What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Đồng Tâm Thịnh Vượng

Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Ngày 3-4, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030

Mục tiêu của Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 (viết tắt là Đề án) nhằm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất


Thủ tướng chính thức phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Mục tiêu cụ thể, Đề án phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Cùng với đó nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội

Trong đó về việc dành quỹ đất làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sửa đổi, bổ sung quy định về đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo hướng: Khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, UBND có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải quy hoạch, xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện; đảm bảo quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương từng thời kỳ; Coi chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương

Bổ sung quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó

Về tín dụng phát triển nhà ở xã hội, xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương

Sửa đổi, bổ sung quy định về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở thông qua quy định về nguồn vốn mới và tối ưu hóa các nguồn vốn hiện hành nhằm hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; theo hướng: bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát triển nhà ở xã hội, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội

Trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ

Sửa đổi, bổ sung quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội theo hướng thống nhất, đồng bộ với pháp luật khác có liên quan (đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đất đai, đầu thầu)

Bổ sung quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân theo hướng doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được giao đồng thời làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà lưu trú công nhân. Sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng khu nhà ở công nhân, chủ đầu tư cấp 1 có thể tự đầu tư xây dựng nhà lưu trú hoặc bàn giao lại cho Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh, để chuyển giao đất đã có hạ tầng cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở (Chủ đầu tư cấp II) đầu tư xây dựng các công trình nhà lưu trú cho công nhân

Sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn, theo hướng đối với phần 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không phải hạch toán chung vào cả dự án; được hạch toán các chi phí hợp lý, hợp lệ trong quá trình đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội vào giá thành

Bổ sung quy định yêu cầu UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm trích một phần tiến sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để bổ sung vào khoản mục riêng trong ngân sách của địa phương, dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn theo quy định của Chính phủ

Sửa đổi quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng theo hương không bắt buộc chủ đầu tư phải dành quỹ nhà ở để cho thuê, phương án kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) do chủ đầu tư quyết định

Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, Quyết định của Thủ tướng yêu cầu tách đối tượng công nhân thành một đối tượng riêng bao gồm: Công nhân, người lao động chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, có cơ chế chính sách riêng để phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân thuê

Bổ sung đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cho người lao động tại đơn vị mình thuê

Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần khoảng 849.500 tỉ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu để ra đến năm 2030 là hoàn thành 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội, nhà công nhân. Do vậy, cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội. - Trong quá trình xây dựng chính sách, nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách theo hướng hậu kiểm (giá bán, đối tượng, điều kiện..)
 

Kinh tế đình trệ gây áp lực lớn đến mục tiêu thu ngân sách


Theo các chuyên gia, bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm đang hiện rõ gam màu u ám trong bối cảnh các trụ cột tăng trưởng đều giảm tốc. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành mục tiêu thu ngân sách 1.620,7 nghìn tỷ cả năm. Ngành tài chính đang tìm giải pháp tăng thu và bù đắp giảm thu do thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, hồi phục sản xuất kinh doanh...

Thu ngân sách nhà nước tới hết tháng 4 giảm 5% nhưng nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi đang tiếp tục được nghiên cứu, ban hành.


Thu ngân sách nhà nước tới hết tháng 4 giảm 5% nhưng nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi đang tiếp tục được nghiên cứu, ban hành

Sau 4 tháng đầu năm 2023, số thu ngân sách nhà nước qua các tháng có dấu hiệu suy giảm nhanh, các khoản thu chính như thu nội địa, dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đều tụt dốc. Mức giảm thu cũng diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như: bất động sản, chứng khoán, ôtô… tại nhiều địa phương

Thực tế này khiến tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023, theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, sụt giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 645,4 nghìn tỷ đồng và bằng 39,8% dự toán năm. Đặc biệt, trong thời gian tới, các chính sách giảm thuế tiếp tục được nghiên cứu ban hành với quy mô lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách nhà nước


MỤC TIÊU THU NGÂN SÁCH KHÓ ĐẠT


Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nội địa tháng 4 ước đạt 113 nghìn tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 538,8 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán và giảm 2% so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô tháng 4 ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế 4 tháng ước đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 52,2% dự toán và giảm 9,6%

Đáng lưu ý, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 4 ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 4 tháng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 84,7 nghìn tỷ đồng, bằng 35,4% dự toán và giảm tới 19,9% so với cùng kỳ năm trước


Kinh tế đình trệ gây áp lực lớn đến mục tiêu thu ngân sách - Ảnh 1

Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách những tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, áp lực từ sức ép lạm phát, thách thức lớn do đồng nội tệ tại nhiều quốc gia mất giá mạnh, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine chưa dự báo thời điểm kết thúc

Trong nước, GDP quý 1 ước chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, gần như thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Dù trong tháng 4, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu của sự phục hồi nhưng khi so sánh với cùng kỳ vẫn tiếp đà suy giảm

Chia sẻ gần đây, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng bức tranh kinh tế hiện nay không những khó khăn, suy giảm mà thực sự tiêu điều

Theo đó, từ quý 4/2022 trở đi, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu suy giảm nhưng đã không đánh giá đúng thực chất, bởi suy giảm không phải nhất thời mà vì yếu tố bất định từ bên ngoài và khó khăn nội tại từ bên trong, trong đó có yếu tố điều hành

“Tất cả động lực của tăng trưởng, kể cả các vùng hay ngành đều suy giảm, riêng dịch vụ được coi là “cứu cánh” nhưng thu nhập người dân giảm, lạm phát tăng, rõ ràng tiêu dùng không thể tăng được, hay đầu tư công dù chỉ đạo ráo riết, nóng nhưng cũng khó tăng”
TS. Nguyễn Đình Cung


Quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung hoàn toàn có cơ sở khi mà các dấu hiệu suy giảm kinh tế rất rõ

Cụ thể, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng duy trì xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD) nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm mạnh nhiều tháng liên tiếp

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu giảm 11,8%, nhập khẩu giảm 15,4%, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy yếu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa suy giảm mạnh hơn cho thấy sản xuất đang thu hẹp

Mặc dù dẫn đầu cả nước về quy mô kim ngạch xuất, nhập khẩu nhưng trong 4 tháng đầu năm, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh, tác động đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong quý đầu năm, đơn vị làm thủ tục thông quan hàng hóa với kim ngạch 28,34 tỷ USD, giảm 6,51 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 15,31 tỷ USD, giảm 19,31% (tương đương 3,66 tỷ USD); kim ngạch xuất khẩu đạt 13,02 tỷ USD, giảm 17,92% (tương đương 2,85 tỷ USD) so với cùng kỳ. Kết quả này đặt ra nhiều thách thức cho Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 145.800 tỷ đồng năm nay

Cũng theo dự báo của giới phân tích, giá trị nhập khẩu khó có thể cải thiện rõ rệt trong quý 2/2023, do lãi suất cao và điều kiện tài chính thắt chặt toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến việc mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng

Bên cạnh đó, do triển vọng các thị trường xuất khẩu lớn bao gồm Mỹ và châu Âu chiếm gần 50% tổng xuất khẩu của Việt Nam khá ảm đạm, dẫn đến mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể hạ xuống âm 2% so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6%. Điều này gây thách thức không nhỏ đối với ngành hải quan trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2023

HY SINH NGÂN SÁCH ĐỂ LÀM ĐIỂM TỰA CHO PHÁT TRIỂN

Cùng với đó, ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, bởi kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, kéo theo đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm

Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; 20,9 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 39,9%; 6,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%...

Mặc dù tình hình thu ngân sách nhà nước rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, thu ngân sách nhà nước tới hết tháng 4/2023 giảm 5%, kim ngạch xuất, nhập khẩu cũng giảm gần 14%,... nhưng Bộ Tài chính đã và đang tham mưu các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế


Kinh tế đình trệ gây áp lực lớn đến mục tiêu thu ngân sách - Ảnh 2

Một số chính sách gây hụt thu ngân sách lớn trong năm nhưng kỳ vọng sẽ giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, như: giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cả năm 2023 khoảng 38 nghìn tỷ đồng; đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% dự kiến áp dụng 6 tháng cuối năm, sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 35 nghìn tỷ đồng…

Trước đó, giữa tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023 khoảng 110 nghìn tỷ đồng; trong đó, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng với quy mô khoảng trên 50.000 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 42.000 tỷ đồng…
 
Last edited:

Nhiều doanh nghiệp lớn bán gần hết tài sản


Phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 9/5, được nhiều báo trích dẫn. Trong đó, ông đề cập đến tình trạng "nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán, đấy là việc rất đáng lo ngại và bán có 50% giá thực. Người mua là ai, người mua toàn là nước ngoài"

Theo Bộ trưởng, câu chuyện trên đã được "cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ cho nền kinh tế"

Phát biểu của lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư đặt trong bối cảnh những khó khăn của doanh nghiệp và giải pháp cần thiết, cả về tín dụng lẫn cải cách môi trường kinh doanh, cắt giảm giấy phép con, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức…

Tuy Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không nêu "doanh nghiệp lớn" và "tài sản" đã bán cụ thể là gì, tuy nhiên qua tường thuật của báo chí và bình luận mạng xã hội cho thấy dư luận rất chú ý đến cảnh báo của Bộ trưởng

Nhìn chung có hai luồng ý kiến về vấn đề này

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng mua bán, sáp nhập (M&A) là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường. Không phải bây giờ mà nhiều năm nay các tập đoàn nước ngoài đã M&A doanh nghiệp trong nước, thương vụ điển hình là Beverage (ThaiBev đứng sau) chi 4,8 tỷ USD mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco… Vì vậy, không nên quá lo lắng về thị trường M&A mà thực ra đây là tín hiệu tích cực vì "nước ngoài đánh giá tốt về triển vọng kinh tế của chúng ta cũng như giá trị tài sản thì họ mới mua". Suy cho cùng tài sản đó ở trên đất nước chúng ta, tạo công ăn việc làm và đóng thuế ngân sách, thì nước ngoài mua đâu có đáng lo

Nhóm ý kiến thứ hai đưa ra góc nhìn thận trọng hơn, cho rằng nguy cơ ở đây là có những mảng kinh tế trọng yếu của đất nước mà chúng ta "cần phải giữ" có thể bị nước ngoài thâu tóm thông qua mua bán, sáp nhập

Cách đây một tháng, trên trang cá nhân của mình, tôi cũng đã đề cập đến chuyện một tập đoàn kinh tế lớn trong nước đang phải bán dần tài sản là các mảng kinh doanh của tập đoàn. Tôi cho rằng cảnh báo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là đáng lưu ý. Nhìn ra nước ngoài, chúng ta sẽ thấy rằng tuy họ vận hành kinh tế thị trường thông thoáng nhưng không phải nước ngoài muốn mua tài sản nào trong nước cũng được. Năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã ban hành sắc lệnh ngăn chặn việc Broadcom - công ty có trụ sở ở Singapore, mua lại Qualcomm, nhà sản xuất chip di động hàng đầu của Mỹ

Mới đây, khi Credit Suisse - ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ hai của Thụy Sĩ, gặp khó khăn thì Chính phủ nước này đã can thiệp để ngân hàng lớn nhất của họ là UBS mua lại. Thông báo về việc UBS tiếp quản Credit Suisse, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết cuộc giải cứu này sẽ "đảm bảo sự ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ". Có thể thấy việc chính phủ can thiệp để bảo vệ lợi ích quốc gia, nhất là đối với các tập đoàn lớn, là hết sức bình thường

Chúng ta đều hiểu rằng tài sản của các doanh nghiệp lớn trong nước không hình thành một cách tự nhiên, mà phải qua quá trình tích lũy có sự hỗ trợ (theo quy định pháp luật) của nhà nước và ủng hộ của thị trường (khách hàng là người dân trong nước). Vì vậy tài sản đó tất nhiên thuộc về một doanh nghiệp cụ thể nhưng cũng là nguồn lực của đất nước. Và có những nguồn lực vừa quan trọng lại vừa hữu hạn

Vì vậy, tôi cho rằng có những tài sản thay vì để cho nước ngoài thâu tóm trong lúc khó khăn này thì chúng ta nên xem xét đến giải pháp là chia nhỏ, rồi thực hiện theo quy luật kinh tế, mảng nào không xoay chuyển được thì cho phá sản, mảng nào còn tốt sẽ tách ra độc lập, hoặc chuyển sở hữu cho các tập đoàn Việt Nam khác có năng lực để họ tiếp tục quản lý

Với giải pháp này, nhiều mảng kinh doanh vẫn có thể tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam, và tài sản hữu hình, vô hình ấy vẫn là sở hữu của Việt Nam

Cách làm này được gọi là "tái cấu trúc". Kinh tế thuận lợi hay khó khăn thường theo chu kỳ, nếu vì chu kỳ khó khăn hiện nay mà để doanh nghiệp lớn trong nước phải bán rẻ tài sản quan trọng thì rất không nên, bởi vì đến lúc thuận lợi chúng ta muốn xây dựng lại không dễ dàng, thậm chí là không thể. "Tái cấu trúc" là một cách để giữ lại tài sản tốt hiện tại và chuẩn bị cho tương lai phát triển

Còn nếu chúng ta cứ để mặc cho việc thâu tóm diễn ra thì sao? Hệ lụy của việc bán cho nước ngoài một tài sản, nhất là tài sản có giá trị lớn, không đơn giản như là một trường hợp M&A bình thường như nhiều người nghĩ. Bởi một cơ sở sản xuất kinh doanh lớn thường là một phần trong hệ sinh thái bao gồm nhiều thành phần khác nhau tham gia

Việc một cơ sở sản xuất - kinh doanh quan trọng chuyển sở hữu có thể kéo theo việc thay đổi các nhà cung cấp dịch vụ, vật tư nguyên liệu từ trong nước ra nước ngoài, dẫn đến giảm sản lượng trong nước, mất việc làm trong nước, tăng sản lượng và việc làm ở nước ngoài. Tức là giảm lợi thế cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước, chuyển lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất nước ngoài

Nếu tài sản là một chuỗi bán lẻ chẳng hạn, thì việc chuyển sở hữu ra nước ngoài có thể sẽ kéo theo hệ lụy bất lợi cho cả ngành sản xuất. Vì người sở hữu chuỗi bán lẻ mới đương nhiên sẽ ưu tiên, ưu đãi nhiều hơn cho các nhà cung cấp, các thương hiệu quen thuộc trong hệ sinh thái của họ từ nước ngoài. Dẫn đến các nhà sản xuất trong nước sẽ mất cơ hội kinh doanh, hoặc chí ít là không còn cơ hội kinh doanh thuận tiện như trước, như khi chuỗi bán lẻ ấy còn thuộc sở hữu trong nước

Đó là mới là nhìn theo góc độ kinh tế đơn thuần, còn những vấn đề khác cũng đòi hỏi thận trọng từ góc độ xã hội. Mong rằng sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta sẽ có những hành động cần thiết

Tác giả: Ông Đỗ Hòa là chuyên gia tư vấn chiến lược, tư vấn thiết lập hệ thống quản lý doanh nghiệp; từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhiều công ty trong và ngoài nước; nguyên Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Shell

 
Chính phủ đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

Thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km xe chạy trên đường là một trong những quy định mới của dự thảo Luật Đường bộ, vừa được Chính phủ gửi Quốc hội

Dự thảo Luật Đường bộ do Bộ giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo, gồm 6 chương và 95 điều. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, giữ nguyên 1 điều, sửa đổi 40 điều và bổ sung mới 54 điều

Thu phí đường cao tốc theo số km chạy trên đường

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành luật này, Chính phủ cho rằng luật sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ

Luật Đường bộ quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý Nhà nước về hoạt động đường bộ. Theo Chính phủ, những nội dung này không trùng lặp, chồng chéo với dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Chính phủ đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư - 1

Dự thảo Luật Đường bộ bổ sung quy định mới về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

Nhiều quy định mới đã được Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Đường bộ trình lên Quốc hội lần này

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km xe chạy trên đường

Đồng thời, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định thu phí đường cao tốc do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối tác công tư (PPP)

Hồi đầu tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ phương án thu phí thí điểm 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, sở hữu, bởi việc này chưa từng có tiền lệ. Thời gian thực hiện thí điểm theo cơ chế phí tối đa 5 năm kể từ thời điểm tuyến đường bộ được triển khai thu phí

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, pháp luật chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh (dự án BOT) theo cơ chế giá, chưa có quy định về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí

Dự thảo Luật Đường bộ lần này cũng bổ sung quy định Nhà nước bảo đảm đủ vốn ngân sách để đầu tư đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì; bảo đảm đủ vốn Nhà nước tham gia trong dự án đầu tư PPP

Theo phương án Chính phủ đưa ra, tổ chức, cá nhân đầu tư đường cao tốc có quyền và trách nhiệm thu tiền dịch vụ sử dụng đường cao tốc, tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm chất lượng tuyến đường
 
Thủ tướng mong mỗi bộ, ngành có một Viettel, mỗi tỉnh, thành có một Becamex

Chiều 15-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế


Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp nhà nước nắm nguồn lực lớn, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, an sinh xã hội, tiên phong đi đầu trong đổi mới sáng tạo, đổi mới, đầu tư các dự án trọng điểm ở các địa phương, các vùng kinh tế của cả nước

Phát huy vai trò trong khó khăn

Doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần bảo đảm các cân đối lớn, cung cầu, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, phục hồi kinh tế - xã hội

Với ba trụ cột được thực hiện trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước là chủ đạo, Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp nhà nước có vai trò can thiệp thị trường, nhất là trong các tình huống khó khăn

Theo đó, ông yêu cầu các ý kiến đánh giá tình hình khó khăn, thách thức, từ đó thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết, tìm giải pháp phù hợp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, là tiền đề thực hiện các mục tiêu

Tinh thần là phải "cùng nghĩ thật, cùng nói thật, cùng làm thật, cùng có kết quả thật, nhân dân hưởng thụ thật", hiến kế các giải pháp vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn

Tại kết luận cuộc họp, Thủ tướng cũng đặt vấn đề này khi nêu câu hỏi: "Nếu doanh nghiệp nhà nước không làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội thì thành phần kinh tế nào có thể làm được?"

Theo đó, ông Chính cho rằng cần ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Nghị quyết 29 của trung ương xác định rõ xây dựng và phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột

Với mong muốn, kỳ vọng "mỗi bộ, ngành có một Viettel, mỗi tỉnh, thành có một Becamex", Thủ tướng cho rằng mô hình đã có, vấn đề là cần được nhân rộng ra

Phát huy vai trò "5 tiên phong"

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt "5 tiên phong": Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả

Tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 823.217,18 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 28.294,65 tỉ đồng, nộp ngân sách đạt 70.784,50 tỉ đồng

Trong giai đoạn 2020-2023, tổng doanh thu của doanh nghiệp nhà nước có xu hướng tăng mạnh từ 1,61 triệu tỉ đồng năm 2020 tăng lên 1,78 triệu tỉ đồng và tăng lên 2,3 triệu tỉ đồng năm 2023

Lợi nhuận của 60 doanh nghiệp nhà nước có xu hướng tăng nhẹ (tăng 10.234 tỉ đồng trong giai đoạn 2020-2023), đặc biệt năm 2023 ghi nhận giảm nhẹ

Một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận cao trong giai đoạn này gồm: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)...

Tuy vậy, một số tập đoàn, tổng công ty phát sinh lỗ do ảnh hưởng của COVID-19 và thực hiện nhiệm vụ chính trị như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, EVN…
 
Top