/CP, hay 9.800-11.000 đồng/CP, theo tỷ giá ngày 14/12)

Các nhà đầu tư quan tâm có thể đăng ký mua cổ phiếu từ LSX, trụ sở Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) và Krung Thai Bank cũng như các chi nhánh của hai ngân hàng này từ ngày 16-24/12

Được biết, hiện 7 đập thủy điện đang phát điện cho Lao Electricity Public Ltd Company
 
Việt Nam-Lào lần đầu tiên tổ chức đấu giá cổ phiếu​

Cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Lào được đấu giá với giá đấu cao nhất là 50.000 kip/cổ phiếu, thấp nhất là 5.500 kip/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Lanexang phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài gòn Thương tín Việt Nam (Sacombank) và Ngân hàng Phát triển Lào - vừa tổ chức đấu giá lần đầu ra công chúng cổ phiếu Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL)

Tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 20.490.160 cổ phiếu, giá khởi điểm là 5.000 kip/cố phiếu

Có 429 nhà đầu tư tham gia đấu giá, trong đó có 11 tổ chức và 418 cá nhân. Số lượng đăng ký mua là 34.581.059 cổ phiếu, nhiều hơn gấp rưỡi số lượng chào bán

Khối lượng đặt mua cao nhất là 2.040.000 cổ phiếu, thấp nhất là 100 cổ phiếu. Giá đấu cao nhất là 50.000 kip/cổ phiếu, giá đấu thành công thấp nhất là 5.500 kip/cổ phiếu. Giá đấu thành công bình quân là 5.910 kip/cổ phiếu, cao hơn giá tham chiếu là 18,2%

Tổng số nhà đầu tư trúng giá là 372, trong đó có 11 tổ chức và 361 cá nhân

Tổng giá trị cổ phần bán được là hơn 121 tỷ kip. Đợt đấu giá này nằm trong đợt phát hành lần đầu, chiếm 15% vốn điều lệ của BCEL
 
Ra nước ngoài làm dịch vụ chứng khoán​

- Việc hai thị trường chứng khoán Lào và Campuchia chuẩn bị hoạt động đang mở ra cơ hội mở rộng thị trường cho các công ty chứng khoán Việt Nam, cũng như cơ hội đầu tư ở nước ngoài cho các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam

Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL), một trong những ngân hàng hàng đầu của Lào và cũng là đơn vị đầu tiên trên thị trường chứng khoán Lào vừa bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO)

Không khí đấu giá BCEL cũng sôi nổi, hào hứng và lạ lẫm như thị trường chứng khoán Việt Nam hơn mười năm về trước. Ông Nguyễn Hoàng Giang, giám đốc tư vấn SBS, người trực tiếp tham gia vào cuộc tư vấn IPO BCEL cho biết như vậy

BCEL đã hoàn thành cuộc IPO với gần 20,5 triệu cổ phiếu, chiếm 15% vốn điều lệ với giá đấu thành công trung bình là 5.910 kip/cổ phiếu, tương đương 15.660 đồng tiền Việt Nam. Số lượng đăng ký mua nhiều hơn gấp rưỡi số lượng chào bán

Xuất khẩu dịch vụ chứng khoán

BCEL là ngân hàng có thị phần chiếm khoảng 40%, giữ vai trò như Vietcombank ở Việt Nam. Có một số nhà đầu tư trúng thầu là Việt kiều Lào và không có đồng vốn nào từ nhà đầu tư Việt Nam đổ sang trong cuộc IPO này, nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân Việt Nam đang nuôi hy vọng ở những cuộc đầu tư sau, bởi tổ chức đứng đằng sau cuộc IPO đầu tiên của Lào là công ty chứng khoán Lanexang và ngân hàng Đầu tư và phát triển Lào

Là đơn vị liên doanh giữa công ty chứng khoán Sacombank và ngân hàng Phát triển lào (LDP), trong đó SBS chiếm 51%, Lanexang là công ty chứng khoán đầu tiên của Lào

Dự kiến ngày 11.1.2011 tới đây, thị trường chứng khoán Lào chính thức mở cửa với hai công ty niêm yết đầu tiên trên sàn là BCEL và công ty Điện lực Lào

Đầu tháng 11 vừa qua, SBS cũng đã nhận giấy phép hoạt động công ty chứng khoán Sacombank – Campuchia ở Campuchia, nơi dự kiến sẽ mở cửa thị trường chứng khoán vào tháng 7.2011. Công ty chứng khoán Campuchia – Việt Nam của ngân hàng BIDC, chi nhánh của ngân hàng BIDV cũng là một trong 15 công ty chứng khoán đầu tiên của Campuchia

Trong khi Sacombank – Campuchia chỉ mới đăng ký kinh doanh và môi giới chứng khoán thì Lanexang có đủ các dịch vụ tư vấn của một công ty chứng khoán, từ tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp, tư vấn cổ phần hoá, tái cấu trúc doanh nghiệp, niêm yết cổ phiếu… đến hoạt động ngân hàng đầu tư với dịch vụ bảo lãnh phát hành, thu xếp vốn cho doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành trái phiếu

Nhà đầu tư Lào có thể giao dịch trực tuyến tại Lenaxang để mua bán cổ phiếu. Mức phí giao dịch, sau khi trừ các chi phí cho sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký, thì vẫn còn cao hơn mức 0,2% phổ biến hiện nay tại Việt Nam, nhưng Lenaxang cho biết, đang xây dựng một biểu phí phù hợp với thị trường mới này

Trong cạnh tranh giành hợp đồng ở Lào, công ty chứng khoán Việt Nam có lợi thế là nền kinh tế bên Lào tương đồng với Việt Nam, cũng đi lên từ kinh tế nhà nước là chủ đạo...

Cơ hội đầu tư cổ phiếu nước ngoài

Việc tư vấn IPO cho BCEL mất khoảng ba tháng, và toàn bộ do người Việt Nam do SBS đưa sang đảm nhiệm

Ông Nguyễn Hoàng Giang, cho rằng, trong cuộc đối đầu để có hợp đồng này với các công ty chứng khoán từ Thái Lan và Hàn Quốc, lợi thế của Lanexang là nền kinh tế bên Lào tương đồng với Việt Nam, cũng đi lên từ kinh tế nhà nước là chủ đạo và đến thời điểm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Chính vì vậy, kinh nghiệm cổ phần hoá ở Lenaxang đã được BCEL đón nhận

Uỷ ban Chứng khoán Lào đang xây dựng và hoàn thiện các văn bản và quy định về IPO, cổ phần hoá, về thị trường chứng khoán… Do vậy, trong quá trình tư vấn, Lanexang đã tham khảo cách làm từ Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thị trường Lào để có thể tư vấn cho BCEL

Thí dụ như, ở Việt Nam, một số doanh nghiệp không cần xác định giá trị doanh nghiệp trước khi niêm yết như Vietcombank, Vietinbank thì Lenaxang cũng đem kinh nghiệm này sang Lào, và lấy kết quả của kiểm toán chứ không tổ chức định giá lại toàn bộ doanh nghiệp

Ông Giang cho biết, Lanexang đã ký hợp đồng tư vấn IPO với một số công ty và tập đoàn lớn của Lào

Bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán từ Việt Nam đã có tiếp cận và khảo sát hai thị trường này. Theo phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán, công ty ông có kế hoạch mở công ty chứng khoán tại Lào và Campuchia trong sắp tới

Trong khi hình thức đầu tư trực tiếp đã có quy định, thì việc đầu tư gián tiếp ở thị trường chứng khoán nước ngoài vẫn còn chưa có khung pháp lý đầy đủ

Người đứng đầu một công ty trong ngành tài chính cho biết, công ty ông đang nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ sao cho đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, vừa không “vượt rào”
 
Ngân hàng Ngoại thương Lào tiến hành đại hội cổ đông đầu tiên​

a5.jpg

Ngày 11/1, ngân hàng sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu tại Sở GDCK Lào (LSX)

Chiều 06/01, Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu để chuyển đổi mô hình hoạt động công ty cổ phần và chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu tại Sở GDCK Lào (LSX) vào ngày 11/01 tới

Đây là Đại hội đồng Cổ đông đầu tiên của một công ty đại chúng được triệu tập tại quốc gia này

Theo báo cáo tại Đại hội, BCEL đạt tổng doanh thu năm 2010 là 532,64 tỷ kip, trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh chiếm 471,52 tỷ kip, còn lại đến từ doanh thu khác. Về lợi nhuận, tổng lợi nhuận cả năm của ngân hàng ước đạt hơn 191,87 tỷ kip và lợi nhuận sau thuế 124,72 tỷ kip

Cũng đến cuối năm 2010, tổng tài sản bình quân của BCEL là 8.800 tỷ kip, nguồn vốn chủ sở hữu bình quân 682.,69 tỷ kip

BCEL dự kiến tăng tổng tải sản trong hai năm 2011 và 2012 lên lần lượt 14,077 tỷ kip và trên 21,115 tỷ kip. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng lên 187 tỷ kip và hơn 280,61 tỷ kip

ĐHĐCĐ có 975 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 123 triệu cổ phần, chiếm hơn 90% vốn điều lệ

Kết thúc phiên họp ĐHĐCĐ, Đại hội đã bầu ra HĐQT đầu tiên gồm bà Viengthong Syphandone - Chủ tịch HĐQT (Thứ trưởng Bộ Tài chính, Đại diện nhà nước Lào nắm 80% vốn tại BCEL); ông Sonexay Sitphaxay - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc và ông Phouthanoupet Homsombath - Phó Chủ tịch HĐQT

BCEL là một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất tại Lào, thành lập năm 1975 và chính thức trở thành ngân hàng thương mại vào năm 1989. Hiện nhà nước Lào đang nắm giữ 80% cổ phần, BCEL có 18 chi nhánh và 22 điểm giao dịch với khoảng 900 nhân viên trên toàn quốc

Ngày 23/12/2010 vừa qua, Công ty Chứng khoán Lanexang đã tổ chức đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) cổ phiếu BCEL. Toàn bộ 20.490.160 cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ của ngân hàng đã được bán hết. Tổng giá trị cổ phần bán được là hơn 121 tỷ kip với giá đấu thành công bình quân là 5.910 kip/cp, cao hơn giá tham chiếu là 18,2% (5.000 kip/cp)
 
Đang có một làn sóng các NĐT châu Á đổ bộ sang Lào​

hoNam.jpg

Nhiều quan chức chính phủ, lãnh đạo cao cấp, chủ doanh nghiệp khẳng định, việc thành lập TTCK không phải là "sân chơi" chính dành cho người Lào

Dưới đây là nhận định của ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc CTCK Sacombank (SBS). Nhà đầu tư đang tìm kiếm các cơ hội tại thị trường chứng khoán này, đặc biệt là với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan

Nếu nhìn vào quy mô dân số chưa đến 6 triệu dân thì thị trường chứng khoán Lào có vẻ không hấp dẫn. Tuy nhiên, Lào là quốc gia giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, Tổng công ty Khoáng sản Lào đang sở hữu nhiều mỏ khoáng sản lớn, bao gồm mỏ đồng, mỏ đá, mỏ sắt, mỏ vàng với trữ lượng lớn

Tương tự, Tổng công ty Điện lực Lào đang quản lý nhiều nhà máy thủy điện lớn, cung cấp năng lượng không chỉ trong nước mà cả các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc

Các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, chế biến nông sản… cũng đang phát triển với tốc độ nhanh. Nhiều doanh nghiệp đang cần và có khả năng sử dụng vốn một cách hiệu quả. Đây mới là tiềm năng thu hút và hấp thụ vốn của thị trường chứng khoán này

Thị trường chứng khoán Lào sẽ giao dịch khớp lệnh định kỳ ngày 2 phiên với biên độ 5%, tương tự như thị trường chứng khoán Việt Nam trước đây. Nhưng ngay từ ban đầu, cơ quan quản lý cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, mua bán cổ phiếu cùng phiên theo chuẩn mực quốc tế

Hệ thống công nghệ cũng vận hành theo thị trường hiện đại, sẵn sàng chuyển sang khớp lệnh liên tục nếu thị trường hoạt động tốt và an toàn giai đoạn đầu. Hệ thống công nghệ đồng bộ này do đối tác Hàn Quốc cung cấp đã có sẵn không phải nâng cấp từng bước như Việt Nam

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Việt Nam bị vướng bởi Pháp lệnh Quản lý ngoại hối. Về mặt chính tắc, việc nhà đầu tư Việt Nam tự do chuyển số tiền lớn và mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Lào là không thể. Việc này cần xin phép
 
Thêm 1 công ty khai trương văn phòng đại diện tại Lào​

a49.jpg

Chiều 9/1, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư quốc tế Hà Nội Vàng (HGCI) đã tổ chức lễ khai trương văn phòng đại diện tại thủ đô Vientiane

HGCI là công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hà Nội Vàng (HGI), chuyên hoạt động trong các lĩnh vực giao dịch kinh doanh vàng, bất động sản và đầu tư chứng khoán… Vốn điều lệ ban đầu là 689.000 USD, và dự kiến sẽ tăng lên 5 triệu USD vào cuối năm 2011

Với đội ngũ tư vấn viên giàu kinh nghiệm, HGCI sẽ tư vấn chiến lược đầu tư hiệu quả cho các khách hàng tại Vientiane, cập nhật các thông tin tài chính liên tục 24/24 giờ mỗi ngày

Phát biểu tại lễ khai trương, Giám đốc HGCI Nguyễn Đoàn Thặng cảm ơn sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành và thành phố Vientiane đã tạo điều kiện và hỗ trợ HGCI triển khai hoạt động kinh doanh

Ông khẳng định với việc mở cửa văn phòng đại diện, HGCI sẽ cung cấp đầy đủ loại hình dịch vụ tài chính hiện đại, chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả cao nhất cho tất cả các khách hàng

Trước HGCI, một số ngân hàng và công ty cũng mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Lào như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Quân Đội, CTCP Hoàng Anh Gia Lai...
 
Hôm nay, Lào chính thức mở cửa thị trường chứng khoán​

- Chỉ có hai cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán Lào là cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) và công ty điện lực Lào EDL-Generation Co

Hôm nay, ngày 11/1, Lào chính thức mở cửa thị trường chứng khoán với hi vọng của các nhà lãnh đạo là sẽ thu hút được các luồng vốn vào một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á và có quá trình công nghiệp hóa chậm chạp nhất

Các nhà phân tích cho rằng lợi ích thực sự khi Lào mở sàn giao dịch chứng khoán là làm nổi bật những tiềm năng của nền kinh tế bị cô lập ở Lào và khuyến khích các nhà lãnh đạo kiểm soát các doanh nghiệp cũng như đưa họ lên sàn chứng khoán

Cả hai đợt IPO tại Lào đều có số lượng đăng kí mua vượt mức. Lĩnh vực điện tại Lào và thị trường xuất khẩu lớn của nước này thu hút các nhà đầu tư rất mạnh

Robert Fernstrom, người đứng đầu ngân hàng đầu tư tại Thái Lan, nói rằng tiềm năng ngành công nghiệp tại Lào đã khuấy động các nhà đầu tư quốc tế

Giới kinh doanh nhắc tới Lào vì tiềm năng xuất khẩu thủy điện lớn của nước này trong một khu vực thiếu điện. Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc đang rất thiếu các nguồn điện mới cho nền kinh tế. Lào, với mạng lưới rất nhiều các con sông chảy nhanh, được xem là có năng lực để trở thành một "pin thủy điện" cho khối các nước Đông Nam Châu Á

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính, nền kinh tế Lào sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, cao hơn so với dự báo năm 2010 là 7,4% , phần lớn là nhờ hoạt động xuất khẩu thủy điện sẽ kích thích kinh tế
 
Mơ “chứng” xứ Lào​

0253.jpg

Phía trước Sở Giao dịch Chứng khoán Lào​

Vài ngày gần đây, kể từ khi thị trường chứng khoán Lào chính thức hoạt động, nhà đầu tư Việt Nam bỗng chốc trở nên quan tâm, thậm chí nở rộ các chủ đề thảo luận trên diễn đàn về thủ tục mở tài khoản, bàn tán có nên chuyển vốn qua Lào để được làm “khối ngoại” hay không

Đủ thứ hay !

Anh Hùng, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho biết cũng đang tò mò tìm xem “chứng trường” xứ Lào thế nào. Tuy nhiên, “mò” mãi cũng không ra trang web của Sở Giao dịch Chứng khoán Lào hay cái bảng điện nào như ở Việt Nam! Loanh quanh vẫn chỉ vài thông tin sơ sài giới thiệu mà mấy trang web của Việt Nam đăng tải

Nhu cầu tìm kiếm thông tin về thị trường chứng khoán Lào rộ lên hơn tuần gần đây, đúng vào lúc thị trường chứng khoán trong nước èo uột. Rất có thể tâm lý chán nản của nhà đầu tư trong nước lại được “cộng hưởng” bởi những thông tin quá “long lanh” từ thị trường chứng khoán Lào: thị trường “xứ núi” mà có T+2, lại được cùng mua cùng bán! Quả là gãi đúng chỗ ngứa cho nhà đầu tư xứ Việt

Đa số bức xúc của cộng đồng đầu xoáy vào chỗ này, mà quên đi nhiều quy định khác như phân chia đợt khớp lệnh, giới hạn tỉ lệ sở hữu, bước giá, nguyên tắc khớp lệnh... cũng không khác mấy, thậm chí có chỗ còn “quê” hơn Việt Nam

“Nhìn Lào mà ngẫm đến ta, có mỗi chuyện T+2 mà chờ đợi cả năm trời chưa xong. Có lẽ cơ quan quản lý Việt Nam nên sang Lào học kinh nghiệm”, một nhà đầu tư than thở trên diễn đàn. Cứ tâm lý đó mà suy, có lẽ nhà đầu tư Việt đề cao chứng khoán Lào vì “ức” thị trường trong nước mà thôi

Đáp ứng nhu cầu tò mò của nhà đầu tư Việt, một số trang web thông tin trong nước đã tích cực đăng tải thông tin về diễn biến thị trường chứng khoán Lào, dù không phải ai cũng nhớ nổi tên của hai doanh nghiệp niêm yết đầu tiên. Thủ tục đăng ký mở tài khoản, các quy chế giao dịch... của thị trường Lào cũng được thông tin rầm rộ cứ như sắp có làn sóng nhà đầu tư Việt rũ áo chạy sang Lào ngay tuần tới

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt lình xình đầu tuần, không ít nhà đầu tư càng nóng ruột với hàng loạt thông tin như một trong những nhà quản lý quỹ tài ba nhất thế giới Mark Mobius nhận định “xanh rờn”: “Lào là một trong số các thị trường mới nổi có sức thu hút đặc biệt đối với chúng tôi”. Ông này cách đây không lâu cũng không ngớt khen thị trường chứng khoán Việt Nam! Đại diện một công ty chứng khoán trong nước có góp vốn mở công ty chứng khoán tại Lào cũng phát biểu “Đang có một làn sóng các nhà đầu tư châu Á đổ bộ xuống thủ đô Vientiane. Họ đang tìm kiếm các cơ hội tại thị trường chứng khoán non trẻ này...”

Nhạt nhanh chóng

Chỉ cần dạo qua vài diễn đàn quen thuộc của cộng đồng đầu tư Việt, các chủ đề bàn tán về thị trường chứng khoán Lào hôm nay đã chìm nghỉm. Thay vào đó là hàng loạt chủ đề quen thuộc về nhận định thị trường, "phím" hàng, hô hào với cổ phiếu X, Y, Z...

Lý do cực kỳ đơn giản: chứng khoán Việt Nam đang lên! Hai hôm nay VN-Index xanh nhẹ và nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Thường cứ chứng khoán tăng giá thì bao nhiêu trăn trở của nhà đầu tư về hạn chế của phương thức giao dịch hay cơ chế quản lý gì gì đều biến mất hết. Thị trường Lào hóa ra lại bị phát hiện với đủ thứ bất cập, như không có giao dịch liên tục giống xứ ta, tỉ lệ sở hữu của khối ngoại chỉ là 3% đối với một nhà đầu tư...

Với hạn chế về chuyển ngoại hối ra nước ngoài, nhà đầu tư Việt có muốn ham hố thị trường chứng khoán Lào cũng không dễ. Đăng ký “lậu” thì không an toàn, hoạt động đầu tư ủy thác cũng khó khăn. Đó là chưa nói đến chuyện rủi ro của một thị trường có quy mô thanh khoản quá nhỏ. Không ít nhà đầu tư trong nước cũng có lúc nào đó tơ tưởng đến khả năng qua Lào để được quay lại thời kỳ 2000-2001 của thị trường chứng khoán Việt Nam với giá cổ phiếu thăng thiên

Tuy nhiên, chắc chắn không thể có làn sóng nhà đầu tư Việt chạy qua Lào, cũng chẳng cần lo “sàn” Lào hút vốn. Nguyên nhân trước hết chính từ các rào cản về ngoại hối của Việt Nam và kế đó là không ít rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân đơn thương độc mã qua Lào chinh chiến

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, mới nhìn qua tưởng đầu tư sang thị trường chứng khoán Lào “ngon ăn” nhưng thực tế để bỏ vốn vào còn nhiều vấn đề. Thứ nhất là các thông tin về vĩ mô, như tăng trưởng, ngoại hối, xuất nhập khẩu... nói chung là cần các thông tin phân tích từ trên xuống để hiểu môi trường kinh doanh. Tiếp đến là các chính sách quản lý thị trường, chính sách thuế, tỉ giá... đối với nhà đầu tư nước ngoài

“Vấn đề chính sách cần được quan tâm nhiều vì ngay ở Việt Nam, mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm rồi nhưng quản lý vẫn còn khúc mắc. Mặc dù thị trường Lào đi sau, có thể rút được kinh nghiệm nhiều nhưng chắc chắn vẫn có những vấn đề nảy sinh có thể chưa lường hết được”, ông Hải nói

Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng là mặt bằng thông tin và rào cản ngôn ngữ, độ tin cậy của kết quả kinh doanh hay các chuẩn mức tài chính. Theo ông Hải, ở Việt Nam đến tận bây giờ nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn vướng rào cản này và thời điểm cách đây 5-7 năm mọi thứ còn ấu trĩ hơn nữa

Thông thường ai cũng nuối tiếc sai lầm trong quá khứ và với nhà đầu tư chứng khoán thì chữ “nếu” càng “to” hơn nữa. Nếu được quay lại thời điểm thị trường 2000-2001 hay 2006-2007 thì có lẽ danh sách các tỷ phú chứng khoán phải thay đổi nhiều. Thị trường chứng khoán Lào hấp dẫn nhà đầu tư Việt một phần vì gợi nhớ như đoạn phim quay chậm lại thời kỳ vàng son và “điên rồ” của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi có cơ hội xem lại đoạn phim đó, nhà đầu tư nên quan tâm hơn đến danh mục trên thị trường hiện tại
 
Trông người ngẫm ta​

- Thị trường chứng khoán Lào mở cửa ngày 11-1-2011 với hai loại cổ phiếu giao dịch là Ngân hàng Ngoại thương Lào và Công ty Sản xuất điện EDL - một dấu ấn với những con số 1

Ngay từ đầu nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, được mở nhiều tài khoản, được mua bán cùng một loại cổ phiếu trong phiên, thời gian cổ phiếu về tài khoản là T+2 đối với người mua và thời gian tiền về tài khoản đối với người bán cũng tương tự

Những thông tin trên đã làm không ít nhà đầu tư Việt Nam... thở dài vì đã mười năm nay họ chờ đợi những giải pháp kỹ thuật như vậy cho chứng khoán trong nước mà vẫn chưa thấy đâu. Có lẽ họ còn thở dài... dài dài nữa nếu biết rằng chỉ hai tuần sau khi IPO, cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Lào đã niêm yết. Việc lên sàn của Công ty Điện lực Lào đang được tính bằng ngày và Chính phủ Lào cho biết sẽ đẩy nhanh việc IPO nhằm niêm yết khoảng 100 doanh nghiệp trong năm nay

Giữa năm ngoái, khi trao đổi với TBKTSG ở Vientiane, trong lễ kỷ niệm 10 năm liên doanh với BIDV, một quan chức của Ngân hàng Ngoại thương Lào còn nói niêm yết là một ý tưởng hay. Ông thậm chí chưa hình dung việc IPO ngân hàng của mình sẽ như thế nào. Lúc ấy Lào cũng chưa hoàn tất đề án cụ thể về việc lập thị trường chứng khoán. Vậy mà bây giờ, họ đã tiến những bước nhanh...

Trông người ngẫm ta. Chứng khoán trước hết là câu chuyện của niềm tin. Nếu tin giá cổ phiếu sẽ lên, đắt mấy người ta cũng mua, còn ngược lại rẻ mấy người ta cũng chen nhau bán

Bỏ qua yếu tố là Lào ngay từ đầu đã IPO và đưa lên sàn những doanh nghiệp tốt nhất, quy mô nhất, không giống Việt Nam 20 năm trước tiến trình cổ phần hóa được bắt đầu từ những đơn vị nhỏ như Xí nghiệp đồ mộc Hà Nội, Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc Việt Phong, Xí nghiệp Ong mật..., cái mà Lào làm được là cùng thiết bị, công nghệ vận hành thị trường của Hàn Quốc, họ đã có những giải pháp kỹ thuật vượt hơn chứng khoán Việt Nam

Vậy thì có nên nhắc đi nhắc lại mãi như từ nhiều năm nay rằng công nghệ chưa cho phép chúng ta giảm thời gian thanh toán hay cổ phiếu về tài khoản xuống T+2, cho phép một nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản và giao dịch cùng loại cổ phiếu trong phiên? Sự chậm trễ này liệu có bắt nguồn từ công nghệ phải chờ nâng cấp, thiết bị phải được bổ sung hay nó cần biến chuyển từ tư duy quản lý thị trường của chính chúng ta ?

Đã từ lâu, ở các nước, thị trường chứng khoán chứ không phải ngân hàng mới là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế. Khi cần vốn, doanh nghiệp IPO, phát hành cổ phiếu qua thị trường chứng khoán bởi đó là nguồn vốn huy động lâu dài, gắn với doanh nghiệp và giá thành rẻ hơn đi vay. Kênh phát hành cổ phiếu chỉ thành công khi thị trường chứng khoán tăng trưởng. Nhìn lại năm 2007, Nhà nước đã thu được hàng chục ngàn tỉ đồng từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn, gánh nặng ngân sách bao cấp cho những đơn vị ấy mau chóng thu hẹp lại. Nếu chính vào thời điểm bùng nổ của chứng khoán đó, các biện pháp kỹ thuật được triển khai, thanh khoản thị trường được cải thiện, thì chứng khoán bây giờ hẳn đã ở một tầm khác

Một khi các doanh nghiệp lớn vẫn chưa muốn rời bỏ “bầu sữa” quốc doanh, thì chừng đó ngân sách vẫn còn phải lo bao cấp cho họ, chừng đó các chính sách ưu đãi về thuế, về vay vốn, về quyền sử dụng đất đai, tài nguyên quốc gia... vẫn còn phải tiếp tục

Nói thế để thấy rằng sự “trống vắng” của VN-Index trong suốt năm 2010 vừa qua với không một doanh nghiệp nhà nước tầm cỡ nào được IPO và niêm yết là điều đáng để cho các chủ thể trên thị trường tài chính, đặc biệt là cơ quan quản lý suy ngẫm

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong quyền hạn của mình đã không thể quyết những vấn đề như T+2, như giao dịch ký quỹ, như mở nhiều tài khoản. Tất cả những gì mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể làm là kiến nghị, soạn thảo các văn bản quy định và trình Bộ Tài chính xem xét

Những tờ trình đó cho đến nay vẫn nằm trên bàn của bộ. Dường như Bộ Tài chính có quá nhiều vấn đề về thu chi ngân sách, về vay nợ nước ngoài, về trái phiếu, nợ công... để cân nhắc, tập trung giải quyết hơn là những kiến nghị liên quan đến chứng khoán? Điều này vô hình trung đã khiến tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, vốn là một hạt nhân, một đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế, đang chậm lại

Mười năm, chưa đầy 600 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn. Tính ra chưa đầy 60 doanh nghiệp niêm yết/năm. Chúng ta còn hàng ngàn doanh nghiệp chưa niêm yết, phải mất bao lâu nữa? Một khi các doanh nghiệp lớn vẫn chưa muốn rời bỏ “bầu sữa” quốc doanh, thì chừng đó ngân sách vẫn còn phải lo bao cấp cho họ, chừng đó các chính sách ưu đãi về thuế, về vay vốn, về quyền sử dụng đất đai, tài nguyên quốc gia... vẫn còn phải tiếp tục. Như thế tính cạnh tranh của chính các doanh nghiệp, của nền kinh tế sẽ được nâng lên cách nào đây ?

Hiện nay ngôn từ chính xác nhất để đặc tả thị trường chứng khoán là èo uột. VN-Index đang đuối sức, đang “cầm hơi” bằng từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng mua ròng mỗi ngày của khối ngoại. Chỉ số chứng khoán Việt Nam đã không rơi về vùng đáy 235 điểm của tháng 2-2009 chỉ nhờ sự co kéo một số cổ phiếu có mức vốn hóa lớn từ phía một vài tổ chức nước ngoài chuyên đầu tư vào chỉ số thay vì cả thị trường

Tình trạng này càng kéo dài, lòng tin của nhà đầu tư càng bị bào mòn và không ai biết được bao nhiêu trong số họ đủ sức bám trụ thị trường nhiều hơn nữa. Sự hấp dẫn đôi khi không bắt đầu từ những hứa hẹn “đao to búa lớn”, mà từ thực tiễn. Nhìn từ góc độ đó chứng khoán sơ khai của Lào đã không còn là thị trường đến sau

Hải Lý
 
‘Dốc tiền’ vào TTCK Lào - Cơ hội đi kèm rủi ro​


Theo ông Hồ Bá Tình, Phòng phân tích Vietstock, từ khi thị trường chứng khoán Lào của Sở giao dịch chứng khoán Lào (LSX) hoạt động ngày 11/1 đến nay, rất nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm đến thị trường này.
Bởi với sự phát triển của nền kinh tế Lào, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sự khắt khe của thị trường có thể được nới lỏng

Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý đến quốc gia này, do Lào có nguồn tài nguyên dồi dào, mật độ dân số thấp. Ngoài ra, đây cũng là đất nước còn khá “hoang sơ”, tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Với quan hệ hữu nghị lâu đời và trao đổi thương mại đang ngày càng cải thiện, đầu tư của Việt Nam sang Lào liên tục tăng gần đây

Cụ thể, năm 2009, vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam vào Lào đạt 1,6 tỷ USD, đứng đầu trong các quốc gia mà Việt Nam đầu tư. Tổng vốn FDI của Việt Nam giải ngân vào Lào lũy kế đến nay khoảng một tỷ USD, với hơn 100 dự án

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và tiềm năng, nền kinh tế Lào còn những rủi ro và điểm yếu: Chất lượng nguồn nhân lực thấp, hạ tầng chưa phát triển. Dân số ít nên thị trường không đủ lớn để hấp dẫn một số ngành nghề kinh doanh thương mại. Các thể chế luật lệ của Lào cũng chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của nước này đều có quy mô rất nhỏ và ít doanh nghiệp có khả năng niêm yết trên sàn chứng khoán. Hơn nữa, đây là một nền kinh tế rất nhỏ, vốn đầu tư lại phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài. Do vậy, tiềm năng bất ổn tỷ giá và lạm phát vẫn còn rất lớn. Luật lệ đối với thị trường tài chính ở Lào cũng còn khá sơ khai, khiến thị trường chứng khoán sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, room cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ ở mức 10%, làm giảm tính hấp dẫn của thị trường này
 
Lào thực hiện phát triển thị trường chứng khoán​

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 3/5 tại Vientine, Công ty Chứng khoán Lane Xang và Lao Indochina Group đã ký kết hợp đồng tư vấn doanh nghiệp

Đây là lộ trình thực hiện chiến lược phát triển mới của Lào trên thị trường chứng khoán

Đến dự có ông Dethphouvang Moularat - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Lào; Xengmaly (Sengmaly)- Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lao Indochina Group; Vilaymít Akhavông( Vilaymith Akkhavong)- Chủ tịch Công ty chứng khoán Lane Xang; Bùi Quang Phú- Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Lane Xang và nhiều quan chức Lào và Việt Nam

Theo kế hoạch, Công ty chứng khoán Lane Xang sẽ thực hiện tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, phát hành chứng khoán ra công chúng và niêm yết cổ phiếu Lao Indochina Group trên thị trường chứng khoán Lào

Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mới của các công ty thuộc khu vực tư nhân nhằm thực hiện lộ trình huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Sự hợp tác này cũng mở ra một cơ hội đầu tư tiềm năng mới cho các nhà đầu tư, góp phần đa dạng hóa danh mục các công ty niêm yết và ngành nghề trên thị trường chứng khoán Lào hiện nay

Lao Indochina Group là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thành lập vào năm 2003 với vốn điều lệ là 100 tỷ KIP. Công ty chứng khoán LaneXang là công ty đại chúng với hai cổ đông đa số là Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) với tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ là 50,5% và Ngân hàng phát triển Lào (LDB), tỷ lệ nắm giữ tương ứng là 48,5%,( còn lại là của nhân viên Công ty). Công ty được thành lập vào ngày 17/11/2010 với vốn điều lệ thành lập là 100 tỷ KIP (tương đương 12,5 triệu USD)
 
Top