What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Đồng Tâm Thịnh Vượng

Dòng vốn ngoại hướng đến các dự án cơ sở hạ tầng

Các nhà đầu tư quan tâm tới các dự án cơ sở hạ tầng bởi dòng tiền tương đối dễ ước tính trước, mức độ rủi ro và biến động thấp

Bên lề cuộc họp thường kỳ mới đây của các quỹ đầu tư tại Hà Nội, thua lỗ của các quỹ đầu tư tài chính được nêu ra như một sự thất bại tại Việt Nam

Nhưng với những nhà đầu tư lớn thì cơ hội vẫn còn và họ hướng đến các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam khi hình thức hợp tác công tư (PPP) tới đây được chính thức hóa. Lợi thế của loại hình này là tạo ra thu nhập và mức tăng trưởng ổn định, có thể dự đoán trước được, đặc biệt chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh

Ông Vũ Quý Hà, Phó tổng giám đốc Tổng công ty XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, gần đây Tổng công ty đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản mong muốn phối hợp thực hiện các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Nhu cầu đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam từ nay đến năm 2020 cần khoảng 150-160 tỷ USD, như vậy mỗi năm cần lượng vốn đầu tư khoảng 15-16 tỷ USD. Trong đó, 50% vốn đầu tư phải được huy động từ các thành phần kinh tế khác, kể cả trong và nước ngoài

Ông Kenny Low, Phó giám đốc Quỹ cơ sở hạ tầng, VinaCapital, cho biết, chủ trương cổ phần hóa các tài sản nhà nước không cần nắm giữ vốn đã tạo cơ hội cho khu vực tư nhân có thể tham gia các khoản đầu tư chiến lược vào loại hình tài sản hạ tầng

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cao đã tạo ra cơ hội để nhà đầu tư bỏ vốn vào các công ty, dự án cần nguồn vốn rẻ hơn từ các nguồn khác ngoài các ngân hàng thương mại. "Giá trị tài sản tại Việt Nam hiện đang ở chu kỳ thấp so với các nước khác ở châu Á là cơ hội để mua vào một cách có chọn lọc", ông Kenny Low chia sẻ

Tuy nhiên, một trong những rào cản được hầu hết nhà đầu tư lo ngại là việc tiền đồng tiếp tục giảm giá làm cho việc thanh toán các khoản nợ trở nên nặng nề hơn. Ông Kenny Low cho rằng, có 3 yếu tố nữa quyết định đến việc thành công của dự án: khung pháp lý và chính sách phù hợp; đối tác tốt, các cổ đông có chung một mối quan tâm; dự án được thẩm định kỹ lưỡng và phù hợp bởi các chuyên gia có năng lực
 
Hơn 23.000 tỷ đồng xây tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết​

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Theo đó, nhà đầu tư thứ nhất của dự án là Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) nhà đầu tư thứ hai sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế

Tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 101,28 km, với tổng mức đầu tư 23.223 tỷ đồng nằm trong danh mục khuôn khổ hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) theo hình thức PPP, với cơ cấu nguồn vốn được huy động từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước; vốn hỗ trợ từ WB và ngân sách nhà nước
 
Hợp tác PPP - Phải có lợi cho số đông

Tận dụng nguồn lực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc vào việc xây dựng chính sách phát triển là việc nên làm, nhưng chỉ khi nó mang lại lợi ích cho số đông chứ không phải cho một nhóm lợi ích

Song Thanh đã nêu lên một hiện tượng đáng suy ngẫm trong quan hệ giữa Nhà nước và Doanh nghiệp. Bề ngoài, sự hợp tác chiến lược giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nghe có vẻ hay, nhưng đằng sau tiềm ẩn nhiều vấn đề. Nếu không được nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo và xử lý một cách thận trọng, có thể sẽ dẫn tới hệ lụy xấu. Đó là việc các cơ quan quản lý Nhà nước một ngày nào đó có thể bị thao túng bởi các tập đoàn kinh tế, mất đi sự công tâm, chỉ phục vụ cho một số nhóm lợi ích, gây bất lợi cho toàn bộ nền kinh tế và người dân

Hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp: Nhiều nước đã làm

Ở bất kỳ quốc gia nào, thuộc bất cứ hệ thống chính trị nào, cơ quan quản lý Nhà nước (Chính phủ, các bộ, ngành) là cơ quan quản lý toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của quốc gia đó, thông qua việc xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách, chiến lược. Doanh nghiệp và người dân là đối tượng quản lý

Tuy nhiên, mô hình kết hợp giữa Nhà nước với thị trường đã được một số nước, nhất là các nước Bắc Âu như Thụy Điển, coi trọng

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, tự do thương mại, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, môi trường hoạt động của doanh nghiệp biến đổi không ngừng. Do vậy, doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường quốc tế càng phải nỗ lực lớn hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh. Nhận thức được những thách thức doanh nghiệp phải đương đầu, chính phủ nhiều nước, nhất là ở các nước phát triển, đã đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng

Từ đó xuất hiện một khái niệm mới về vai trò của Nhà nước: Chuyển từ chức năng quản lý sang chức năng tạo điều kiện thuận lợi

Khái niệm này rất phổ biến ở các nước có nền hành chính công tiên tiến như Canada hay New Zealand. Trên cơ sở đó, một khái niệm mới về quan hệ giữa doanh nghiệp và Nhà nước đã hình thành. Đó là quan hệ đối tác, trong đó Nhà nước coi doanh nghiệp là đối tác, chứ không phải là đối tượng bị quản lý. Đồng thời ở các nước này đã xuất hiện khái niệm “dịch vụ hành chính công”, trong đó cơ quan công quyền xem người dân là khách hàng. Những cải cách này góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân

Tuy nhiên, phải làm rõ một điểm: Nhà nước coi doanh nghiệp là đối tác, có nghĩa là tạo thuận lợi về mặt pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, lắng nghe họ khi xây dựng chính sách, luật pháp và quan trọng nhất là tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, chứ không phải chỉ cho một số doanh nghiệp hoặc một ngành. Các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau trong môi trường bình đẳng đó

Ví dụ ở Singapore, khi Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển trung và dài hạn, trong thành phần Ban xây dựng chiến lược có đại diện của giới doanh nghiệp, gồm các nhà lãnh đạo xuất sắc có nhiều kinh nghiệm và tầm nhìn. Họ là những người đóng góp ý kiến tốt cho quá trình soạn thảo chiến lược, chứ không phải Chính phủ hay ban soạn thảo hợp tác nghiên cứu với một tập đoàn nào đó

Việt Nam đâu có lạ gì

Trong hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, Nhà nước quản lý chủ yếu bằng mệnh lệnh, can thiệp thái quá vào hoạt động kinh doanh. Thậm chí Nhà nước còn chỉ đạo chỉ tiêu sản lượng, mặt hàng sản xuất, khiến doanh nghiệp bị mất đi tính chủ động. Trong cơ chế thị trường, vai trò quản lý Nhà nước trở nên linh hoạt, uyển chuyển hơn, chủ yếu mang tính định hướng và xây dựng hành lang pháp lý. Các doanh nghiệp, dù thuộc sở hữu của ai, quy mô như thế nào, cũng phải tuân thủ pháp luật nhưng vẫn được chủ động trong sản xuất, kinh doanh

Theo cơ chế này, vai trò quản lý của Nhà nước và sự vận hành của cơ chế thị trường hài hòa hơn, tuy không phải là hoàn hảo

Trong những ngày đầu Đổi mới, khi chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang vận dụng cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường đã được bàn thảo rất nhiều. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có nhiều hội thảo cấp cao được tổ chức để thảo luận về việc Chính phủ phải làm gì và không nên làm gì trong cơ chế thị trường

Khi Việt Nam soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999 (có hiệu lực năm 2000), Ban soạn thảo Luật và các cơ quan liên quan đã lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ rộng rãi đại diện doanh nghiệp trên cả nước để nghe ý kiến của họ về Dự thảo Luật. Họ đã đóng góp rất hiệu quả cho Dự thảo Luật. Đó là cách làm tốt, đúng đắn, góp phần quan trọng vào sự thành công của Luật

Quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và Nhà nước còn được phát triển thành sự hợp tác, liên kết trong các dự án cụ thể, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng. Hình thức cộng tác đó gọi là “hợp tác công - tư (Public Private Partnership - PPP), khi Nhà nước và tư nhân cùng bỏ vốn xây dựng một số công trình. Đó là hình thức tốt để thu hút vốn trong xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trong khi vốn Nhà nước còn hạn hẹp

Đương nhiên, nhà đầu tư tư nhân phải được bảo đảm lợi nhuận thích hợp thì họ mới tham gia góp vốn. Lợi nhuận đó được tạo ra từ chính dự án, chứ không phải là lợi nhuận vô hình dưới dạng ưu đãi về chính sách.

Khi các công ty hay tập đoàn hợp tác với Nhà nước xây dựng luật pháp hay chính sách, nếu không có cơ chế thích hợp, sẽ dễ xảy ra tình trạng chính sách bị thao túng. Chính sách có thể bị méo mó theo hướng có lợi cho một tập đoàn hay một ngành nhất định

Khoảng năm 1992, khi Việt Nam bắt đầu xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô, một công ty ôtô lớn của Nhật đã nhiệt tình và hào phóng giúp Việt Nam soạn thảo chiến lược tổng thể phát triển ngành. Trong bối cảnh nước ta rất thiếu kiến thức, kinh nghiệm và cả tài chính, việc được một công ty ôtô lớn giúp đỡ có vẻ như rất đúng lúc

Ngay sau đó, chuyên gia của một số hãng ôtô khác, nhất là các hãng của Mỹ và châu Âu, đã tiếp cận với người có trách nhiệm của Việt Nam. Họ khẳng định, nếu Việt Nam thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển ngành ôtô này thì sau 10 năm, thị trường ôtô của Việt Nam chỉ có một loại xe, là xe của Nhật. Đó chính là điều đã từng xảy ra với Thái Lan trước đây

Khi đó, ý kiến của các chuyên gia này đã được phía Việt Nam quan tâm xem xét

Cẩn thận với con dao 2 lưỡi

Vì vậy, hình thức hợp tác chiến lược đang diễn ra rầm rộ hiện nay cần được xem xét một cách hết sức thận trọng. Trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp, việc huy động nguồn lực, cả tài chính và trí tuệ, từ các tập đoàn để xây dựng chính sách cũng có thể xem xét. Tuy nhiên, phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản

Thứ nhất, chính sách hay luật pháp phải bảo đảm tính minh bạch và phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp

Thứ 2, các văn bản luật pháp, chiến lược phát triển trung và dài hạn, các chính sách quan trọng trước khi ban hành, cần được công bố công khai để công chúng tham gia góp ý kiến, phản biện. Đặc biệt là các chính sách được xây dựng với sự hợp tác chiến lược của một tổ chức kinh tế nào đó. Thành phần các cơ quan, thậm chí tên cụ thể của các thành viên ban soạn thảo phải được công bố. Tại Singapore, danh sách Ban soạn thảo Chiến lược Phát triển từng giai đoạn luôn luôn được công bố rộng rãi cho công chúng

Hợp tác chiến lược giữa Nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực hoạch định chính sách, xây dựng luật pháp, giống như con dao 2 lưỡi. Nó có thể góp phần giải quyết một số khó khăn trước mắt, mang lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, việc làm này có thể gây méo mó trong hành lang pháp lý, tạo bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh và gây tác hại đến sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước

Những sai lệch đó, nếu xảy ra, có thể tác động trên phạm vi rộng lớn và tác hại lâu dài, do không thể một sớm một chiều mà sửa đổi luật pháp, chính sách được

Các nhà hoạch định chính sách, soạn thảo luật pháp, những người làm công tác quản lý Nhà nước luôn thận trọng trước những chuyển biến mới trong nhiều giai đoạn đã qua. Vậy nên, hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng họ sẽ tiếp tục thận trọng và có cái nhìn thấu đáo với hiện tượng nêu trên

Những gì hợp lý sẽ luôn tồn tại. Tất nhiên, phải là hợp lý với số đông
 
Kỳ vọng khởi đầu mô hình hợp tác công – tư​

- Giai đoạn 2 dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cần nguồn vốn đến 470 triệu đôla Mỹ. Thành phố đang cân nhắc đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư (PPP). Nếu thành công, đây sẽ là dự án khởi đầu của thành phố trong mô hình kinh doanh này

Chiều 11.7, UBND TP.HCM, ngân hàng Thế giới (WB) và cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore (IE Singapore) đã ký biên bản ghi nhớ về việc phát triển các mô hình đầu tư hợp tác công – tư (PPP) và mô hình có sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân (PSP) tại Việt Nam. Theo đó điểm bắt đầu là IE Singapore và WB sẽ tư vấn cho TP.HCM lựa chọn mô hình khả thi cho dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn 2

Kinh nghiệm từ nước ngoài

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Chua Taik Him, phó tổng cục trưởng IE Singapore, không giấu tham vọng rằng các doanh nghiệp của họ có cơ hội tham gia vào giai đoạn 2 của dự án này. Vốn là quốc gia gặp nhiều thách thức về nguồn nước nên Singapore có nhiều kinh nghiệm xử lý các vấn đề về tài nguyên nước trong quá trình đô thị hoá. Người đại diện doanh nghiệp Singapore đã không ngần ngại quảng bá về khối doanh nghiệp tư nhân của mình, rằng họ đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trong các dự án PPP về lĩnh vực này. Chẳng hạn Hyflux xây nhà máy khử muối SingSpring; Keppel Integrated Engineering xây nhà máy nước Ulu Pandan NEWater hay Sembcorp xây nhà máy nước Changi NEWater... Singapore còn là một thị trường tài chính đã phát triển, nếu dự án này khả thi thì các doanh nghiệp, các quỹ cơ sở hạ tầng của họ cũng theo đó tìm kiếm cơ hội tham gia. “Chính vì thế dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè không chỉ có tính khả thi mà còn có sức hấp dẫn doanh nghiệp rất lớn”

Theo biên bản ghi nhớ, IE Singapore sẽ cùng WB lựa chọn công ty tư vấn đủ năng lực tiến hành nghiên cứu khả thi để khu vực tư nhân có thể tham gia vào dự án. Ông Alain Barbu, giám đốc điều phối chương trình và dự án của WB tại Việt Nam, nêu rõ WB dự kiến sẽ cung cấp thêm 200 triệu USD cho giai đoạn 2 của dự án. “Chúng tôi tin rằng sự hỗ trợ của đối tác IE Singapore sẽ giúp TP.HCM hiểu rõ hơn về khả năng cho phép tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng đô thị”

Theo ông Alain Barbu, ngoài nguồn vốn 200 triệu USD cho giai đoạn 2 này, đến nay WB cũng đã cam kết nguồn vốn 600 triệu USD cho các dự án hạ tầng đô thị tại TP.HCM. Nhà tài trợ này cũng đã làm việc với bộ Kế hoạch và đầu tư về khung chính sách cho các dự án PPP nhằm tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia cả trong lĩnh vực xử lý nước thải. WB cũng đang cùng bộ Giao thông vận tải đề nghị mô hình PPP cho các dự án giao thông ở phía Nam

Thách thức mô hình mới

Theo ông Nguyễn Phước Thảo, giám đốc trung tâm Điều hành chống ngập của TP.HCM, việc nghiên cứu mô hình PPP/PSP khả thi cho giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay để thực hiện các bước tiếp theo như lựa chọn công nghệ, thiết kế, đấu thầu… Nhu cầu vốn sắp tới lên đến khoảng 470 triệu USD để xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải sinh hoạt của lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè và quận 2, đồng thời xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất dự kiến 830.000m3/ngày đêm. “Bên cạnh nguồn vốn WB thì thành phố đang tham vấn kinh nghiệm của Singapore về việc huy động nguồn vốn theo mô hình PPP”, ông Thảo nói

Nếu huy động nguồn vốn thành công thì đây là dự án đầu tiên của thành phố theo mô hình PPP/PSP. Theo ông Thảo, thành phố đã thực hiện dự án BT tại Tham Lương theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, còn hiện cần thêm bước đi về dự án mô hình PPP để có kinh nghiệm trong nhiều dự án khác. “Việc tư vấn của IE Singapore sẽ giúp TP.HCM kinh nghiệm về mở rộng danh mục để tư nhân tham gia vào các dự án xử lý nước thải nói chung, mà trước mắt là dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2”

Các chuyên gia trong chương trình này cũng cho rằng ở mô hình PPP Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân có vai trò nhất định. Chính phủ cung cấp chính sách vĩ mô, bảo đảm các dự án đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như chất lượng đúng cam kết. Bên cạnh đó là đảm bảo chi phí doanh nghiệp bỏ ra kinh doanh là hiệu quả. Doanh nghiệp là nhà cung cấp chuyên môn, cân nhắc tính khả thi về thương mại và họ cần bảo đảm lợi ích khi đầu tư. Trong khi Việt Nam đang cần huy động nguồn vốn thì mô hình PPP làm sao đủ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia để giảm gánh nặng tài chính của Chính phủ trong đầu tư cơ sở hạ tầng. “Thách thức của Chính phủ là nếu như đã huy động vốn tốt thì lúc đó khai thác kinh nghiệm nhà đầu tư tư nhân ra sao để dự án đi đến hiệu quả và phát triển bền vững”, một chuyên gia nhận định
 
FPT ký hợp đồng tư vấn lớn nhất từ trước đến nay​

Hợp đồng có trị giá 316.000 USD, do FPT làm tổng thầu và KPMG làm thầu phụ

Ngày 15/7, đại diện FPT đã ký hợp đồng Tư vấn xây dựng hệ thống e-mail cho Chính phủ

Đây là hợp đồng theo hình thức đầu tư PPP (Private Public Partnership), do Bộ Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư. FPT là tổng thầu và KPMG là thầu phụ dự án này

Trong vòng 6 tháng, các chuyên gia công nghệ thuộc Trung tâm Hạ tầng Công nghệ FPT (FIS INF) và 2 chuyên gia tư vấn đầu tư PPP của KPMG sẽ cùng tư vấn để xây dựng hệ thống e-mail cho Chính phủ

Ông Đào Gia Hạnh, Giám đốc FIS INF, cho biết, hợp đồng này có giá trị 316.000 USD (chưa bao gồm VAT). "Đây có thể coi là hợp đồng tư vấn lớn nhất của FIS từ trước tới giờ", ông Hạnh nói

Hợp đồng này nằm trong định hướng của FIS INF là đẩy mạnh mảng dịch vụ tư vấn, nhất là các dịch vụ tư vấn sử dụng nguồn vốn World Bank và ODA (Nhật) do những hợp đồng tư vấn này thường có giá trị cao và không liên quan đến phần mua sắm thiết bị
 
PPP y tế và giáo dục: Vì sao chưa nóng ?​

9422_cde240_PPP.jpg

PPP giống như một cuộc hôn nhân. Cả hai bên đều phải thể hiện trách nhiệm cao nhất đối với cam kết của mình​

Sự sốt sắng của Chính phủ trong việc thúc đẩy mô hình hợp tác công tư (PPP) đang mở ra cơ hội cho khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực hạ tầng hứa hẹn sẽ tăng trưởng nhanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình này vẫn đang vướng phải nhiều rào cản khách quan lẫn chủ quan, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục

Do mới ra đời và chưa thể tính toán được hết mọi yếu tố tác động nên xét về hiệu quả lợi nhuận các dự án PPP tại Việt Nam khó có thể hấp dẫn nhà đầu tư ngay”, ông Ayumi Konishi, cựu Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết

Cũ người, mới ta

b6ctlgdvn-1.jpg

Mô hình hợp tác công tư (PPP) đang mở ra cơ hội cho khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực hạ tầng, nhưng lĩnh vực y tế và giáo dục thì vẫn còn bị rào cản ?​

Báo cáo của Tổ chức Kiểm định Chất lượng và Tiêu chuẩn đất đai, bất động sản và xây dựng RICS (Anh) vào giữa tháng 6/2011 cho thấy, tổng nhu cầu vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu sẽ vào khoảng 500.000 tỉ USD từ nay đến năm 2030. Trong đó, hình thức đối tác công - tư PPP là một trong những giải pháp chính có thể tháo gỡ nút thắt huy động vốn trong bối cảnh các nước đều có xu hướng cắt giảm đầu tư công

Ông Simon Taylor, Giám đốc Hội đồng Xây dựng thuộc RICS, cho biết, Mỹ, Canada, Anh, Úc và Ấn Độ sẽ tiếp tục là những mô hình chuẩn về thu hút đầu tư PPP trong 2 thập niên tới

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới với cơ sở hạ tầng được đánh giá khá hoàn chỉnh, hiện vẫn cần nguồn ngân sách lên tới hơn 2.200 tỉ USD cho các dự án xây dựng, sửa chữa và bảo dưỡng hạ tầng. Trong đó, việc nâng cấp hạ tầng y tế và giáo dục dự kiến chiếm khoảng 30%. Báo cáo của RICS cũng cho biết Canada hiện là quốc gia có cơ chế đầu tư PPP thông thoáng và hiệu quả nhất ở cả cấp trung ương lẫn địa phương, có thủ tục và chi phí đầu tư nhanh và thấp nhất

Một dự án PPP vào cơ sở hạ tầng mất trung bình 20-30 năm mới có thể tạo ra lợi nhuận, quá lâu so với kỳ vọng lợi nhuận thường chỉ dưới 8 năm của nhà đầu tư

Theo Bộ Y tế Canada, trong 5 năm qua, chỉ riêng 3 bang British Columbia, Ontario và Quebec đã hoàn tất các dự án đầu tư PPP vào hạ tầng y tế có vốn 10 tỉ đôla Canada. Mới nhất là dự án đầu tư PPP vào Khu Liên hợp Dịch vụ Y tế Niagara ở thành phố Toronto với số vốn hơn 750 triệu đôla Canada theo hình thức thiết kế - xây dựng - vận hành - chuyển giao. Dự án này được tư vấn và thiết kế kiến trúc bởi Công ty B+H, doanh nghiệp Canada có hơn 20 năm kinh nghiệm về quy hoạch, thiết kế các dự án PPP. Công ty này đang mở rộng hoạt động tại châu Á, trong đó có Việt Nam

Trong năm 2010, ADB và Chính phủ Ấn Độ đã hợp tác phát triển dự án “Sáng kiến PPP” nhằm tập trung thu hút đầu tư PPP trong 2 lĩnh vực y tế và giáo dục tại một số bang như Andhra Pradesh, Orissa, Rajasthan, Tamil Nadu và Uttarakhand. Hiện Ấn Độ cần gia tăng ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ 4,7% lên mức 8% tổng sản phẩm nội địa (GDP), tương đương 500 tỉ USD. Tỉ lệ nợ công của Ấn Độ đã ở mức 81,5% GDP (trong giai đoạn 2002-2008) nên việc huy động vốn từ tư nhân là tất yếu. Trên thực tế, các nhà đầu tư tư nhân đã đóng góp khoảng 29% vốn cho các dự án hạ tầng tại Ấn Độ từ năm 2007-2010. Ngoài ra, theo ADB, lĩnh vực y tế và giáo dục chiếm gần 9% GDP của Ấn Độ cũng đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tư nhân trong và ngoài nước

Nhận định của ông David Stavros, Phó Chủ tịch khu vực châu Á Công ty Tư vấn Thiết kế B+H, về mô hình PPP phù hợp với Việt Nam

9422-david-stavros.jpg

Ông đánh giá tiềm năng đầu tư vào các dự án PPP ở Việt Nam như thế nào ?

Đây là lần đầu tiên tôi đến TP.HCM cũng như Việt Nam và tuy mới ở đây 2 ngày nhưng tôi có thể thấy rõ sự năng động của thành phố này. Với tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam, tiềm năng đầu tư PPP là rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi vào Việt Nam chưa được 1 năm nên chưa thể nhận định sâu về triển vọng thu hút đầu tư PPP tại đây. Điều tôi muốn chia sẻ là kinh nghiệm của B+H tại khu vực Bắc Mỹ, nhất là ở Canada, khi tham gia mô hình đầu tư PPP trong hơn 20 năm qua

Vậy Việt Nam có thể học hỏi những gì từ mô hình đầu tư PPP của Canada ?

Tôi cho rằng những yêu cầu then chốt để mô hình PPP thành công là quản lý nhà nước tốt, lựa chọn dự án phù hợp; tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng; quản lý chi phí và tiến độ hiệu quả, nhân lực có kinh nghiệm, quản lý tốt rủi ro; sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà đầu tư tư nhân và tính chủ động của các bên

Liệu có sự khác biệt lớn giữa mô hình đầu tư PPP tại Canada và Việt Nam ?


Về cơ bản là giống nhau nhưng chắc chắn sẽ có sự khác biệt, nhất là yếu tố văn hóa và cấu trúc của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng chỉ có Chính phủ Việt Nam mới có thể thiết lập cơ chế và chính sách thích hợp nhất cho mô hình đầu tư PPP tại đây


Theo khảo sát năm 2010 mang tên “Cuộc cách mạng PPP trong chăm sóc sức khỏe” của Công ty Tư vấn và Kiểm toán PricewaterhouseCoopers, chi tiêu cho lĩnh vực này của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) dự kiến tăng trưởng trung bình tới 51% trong giai đoạn 2010 - 2020; tổng vốn đầu tư hơn 71.000 tỉ USD. Trong đó, Trung Quốc tăng nhanh nhất với 166%; Ấn Độ xếp thứ 2 (140%). “Tuy các dự án PPP trong lĩnh vực y tế còn khá mới ở Trung Quốc nhưng dự kiến tư nhân có thể tham gia góp vốn tới 60%”, ông David Stavros, Phó Chủ tịch khu vực châu Á của Công ty B+H, cho biết

Tại Việt Nam, áp lực nợ công cũng đang gia tăng. Mức nợ công năm nay, theo Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, dự kiến sẽ vào khoảng 1.375 ngàn tỉ đồng, bằng 58,7% GDP. Vì vậy, việc cắt giảm đầu tư công đã bắt đầu được thực hiện mạnh tay. Theo số liệu vào giữa tháng 6.2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 5.556 tỉ đồng thuộc 2.048 dự án đầu tư bằng vốn nhà nước sẽ bị cắt giảm. Và một trong những giải pháp bổ sung cho nguồn vốn thiếu hụt này là mô hình PPP

Tại Việt Nam, khung pháp lý PPP chính thức được mở sau khi Quyết định 71 về Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP được Chính phủ ban hành ngày 9/11/2010 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/1/2011. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông từng phát biểu tại Hội nghị Thường niên lần thứ 44 của ADB hồi tháng 5 rằng, Việt Nam coi cơ sở hạ tầng là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong cơ chế đầu tư PPP; Chính phủ khuyến khích các nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước cùng đầu tư vào lĩnh vực này. “Các nhà đầu tư nên chú trọng đến những lĩnh vực đang quá tải ở Việt Nam như trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông”, ông Đông nói. Ông cũng cho biết một tổ công tác liên ngành cấp trung ương gồm các cán bộ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước đã được thành lập ngay sau khi Quyết định 71 được ban hành. Tuy nhiên, mô hình PPP khởi động khá chậm, do các nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư lẫn khách quan từ phía chính sách

Vẫn chưa nóng

Mới đây, ông Ayumi Konishi của ADB Việt Nam cho biết, định chế tài chính này cũng chưa tham gia dự án PPP nào tại Việt Nam, nhất là trong các ngành liên quan đến dịch vụ công như y tế và giáo dục. Nguyên nhân chính, theo ông Ayumi, nằm ở tâm lý e dè của nhà đầu tư khi phải trực tiếp đề xuất và chờ đợi quyết định của Chính phủ. Hơn nữa, nhà đầu tư đương nhiên đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, nhưng do mới ra đời, chưa thể tính toán được hết mọi yếu tố tác động nên xét yếu tố lợi nhuận các dự án PPP tại Việt Nam khó hấp dẫn họ ngay. Chẳng hạn, theo tính toán của ADB, một dự án PPP vào cơ sở hạ tầng mất trung bình 20-30 năm mới có thể tạo ra lợi nhuận, quá lâu so với kỳ vọng lợi nhuận thường chỉ dưới 8 năm của nhà đầu tư

Ngoài ra, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là 2 trong số các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho một dự án PPP thành công. Tuy nhiên, những điều này là không đơn giản đối với Việt Nam. Đó là chưa kể đến vấn đề nổi cộm trong môi trường kinh doanh của Việt Nam là thủ tục hành chính phiền hà. Đơn cử, Thứ trưởng Đông cho biết có dự án được đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) phải mất hơn 4 năm cho khâu đàm phán. Sự lãng phí thời gian và tiền của này rõ ràng khó có thể chấp nhận, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước với nguồn vốn hạn chế hơn sẽ ưu tiên lựa chọn lĩnh vực không cần nhiều vốn, không đòi hỏi công nghệ hiện đại và thời gian quay vòng vốn nhanh

Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư (không muốn nêu tên) đã phân tích vài lý do cơ bản để giải đáp cho câu hỏi: Tại sao đầu tư PPP trong y tế, giáo dục ở Việt Nam vẫn chưa nóng? Theo vị này, ngoài một số lý do cơ bản như đã nêu, việc các nhà đầu tư chưa mặn mà với dự án PPP trong y tế và giáo dục xuất phát từ bản chất của dịch vụ công là những gì tư nhân không làm được thì Nhà nước mới làm. Vì vậy, cần phải tách bạch công - tư; đâu là lợi ích và trách nhiệm của từng bên trong lĩnh vực này. Đến nay, mặc dù nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào y tế và giáo dục song vẫn chưa có dự án PPP nào được đăng ký. “Trong suy nghĩ của người dân, y tế và giáo dục vẫn thuộc trách nhiệm của Nhà nước nên nhà đầu tư tư nhân chưa muốn thử sức cùng làm PPP chăng?”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi

Ngoài ra, một số công ty tư nhân trong và ngoài nước có đầu tư vào giáo dục khi được hỏi đã cho biết họ không có ý định áp dụng mô hình PPP cho các dự án mới. Lý do là PPP còn quá mới tại Việt Nam và tiềm ẩn nhiều thách thức. Thứ nữa, hành lang pháp lý hiện có và sự hợp tác với khu vực công chưa phải là sự đảm bảo chắc chắn và lâu dài cho việc kinh doanh của họ. “Nếu đặt lên bàn cân, rõ ràng một trường quốc tế do chúng tôi đầu tư 100% vốn sẽ có lợi nhuận hấp dẫn hơn, thủ tục cũng đơn giản hơn so với một dự án PPP”, đại diện kinh doanh một công ty trong nước sở hữu và điều hành trường quốc tế tại Hà Nội chia sẻ

Tháng 10/2010, Trường Đại học Anh quốc tại Việt Nam (BUV) đã khai giảng khóa đầu tiên tại Hà Nội và chủ đầu tư đang xây dựng cơ sở chính rộng 5,5 ha có vốn đầu tư hơn 20 triệu USD tại Khu đô thị mới Ecopark. Đây là dự án 100% vốn nước ngoài. Nhà đầu tư này cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở thứ 2 tại TP.HCM. Ngoài ra, một dự án đại học quốc tế khác tại Đà Nẵng có tên gọi Đại học Anh Việt (UVV) hợp tác với Đại học Đà Nẵng cũng đang được xúc tiến. “Đầu tư PPP trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng khái niệm này còn quá mới nên cần có thời gian để hoàn thiện khung pháp lý. Chúng tôi cũng cần các cam kết hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không chỉ là vấn đề kiểm tra chất lượng dạy và học”, ông Khalid Muhmood, cố vấn cao cấp kiêm thành viên sáng lập BUV và UVV, cho biết

Chuẩn nào cho PPP ?

Thông thường, sự hỗ trợ của Chính phủ là yếu tố then chốt để mô hình đầu tư PPP có thể vận hành tốt. Đầu tiên, khung pháp lý về PPP phải rõ ràng và nhất quán. Kế đến, sự minh bạch thông tin về quá trình lựa chọn và đấu thầu các dự án là nhân tố quan trọng. “PPP giống như một cuộc hôn nhân. Cả hai bên đều phải thể hiện trách nhiệm cao nhất đối với cam kết của mình. Tuy nhiên, không có mô hình PPP nào là chuẩn và mỗi nước đều phải có chiến lược của riêng mình”, ông Simon Taylor thuộc RICS nhận xét

Báo cáo của RICS cho biết, Canada là quốc gia triển khai PPP hiệu quả nhất thế giới trong năm qua, thông qua 2 chiến lược chính là thành lập Ủy ban Giám sát các dự án PPP và khai trương 2 quỹ PPP có tên gọi “Gateways and Border Crossings” và “Building Canada” có vốn đầu tư 1,2 tỉ đôla Canada. Một trong những chức năng chính của tổ chức này là tập trung phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm bằng nguồn vốn công của 2 quỹ này và vốn tư nhân trong và ngoài nước

Đơn cử, Công ty Tư vấn Thiết kế B+H đang tham gia thiết kế dự án Khu Liên hợp Dịch vụ Y tế Niagara theo mô hình PPP. Theo đó, tập đoàn tư nhân Plenary Health tham gia đầu tư hạng mục chính là một bệnh viện quốc tế 375 giường với các dịch vụ như thông tim mạch, điều trị ung thư và các loại bệnh tâm thần. Plenary đã đạt được một thỏa thuận đặc biệt với Sở Y tế địa phương về hình thức hợp tác. Theo đó, Plenary sẽ đầu tư hầu như mọi công đoạn gồm thu xếp tài chính, xây dựng, bảo hành và Nhà nước sẽ chi trả dần từng năm cho Plenary trong 33 năm kể từ năm 2012 (tỉ lệ chi trả không được tiết lộ)

Tại Ấn Độ, năm 2010, ADB đã hợp tác với các chuyên gia y tế và giáo dục của Công ty Tư vấn và Kiểm toán KPMG thành lập nhóm công tác hỗ trợ Chính phủ phân loại các dự án PPP thông qua một số giải pháp kỹ thuật. Nhóm công tác này có 5 mục tiêu chính là (1) đánh giá hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ bản và giáo dục tiểu học của Ấn Độ, (2) thẩm định các dự án PPP có sự tham gia của tư nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục tiểu học, (3) đánh giá các lợi ích từ mô hình PPP, (4) phát triển mô hình PPP phù hợp cho các dự án đầu tư thử nghiệm và (5) xây dựng nhận thức về mô hình PPP cho các quan chức địa phương

Ông Chua Taik Him, Phó Tổng Cục trưởng Cục Phát Triển Doanh nghiệp Quốc tế Singapore (IES), cho biết, thử thách lớn nhất để tạo ra sự khác biệt trong mô hình đầu tư PPP là thấu hiểu nhu cầu của các bên liên quan và sau cùng phải tìm ra một giải pháp “win -win” cho cả Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân lẫn cộng đồng địa phương. Theo ông Chua, đầu tư PPP khá đa dạng về hình thức như Thiết kế - Xây dựng - Vận hành, Thiết kế - Xây dựng - Thu xếp tài chính - Vận hành… và tỉ lệ đầu tư công tư được thỏa thuận theo đặc tính của từng dự án

Mới đây, đại diện Công ty Luật Frasers ở TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết đã gửi đề xuất lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc sửa Điều 13.1 của Quyết định 71 theo hướng không hạn chế tư nhân chỉ được tham gia các dự án PPP Nhà nước đã phê duyệt. Theo vị này, không phải dự án nào Nhà nước phê duyệt cũng được nhà đầu tư và các bên cho vay đánh giá cao về mức độ khả thi để ra quyết định đầu tư

Ngoài ra, theo phân tích của bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực phát triển hạ tầng của KPMG Việt Nam, nhà đầu tư khi vay vốn ngân hàng nước ngoài để đầu tư PPP tại Việt Nam cũng phải cân nhắc 3 rủi ro. Trước hết là về tiền tệ. Việt Nam còn thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro hối đoái dài hạn nên các ngân hàng nước ngoài mong đợi Chính phủ Việt Nam sẽ chia sẻ một phần rủi ro khi họ cho vay các dự án PPP. Tiếp đến là rủi ro trong xây dựng, khiến các ngân hàng nước ngoài thường muốn làm việc với các tập đoàn xây dựng quốc tế danh tiếng hơn là doanh nghiệp trong nước. Sau cùng, rủi ro về tài chính và luật pháp cũng được các ngân hàng nước ngoài quan tâm trước khi quyết định cho vay

Thành Trung - Vĩnh Bảo
 
Khánh Hòa xây dựng 5 tuyến đường theo hình thức BT

5 tuyến đường được triển khai xây dựng gồm đường Lê Duẩn, đường Phạm Văn Đồng, đường Lý Thái Tổ, đường Ngô Gia Tự, đường Ngô Gia Tự nối dài

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai xây dựng 5 tuyến đường trên địa bàn huyện Cam Lâm và Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT)

Cụ thể, 5 tuyến đường được triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Cam Lâm gồm: đường Lê Duẩn, đường Phạm Văn Đồng, đường Lý Thái Tổ, đường Ngô Gia Tự, đường Ngô Gia Tự nối dài

UBND tỉnh Khánh Hòa bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch cho nhà đầu tư để lập dự án kinh doanh khai thác, thu hồi vốn đầu tư dự án BT theo quy định của Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan

Thủ tướng ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét và quyết định việc chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp Hợp đồng BT và các dự án nêu trên theo quy định hiện hành và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư các dự án
 
Đón dòng đầu tư mới từ Nhật​

- Việt Nam cần đến 160 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng nhưng nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 50%. Nguyên đại sứ Nhật tại VN, ông Norio Hattori, khẳng định sẽ có dòng đầu tư mới từ Nhật vào VN nhờ sự xuất hiện kịp thời của hình thức hợp tác công- tư (PPP), mở ra cơ hội đầu tư mới

509478.jpg

Đại diện Công ty J Power rất quan tâm đến các dự án điện ở Việt Nam​

Tại diễn đàn đầu tư Việt - Nhật do Bộ Kế hoạch - đầu tư và báo Mainichi tổ chức tại Tokyo ngày 22-7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh tính hấp dẫn của PPP và hi vọng các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chiếm 30% tổng nguồn vốn đầu tư qua hình thức PPP

20 tỉ USD mỗi năm

1.552
Đó là số dự án đầu tư của Nhật Bản vào VN từ trước đến nay với tổng vốn đăng ký gần 21,4 tỉ USD


Theo ông Đông, Nhà nước không thể tiếp tục dùng các kênh huy động vốn truyền thống như phát hành trái phiếu chính phủ, vốn ODA để phát triển các dự án cầu, đường, bến cảng, điện, nước... Với các dự án tham gia PPP, vốn nhà nước chỉ tham gia tối đa 30%, vì thế doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận một thị trường 20-25 tỉ USD mỗi năm là đầy hấp dẫn. Nhận định tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng là rất cao nên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng các doanh nghiệp nước này sẽ chiếm 20-30% giá trị đầu tư toàn thị trường PPP trong những năm tới

Ông Katsuhiko Murayama - vụ trưởng Vụ Hợp tác tài chính, Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản - cho biết gần đây ông nhận được nhiều thông tin về các doanh nghiệp Nhật tăng đầu tư vào VN, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn ở thị trường trong nước đang muốn chuyển hướng ra nước ngoài, trong đó VN là sự lựa chọn ưu tiên” - ông Murayama nói. Theo ông Murayama, việc ứng dụng hình thức mới là PPP trong thu hút đầu tư đang tạo ra sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp Nhật

Ông Đặng Xuân Quang, cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết hiện có 24 dự án được xem xét làm thí điểm cho hình thức đầu tư PPP với tổng vốn dự kiến 20 tỉ USD. Trong đó có những dự án được ưu tiên đầu tư như đường cao tốc, sân bay, nhà máy điện...

Yên tâm hơn

Ông Teruo Tsuneda (tổng giám đốc phụ trách Văn phòng kinh doanh quốc tế, báo Mainichi):

Trọng tình bạn và sự trung thành

Ngay sau khi trận động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, chúng tôi đã có chuyến làm việc ngắn ngủi ở VN. Chuyến đi đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm nồng ấm và chân thành của dân tộc VN dành cho Nhật Bản. Cũng như các bạn, người Nhật Bản chúng tôi rất trọng tình bạn và sự chân thành. Tôi nghĩ cần làm điều gì đó để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước bởi từ lâu VN và Nhật Bản đã là bạn bè thân thiết và có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và kinh doanh...

Nhật Bản nhận thức được VN là một trong những đối tác chiến lược quan trọng. Vì vậy, diễn đàn kinh tế này là một trong những cơ hội để doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận và tìm hiểu thêm về kinh tế VN nhằm có thêm những dự án đầu tư mới vào đất nước của các bạn



Tham dự diễn đàn, ông Yoshimori Kanda, trợ lý giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn Sojitz, nhận xét: “Khi áp dụng PPP, với sự tham gia 30% của Nhà nước là một yếu tố hấp dẫn, tạo sự tin tưởng nơi nhà đầu tư. Tôi nghĩ các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ nhìn thấy cơ hội của mình ở VN”

Giải thích rõ hơn về vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong PPP, ông Đặng Huy Đông cho biết sẽ có ba quỹ được hình thành để Chính phủ thực hiện một số giải pháp, công cụ trợ giúp các dự án PPP. Nguồn vốn từ Nhà nước sẽ thuê tư vấn quốc tế xây dựng dự án có thể đạt đến mức có thể đem ra thị trường vốn quốc tế để huy động vốn. “Chúng tôi sẽ tính toán rủi ro và phân bổ rủi ro một cách rạch ròi giữa nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước. Đảm bảo cho khu vực tư nhân tham gia đạt được tỉ lệ hoàn vốn và lợi nhuận khả quan” - ông Đông nói

Ông Đông giải thích: “Trong một số trường hợp do quy mô thị trường chưa đủ lớn hoặc do chính sách an sinh, Nhà nước phải bù lỗ, bù giá cho người dân... thì Nhà nước sẽ dùng nguồn tiền từ quỹ này bù cho dự án. Hoặc Nhà nước có thể tham gia một số vốn ban đầu từ 15-20% vốn dự án”. Ông Đông cho biết các quỹ hỗ trợ dự án PPP được một số tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ và sẵn sàng đổ vốn vào như JICA, IFC (của Ngân hàng Thế giới) và một số quỹ đầu tư của Anh, Nhật, Hàn Quốc...

Ông Norio Hattori tỏ ra rất lạc quan về hình thức đầu tư PPP được áp dụng ở VN bởi theo ông, những nước khác như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan... đã thành công trong việc phát triển hạ tầng nhờ PPP. “Tất nhiên PPP không phải là “thuốc tiên” để nói rằng sẽ thành công mỹ mãn cho các dự án. Nhưng qua kinh nghiệm và quan sát, tôi tin nó sẽ phát huy hiệu quả ở VN. Tôi biết việc giải ngân nguồn vốn ODA ở VN bị nghẽn vì một số nguyên nhân, nay PPP sẽ giúp triển khai dự án ODA tốt hơn” - ông Hattori nói. Theo vị cựu đại sứ này, các doanh nghiệp Nhật đã sẵn sàng, chỉ cần VN có giải pháp thì vốn sẽ chảy vào
 
Doanh nghiệp nên thuê thiết bị điện ?

- Dự toán năm 2011, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức 15%. Công nghiệp và xây dựng là hai lĩnh vực tiêu thụ nhiều điện nhất trong khi nhiều dự án điện chưa đi vào hoạt động, nguồn năng lượng chủ yếu hiện có của Việt Nam chỉ là thủy điện, than và khí

26-07DNNENTHUETHIETBIDIEN.jpg

Ông Tim Brownbill, GĐ UKTI, Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM​


Hiện nay nhu cầu điện, năng lượng tại Việt Nam là rất lớn với mức tăng 15-17% hàng năm

Dự toán năm 2011, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức 15%. Công nghiệp và xây dựng là hai lĩnh vực tiêu thụ nhiều điện nhất trong khi nhiều dự án điện chưa đi vào hoạt động, nguồn năng lượng chủ yếu hiện có của Việt Nam chỉ là thủy điện, than và khí

Điều này đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thử thách lớn. Năng lực sản xuất điện của Việt Nam không theo kịp nhu cầu trong nước và một số nước khu vực. Trong bối cảnh đó, việc thuê thiết bị điện đang được nhiều doanh nghiệp (DN) tính đến. Và cũng theo các chuyên gia tư vấn DN, đây là một giải pháp mang tính khả thi, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thiếu điện trước mắt và có thể ứng phó với tình trạng thiếu điện kéo dài

Ông Tim Brownbill, Giám đốc Cơ quan Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh (UK TRADE & INVESTMENT - UKTI) cho rằng nếu doanh nghiệp chờ khi cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết bị điện...được hoàn thiện mới hoạt động thì sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội, trong khi giá hàng hóa liên tục tăng. Có những thiết bị đắt tiền vận hành không thể thiếu điện, điện không thể “chập chờn”. Thuê thiết bị điện sẽ giúp doanh nghiệp chủ động đối phó với tình trạng thiếu điện trong một thời gian nhất định; đặc biệt là ở khu vực hẻo lánh, xa trung tâm, thiếu mặt bằng xây dựng v.v...

Và theo ông Tim Brownbill, những thiết bị mà doanh nghiệp Việt Nam có thể thuê mướn là máy phát điện công suất lớn, máy biến áp, thiết bị kiểm soát nhiệt lượng, thử tải...Doanh nghiệp nên thuê không nên mua những thiết bị này bởi như vậy, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và doanh nghiệp không phải lo bảo quản, bỏ chi phí sửa chữa nếu thiết bị hỏng bởi sẽ được dịch vụ cho thuê bảo đảm

Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Đội trưởng Đội Cơ điện cảng – Cảng Container Quốc tế Việt Nam cũng cho rằng đây là một giải pháp hay trong tình hình hiện nay ở Việt Nam bởi trong nhiều tình huống, máy móc thiết bị đắt tiền hư hỏng ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất buộc phải sửa, thay thế gấp. Tuy nhiên doanh nghiệp hầu như chỉ biết chờ sửa, chờ thay mà không có được máy móc thay thế kịp, do vậy sản xuất dễ bị đình trệ, ảnh hưởng đến doanh thu doanh nghiệp cũng như đời sống công nhân nhân

“Nhưng doanh nghiệp cũng cần phải tính toán, cân đối kỹ về chi phí, chất lượng và khả năng sinh lời khi thực hiện việc thuê thiết bị điện”, ông Vĩnh kết luận
 
Nhật và Mỹ liên kết tài trợ các dự án hạ tầng Việt Nam​

10eavataraspx6.jpg

Phía Cơ quan hợp tác của Nhật và Mỹ sẽ đệ trình Chính phủ Việt Nam một kế hoạch, trong đó có việc thành lập một quỹ đầu tư vào năm tới

Nhật Bản và Mỹ vừa nhất trí hợp tác để tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác theo hình thức Đối tác công-tư (PPP)

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ hợp tác để hỗ trợ các quan hệ PPP ở tất cả các giai đoạn của dự án phát triển hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á, từ khâu lập kế hoạch đến thiết kế, mua sắm, xây dựng và điều hành

JICA và USAID dự kiến thực hiện dự án hợp tác đầu tiên ở Việt Nam và sẽ đệ trình Chính phủ Việt Nam một kế hoạch, trong đó có việc thành lập một quỹ đầu tư vào năm tới

Dự kiến vào tháng 3/2012, JICA sẽ thành lập một quỹ có trị giá từ 400 đến 500 triệu USD để tài trợ cho các dự án PPP và đóng góp vào quỹ này dưới dạng các khoản đầu tư và cho vay

USAID sẽ bảo lãnh lên tới 50% giá trị vốn vay cho các dự án sử dụng quỹ này và tìm kiếm sự hợp tác từ các tổ chức tài chính ở Việt Nam và Mỹ

Các dự án nằm trong chiến lược hợp tác của hai cơ quan này gồm các nhà máy điện và các cơ sở năng lượng khác, thông tin và viễn thông, đường bộ và các hệ thống giao thông khác, các hệ thống cấp thoát nước

Ngoài Việt Nam, JICA và USAID cũng có kế hoạch hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia
 
Thủ tướng đồng ý nâng cấp tuyến đường bauxite theo hình thức BT​

- Tuyến đường nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ việc vận chuyển alumina khi chưa có cảng Kê Gà

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư dự án khôi phục, cải tạo nâng cấp quốc lộ 20 qua tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT)

Theo quyết định được ký trước đó của Bộ Giao thông Vận tải, khi chưa xây dựng cảng Kê Gà (Bình Thuận) thì sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 725 đoạn từ Nhà máy alumin Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) đến quốc lộ 20 (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và tỉnh lộ 769 đoạn từ Dầu Giây đến Long Thành (Đồng Nai)

Trước đó, vào cuối tháng 6, hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, đề nghị đẩy nhanh việc cải tạo các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn 2 tỉnh này để đảm bảo an toàn giao thông
 
Nhà nhà làm sân bay​

9512_hang-khong-mien-Nam.jpg

Cụm cảng hàng không miền Nam​

“Tôi tin rằng, khi có sân bay, cảng biển, đường cao tốc, Bình Thuận sẽ cất cánh”, một vị lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận cho biết

"Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang và sẽ tiếp tục đạt mức siêu lợi nhuận mỗi năm từ những hoạt động kinh doanh dịch vụ mang tính độc quyền”, một chuyên gia ngành hàng không (không muốn nêu tên) cho biết

Rộn ràng dự án

Với vị thế đặc biệt là cảng hàng không quốc tế tọa lạc tại TP.HCM, sân bay Tân Sơn Nhất có mức đóng góp hằng năm cho ngân sách địa phương và trung ương lên tới hàng ngàn tỉ đồng

Nhiều tỉnh thành có lẽ muốn được như TP.HCM nên đã lên kế hoạch đầu tư sân bay để cất cánh kinh tế địa phương

Hôm 15.6, quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, cảng hàng không này không chỉ là sân bay lớn nhất nước mà còn là sân bay trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn của thế giới. Sân bay Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm, có thể tiếp nhận được loại máy bay lớn nhất thế giới hiện nay là A380

Tổng vốn đầu tư cho dự án này lên tới 12 tỉ USD. Trong giai đoạn 1, đến năm 2020, dự án sẽ xây dựng 2 đường hạ cất cánh song song để đáp ứng việc khai thác máy bay A380. Riêng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 đã là 6,7 tỉ USD. Cảng Hàng không Long Thành được đánh giá là dự án quan trọng trong số 24 dự án được đệ trình lên Bộ Giao thông Vận tải để mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

Liên tục trong những tháng đầu năm nay, các vị lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã đến một số địa phương để công bố quy hoạch dự án sân bay tại đó. Ngày 7.7, tại tỉnh An Giang, Cục công bố quy hoạch sân bay An Giang. Theo đó, đến năm 2020, sân bay An Giang sẽ tiếp nhận loại máy bay ATR72 và tương đương. Sau năm 2020, sân bay sẽ tiếp nhận loại máy bay A321 và đạt tiêu chuẩn cấp 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) đối với hoạt động dân dụng

Trước đó, vào ngày 10.6, Cục đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum công bố quy hoạch sân bay Kon Tum giai đoạn 2020 và định hướng sau 2020. Đây sẽ là sân bay dân dụng cấp 3C, có thể tiếp nhận loại máy bay ATR72. Lượng hành khách giờ cao điểm lên đến 300 hành khách/giờ và lượng hàng hóa đạt khoảng 10.000 tấn/năm. Ngoài ra, Cục cũng đã công bố quy hoạch các sân bay Thanh Hóa, Quảng Trị, Lai Châu và Quảng Ninh

Như vậy, thực tế cho thấy tình trạng nhà nhà muốn làm sân bay đang diễn ra và cuộc đua này xem ra cũng được dự báo không kém phần gay cấn so với cuộc đua đầu tư cảng biển. Mục tiêu hàng đầu của cuộc đua này là để tạo bệ phóng cho kinh tế địa phương cất cánh, nhất là những tỉnh ở vùng sâu. Mới đây, một vị lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận đã nói: “Tôi tin rằng, khi có sân bay, cảng biển, đường cao tốc, Bình Thuận sẽ cất cánh. Nhưng cuộc đua về đầu tư hạ tầng này giữa các tỉnh sẽ rất quyết liệt”

Dự báo sáng sủa, các tỉnh cùng đua

Trên thực tế, công tác quy hoạch ở Việt Nam chưa được tốt. Bài học về quy hoạch đầu tư hệ thống cảng biển ở miền Trung trong những năm qua là một ví dụ. Suốt một đoạn bờ biển từ tỉnh Khánh Hòa đến Thanh Hóa, hầu như tỉnh nào cũng được quy hoạch xây dựng một cảng nước sâu vì địa phương nào cũng muốn đóng vai trò đầu mối trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực. Kết quả là rất nhiều cảng xây xong đã lâm vào cảnh đói hàng

Cảng Sông Hàn và cảng Tiên Sa ở thành phố Đà Nẵng có công suất thiết kế tổng cộng khoảng 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm 2009, lượng hàng thông quan của cả 2 cảng này chỉ đạt 3,16 triệu tấn. Năm 2010, lượng hàng thông quan cũng chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh so với 2009. Ông Nguyễn Sia, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, cho rằng khâu dự báo lượng hàng luôn có vấn đề. “Khi xây dựng, các dự báo về hàng hóa đến từ hành lang kinh tế Đông Tây khiến viễn cảnh cảng biển miền Trung rất sáng sủa. Tuy nhiên, thực tế hàng hóa từ nguồn này không nhiều, trong khi các tỉnh lân cận đua nhau làm cảng”, ông nói. Theo ông Sia, đầu tư một cảng biển ở miền Trung rất tốn kém, nhưng xây dựng rồi hàng hóa không nhiều khiến các cảng đang phải cạnh tranh lẫn nhau

“Thay vì mỗi tỉnh đều có cảng, nên tập trung đầu tư một vài cảng lớn ở khu vực này, tránh tốn kém, lãng phí nguồn vốn”, ông nói. Và thực tế này có nhiều khả năng sẽ lặp lại đối với công tác quy hoạch và đầu tư hệ thống sân bay trong nước.

Việc quy hoạch và đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là cần thiết. Tuy nhiên, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Việt Nam còn nghèo mà phải chi 6-8 tỉ USD để xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là lãng phí trong khi chỉ cần chưa đến 1 tỉ USD để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là có thể đáp ứng nhu cầu thực tế trong 10-15 năm nữa. “Chỉ nên xây sân bay Long Thành sau hơn 10 năm nữa”, ông Sơn cho biết. Ông Sơn là kiến trúc sư đã có công trình kiến trúc ở Bắc Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và là con trai của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người thiết kế Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất)

Ngoài ra, đầu tư các sân bay địa phương tại những tỉnh có chỉ số cạnh tranh kinh tế thấp sẽ tiêu tốn nhiều ngân sách Nhà nước. Đơn cử, vốn đầu tư sân bay An Giang dự kiến lên tới 3.417 tỉ đồng, Kon Tum 1.543 tỉ đồng, Thanh Hóa 2.614 tỉ đồng. Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện có nhiều sân bay địa phương được Nhà nước đầu tư tốn nhiều tiền nhưng hiệu quả khai thác khá thấp như Chu Lai, Đông Tác, Cà Mau, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phù Cát và Nà Sản

Tiếp đến, việc triển khai đầu tư hàng loạt các sân bay địa phương trong tương lai, nếu không được tính toán kỹ, sẽ dẫn đến lãng phí. Ví dụ, theo quy hoạch, sân bay An Giang chỉ cách sân bay Cần Thơ và sân bay Rạch Giá khoảng 60 km. Tại An Giang cũng đang có 3 sân bay cũ không được khai thác là sân bay Long Xuyên, Châu Đốc và Núi Sam.

Trước làn sóng xin làm sân bay như vậy, một trong những giải pháp khả dĩ nhất để có thể giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước là huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo mô hình hợp tác công tư PPP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện vẫn chưa có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nào trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hàng không được triển khai thành công. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị lên Thủ tướng xin cơ chế đột phá cho Dự án liên doanh với đối tác nước ngoài đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài ở Thừa Thiên Huế. Dự án FDI đầu tiên trong lĩnh vực hàng không này đang đứng trước nguy cơ phá sản ngay trong giai đoạn chuẩn bị

Kết quả nghiên cứu do Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Trung (MAC), đối tác được chọn để liên doanh với Tập đoàn International Airport (IA) của Singapore, cho thấy, tính khả thi tài chính của dự án này rất thấp. Theo đề xuất ban đầu, liên doanh được thành lập trên cơ sở MAC góp 51% vốn và IA góp 49% vốn để đầu tư nâng cấp sân bay Phú Bài có khả năng tiếp nhận máy bay Boeing 777 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 6.087 tỉ đồng

Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, cả 2 phương án đầu tư đều có độ rủi ro tài chính rất cao. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu nhận xét: “Với phương án 1, vốn đầu tư của liên doanh 50%, vốn vay thương mại 50%, nhà đầu tư có thể bị lỗ ít nhất 686 tỉ đồng sau 25 năm hoạt động. Đối với phương án 2, vốn 100% của liên doanh, tuy có tính khả thi tài chính, nhưng rất khó thành, bởi không nhà đầu tư nào chịu tham gia đầu tư bằng vốn chủ sở hữu”

Trước đó, Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty Joinus (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Hàng không Hàn Quốc lập đề xuất về những điều kiện cụ thể cho Dự án đầu tư Cảng Hàng không Quảng Ninh theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Tuy nhiên, đến nay các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn chưa sốt sắng với dự án này. Trong khi IA có thể lỡ cơ hội vì tính khả thi tài chính, Joinus chưa sốt sắng thì Airis Holdings (Mỹ) lại vừa tuột mất cơ hội đầu tư Nhà ga T2 của Sân bay Quốc tế Nội Bài với lý do đơn giản là nộp đơn muộn

Tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức có văn bản từ chối đề xuất tham gia đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Nội Bài của tập đoàn này. Hiện Dự án xây dựng Nhà ga Hành khách T2 đã được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không miền Bắc làm chủ đầu tư với tổng mức vốn 804 triệu USD. Nếu Dự án này được đầu tư đúng tiến độ, cơ sở hạ tầng cảng hàng không Nội Bài sẽ đáp ứng được nhu cầu khai thác trong vòng 5-10 năm tới. Do đó, Bộ chưa có nhu cầu gọi vốn FDI cho dự án này

Như vậy, trong lúc các dự án FDI hạ tầng hàng không vẫn chưa khởi động với nhiều lý do khác nhau thì dự án quy hoạch sân bay của một số tỉnh lần lượt được Cục Hàng không Việt Nam công bố và dự kiến còn tiếp tục

Trong lúc này, lãnh đạo các địa phương vẫn ấp ủ mong muốn cất cánh kinh tế bằng sân bay

Vĩnh Bảo
 
Đầu tư hạ tầng khu bảo tồn lăng mộ các triều vua nhà Lý theo hình thức BT

- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý chủ trương thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình chính khu bảo tồn di tích lịch sử văn hóa lăng mộ các triều vua nhà Lý theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)

UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo hoàn thiện lại Đề xuất dự án trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để có cơ sở phê duyệt Đề xuất dự án và bổ sung dự án vào danh mục dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT

Phó Thủ tướng lưu ý, UBND tỉnh Bắc Ninh cần thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy mô và nội dung chuyên môn của dự án theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, trên cơ sở đó tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án làm cơ sở cho việc lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đàm phán hợp đồng dự án với nhà đầu tư
 
Thủ tướng đồng ý đầu tư 4 tuyến tỉnh lộ Nam sông Đuống theo hình thức BT​

- Dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh lộ: TL 281, TL 282B (Bút Tháp - Vạn Ninh), TL 283 (Dâu - Ngũ Thái), TL 285B

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý về nguyên tắc Dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường tỉnh lộ trên tại khu vực Nam sông Đuống theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)

UBND tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm thực hiện dự án khác tại các khu đất nơi có tuyến đường đi qua thuộc địa bàn các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài để tạo nguồn vốn hoàn trả cho Dự án BT, phù hợp với các quy hoạch có liên quan

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh xem xét, quyết định việc lựa chọn Nhà đầu tư trên cơ sở tình hình thực tế của tỉnh, tính cấp bách của dự án và chỉ đạo triển khai thực hiện dự án
 
Chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cầu Sài Gòn 2 sang BT

ab6causaigon2842011.jpg

- Hiện dự án có đến 3 nhà đầu tư chờ xin thực hiện và là 1 trong 8 dự án trọng điểm do UBND TPHCM thực hiện chỉ định nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2, TPHCM từ hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) sang hình thức BT (xây dựng-chuyển giao)

Thủ tướng cũng đồng ý UBND TPHCM được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án trên, đảm bảo đúng các quy định

Trước đó, dự án BOT cầu Sài Gòn 2 được UBND TPHCM đồng ý về mặt chủ trương giao cho CTCP đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ (PMC), với tổng vốn đầu tư của công trình này dự kiến khoảng 2.430 tỷ đồng

Đến tháng 5/2010, Tổng công ty Xây dựng số 1, Bộ Xây dựng (CC1) xin được đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2, với tổng mức đầu tư dự kiến chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng. Sau đó, PMC đã tính toán lại mức vốn xây dựng cầu và giảm vốn đầu tư từ 2.430 tỷ đồng xuống còn 1.600 tỉ đồng

Mới đây, Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) cũng muốn đầu tư xây dựng công trình này. Như vậy, hiện dự án cầu Sài Gòn 2 có đến 3 nhà đầu tư chờ xin thực hiện

Tháng 4/2011, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ủy quyền cho UBND TP thực hiện chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng để sớm triển khai thực hiện 8 dự án trọng điểm trong đó có dự án cầu Sài Gòn 2 nhằm giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, nhất là sau khi mở rộng xa lộ Hà Nội
 
Đề xuất 5 biện pháp đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng Việt Nam​

ec5IMG0154Copy-1.jpg

Đầu tư xây dựng hạ tầng có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của kinh tế quốc gia​

- 10 năm qua, tổng đầu tư kết cấu hạ tầng tại Việt Nam đạt tỷ lệ trung bình 10%, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển khác

Kết cấu hạ tầng là một loại hình bất động sản đặc thù, sử dụng cả nguồn vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân, gồm các lĩnh vực then chốt như giao thông, năng lượng, thủy lợi...

Các lĩnh vực này có tầm quan trọng đặc biệt, tác động trực tiếp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia nên rất được Chính phủ coi trọng

Trong vòng 10 năm, từ 2001 - 2010, tỷ lệ đầu tư bình quân vào kết cấu hạ tầng của nước ta là 10%, cao hơn nhiều so với thời kì đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực này của các quốc gia khác trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc trong giai đoạn 2003 - 2004 là 8%, của Hàn Quốc là 8,7% (từ 1960 - 1990), của Đài Loan là 9,5% (từ 1979 - 1990)

Tuy nhiên, tới thời điểm này, kết cấu hạ tầng tại Việt Nam vẫn là “những điểm nghẽn cản trở phát triển” nền kinh tế, theo Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI - 2011

Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đã đưa ra những đề xuất đổi mới quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam

Thứ nhất: Cần lập quy hoạch tổng hợp hệ thống hạ tầng quốc gia

Để xác định tính hiệu quả của nguồn vốn đầu tư, có thể dựa vào hệ số sử dụng vốn (ICOR). Hệ số này được xác định bằng cách lấy tỷ suất tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP chia cho tốc độ tăng trưởng GDP. Hệ số này càng nhỏ nghĩa là hiệu quả của nguồn vốn đầu tư hạ tầng đối với sự tăng trưởng GDP của đất nước càng cao

ICOR của Việt Nam trong nhiều năm gần đây thường ở khoảng 5-6 và có xu hướng tăng lên trong khi các nước khác thường duy trì ở mức 2,5 - 3,5. Điều này dẫn đến việc lãng phí nguồn vốn đầu tư, làm chậm sự phát triển của kinh tế xã hội

Bởi vậy, TS Liêm đề nghị Chính phủ lập và hoàn thành quy hoạch lãnh thổ Việt Nam vào giữa năm 2012, trong đó bao gồm cả quy hoạch tổng hợp hệ thống kết cấu hạ tầng cả nước và từng vùng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giao thông, thủy điện, thủy lợi

Đồng thời, để tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát trong quá trình thực hiện đầu tư bằng vốn Nhà nước, tiến sĩ Liêm cũng đề nghị thành lập các Hội đồng thẩm định quy hoạch và dự án lớn kết cấu hạ tầng cấp quốc gia và cấp vùng

Thứ 2: Lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng 5 năm và hàng năm

Kế hoạch đầu tư xây dựng bao gồm 2 phần là kế hoạch chuẩn bị đầu tư và kế hoạch đầu tư

Tuy nhiên, kế hoạch chuẩn bị đầu tư (gồm việc lập báo cáo đầu tư, xác định địa điểm, khảo sát thiết kế, bồi thường giải phóng mặt bằng,...) thường bị coi nhẹ, ít được quan tâm. Điều này dẫn đến các vấn đề phát sinh trong khâu thực hiện đầu tư như tổng mức dự toán không phù hợp, tiến độ thực hiện dự án kéo dài do giải phóng mặt bằng chậm, tổ chức đấu thầu kéo dài,.... gây lãng phí và thất thoát nguồn vốn

Vì vậy, Tiến sĩ Liêm cho rằng, kế hoạch chuẩn bị đầu tư 5 năm và hàng năm cũng cần được coi trọng như chính kế hoạch đầu tư, cần được cấp vốn đầy đủ và giám sát chặt chẽ

Đồng thời, các cấp có thẩm quyền nên xem xét việc chuyển khâu giải phóng mặt bằng từ kế hoạch đầu tư sang kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chỉ cho phép tổ chức đấu thầu khi dự án đã có sẵn mặt bằng xây dựng

Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư cho dự án cần được cập nhất bằng cách rà soát điều chỉnh trong thời hạn không quá 3 tháng trước ngày tổ chức đấu thầu

IMG0256-1.jpg

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đưa ra 5 đề xuất biện pháp đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng Việt Nam trong Diễn đàn “Đầu tư xây dựng và bất động sản Việt Nam 2011: Kinh tế và triển vọng” tại Hà Nội hôm 26/8​

Thứ ba: Phân tích chi phí - lợi ích trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án hạ tầng

Trong các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của các dự án kết cấu hạ tầng đều có mục đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án có thể đem lại nếu được thực thi

Tuy nhiên, các báo cáo này thường được soạn thảo một cách đại khái, chiếu lệ, chỉ có những đánh giá mang tính chung chung nên thường không có giá trị đối với việc ra quyết định đầu tư

Vì vậy, việc đánh giá “hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án có thể đem lại nếu được thực thi” nên được thay bằng việc “phân tích chi phí - lợi ích của dự án”

Đặc điểm của việc phân tích này là “quy ra tiền” các tác động cả tích cực lẫn tiêu cực mà dự án có thể đem lại đối với nền kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa xã hội,.... Từ đó các nhà quản lý có thể căn cứ vào chỉ số lợi ích/chi phí để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả và hợp lí

Thứ tư: Nhanh chóng hoàn thiện thể chế hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng

Phương thức hợp đồng PPP đang ngày càng có ý nghĩa hơn và quan trọng hơn đối với việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khi nguồn vốn ODA vào nước ta đang giảm dần

PPP thực chất là quan hệ 3 chia sẻ, nghĩa là chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và rủi ro vì hợp đồng thường kéo dài trong khoảng 20 - 30 năm

Hiện nay nước ta có khá nhiều dự án đầu tư được triển khai theo phương thức PPP nhưng kết quả đạt được khá nghèo nàn, nguyên nhân chủ yếu là do yếu kém về thể chế

Bởi vậy, Nhà nước cần có các quy định, quy chế rõ ràng nhằm tạo hành lang pháp lí cho các đối tác tư nhân có nguồn vốn lớn có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ năm: Nhà nước cần hoàn thiện thể chế thuê tổ chức quản lý dự án đầu tư hạ tầng

Ở nước ta, chủ đầu tư các dự án công quy mô lớn thường là các Bộ, UBND câp tỉnh và các doanh nghiệp Nhà nước

Tuy nhiên, trên thực tế các chủ đầu tư công thường chọn hình thức tự quản lý dự án và giao nhiệm vụ quản lý này cho các ban quản lý dự án (các PMU) do Bộ hay cấp tỉnh lập ra

Cách làm này đã tồn tại nhiều năm nay và đã bộc lộ nhiều hạn chế khi đây là kẽ hở dẫn đến việc tham nhũng, gây thất thoát nguồn ngân sách, giảm hiệu quả, chất lượng công trình, kéo dài thời gian thi công,... nhưng chưa được xem xét đổi mới

Quy mô của các công trình đầu tư công đang ngày càng lớn, trong đó có cả những dự án khổng lồ như cầu vượt biển, đường tàu điện ngầm, điện nguyên tử,... nên cách quản lý của nhà nước cũng cần phải thay đổi cho phù hợp
 
Tiếp tục đầu tư vào ngân hàng và hạ tầng​

Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam

Ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan của IFC, trao đổi với NCĐT về những ưu tiên đầu tư ở Việt Nam. IFC đã cam kết đầu tư 800 triệu USD vào Việt Nam trong năm nay, tăng hơn gấp đôi năm 2010

Ưu tiên đầu tư của IFC ở Việt Nam là gì ?

Ưu tiên của IFC là phát triển kinh tế. Nhưng mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân vì đây là khu vực tạo công ăn việc làm và đem đến cơ hội cho người dân. Chúng tôi đang tham gia 3 lĩnh vực. Thứ nhất là ngành ngân hàng, với việc hỗ trợ phát triển mô hình tín dụng thương mại quy mô nhỏ, gia tăng năng lực cho vay của ngân hàng tới các cá nhân lẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa

Lĩnh vực thứ 2 chúng tôi tham gia là cơ sở hạ tầng. Trong 10 năm tới, Việt Nam cần khoảng 200 tỉ USD để xây dựng đường sá, cảng biển, nhà máy điện, nhà máy xử lý nước. Phân nửa số tiền này phải do khu vực tư nhân cung cấp. Vì thế Việt Nam nên phát triển những mô hình mới nhằm đáp ứng tài chính cho các dự án loại đó. Mô hình hợp tác công tư (PPP) đang được xúc tiến có thể là một giải pháp. Chúng tôi cũng đầu tư vào các dự án có khả năng giúp cải tiến chất lượng và việc tiếp cận giáo dục và y tế

Lĩnh vực thứ 3 chúng tôi nhắm tới là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Chúng tôi muốn giúp họ phát triển doanh nghiệp của mình, nắm bắt được các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, quản lý rủi ro và tài chính. Qua đó họ có thể trở thành những người đứng đầu thị trường nội địa, đứng đầu khu vực và có khả năng cạnh tranh toàn cầu

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng dù thông qua mô hình PPP, thông qua ngân sách nhà nước hay theo hình thức Xây dựng-Sở hữu-Kinh doanh (BOO), đều đòi hỏi những nguồn vốn khổng lồ. Vì thế cần phải phát triển cả các thị trường vốn chưa xuất hiện tại Việt Nam. Cần phát triển các thị trường như tài sản dài hạn, trái phiếu dài hạn, trái phiếu hạ tầng cơ sở

Ông cho biết tên vài công ty IFC đã đầu tư vào ?

IFC đã đầu tư vào một số doanh nghiệp là những công ty nhỏ mới thành lập, cả những công ty đã nổi tiếng trong ngành công nghệ thông tin và công nghệ. Chúng tôi là một trong những tổ chức đầu tiên đầu tư vào Công ty Thực phẩm Masan Food. Gần đây chúng tôi cũng đã đầu tư hỗ trợ Công ty Thiên Minh sở hữu chuỗi khách sạn Victoria. Đây cũng là một trong những ví dụ đầu tiên về một công ty Việt Nam mua lại một công ty nước ngoài

IFC lựa chọn công ty để đầu tư dựa trên những tiêu chí nào ?

Trước hết, mỗi khoản đầu tư của IFC bắt buộc phải có một tác động phát triển tích cực nào đó như tạo ra công ăn việc làm, tạo cơ hội sử dụng điện thoại lần đầu tiên, thắp sáng lần đầu tiên một ngọn đèn, mở tài khoản ngân hàng đầu tiên hay giúp giải quyết một vấn đề về môi trường

Và những gì chúng tôi thực sự nhắm đến là đầu tư vào những người muốn phát triển doanh nghiệp chứ không chỉ kiếm tiền đơn thuần. Chúng tôi muốn hợp tác với những ai mong muốn đóng góp vào sự phát triển lâu dài của đất nước Việt Nam

Điều này đồng nghĩa với việc IFC sẵn sàng chấp nhận mất tiền đầu tư…

Không. Điều quan trọng là các công ty chúng tôi đầu tư vào phải làm ăn có lãi. Nếu muốn tiếp tục tăng trưởng, họ phải tạo ra được lợi nhuận. Không phải tất cả các khoản đầu tư đều mang lại kết quả tốt. Nhưng khi đầu tư, chúng tôi mong muốn thu được lãi từ đồng vốn mình bỏ ra

Chúng tôi muốn có lãi giống như các nhà đầu tư khác khi bỏ tiền vào doanh nghiệp. Lãi suất của các khoản cho vay của IFC cũng được tính theo giá thị trường

Ông có gặp trở nào không, khi hoạt động ở Việt Nam ?

Hiện nay, thách thức chính và lớn nhất rõ ràng là tình hình kinh tế vĩ mô; lãi suất cho vay đã quá cao. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp và ngân hàng

Một trong những thách thức khác là cơ sở hạ tầng yếu kém. Nguồn cung ứng điện hiện rất quan trọng và cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để đảm bảo nguồn cung ứng này. Cơ sở hạ tầng giao thông cũng cần phải được đầu tư nhiều hơn. Việt Nam đã xây dựng được thêm một số cảng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phụ trợ như đường dẫn vào cảng và kho chứa hàng vẫn chưa được xây dựng. Tôi rất phấn khởi khi thấy Chính phủ Việt Nam đã nhận ra các thách thức này. Và chúng cũng đã được bàn luận công khai. Vì vậy tôi lạc quan về viễn cảnh tương lai của Việt Nam

Việt Nam đã có thành tích tốt về cải cách và tăng trưởng. Dễ thấy rằng các công ty sản xuất nước ngoài vẫn rất quan tâm, muốn xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Khi các công ty này bắt đầu lập nhà máy, các doanh nghiệp cũng khác sẽ nhảy vào đây, tạo ra chuỗi cung ứng ở xung quanh các nhà máy này. Theo tôi, trong vòng 3 năm tới Việt Nam sẽ là một nơi thu hút nhiều công ty đến lập nhà máy

Bước đi kế tiếp của IFC ở Việt Nam là gì ?

Trong vòng 2 năm tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, giúp các ngân hàng mở rộng danh mục sản phẩm của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam

Các nhà doanh nghiệp Việt Nam rất thông minh, lanh lợi và giỏi kinh doanh. Hiện nay, đội ngũ này còn nhỏ nhưng chúng tôi nhận thấy các tập đoàn tư nhân hùng mạnh đã bắt đầu được hình thành

Ngọc Trân
 
Thu hẹp phạm vi đầu tư nhà nước​

- Ưu tiên số 1 là tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước. Trong đó, trước hết là giảm tỷ trọng đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội, thu hẹp phạm vi đầu tư nhà nước

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh điều này khi nói về những ưu tiên trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế

Theo Phó viện trưởng Nguyễn Đình Cung, cụ thể, không nên đổ vốn đầu tư nhà nước vào những ngành nghề mà khu vực tư nhân làm được, không tham gia những ngành nghề thuần túy kinh doanh như nhà hàng, khách sạn…

Quan trọng hơn, là thay đổi cơ chế, thể chế phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư nhà nước. Có nghĩa là, phải khắc phục bằng được những tồn tại lâu nay của nguồn vốn này là phân tán, dàn trải, thiếu đồng bộ, đầu tư vào những dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, kém cần thiết…

Để làm được việc này, trước hết phải xem xét lại cơ chế phân cấp đầu tư. Với nguồn vốn đầu tư của Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm tròn trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư cái gì, ở đâu, làm như thế nào, còn làm thế nào thì là trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương

Tất nhiên, sẽ phải có hệ thống tiêu chí để sử dụng nguồn vốn đầu tư này. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, vì nguồn lực có hạn, nên vốn đầu tư nhà nước chỉ tập trung cho những dự án hiệu quả nhất, đem lại lợi ích kinh tế trong thời gian ngắn nhất

Với cách làm này, sẽ có thay đổi căn bản so với hiện nay về đầu tư công. Tình trạng đầu tư kiểu tỉnh nào cũng đầu tư cảng biển, sân bay, tỉnh nào cũng muốn có khu kinh tế… sẽ chấm dứt

Phó viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, trọng tâm cốt lõi phải được hiểu rõ ràng là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả đầu tư, nâng cao sức lao động, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây chính là các giải pháp để đạt mục đích chính là tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh tế

Về vấn đề này, không thể nói chung chung, phải làm rõ hàm ý, để định ra được hành động cụ thể, nhất là trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Có thể nói, đây là điểm nhấn khác biệt mà kế hoạch 5 năm này phải thể hiện được

Phó viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng, với cách quản lý đầu tư công này, lợi ích của các địa phương sẽ bị ảnh hưởng nhưng ta buộc phải chấp nhận đánh đổi vì lợi ích quốc gia, vì nếu không, sẽ không thể thực hiện tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước được. Mà khi đó, nếu mô hình tăng trưởng không được chuyển đổi, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể giới hạn tốc độ tăng trưởng 5,5-6%/năm trong 5 năm tới

Thay đổi về cơ chế phân cấp trong quản lý đầu tư nhà nước sẽ làm thay đổi rất căn bản hoạt động đầu tư công. Điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, sự thấu hiểu và chia sẻ của các địa phương, các bộ

Khi hiệu quả nguồn vốn này được cải thiện, sẽ tạo dư địa, cơ hội cho các nguồn vốn khác theo nghĩa, vốn đầu tư nhà nước sẽ lựa chọn giải quyết dứt điểm những tắc nghẽn hạ tầng ở một khu vực nào đó nhằm khơi thông và nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn trong khu vực đó

Phó viện trưởng Nguyễn Đình Cung bổ sung them, lạm phát của Việt Nam bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng và cách thức mà chúng ta sử dụng để đạt được mục đích tăng trưởng. Tăng trưởng của chúng ta cho đến nay chủ yếu vẫn dựa vào mở rộng đầu tư, nhưng đầu tư nhìn chung lại kém hiệu quả, nhất là đầu tư nhà nước

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng, trong thời gian qua, lạm phát của Việt Nam luôn cao hơn một cách bất thường so với các nước trong khu vực. Trong khi ở các nước này nhìn chung mức lạm phát luôn thấp hơn mức tăng trưởng GDP (cụ thể là hầu hết đều dưới 5%) từ năm 2004 đến nay, thì lạm phát ở Việt Nam luôn cao hơn tăng trưởng GDP

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du chỉ ra rằng, nguyên nhân cơ bản của lạm phát ở Việt Nam chính là yếu tố tiền tệ. Nói một cách khác nguồn vốn đã không được sử dụng hiệu quả do: đầu tư công quá mức; sự thiên lệch trong việc phân bổ vốn ở khu vực doanh nghiệp; và cuối cùng là việc theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá đồng tiền trong bối cảnh lạm phát luôn tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam

Không thể phủ nhận sự cần thiết của đầu tư công song nhà nước chỉ nên tham gia vào những lĩnh vực đem lại lợi ích lớn cho cả nền kinh tế mà tư nhân không có động cơ để làm hoặc làm không có hiệu quả. Nhưng trên thực tế, nhà nước đã tham gia quá nhiều vào các hoạt động kinh tế và nhiều khi còn cạnh tranh và chèn lấn khu vực tư nhân
 
Đầu tư xây đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan​

- Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm đầu mối tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Bộ Giao thông vận tải trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc việc bảo lãnh của Chính phủ đối với dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan

Về nguồn vốn cho công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư và giải phóng mặt bằng dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, bố trí trong kế hoạch hàng năm của Bộ Giao thông vận tải

Trường hợp chưa bố trí được vốn, Bộ Giao thông vận tải đàm phán thống nhất với nhà đầu tư ứng vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, các chi phí khác thuộc phần vốn nhà nước và Nhà nước thanh toán sau khi bố trí được nguồn

Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan bắt đầu tại phía Nam cầu Tuần, tuyến tránh Thành phố Huế và kết thúc tại Túy Loan (đầu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Chiều dài tuyến đường khoảng 80 km, có tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng

Dự kiến giai đoạn 3 của dự án (đến năm 2020) sẽ được hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc

Trước đó, liên doanh 6 nhà đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc do Tập đoàn Shinhan E&C đứng đầu đã nộp đơn xin đầu tư dự án này và xuất trình được thư quan tâm tài trợ 850 triệu USD của Ngân hàng DBS Bank Ltd (Singapore) cho Dự án, với điều kiện giao dịch bảo đảm trọn vẹn vô điều kiện và không hủy ngang của Bộ Tài chính
 
AIC khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt lớn nhất Việt Nam​

1-8.jpg

Hôm nay, ngày 18/9/2010, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã tiến hành lễ động thổ dự án Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt công suất 2000 tấn/ngày đêm theo hình thức BOT tại Nam Sơn, Sóc Sơn, HN. Đây là nhà máy có qui mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ này

Tham dự buổi lễ có đại diện các Sở, Ban ngành, UBND Tp. Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai và một số tỉnh lân cận khác, cùng nhiều quan khách là các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế đến từ Đức, Nhật, Malaysia…

Được biết hiện nay, mỗi ngày, Hà Nội có khoảng 3.600 tấn rác các loại, hầu hết được xử lý theo công nghệ chôn lấp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và tiêu hao diện tích đất ngày một lớn

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nam Sơn do AIC làm chủ đầu tư này đã áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và Đức, xử lý triệt để rác thải ô nhiễm, tái tạo vật chất, năng lượng, giải quyết được phần lớn lượng rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn
 
Top