What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tony Blair Lobbyist

LOBBY.VN

Administrator
Super lobbyist Tony Blair​

Ông sở hữu tới 6 ngôi nhà hay hơn thế, có thu nhập khoảng 30 triệu USD/năm, dành thời gian du ngoạn tế giới bằng máy bay riêng. Nhưng đừng gọi Tony Blair là người siêu giàu

20120702103702_tony.jpg

Cựu Thủ tướng Anh đã phản đối thông tin cho rằng, ông thực sự rất giàu có bất chấp bằng chứng đưa ra khá mâu thuẫn

Ông Blair nói trong một cuộc phỏng vấn: “Có ý nghĩ rằng, tôi muốn thành tỉ phú với một du thuyền, tôi không như vậy. Tôi không bao giờ trở thành một phần trong tầng lớp siêu giàu, tôi không quan tâm tới điều đó”

Tuy nhiên, những người chỉ trích thì tỏ ra khá “bất mãn” khi cách sống và hoạt động kinh doanh mà ông đã gây dựng kể từ khi rời Phố Downing 5 năm trước chứng tỏ điều ngược lại. Đầu năm nay, tờ Sunday Telegraph đưa tin một trong số các công ty mà ông thiết lập để quản lý một số hoạt động kinh doanh có thu nhập hơn 18 triệu USD trong năm 2010 - 2011

Ông Blair còn kiếm được khoảng 3,75 triệu USD/năm khi là cố vấn cho ngân hàng đầu tư Anh JP Morgan, một khoản tiền ít hơn cho vai trò tương tự với hãng bảo hiểm Zurich và tới 300.000 USD mỗi lần diễn thuyết

Ông còn điều hành một dịch vụ tư vấn tài chính gọi là Tony Blair Associates, sở hữu các hợp đồng béo bở với những chính phủ dầu khí như Kazakhstan và Kuwait và các quỹ tài sản ở Trung Quốc, Abu Dhabi

Tờ Thời báo Tài chính đã phỏng vấn ông hồi cuối tuần qua, ước tính rằng thu nhập của ông trong năm ngoái là 30 triệu USD. Tổng giá trị tài sản cá nhân, gồm một biệt thự ở Buckinghamshire và Mayfair cũng như nhà cửa cho con cái ông ước tính vào khoảng 30-90 triệu USD

Trong mỗi lần đi lại, ông thường ở các phòng khách sạn sang trọng, một đội ngũ bảo vệ hộ tống. Bạn bè của ông có nhiều tỉ phú, như Rupert Murdoch

Ở cuộc phỏng vấn, ông Blair khẳng định ông dùng sự giàu có của mình để cống hiến cho các quỹ từ thiện. Và ông cũng thừa nhận có kế hoạch mở rộng các dịch vụ tư vấn tài chính

Tính tới cuối năm nay, số lượng nhân viên của cựu Thủ tướng Anh - hầu hết làm trong các quỹ từ thiện - sẽ tăng từ 150 lên 200 người

Có vẻ như ông Blair sẽ mở rộng đế chế kinh doanh của mình mà thiếu vắng người trợ lý gần gũi nhất là Jonathan Powell. Ông Powell đã rút tên khỏi danh sách những cá nhân đăng ký làm việc cho Tony Blair Associates

Ông Powell vẫn là một cố vấn cấp cao của ngân hàng Morgan Stanley. Ông nói: “Tôi thích và khâm phục Tony Blair và tôi vẫn trao đổi với ông ấy thường xuyên”

Kể từ khi rời phố Downing, ông Blair đã đối mặt với nhiều chỉ trích về các vai trò trong kinh doanh và sứ giả hòa bình Trung Đông cũng như làm từ thiện. Nhiều người chỉ trích ông đã làm mờ ranh giới giữa những vai trò ấy

Trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Tài chính, ông Blair cũng nói về thời gian ông làm thủ tướng và mong muốn đóng một vai trò trong hoạt động chính trị Anh lần nữa. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thế giới quanh ta thay đổi nhanh chóng thế nào và vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta nghĩ có thể đứng yên”
 
Hãy cởi mở để đón nhận cơ hội​

- “Thế giới hôm nay kết nối mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Việc hiểu các nền văn hóa, con người là lý do tôi có mặt ở Việt Nam. Tôi tin rằng tương lai Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước quan trọng nhất thế giới”

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair mở đầu bài nói chuyện với các giảng viên và sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam sáng 15-10 tại Hà Nội

593905.jpg

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair trong sự chào đón nồng nhiệt của các sinh viên tại Học viện Ngoại giao​

Ông Blair đánh giá Việt Nam đã thay đổi vị trí nhanh chóng kể từ khi mở cửa hội nhập và giờ đây mọi người nhìn vào Việt Nam bằng con mắt quan tâm và tôn trọng. Thông điệp ông gửi tới các bạn trẻ Việt Nam được gói gọn bằng từ “cởi mở”

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu phần lược trích hỏi đáp giữa các giảng viên và sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam với cựu thủ tướng Tony Blair

* Xin ông chia sẻ bí quyết để trở thành người diễn thuyết tuyệt vời như ông ?

- Khi còn là một thanh niên mới gia nhập chính trường, tôi phải mất nhiều ngày liền để chuẩn bị cho bài diễn thuyết đầu tiên và rất hồi hộp. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên phải diễn thuyết trong một hội trường có mấy ngàn người, và khi bước vào chỉ có 6 người ngồi ở hàng ghế khán giả

Vì không có kinh nghiệm nên tôi đã đọc bài diễn văn chuẩn bị sẵn. Một lúc sau, một trong sáu khán giả đó ngủ gật. Sau lần đó, tôi quyết định phải học. Khi còn trẻ, bạn chỉ học được nhờ sai lầm và tôi đã có rất nhiều sai lầm (cười). Nếu bạn muốn gia nhập ngành ngoại giao hay chính trị, bạn phải thích thú và quan tâm tới con người

Sự khác biệt giữa một chính trị gia tốt và một chính trị gia tồi là ở việc giao tiếp, nói chuyện và hiểu mọi người. Bạn hãy tìm hiểu xem những người bạn đang cùng nói chuyện quan tâm tới điều gì, lo lắng về cái gì… Hãy quan tâm tới con người trước rồi thứ hai mới là chính trị

* Phẩm chất của nhà lãnh đạo là gì và làm thế nào để đạt được phẩm chất đó ?

- Đầu tiên, bạn phải muốn dẫn dắt. Tất cả những hình thức lãnh đạo, dù là ở cấp độ một đất nước, một cộng đồng, một học viện… thì người lãnh đạo đều cần phải chuẩn bị sẵn sàng để nhận trách nhiệm và ra quyết định

Có hai kiểu người: người nói và người làm, người lãnh đạo phải là người làm, người quyết định và người sẵn sàng chấp nhận chỉ trích

Đừng trở thành nhà lãnh đạo nếu bạn không thích sự phê bình. Bạn phải nỗ lực làm những gì mình cho là đúng. Lãnh đạo là điều có thể học được và tôi đã mất rất nhiều thời gian để học điều đó. Nói chung, người lãnh đạo thường là những người mà khi người khác lùi lại thì họ bước tiếp về phía trước

593906.jpg

Trong phần giao lưu, ông đã chia sẻ với sinh viên về những phẩm chất của người lãnh đạo, bí quyết để trở thành người diễn thuyết giỏi, bài học từ Liên minh châu Âu (EU) cho ASEAN, nhiệm vụ của ông là đặc phái viên của bộ tứ Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga tại Trung Đông, vai trò của trao đổi giáo dục...​

* Nhiều thế kỷ qua, chúng ta đều thấy các cường quốc chính là các nước phương Tây. Trong thế kỷ 21, chúng ta thấy sự nổi lên của châu Á

Với quan điểm cởi mở, ông nhìn nhận thế nào về thay đổi này và thế giới sẽ vận hành khác với trước kia như thế nào ?

- Như tôi đã đề cập, vì thế giới kết nối mạnh mẽ với nhau và vì sự trỗi dậy của phương Đông, chúng ta cần học cách làm việc với nhau. Phương Tây phải chia sẻ quyền lực. Làm thế nào để điều đó diễn ra một cách hài hòa chứ không tạo xung đột, làm thế nào để Đông - Tây xích lại gần nhau, theo tôi, cần xem xét ở cả ba cấp độ: chính trị, kinh tế và mối liên hệ văn hóa giữa người dân với nhau. Tôi không còn là thủ tướng nữa và khi có điều kiện thăm thú và tìm hiểu các nước khác nhau, nền văn hóa khác nhau, tôi thấy con người nói chung ở đâu cũng giống nhau

Cho dù khác biệt về ngôn ngữ, ẩm thực, cách sống,… nhưng tựu trung đều mong muốn hòa bình, thịnh vượng, có khả năng nuôi sống gia đình, được đảm bảo những quy định mà người ta có thể lường trước được, có thể chăm sóc những người không có khả năng tự chăm sóc… Bởi vậy, sẽ không có cách nào khác ngoài việc Đông - Tây phải chia sẻ quyền lực

* Ông có thể chia sẻ về vai trò là đặc phái viên của bộ tứ Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga tại Trung Đông ?

- Tuần tới sẽ là lần thứ 89 tôi có mặt ở Palestine và Israel. Tôi đã nói về các nền văn hóa khác nhau. Israel có chủ yếu là người Do Thái được bao quanh bởi các nước Ả Rập mà cơ bản là người Hồi giáo

Xung đột lãnh thổ giữa Palestine và Israel đã bắt nguồn sâu xa từ hàng bao thế kỷ qua xoay quanh các mặt chính trị, dầu mỏ, địa lý, và ở khía cạnh nào đó là nơi nằm giữa phương Đông và phương Tây

Việc đạt được hòa bình ở Trung Đông không chỉ quan trọng với chính khu vực đó mà còn có ý nghĩa với phần còn lại của thế giới. Nếu không giải quyết được xung đột, xung đột sẽ lan ra nhiều nước khác

593907.jpg

Sinh viên chào đón cựu thủ tướng Anh

593908.jpg

Ngay sau khi kết thúc buổi nói chuyện, ông gặp gỡ các nhà báo​

Trước bốn chủ đề giám đốc học viện Đặng Đình Quý “đặt hàng” bao gồm khủng hoảng Eurozone, sự trỗi dậy của Trung Quốc, vai trò của Mỹ ở châu Á và quan hệ song phương Việt - Anh, cựu thủ tướng Anh đã nhanh chóng tóm gọn vấn đề bằng cách giải thích dễ hiểu và ngắn gọn nhất có thể để dành thời gian cho phần hỏi đáp

Theo ông, khó khăn của Eurozone cũng mang lại các thách thức về chính trị, cải cách phúc lợi và lương hưu, thị trường lao động…

Nhưng về dài hạn, vai trò của EU cũng vẫn mạnh mẽ: đây sẽ tiếp tục là liên minh chính trị lớn nhất thế giới, thị trường thương mại lớn nhất thế giới

Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông cho rằng việc nước này tiếp tục lớn mạnh thành cường quốc kinh tế, kéo theo đó là cường quốc chính trị là điều “không thể tránh”. Cách tốt nhất là cả Trung Quốc và các đối tác đều tìm cách quan hệ hài hòa với nhau vì hòa bình, thịnh vượng và ổn định chung

Với Mỹ, ông Blair cho rằng sự quan tâm của Mỹ tới khu vực châu Á là dễ hiểu vì đây là khu vực tăng trưởng mạnh mẽ; và để sự hiện diện của Mỹ và tăng trưởng của Trung Quốc không trở thành đối đầu, ông cho rằng quan hệ “hài hòa và hợp lý” là lựa chọn tốt nhất

Hương Giang
 
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trở lại Việt Nam
- Ngày 19-3, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã gặp và làm việc cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm VN lần thứ hai trong vòng một năm qua

19_zpsd9ccb703.jpg

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại cuộc gặp​

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao việc thúc đẩy triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Văn phòng Tony Blair (OTB) đối với các cơ quan của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng các định hướng hợp tác trong lĩnh vực tư vấn, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư nước ngoài, đối tác công tư; hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khu vực tư nhân…

Trong chuyến thăm VN lần này, cựu thủ tướng Anh cũng đã tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào chiều 18-3; gặp và làm việc Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính

Tháng 10-2012, ông thăm VN lần đầu và đã có bài nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao

Việt Dũng
 
Cựu Thủ tướng Anh thăm Việt Nam lần thứ 2 trong 5 tháng

cuu-thu-tuong-anh-tham-viet-nam-lan-thu-2-trong-5-thang_zps8c95bff7.jpg

Nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair đang có mặt tại Việt Nam trong chuyến thăm lần thứ 2 của ông tới Việt Nam trong vòng 5 tháng trở lại đây

Báo điện tử Chính phủ cho biết, chiều 18/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp nguyên Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Tony Blair, đang thăm và làm việc tại Việt Nam

Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của ông Tony Blair trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm đối tác chiến lược và cho rằng những kết quả tích cực đạt được trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển của hai nước

Bày tỏ ấn tượng trước những thành quả toàn diện mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội cũng như hội nhập quốc tế, ông Tony Blair cho rằng những kết quả này đã nâng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Ông Tony Blair cho biết hiện văn phòng của ông đang phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Bộ Ngoại giao Việt Nam trong tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Anh. Ông Tony Blair khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình đóng góp vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Anh nói riêng và với Liên minh Châu Âu (EU) nói chung trên các lĩnh vực, nhất là trong hợp tác về kinh tế, hợp tác công - tư (PPP)….

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn thiện chí của ông Tony Blair và khẳng định Việt Nam coi trọng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Anh và EU; mong muốn ông Tony Blair bằng uy tín của mình, sẽ tiếp tục ủng hộ và có những đóng góp thiết thực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam với Anh và với Liên minh châu Âu

Ông Blair có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào tháng 10/2012. Trong chuyến thăm đó, ông đã có buổi nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao, gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo hãng thông tấn Anh BBC, Anh quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược theo một tuyên bố chung ký kết tháng 9/2009 và quan hệ hai bên phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn bị đánh giá là “chưa xứng tầm”

Tony Blair là Thủ tướng lâu năm nhất của đảng Lao động Anh, cầm quyền từ năm 1997 cho tới năm 2007 khi ông Gordon Brown lên kế nhiệm

Kể từ khi không còn là Thủ tướng Anh, ông Blair được bổ nhiệm làm đặc phái viên của nhóm bộ tứ về hòa bình Trung Đông, bao gồm Liên hiệp quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và Nga. Ông cũng chu du thế giới với vai trò diễn ra và kiếm được rất nhiều tiền từ các bài nói chuyện, BBC cho hay

Ngoài ra, theo BBC, ông Blair còn được cho là đã cố vấn cho một số tập đoàn tài chính như JPMorgan Chase và Zurich International. Bên cạnh đó, ông còn thành lập một công ty tư vấn chiến lược có tên là Tony Blair Associates chuyên về “các trào lưu chính trị-kinh tế và cải cách chính phủ”

An Huy
 
Đế chế kinh doanh bí mật của cựu Thủ tướng Anh

de-che-kinh-doanh-bi-mat-cua-cuu-thu-tuong-anh_zpsbb3b0912.jpg

Kể từ khi thôi chức, Blair và các công ty của ông đã kiếm được ít nhất 90 triệu USD (gần 1.900 tỷ VNĐ)

Đế chế của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nay đóng đô tại một văn phòng ở Quận Mayfair, London. “Nếu bạn thành Thủ tướng và rời ghế ở tuổi ngoại ngũ tuần, thì bạn sẽ làm gì ? Chơi golf à ? Tôi nghĩ đến mà chết khiếp,” Blair nói

Năm nay mới 59 tuổi, Blair hiện là một nhà đàm phán, một nhà từ thiện hàng đầu. Ông kiểm soát một mạng lưới các công ty và quỹ từ thiện hoạt động ở trên 20 nước, với nguồn vốn hoạt động lấy từ các nguồn cả công lẫn tư

Kể từ năm 2007, Blair và các công ty của ông đã kiếm được ít nhất 59 triệu Bảng (90 triệu USD). Các quỹ từ thiện của ông đã quyên góp được 25,5 triệu Bảng. Năm ngoái, công ty Winrush Ventures đạt doanh thu kỷ lục 16 triệu USD

Chỉ riêng ngân hàng JPMorgan Chase đã trả vị cựu TTg Công đảng ít nhất 10 triệu Bảng kể từ tháng 1/2008

Kỳ nghỉ hưu của Tony Blair

Từ ngai vàng mới của mình, những vị trí lương bổng hậu hĩ của Blair khiến người Anh chẳng mấy hài lòng, nhất là khi họ vốn không ưa gì đường lối ngoại giao phiêu lưu của ông thời còn tại nhiệm

de-che-kinh-doanh-bi-mat-cua-cuu-thu-tuong-anh1_zps6a625b75.jpg

Kể từ năm 2007, Blair và các công ty của ông đã kiếm được ít nhất 90 triệu USD​

Blair là cố vấn được trả lương của Abu Dhabi Executive Affairs Authority, tổ chức do Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan làm Chủ tịch. Ông đang giúp dàn xếp các thương vụ của quỹ tài sản nhà nước China Investment

Blair cũng đang tư vấn cho Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev với giá 8 triệu Bảng/năm kể từ mùa xuân năm 2011, bao gồm cả phí trả cho công ty PR Portland Communications do cựu Phó Thư ký báo chí Tim Allan thành lập

Năm 2012, Blair ký hợp đồng với Thống đốc bang Sao Paulo, Brazil, ông Geraldo Alckmin, để lập mội đội tư vấn giúp hiện đại hóa các dịch vụ công của bang này

Tới giữa tháng 3, Blair sắp ký mới một hợp đồng tư vấn nữa với chính phủ Kuwait và đang thương thảo một số hợp đồng tương tự với các nước Châu Á và Mỹ Latin

“Tốt cho ông ta thôi,” Thượng nghị sỹ Công đảng Meghnad Desai nói. “Tôi thà nhìn cựu Thủ tướng làm cái gì đó hữu dụng còn hơn ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón khi mà chả ai cần tới ông ta,” ông nói thêm

Những mối quan hệ ở tầm cao cùng tài thương thuyết sắc bén của Blair khiến ông trở thành “hàng hot” trong một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ: tài chính

Tài chính mù mờ

Trong mạng lưới các công ty của Blair, giữ vị trí trung tâm là hai công ty hợp danh vốn không phải công bố thông tin tài chính theo luật Anh: Windrush Ventures No. 3 và Firerush Ventures No. 3

Vì Blair không muốn công khai, nên khó biết ông thực sự kiếm được bao nhiêu tiền kể từ khi rời nhiệm sở

Tiền chuyển từ công ty này sang công ty khác vì những lý do không thể nào hiểu nổi đối với người ngoài cuộc. Ví dụ như tới ngày 30/4/2012, Firerush Ventures đã vay 822.000 Bảng Anh từ Windrush Ventures theo một hợp đồng vay nợ có hoán đổi cổ phần

Cùng năm, Firerush Ventures còn nhận 1,6 triệu Bảng Anh “phí dịch vụ quản lý” từ Firerush Ventures No. 2 và tới cuối năm có 1,2 triệu Bảng trong ngân hàng

“Chẳng có lý do gì phải làm mọi thứ phức tạp lên đến thế trừ khi bạn muốn giảm thuế hoặc che dấu thứ gì đó,” cựu thanh tra thuế Adrian Huston nói

Blair nhún vai nở nụ cười khi có người gợi ý có phải ông đang cố trốn thuế không

“Nhận được khoản nào là tôi nộp đủ 50% thuế khoản đó,” ông nói

Không như giới nhà giàu Anh Quốc kiếm tiền ở ngoài nước và tìm cách né thuế bằng cách ở lại luôn nước ngoài, Blair nói ông luôn là cá nhân cư trú tại Anh cho mục đích tính thuế

Lý do có những giao dịch phức tạp kể trên thật đơn giản, ông nói

“Chúng tôi muốn mọi thứ thật bí mật. Có những dạng phóng viên luôn đi theo sau bất kỳ ai có liên hệ với tôi”

Đến nay, công chúng chỉ biết các công ty của ông đã ghi nhận hơn 45 triệu Bảng doanh thu kể từ tháng 12/2007. Bên cạnh đó, ông còn được trả 13 triệu Bảng trong 5 năm qua để làm tư vấn cho JPMorgan và Zurich Insurance Group

Tony Blair còn nhận tiền phí tư vấn từ Khosla Ventures. Công ty này do nhà sáng lập Sun Microsystems, ông Vinod Khosla, thành lập năm 2004 chuyên để đầu tư vào công nghệ sạch

Tại JPMorgan, mỗi năm Blair nhận 2 triệu Bảng tiền phí để làm nhiệm vụ “giới thiệu” và tư vấn chính trị cho CEO Jamie Dimon khi ngân hàng này cố mở rộng ra nước ngoài

Với Zurich Insurance, ông kiếm 500.000 Bảng mỗi năm “để đưa ra những lời hướng dẫn về xu hướng phát triển trong môi trường chính trị quốc tế và các hệ quả tiềm năng đối với chiến lược kinh doanh của Zurich,” phát ngôn viên của công ty nói

Blair là một diễn giả được trả rất hậu, dù ông chưa bao giờ xác nhận số tiền mình được trả. Trong hội nghị các quỹ đầu cơ tại resort Fontainebleau ở Miami, Florida ngày 31/1 vừa qua, ông được trả tới 300.000 USD chưa kể chi phí ăn ở đi lại

Hương Giang
 
Về hưu ... buôn nước bọt

ve-huu--buon-nuoc-bot_zpsd3008bb0.jpg

“Nếu người ta mời tôi làm Chủ tịch [Hội đồng Châu Âu], tôi sẽ nhận lời ngay,” Blair nói. “Nhưng người ta không mời”

Làm ăn với Nazarbayev

Năm ngoái, Blair từng được trả tiền để tiếp cận cựu Tổng Thống Mỹ George W. Bush tai mội sự kiện tại New York do quỹ đầu cơ lớn thứ hai Châu Âu Brevan Howard Asset Management tổ chức

Blair nói ông không lợi dụng các mối cũ để kiếm lợi cho bản thân mình, và phần lớn khách hàng chỉ đến với ông khi ông đã rời nhiệm sở

“Đương nhiên, tôi biết họ vì tôi từng là TTg Anh. Có nhiều người nghĩ cứ là cựu TTg Anh là người ta sẽ đưa cho anh cả núi tiền để chơi. Không, không phải vậy”, Blair chia sẻ

Công việc gây tranh cãi nhất và có thể cũng được trả hậu hĩnh nhất của ông là từ người ông đã gặp thời còn là TTg: TT Kazakhstan Nazarbayev (trong chuyến công du chính thức tới Anh năm 2000)

Nazarbayev là vị TT đầu tiên và duy nhất của quốc gia Trung Á này kể từ năm 1990. Sau khi Nazarbaye tái cử năm 2011 với tỷ lệ ủng hộ 95%, Bộ ngoại giao Mỹ nhận xét cuộc bầu cử này “còn xa mới đạt các chuẩn mực quốc tế”

Trung gian hòa giải vụ Glencore-Xtrata

Blair bắt đầu làm việc cho giới tài chính từ tháng 1/2008, khi CEO Dimon mời ông vào Hội đồng Quốc tế gồm 27 thành viên của JPMorgan. Hội đồng này họp chính thức mỗi năm một lần và có mặt cả Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Trung Quốc Gao Xiqing

Những mối quan hệ của Blair dẫn ông tới vai trò “trung gian hòa giải” trong thương vụ Glencore-Xtrata. Blair lần đầu gặp CEO Glencore, ông Ivan Glasenberg, bên bàn ăn tối do Dimon tổ chức tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thụy Sỹ vào tháng 1/2010

Tháng 6 năm ngoái, JPMorgan mời khoảng 30 CEO và nhiều lãnh đạo cao cấp các tập đoàn Châu Âu khác tới khách sạn St. Regis ở Florence, Italy. Blair đã gặp riêng Glasengerg chính tại khách sạn này

JPMorgan là một trong sáu nhà tư vấn trong vụ Glencore thôn tính Xtrata. Glencore vốn đã sở hữu tới 34% cổ phần của Xtrata và hai công ty đang đàm phán một vụ sáp nhập hữu hảo theo kiểu bằng vai phải lứa

Vài tuần sau sự kiện tại Florence, Qatar Holding (công ty con của quỹ tài sản nhà nước Qatar, đang nắm 11% cổ phần Xtrata) khiến cổ đông bất ngờ khi tuyên bố họ muốn thương vụ này phải có cái giá cao hơn

Tới tháng 8, Blair gặp lại Glasenberg ở New York khi dùng tiệc trà với Michael Klein. Vị cựu nhân viên ngân hàng Citigroup này khi ấy đang tư vấn cho cả hai đại gia khai mỏ thông qua công ty M. Klein & Co. của ông

Glasenberg phàn nàn phía Qatar đang cố ngăn cản vụ sáp nhập Glencore-Xtrata. Blair nói mình có thể giúp chắp nối quan hệ với Thủ tướng Qatar Minister Sheikh Hamad bin Jassim bin Jaber Al-Thani. Glasenberg nhờ Blair thuyết phục phía Qatar không ngăn cản vụ sáp nhập nữa

Một tối đầu tháng 9, Blair lại có cơ hội thể hiện khả năng thương thuyết tuyệt vời của mình. Nhờ có nó, ông từng giải quyết được Thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành năm 1998 giúp giảm bạo lực giáo phái ở Bắc Ailen

Dạo bước qua hành lang dài treo đầy các tác phẩm nghệ thuật tại khách sạn Claridge’s, Blair bước chân vào một gian phòng cùng Glasenberg và Al-Thani. Suốt ba giờ liền, Tony Blair khiến Al-Thani ấn tượng với những hệ lụy sẽ xảy đến nếu vụ sáp nhập này sụp đổ

Glasenberg khiến cái gật đầu của nhà Al-Thani thêm ngọt ngào khi tăng giá chào mua lên một chút. Sau cuộc gặp, phía Qatar đã đồng ý ủng hộ vụ mua lại

Không chỉ Blair mà cả JPMorgan cũng kiếm được rất nhiều phí từ vụ sáp nhập này. Ước tính, họ đã thu về hơn 16,5 triệu USD tiền phí

Về hưu vẫn tham vọng

Dù có kiếm được rất nhiều tiền, nhưng công việc mà Tony Blair thực sự muốn sau khi rời Phố Downing là chỉ trả ông có 298.495,44 Euro/năm: Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (vị trí này mới ra đời năm 2009)

Đã lỡ “nhúng chàm” do cuộc chiến Iraq, lại thiếu sự ủng hộ của giới lãnh đạo Châu Âu, nên rút cục Tony Blair còn chẳng vào nổi vòng chung kết. Vị trí này sau đó thuộc về cựu Thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy. Ngoài nước Bỉ, chẳng mấy ai biết tới ông này

“Nếu người ta mời tôi làm Chủ tịch, tôi sẽ nhận lời ngay,” Blair nói. “Nhưng người ta không mời”

Cuộc chiến Iraq vẫn ám ảnh Tony Blair. Tới nay, ông vẫn bị nhiều người ở Anh coi là “tội phạm chính trị”. Dù vậy, vai trò của ông khi nghỉ hưu vẫn nổi bật hơn nhiều so với các cựu TTg Gordon Brown, John Major hay Margaret Thatcher

Major từng là cố vấn cao cấp của Credit Suisse Group. Thatcher cũng từng tư vấn cho hãng thuốc lá Philip Morris International. Còn với cựu TTg Brown, kể từ khi từ chức ít ai nhắc tới ông

Còn Blair, dù đã về hưu người đàn ông này vẫn còn vô số tham vọng

“Hình ảnh một chính khách tầm cỡ toàn cầu vẫn còn ám ảnh anh ta,” Thượng nghị sỹ Công Đảng Desai nói

Hương Giang
 
Tony Blair 'Anh phải theo phe Mỹ trong vấn đề Huawei'


Cựu thủ tướng Anh Tony Blair

Theo Reuters, ông Blair cho rằng nước Anh "cần phải đưa ra quyết định và cuối cùng đó sẽ là ủng hộ Mỹ"

Tuy nhiên, cựu thủ tướng Anh nhìn nhận một trong những vấn đề của lựa chọn này nằm ở chỗ cơ sở hạ tầng của Huawei rẻ hơn nhiều so với các lựa chọn khác

"Rất khó cho chúng ta để bất đồng với Mỹ về bất cứ vấn đề gì động chạm tới an ninh của Mỹ", ông Blair nói

Cũng trong ngày 25-6, Huawei thông báo đã được cấp phép xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 1,2 tỉ USD tại Anh.

Huawei cho biết cơ sở này sẽ có khoảng 400 nhân công và tập trung vào sản xuất các thiết bị quang học sử dụng trong hệ thống thông tin sợi quang

Reuters nhận định động thái trên có thể chọc giận quan chức Mỹ. Trong khi đó, một số nhà làm luật Anh đang gây áp lực nhằm buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson xem xét lại quyết định cấp quyền giới hạn cho Huawei trong hệ thống 5G của nước này

Các quan chức Anh hiện cho biết họ đang xem xét hướng dẫn cụ thể về cách thức đưa thiết bị của Huawei vào sử dụng trước các lệnh trừng phạt đối với công ty này do Mỹ công bố hồi tháng 5. Giới quan sát cho rằng quyết định sẽ được đưa ra trong vài tuần tới

Theo Huawei, kế hoạch mới là một phần trong nỗ lực phát triển một khu vực rộng lớn gần Cambridge, cách thủ đô London 70km về phía bắc

"Anh là nơi có thị trường mở và sôi động, cũng như là ngôi nhà của một vài nhân tài hàng đầu của thế giới", phó chủ tịch Victor Zhang của Huawei tuyên bố

Trước đó, ông Keith Krach, thứ trưởng chuyên trách về tăng trưởng kinh tế của Mỹ, cáo buộc Trung Quốc sử dụng những kế hoạch tương tự để mở rộng tầm ảnh hưởng
 
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Ông Tony Blair đề xuất khả năng hợp tác với Tập đoàn Oracle (Mỹ) trong triển khai Hệ thống Quản lý y tế số tại Việt Nam nhằm ứng phó dịch Covid-19

cuu-thu-tuong-anh-tony-blair-danh-gia-cao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-tai-viet-nam.jpg

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu

Chiều ngày 27/10, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu

Tại cuộc điện đàm, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chúc mừng và đánh giá cao kết quả tích cực của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 và là một trong số ít những nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020

Ông Tony Blair nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19; đề xuất khả năng hợp tác với Tập đoàn Oracle (Mỹ) trong triển khai Hệ thống Quản lý y tế số tại Việt Nam nhằm ứng phó dịch Covid-19

Cựu Thủ tướng Tony Blair đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam không ngừng được cải thiện. Với những kết quả đạt được trong phòng chống dịch Covid-19 và Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam đang nổi lên là một điểm sáng trong thu hút dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đang dịch chuyển. Ông Tony Blair bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong thu hút các dòng đầu tư chất lượng cao trong thời gian tới

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao cựu Thủ tướng Tony Blair đã có đóng góp thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Anh cũng như tư vấn, cung cấp kiến nghị chính sách cho Việt Nam trong một số lĩnh vực như thu hút FDI, triển khai mô hình đối tác công tư (PPP)… trong thời gian qua

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine và thuốc điều trị

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao và hợp tác phát triển công nghệ là các định hướng ưu tiên của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới; mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác trong thu hút dòng đầu tư nước ngoài chất lượng cao, hướng tới các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) và có sự liên kết với hệ thống doanh nghiệp trong nước thông qua đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ

Anh Sơn
 
Top