What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn Thái Bình Dương

LOBBY.VN

Administrator
Một doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc bày tỏ mong muốn được đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông...

Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải ngày 7/3, ông Nghiêm Giới Hoà, người sáng lập và Chủ tịch tập đoàn Thái Bình Dương đến từ Trung Quốc gợi ý dự án đường cao tốc Bắc - Nam tại Việt Nam có thể đầu tư theo hai hình thức: EPC và BTO

Với hợp đồng tổng thầu EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), chỉ do một chủ thể thực hiện và chính quyền chỉ cần giám sát chủ thể đó

Với hợp đồng BTO (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), sẽ gắn trách nhiệm của chủ thể trong xây dựng và duy tu; doanh nghiệp muốn không tốn chi phí cho duy tu sau này, có lợi nhuận tốt thì phải đảm bảo chất lượng công trình ngay từ khi thi công

Ông Nghiêm Giới Hoà cho biết, BTO là mô hình được đánh giá cao và được áp dụng rất thành công tại Trung Quốc và có thể là mô hình hoàn thiện của hình thức đầu tư đối tác công - tư PPP. Mô hình đầu tư PPP lý tưởng là doanh nghiệp tư nhân đầu tư toàn bộ, sau này chính quyền sẽ mua lại toàn bộ hoặc mua dần từng phần dự án

Ông Nghiêm Giới Hòa cũng bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam theo hình thức PPP, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, chủ trương đầu tư các đoạn tuyến dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với hình thức nào đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và sẽ đấu thầu rộng rãi, minh bạch, không chỉ định thầu

Do đó, đề xuất hình thức đầu tư của Tập đoàn, Thứ trưởng cho rằng cần thời gian thảo luận và nghiên cứu thêm

Hiện nay hình thức đầu tư PPP còn rất mới mẻ với Việt Nam, phải vừa làm, vừa tìm hiểu, điều chỉnh. Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu kĩ những đề xuất này, xem xét có thể đưa vào nội dung xây dựng, điều chỉnh các văn bản, quy định pháp luật về lĩnh vực PPP để có cơ sở pháp luật khi triển khai thực hiện

"Chúng tôi rất mong Tập đoàn Thái Bình Dương với năng lực và kinh nghiệm của mình sẽ tham gia đấu thầu một số dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có chiều dài 654km

Trước đó, Vụ Đối tác công - tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã phê duyệt nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần (gồm 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP) thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020

3 dự án đầu tư công gồm Cao Bồ - Mai Sơn; Cam Lộ - La Sơn; dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được khởi công ngay trong năm 2019

Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Vụ PPP cho hay, hiện đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Theo tiến độ, cuối tháng 1 Bộ Giao thông Vận tải phát hành hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và đóng thầu vào khoảng cuối tháng 3

Sau khi qua các bước duyệt sơ tuyển, ban quản lý dự án sẽ tổ chức công khai kết quả sơ tuyến vào đầu tháng 6. Ban quản lý dự án sẽ công khai hồ sơ mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu vào ngày 20/10/2019, đóng thầu vào ngày 20/2/2020

Thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng dự án dự kiến vào ngày 20/4/2020. Đây cũng là thời gian sớm nhất có thể khởi công các dự án PPP và đích hoàn thành là cuối năm 2021

Nguyên Hạnh
 
Last edited:
Chân dung tỷ phú Trung Quốc muốn đầu tư vào cao tốc Bắc Nam

2014041711629-15522779278811312409804-crop-1552277939154598547212.jpg

Jiehe Yan (Nghiêm Giới Hoà) là một trong số 94% tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng. Ông là sáng lập viên của Tập đoàn China Pacific Construction với giá trị tài sản ròng là 13,9 tỷ USD, theo số liệu cập nhật của Wealth-X

Thông tin từ Bộ GTVT vừa qua cho biết một tập đoàn Trung Quốc – là China Pacific Construction (CPCG) đang mong muốn được tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, nhà đầu tư đề cập cụ thể đến dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông

Ông Nghiêm Giới Hoà, Chủ tịch China Pacific Construction bày tỏ hi vọng đoạn cao tốc này sẽ là dự án hạ tầng đầu tiên mà tập đoàn đầu tư tại Việt Nam

Theo hồ sơ của Wealth-X, ông Nghiêm Giới Hoà sinh năm 1960, người Giang Tô, Trung Quốc. Tài sản của ông hiện ở mức 13,9 tỷ USD. Ông là con út trong gia đình có 9 người con. Ký ức đầu đời của ông là về sự đói khát, như ông mô tả trên tạp chí Fortune năm 2014

Giống như cha mình, ông bắt đầu sự nghiệp là một giáo viên dạy tiếng Trung sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nam Kinh năm 1981. Ông cũng có bằng MBA của Đại học Nhân Dân, Trung Quốc

Sau khi làm giáo viên, ông Hoà trở thành người đứng đầu một nhà máy xi măng ở quê nhà. Với khả năng quản lý khác biệt, ông đã lọt vào mắt xanh của các quan chức Chính phủ và được giao trọng trách tái cấu trúc một số công ty nhà nước nhỏ, đang trên bờ vực phá sản

Điều đầu tiên ông làm, khi bắt tay vào cải tổ, là thay đổi chính sách nhân sự. Để thu hút người tài, ông Hoà đã trả mức lương cao hơn hẳn, thậm chí, ngay cả khi ông đã nâng gấp đôi lương tối thiểu. Quan trọng hơn, ông đã thay đổi cách quản lý để những giám đốc điều hành cấp trung không nhất thiết phải gặp trực tiếp ông để xin ý kiến, chỉ thị

Ông Hoà cũng giới thiệu những khái niệm xa lạ với các công ty thời bấy giờ: bán hàng. Ông đã cho khách hàng một thời gian để dung thử sản phẩm

China Pacific Construction được ông Nghiêm Giới Hoà thành lập năm 1995, tập trung cốt lõi vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng. Là một doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn đã được cấp giấy chứng nhận cấp 1 của Trung Quốc về tổng thầu xây dựng đường cao tốc, khu đô thị, công trình thuỷ lợi, kiến trúc và một số lĩnh vực khác

CPCG đã được Fortune xếp hạng trong 500 doanh nghiệp lớn nhất. Vào ngày 20/7/2017, tập đoàn được xếp thứ 89/500 và đứng đầu lĩnh vực xây dựng toàn cầu

Tập đoàn cũng đã khởi xướng hình thức đầu tư BT và tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP. CPCG cũng trực tiếp tham gia vào các dự án của Thượng Hài – Nam Kinh; Thượng Hải – Chu Hải; Bắc Kinh – Thượng Hải…cũng như các dự án trọng điểm quốc gia của nước này

Phía CPCG cũng cho biết ngoài thị trường nội địa, Tập đoàn cũng tích cực mở rộng thị trường quốc tế, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các nước ở Trung Tây Á, Trung Đông Âu (CEE) và ASEAN. Hiện các dự án tàu điện ngầm, tàu cao tốc hợp tác với Ukraine, Iran và Malaysia đang được đánh giá là suôn sẻ

Đức Minh
 
Last edited:
Thủ tướng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương
Chiều 14/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nghiêm Giới Hoà, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương - một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông


Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nghiêm Giới Hoà, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương đã đạt được. Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển tích cực, đặc biệt mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm rất thành công đến Trung Quốc, mở ra tầm cao mới cho quan hệ hai nước. Năm 2022, Thủ tướng đã 3 lần điện đàm và gặp trực tiếp Thủ tướng Lý Khắc Cường

Chia sẻ về tình hình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược. 20 năm qua, Việt Nam chỉ có hơn 1.000 km cao tốc, trong khi từ nay đến năm 2025 đặt mục tiêu phải có thêm 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc đến đầu tư, kinh doanh và thành công tại Việt Nam, trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp


Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương đã đạt được

Cho rằng các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương phù hợp với nhu cầu, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan và các đối tác tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, tham gia đấu thầu các dự án hạ tầng giao thông một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm về chất lượng, tiến độ, không đội vốn và tuyệt đối chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí - đây là vấn đề được Việt Nam triển khai rất quyết liệt, hiệu quả trong thời gian qua


Ông Nghiêm Giới Hoà bày tỏ mong muốn được tham gia các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam theo đúng tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo là chất lượng, tiến độ, không đội vốn và tuân thủ pháp luật

Tại buổi tiếp, ông Nghiêm Giới Hoà, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quan tâm, dành thời gian gặp gỡ, đồng thời đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam

Ông Nghiêm Giới Hoà bày tỏ mong muốn được tham gia các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam theo đúng tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo là chất lượng, tiến độ, không đội vốn và tuân thủ pháp luật. Ông cho biết, Tập đoàn sẽ sớm thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương của Việt Nam

Hà Văn
 
Nghiêm Giới Hòa
photo1630891225294-1630891225446923814478.jpg

Ông Nghiêm Giới Hòa là người sáng lập doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thế giới về đầu tư xây dựng hạ tầng, xếp thứ 96 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Ông từng được mệnh danh là "nhà thầu lớn nhất Trung Quốc"

Ở Trung Quốc, có một doanh nhân từng khởi nghiệp bằng cách "chịu lỗ", từng san bằng 700 ngọn núi trong 180 ngày, từng nhất quyết không niêm yết tập đoàn của mình dù nó lọt vào top 500 doanh nghiệp mạnh nhất thế giới… Những hành động "khác người" này đến ngày hôm nay cũng chỉ có "gã điên" Nghiêm Giới Hòa mới dám làm. Có thể nói, Nghiêm Giới Hòa chính là người tạo ra kỳ tích có một không hai trong giới kinh doanh Trung Quốc


Nhiều lần "chết đi sống lại", Nghiêm Giới Hòa vẫn tạo nên kỳ tích

01

Nghiêm Giới Hòa sinh năm 1960 tại Hoài An, tỉnh Giang Tô. Xuất thân trong một gia đình tri thức, từ nhỏ ông đã thông minh hơn người và xuất sắc tốt nghiệp cấp 3 năm 16 tuổi

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông vào một trường trung học ở Hoài An để làm giáo viên dạy tiếng Trung Quốc. Trong lớp ông dạy có một cô gái tên là Trương Vân Cần, cô này không chỉ là gương mặt đại diện của khối, mà còn rất giỏi thể thao, vô cùng năng động hoạt bát. "Mọt sách" như Nghiêm Giới Hòa luôn nhìn Vân Cần với cặp mắt ngưỡng mộ, tuy mang danh thầy trò, nhưng thật ra họ chỉ chênh nhau có 3 tuổi mà thôi


Trương Vân Cần – vợ Nghiêm Giới Hòa

Cả hai dần có ấn tượng tốt về nhau, sau khi Trương Vân Cần tốt nghiệp cấp 3, cả hai đã kết hôn trong ánh mắt ngỡ ngàng của bạn học và đồng nghiệp.

02

Nghiêm Giới Hòa từng là giám đốc điều hành công ty, một doanh nghiệp nhỏ, và một nhà máy nhỏ... Cuối cùng, với trực giác kinh doanh nhạy bén, ông quyết định theo đuổi ngành công nghiệp xây dựng đầy hứa hẹn

Năm 1992, Nghiêm Giới Hòa đã lấy 18.6 nghìn USD gia tài của mình để thành lập công ty TNHH kỹ thuật xây dựng Hoài An Dẫn Giang

Ban đầu, người chân ướt chân ráo trong giới xây dựng như Nghiêm Giới Hòa không thầu được dự án nào cả. Thế nhưng, ông trời không phụ người có lòng. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng công ty Dẫn Giang đã nhận được dự án xây dựng một đoạn ở đường cao tốc vành đai Nam Kinh. Tuy nhiên, đây không phải là một dự án đơn giản


Đường cao tốc Nam Kinh

Trước khi được Nghiêm Giới Hòa tiếp quản, dự án này đã qua tay 5 chủ thầu. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, Nghiêm Giới Hòa phát hiện rằng sau khi hoàn thành dự án, công ty không những không kiếm được tiền, mà còn phải lỗ 7.7 nghìn USD

Thế nhưng ông không hề sợ hãi, ông nói rằng, dự án đầu tiên, không làm thì thôi, nếu đã làm, thì phải làm cho thật hoàn hảo

Thế là, ông đã bỏ ra rất nhiều tiền để dùng nguyên liệu tốt nhất để hoàn thành dự án trong thời gian nhanh nhất. Kết quả là, dự án đáng ra chỉ lỗ 7.7 nghìn USD, nay lỗ đến 12.4 nghìn USD!

Dựa vào "trí tuệ, lương tâm, chịu thương chịu khó, dám thua lỗ", Nghiêm Giới Hòa đã được Bộ chỉ huy Kỹ thuật và Tổng thầu phê duyệt, họ quyết định giao cho ông thầu tất cả các dự án hỗ trợ trên đường cao tốc này

Sau khi đường cao tốc hoàn thành, Nghiêm Giới Hòa - người vốn lỗ 12.4 nghìn USD, đã kiếm được 1.3 triệu USD

Với kỳ tích "Lỗ 7.7 nghìn chi bằng lỗ 12.4 nghìn USD", cuối cùng Nghiêm Giới Hòa đã kiếm được "thùng vàng" đầu tiên trong đời

03

Cũng chính nhờ dự án này mà Nghiêm Giới Hòa trở nên nổi tiếng, các dự án cứ thế liên tục kéo đến… Năm 1995, Nghiêm Giới Hòa đã bỏ ra 6.2 triệu USD để mở rộng công ty Dẫn Giang. Cũng từ đây, Tập đoàn xây dựng Trung Quốc Thái Bình Dương (CPCG) đã ra đời

Kể từ đó, công việc kinh doanh của Nghiêm Giới Hòa ngày càng mở rộng và ông dần đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp

Phải nói rằng Nghiêm Giới Hòa đã đi đúng hướng khi chọn bước chân vào ngành xây dựng. Trong một thời gian, Thái Bình Dương nhận được rất nhiều đơn đặt hàng lớn cho các dự án của chính phủ, và doanh thu hàng năm của tập đoàn không ngừng tăng vọt. Thái Bình Dương trở thành tập đoàn xây dựng hàng đầu Trung Quốc, và Nghiêm Giới Hòa cũng trở thành nhà thầu lớn nhất Trung Quốc

Đến năm 2012, Nghiêm Giới Hòa tham gia xây dựng Khu phố mới ở Lan Châu. Đây là dự án đầu tư tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc lúc bấy giờ, với tổng chi phí lên tới 3.4 tỷ USD. Nghiêm Giới Hòa rất coi trọng dự án này, vì một khi đã ký hợp đồng, nếu ông không thể san lấp 700 ngọn núi trong vòng nửa năm, thì ông sẽ phải chịu lỗ cao

Nếu thi công chậm một ngày, Nghiêm Giới Hòa sẽ mất 3.4 triệu USD, nếu chậm một tháng, ông sẽ phải mất vài chục triệu USD. Khi đó, nhiều người cho rằng ông chắc chắn sẽ không thể trúng thầu dự án này

Tuy nhiên, ông đã đưa ra một "lời hứa vô cùng hào sảng": Công trình sẽ được hoàn thành trong vòng 180 ngày

Cuối cùng thì "gã điên" Nghiêm Giới Hòa đã làm được, ông không chỉ hoàn công đúng kế hoạch, thậm chí còn hoàn thành trước kế hoạch vài ngày, cho ra đời một khu phố mới đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng

04

Bởi lẽ Nghiêm Giới Hòa thường làm những chuyện khiến ai ai cũng phải kinh ngạc, thế nên ông được mệnh danh là "Người điên nhất trong số tất cả người dân Trung Quốc". Khi biết mọi người đặt cho mình biệt danh như vậy, ông nói: "Tôi có thể trở thành người điên mãi mãi, đây mới chính là sức mạnh thật sự của tôi"

Danh hiệu "gã điên" của Nghiêm Giới Hòa không chỉ đến từ sự giàu có, mà còn đến từ cách nói chuyện "thẳng như ruột ngựa" của ông. Ông nổi tiếng với phong cách nói chuyện "ngông" nhưng không "ngang" của mình

Có lần, một phóng viên hỏi ông về dự báo phát triển kinh tế Trung Quốc trong tương lai, ông dõng dạc nói: "Trong tất cả người Trung Quốc trên thế giới, tôi là một trong số những người có tiếng nói nhất. Tôi không biết ai khác có tiếng nói hơn tôi, vì vậy tôi xin dùng từ "một trong số". Trong môn kinh tế học, các nhà kinh tế đều phải "nghiên cứu" để hiểu bộ môn này, còn tôi thì khác, tôi "chiến đấu" để hiểu kinh tế là gì"

"Thật ra tôi viết lách cũng khá hay. Tôi cảm thấy hơi buồn khi biết tin Mạc Ngôn đã giành giải Nobel Văn học trước tôi, anh ấy thậm chí chưa tốt nghiệp tiểu học nữa mà. Thế nên, tôi sẽ chạy nước rút để giành giải thưởng Kinh Tế"

Cũng giống như công trình "san lấp 700 ngọn núi ở Lan Châu" mà ông đã đảm nhận, ông tự ví bản thân mình như một chiếc máy ủi vậy: đơn giản, cứng rắn, quả quyết, xông về phía trước, không ngừng gào thét và luôn "đi đường thẳng"... Nghiêm Giới Hòa chưa bao giờ khách sáo khi tự khen mình, thậm chí ông rất hào hứng khi "tự tâng bốc" mình như thế

Ông luôn cười và nói: "Tôi thật sự đã làm được những điều này, thì hà cớ gì phải giả vờ khiêm tốn"


Hiện nay, ông đã lùi về sau cánh gà, và con trai Nghiêm Hạo đang thay ông lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình Dương. Ngày nay, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương là công ty tư nhân số một ở Trung Quốc và là công ty xây dựng tư nhân lớn, xếp thứ 96 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Theo thống kê, hiện Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương có hơn 500 công ty cổ phần và có hơn 100 công ty đầu tư đối ngoại trên khắp thế giới

Nếu giới trẻ hiện nay dám "điên cuồng", dám thầm lặng tạo ra kỳ tích, dám đổi mới và sáng tạo… Chắc hẳn khi về già, những ai đã dùng nửa đời để phấn đấu sẽ có thể nói một cách hào sảng như Nghiêm Giới Hòa đã từng

 
Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương


Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp, làm việc với đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp, tập đoàn dòng họ Nghiêm, dòng họ Trang từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc

Ông Nghiêm Giới Hòa là người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. Năm 2023, Tập đoàn Thái Bình Dương đạt doanh thu gần 80 tỷ USD. Đây là lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp doanh nhân này

Đón chào ông Nghiêm Giới Hòa và lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những hợp tác thời gian qua cũng như những đề xuất hợp tác thời gian tới của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương trong phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam



Ông Nghiêm Giới Hòa

Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao như: Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông

Trong đó, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương và các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia các dự án lớn như xây dựng cầu Tứ Liên (Hà Nội), cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng, tuyến đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc (Hà Nội), tuyến metro hoặc đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và sân bay Long Thành (Đồng Nai); cũng như các tuyến đường sắt xuyên biên giới (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Quảng Ninh - Hải Phòng)…



Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao

Đồng tình cao với những ý kiến của Thủ tướng, nhất là về tinh thần cống hiến, ông Nghiêm Giới Hòa và các đại biểu cho biết sẽ tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia vào các lĩnh vực, dự án mà Thủ tướng đề cập, cam kết sẽ triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và giá thành hợp lý, "đẹp nhất, rẻ nhất, tốt nhất, nhanh nhất"; đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan việc triển khai hợp tác, đầu tư

Đáng chú ý, ông Nghiêm Giới Hòa khẳng định các tập đoàn tin tưởng Việt Nam, coi Việt Nam là quê hương thứ hai, chung bước với Việt Nam phát triển

Các dự án lớn mà Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc nghiên cứu có gì?

Cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi

UBND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bằng vốn đầu tư công (theo hướng hợp đồng EPC). Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân công Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn làm việc với doanh nghiệp để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai xây dựng


Phó Chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn được giao làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup thống nhất phương án xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai

Dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn có tổng chiều dài khoảng 11,5 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Tứ Liên là cây cầu dây văng thứ 2 (sau cầu Nhật Tân) được xây dựng tại Thủ đô. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào cuối năm 2025

UBND TP Hà Nội cũng đã thống nhất chủ trương xây dựng cầu Ngọc Hồi bằng vốn đầu tư công. Với chiều dài 13.8 km, quy mô 6 làn xe chạy. Dự án cầu Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng được đầu tư lên tới 4.880 tỷ đồng, sau khi công trình này được hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ giúp kết nối thuận tiện các vùng kinh tế ở khu vực phía Bắc

Đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc

Tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc có chiều dài 38,43km, trong đó có 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dọc tuyến đường sắt đô thị có 21 ga và 2 khu depot



Dự kiến tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc sẽ dài gần 39km

Tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 khoảng 65.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), dự kiến huy động từ năm nguồn gồm: Vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 15.000 tỷ đồng); tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng)

Đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành

Tại cuộc họp về tiến độ triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: “Tôi đề nghị nghiên cứu đường sắt hoặc tàu điện ngầm kết nối giữa 2 nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất bằng con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất”, Thủ tướng lưu ý việc này đã nhắc lần thứ 3

Do đó, ông yêu cầu việc hoàn thành hướng tuyến, khả năng đầu tư… kết nối giữa 2 sân bay này sớm, đảm bảo trình trong quý 1/2025 tới

Đường sắt xuyên biên giới kết nối với Trung Quốc

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có khổ đường 1.435 mm, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng. Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD


Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ đóng góp vào sự phát triển của khu vực phía Bắc mà còn hỗ trợ tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế Việt Nam

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội) có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm. Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội

Tuyến Hạ Long - Móng Cái - Hải Phòng hứa hẹn góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ thành phố Cảng Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng giáp biên giới với TP Móng Cái (Quảng Nịnh). TP Móng Cái sẽ là trung tâm kết nối của tuyến đường sắt nối liền Việt - Trung
 
Top