LOBBY.VN
Administrator
Tiến sĩ, doanh nhân việt Kiều David Hồ - Máu khô từ nhiệt huyết
- Tháng 4 này, chi hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ (trực thuộc hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài – BAOOV) tròn một tuổi. Phó chủ tịch BAOOV đồng thời là chủ tịch chi hội (BAOOV-US), đại diện của trên 170.000 doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ – những người làm ra gần 20 tỉ USD doanh thu mỗi năm – là tiến sĩ y khoa, doanh nhân David Hồ. TS Hồ và các thành viên trong chi hội của mình hiện đang ấp ủ kế hoạch thành lập trung tâm thương mại Việt Nam (Vietnam Business Center – VBC) nhằm hiện thực hoá mục tiêu tăng thị phần cho hàng “Made in Vietnam” tại Mỹ… Còn trong lĩnh vực chuyên môn của mình, TS Hồ và cộng sự đang nỗ lực hoàn thành dự án nghiên cứu và sản xuất máu khô dành cho hoạt động cấp cứu bệnh nhân
Được biết, tuổi thơ của ông chủ yếu trên đất Mỹ. Cơ duyên nào đưa ông trở về và gắn bó với quê hương Việt Nam ?
Tôi đã được một anh bạn thân dẫn tới đại sứ quán Việt Nam chơi và giới thiệu với ông đại sứ. Chúng tôi chuyện trò rất thoải mái, thân mật, dần dà tôi nhận ra những tình cảm cất giấu bấy lâu trong lòng mình đang bùng dậy. Đó là tình yêu với quê hương, xứ sở, nơi cha mẹ tôi đã lớn lên, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi… Một tình cảm thật đặc biệt và gắn bó. Tôi hiểu rằng, dù ở đâu tôi cũng là người Việt Nam. Người ta sống trên đời cần biết rõ cội rễ của mình và người Việt Nam không như một số dân tộc khác, khi giàu có lên thì không muốn nhớ đến nguồn gốc của mình
Sự chia sẻ nào trong gia đình giúp ông được tiếp thêm niềm tin để đi theo con đường đã chọn ?
Cha tôi là bác sĩ. Những năm cuối 1970, đầu 1980, có lẽ ông là một trong những người Việt đầu tiên mở phòng mạch ở Mỹ và bệnh nhân chủ yếu là người Việt. Nhờ vậy, mấy chị em chúng tôi có điều kiện học hành tử tế và hầu hết đều theo nghề của cha tựa như đó là nghề “gia truyền” vậy. Khi biết tôi được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng, rồi bị một số người Việt bên này nói xúc phạm gì đó, ông vẫn không lấy đó làm điều. Ông nói với tôi: “Cha rất vui vì con đã biết nghĩ, biết làm những điều như vậy. Làm người, phải biết sống có tình, có nghĩa, phải biết mình sinh ra ở đâu!” Đây cũng là lý do mà trong gia đình tôi, không chỉ có tôi tham gia công tác hội, còn có chị gái của tôi và mấy người em đều là hội viên, hoạt động rất nhiệt tình và tích cực…
Vậy là dù ông được bà con doanh nghiệp ta ở Mỹ tin cậy, trở thành người đứng đầu chi hội của họ, nhưng lại bị đe doạ bởi một số người Việt quá khích ?
Người ta sống trên đời cần biết rõ cội rễ của mình và người Việt Nam không như một số dân tộc khác, khi giàu có lên thì không muốn nhớ đến nguồn gốc của mình
Chi hội chúng tôi là chi hội đầu tiên của hiệp hội, có thời điểm bị một số người tấn công trên internet dữ lắm, ngày nào cũng nhận được email hù doạ, riết rồi cũng quen. Có lúc mấy anh em còn bị chụp hình đưa lên kèm theo những lời này nọ… Gia đình bên nội của tôi rất lo lắng nhưng vẫn ủng hộ tôi, mấy chị em đều tham gia làm hội viên; nhưng gia đình bên ngoại thì có lẽ do sợ liên luỵ nên đã cắt đứt quan hệ với vợ chồng tôi. Đó là điều đáng buồn. Nhưng tôi nghĩ, mình làm gì mà tin chắc đó là việc tốt và đúng thì mình vẫn phải làm. Nếu ai cũng như mình thì ai làm? Làm điều tốt cho đất nước, người nào đồng cảm với lý tưởng đó của mình, họ sẽ không nao núng. Nghĩ thế cho nên tôi và anh em trong chi hội rất tự tin.
Xuất phát từ đâu mà ông nghĩ rằng, với việc thành lập VBC, các doanh nhân Việt Nam tại Mỹ và trong nước sẽ có cơ hội phát huy được thế mạnh của hàng hoá Việt Nam ?
Vì người Việt chúng ta vốn dĩ thông minh, cần cù, chịu khó. Nếu có cơ hội, chắc chắn chúng ta sẽ không thua kém bất cứ ai. Tôi nói vậy vì tại Mỹ, cộng đồng người Việt Nam thành công trên nhiều lĩnh vực và không thua bất cứ cộng đồng nào khác, kể cả người Tàu. Một ví dụ: chợ Eden là một chợ lớn của người Việt tại Mỹ, bà con ta ở đây làm ăn rất khấm khá, một năm rưỡi trước đã mua lại chỗ của một siêu thị Mỹ, tới đây diện tích sẽ tăng gấp đôi… Một điều mà anh em chúng tôi ở Mỹ lâu nay rất xót xa và cảm thấy mất mát nhiều quá: đó là hàng hoá Việt Nam đến nay chất lượng đã tốt lên rất nhiều, nhưng khi sang đến Mỹ lại mang một thương hiệu khác, khiến lãi lời đến tay chẳng được bao nhiêu… Đã và sẽ tiếp tục mất rất lớn nếu chúng ta ngồi ở nhà mà không làm gì đó. Đây chính là một trong những lý do thúc đẩy thành lập VBC. Khi VBC mở cửa, cùng với việc doanh nghiệp Việt Nam đặt được chân chắc chắn vào thị trường Mỹ, chúng ta sẽ lấy lại và phát triển những thương hiệu của mình!
Biết rằng với thị trường Mỹ, rất khó để “biến không thành có”, liệu chúng ta có quá lãng mạn nếu chỉ “xuất quân” với “tinh thần Việt Nam” ?
Tôi nghĩ đây hoàn toàn là một dự án khả thi. Trong lịch sử, nhiều nước đã chủ động mở rộng phạm vi hoạt động kinh tế một cách hiệu quả, bằng cách khuyến khích các công ty của mình đi ra nước ngoài. Những năm 1960 – 1970, Hàn Quốc đã hỗ trợ Samsung mở rộng thị trường bằng cách đặt văn phòng tại châu Âu và châu Mỹ. Ngày nay, Samsung rất nổi tiếng, công ty này đã xuất khẩu hơn 20% sản phẩm Hàn Quốc ra thế giới. Chính phủ Hàn Quốc còn tiếp tục ủng hộ Hyundai và LG. Trong vòng chưa đầy 20 năm, cả ba tập đoàn này đã góp sức đưa kinh tế Hàn Quốc từ một quốc gia thu nhập trung bình trở thành một quốc gia giàu có. Gần đây nhất, Chinamex từ Trung Quốc cũng đã sử dụng mô hình này, gửi hơn 3.000 công ty Trung Quốc ra nước ngoài; tháng 12.2009, đã thành lập một Hubei Enterprises (America) Center tại Atlanta (Georgia, USA), cho phép hơn 100 công ty có nhu cầu mở rộng sản phẩm của họ đến Hoa Kỳ. Việt Nam, trong giai đoạn phát triển đất nước, cần phải nhìn rõ và tìm lối đi giúp sản phẩm Việt được công nhận trên thị trường quốc tế
Lúc này, chúng ta có thể hình dung thế nào về bức tranh xuất khẩu của các sản phẩm Việt Nam vào Mỹ sau khi VBC ra đời ?
Nếu chúng ta sử dụng mô hình này một cách tích cực, dự kiến các giao dịch thương mại sẽ tăng lên 12%. Một điều rõ ràng là nếu không có cơ sở thương mại và không có thương hiệu uy tín, sẽ không thể tạo ra giá trị tương xứng cho sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Vì thế các công ty địa phương chỉ thu được lãi rất ít, trong đó công ty trung gian nước ngoài mua hàng giá rẻ đã tăng giá lên đáng kể để bán dưới thương hiệu nổi tiếng… Ta có gạo, càphê, hải sản, dầu khí và nhiều mặt hàng khác đang bắt đầu được công nhận trên thế giới nhưng không được bán một cách hiệu quả. Gạo Việt Nam không tìm thấy tại Hoa Kỳ, trong khi gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ và gạo Pakistan được bán rộng rãi. Thêm một ví dụ nữa: trong thảm hoạ tràn dầu tại Louisiana vừa qua, nếu các công ty Việt Nam có mặt tại đây thì cơ hội tăng cường bán hải sản chắc chắn cao hơn...
Như vậy, BAOOV-US sẽ có vai trò như thế nào trong hành trình tới Mỹ của hàng Việt ?
Trên cơ sở sàng lọc và lựa chọn các công ty nào có thể đến Mỹ và thành lập công ty hợp pháp, chúng tôi rất kỳ vọng những công ty và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước hiện chưa có điều kiện xuất khẩu hàng vào Mỹ và sẽ có kế hoạch đưa những công ty này sang Mỹ, cũng như hỗ trợ họ hoàn thành mục tiêu kinh doanh. Cùng với việc thiết lập VBC, chi hội và các thành viên cam kết sẽ hỗ trợ cao nhất các doanh nghiệp về mọi mặt như văn phòng (giá thuê giảm 50% so với giá thị trường), hồ sơ thủ tục pháp lý, về đào tạo, hướng dẫn phát triển kinh doanh… và sẽ thương lượng các điều khoản với Nhà nước Hoa Kỳ để có được kết quả kinh doanh tốt nhất
VBC sẽ được đặt tại một vị trí kinh doanh rất thuận lợi, ngay tại khu trung tâm tài chính của Baltimore (thành phố lớn thứ tám của Mỹ, có sân bay quốc tế và cảng biển – thuận lợi để đưa hàng hoá Việt Nam vào Hoa Kỳ). Ông Trần Đình La, một người Hoa Kỳ gốc Việt rất có tâm huyết với đất nước đã nhiệt tình cho phép chúng ta sử dụng một trong những toà nhà của gia đình ông (một toà nhà lớn 15.000m2) để thành lập VBC mà không đặt mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Thiết nghĩ, nếu chúng ta có kế hoạch kinh doanh vững vàng, có hiểu biết về văn hoá, phong tục tập quán của địa phương, nhất là hiểu được văn hoá kinh doanh của người Mỹ, thì mọi việc chắc chắn sẽ thành công
Một năm qua, với khá nhiều những việc đã, đang và sẽ làm, có phải là một năm đáng nhớ của ông và chi hội ?
Từ mười hội viên ban đầu, nay chi hội đã có hơn 100 người ở tất cả các bang của nước Mỹ và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ văn hoá, xuất nhập khẩu tới luật pháp, tài chính và khoa học… và thành lập văn phòng đại diện tại các bang Virginia, Texas và California để làm cầu nối cung cấp thông tin và giới thiệu cơ hội để các hội viên phát triển đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Mỹ và Việt Nam; xúc tiến việc lập nhóm các nhà khoa học Việt Nam làm việc tại Mỹ để kết nối với đồng nghiệp trong nước nhằm đưa các nhà khoa học Việt Nam sang Mỹ làm việc và học tập, qua đó hỗ trợ phát triển quan hệ hợp tác khoa học – công nghệ Việt – Mỹ… Một số hội viên đang xúc tiến việc đầu tư về Việt Nam, hỗ trợ doanh nhân trong nước tìm hiểu thị trường Mỹ. Một nhóm hội viên đang làm việc với hội Nhà văn Việt Nam về việc dịch sách từ tiếng Việt sang tiếng Anh…
“Thời gian là tiền bạc”, câu đó càng có ý nghĩa với giới doanh nhân như ông. Ông nghĩ gì khi chia sẻ thời gian làm kinh doanh của mình cho công tác hội ?
Đến nay ở Mỹ mới có tổ chức hội để đoàn kết anh em doanh nhân người Việt, như vậy theo tôi cũng là muộn, nên dù bận mấy cũng không thể để muộn hơn. Mấy anh em trong hội, ai cũng có công việc nên rất bận, thường nhóm gặp nhau khi cần giải quyết công chuyện; sau này, khi VBC thành lập, trụ sở của chi hội cũng sẽ bố trí sao cho có thể lo được nhiều việc hơn
Điều gì đã dẫn ông và công ty của ông đưa ra ý tưởng sản xuất máu khô? Ý nghĩa khoa học cũng như giá trị kinh tế của dự án này ?
Tôi hoàn thành luận án tiến sĩ về huyết học năm 1999 tại Temple University Philadelphia. Tôi cũng từng có thời gian đi thực tập nội trú tại một trung tâm chuyên ngành về ung thư máu, đi làm cho một hãng dược lớn nhất thế giới để tìm hiểu về chống ung thư máu… Đến năm 2007, tôi và một số bạn bè đứng ra thành lập hãng riêng. Khi đó, thị trường máu dùng cho cấp cứu bệnh nhân đòi hỏi rất lớn nhưng nguồn cung lại có nhiều bất cập. Máu rút từ người ra, để lạnh cũng chỉ giữ được vài tuần lễ là hỏng. Nung nấu ý đồ từ trước, chúng tôi quyết định sẽ nghiên cứu sản xuất máu khô, kéo dài thời gian sử dụng, khi cần thì pha nước… Hiện đề tài đã đăng ký sở hữu trí tuệ tại Mỹ và có bốn bằng chứng nhận; sản phẩm đang trong thời kỳ thử nghiệm để chuẩn bị đưa ra thị trường. Là sản phẩm cho con người, nên không thể làm ẩu. Nếu sáng chế này thành công, giá trị của nó khoảng 5 tỉ USD
Liệu còn có “giấc mơ” nào khác mang tên David Hồ trên đất Mỹ ?
Thực ra thì đó là một giấc mơ mang tên “Hà Nội”. Vì một lẽ: tôi rất mong muốn một ngày không xa nào đó, những người Việt Nam tại Mỹ, trong đó có gia đình tôi, sẽ xây dựng được một biểu tượng mang tên “Hà Nội” – trái tim hồng ngay tại nơi mà họ và các thế hệ kế tiếp đang sinh sống và làm việc…