What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Đồng Tâm Thịnh Vượng

Doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào dự án PPP hạ tầng

- “Cả hai nước đều là những nền kinh tế năng động và tăng trưởng nhanh, nhưng trao đổi thương mại và đầu tư vẫn còn kém xa tiềm năng hợp tác” - đại sứ Ấn Độ Ranjit Rae nói tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ ngày 15-9 do Đại sứ quán Ấn Độ và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức

Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,75 tỉ USD và dự kiến năm nay hơn 3 tỉ USD. Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ cho biết thị trường Việt Nam đang khá hấp dẫn. “Chúng tôi quan tâm, muốn đầu tư vào các mảng nông sản, chế tạo linh kiện ôtô, dược...”

- đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Hà Nội (InCham) nói. Trước đó, ngày 13-9 tại TP.HCM, ông Ninad Karpe, giám đốc Công ty Aptech - trưởng đoàn doanh nghiệp Ấn Độ, cho biết các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam theo mô hình hợp tác công - tư (PPP)

Tối 15-9, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M. Krishna đã tới Hà Nội thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Trong chuyến thăm kéo dài đến ngày 17-9, ông S.M.Krishna sẽ cùng ông Phạm Bình Minh đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ Việt Nam - Ấn Độ
 
Đầu tư hạ tầng tại TP.HCM: Nan giải dự án BT​

95bf97007f0000010140b127579c66bb.jpg

Dự án chậm tiến độ chủ yếu do khó giải phóng mặt bằng​

Các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trên địa bàn TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất sạch, tắc trong giải phóng mặt bằng

Kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho thấy, tuy mới có 3 dự án đầu tư theo hình thức BT, với tổng vốn đầu tư 3.982 tỷ đồng và 340 triệu USD, nhưng TP.HCM đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí quỹ đất cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án khác để hoàn vốn đầu tư

Trên thực tế, theo một chủ đầu tư dự án BT là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí, dù dự án đã được phê duyệt khá lâu trước đó, nhưng quỹ đất đổi cho nhà đầu tư khai thác hoàn vốn Dự án Đường vành đai 2 phía Nam (huyện Bình Chánh) đến tháng 7/2011 mới được xác định, mà cũng chưa phải là đất sạch, nên nhà đầu tư phải tiến hành quy hoạch, lập phương án tài chính, giải phóng mặt bằng, khiến tiến độ triển khai dự án kéo dài

Một dự án khác thực hiện theo hình thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT) kết hợp BT là đường song hành Hà Huy Giáp dài 4 km nối thị xã Thuận An (Bình Dương) với quận 12 (TP.HCM). Theo báo cáo của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng IDICO (IDI), UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương giao 2 khu đất ở quận 12 và quỹ đất hai bên đường cho Công ty khai thác để hoàn vốn, nhưng do chưa phải đất sạch, nên chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến sẽ lên đến 1.218 tỷ đồng, gần bằng tổng vốn xây dựng (1.231 tỷ đồng)

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng Xây dựng công trình giao thông đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM), trong các hợp đồng dự án, công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư thi công thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UBND TP.HCM đã giao UBND các quận, huyện có dự án đi qua triển khai thực hiện, nhưng đến nay, việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, nên tiến độ thực hiện rất chậm

Cụ thể, ách tắc về mặt bằng đã khiến Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (tổng vốn đầu tư 1.352 tỷ đồng) thực hiện theo hình thức đầu tư BT giậm chân tại chỗ gần 2 năm nay. Theo ông Võ Văn Cảnh, đại diện cho liên danh nhà đầu tư, dù dự kiến đưa Nhà máy vào hoạt động trong năm 2011, nhưng từ khi Dự án được phê duyệt (tháng 1/2010) đến nay, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể thực hiện

Ngoài ra, một trong những vấn đề khó nữa trong triển khai dự án BT là việc định giá các khu đất hoặc khu nhà để giao cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật, chưa giải phóng mặt bằng, nên không có căn cứ để định giá

Rõ ràng, những bất cập liên quan đến việc bố trí quỹ đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án để hoàn vốn dự án BT tại TP.HCM nếu không nhanh chóng được giải quyết thì chắc chắn tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng bị ảnh hưởng và Thành phố sẽ rất khó thu hút đầu tư vào các dự án BT trong thời gian tới
 
ASEAN lập quỹ Cơ sở hạ tầng gần 500 triệu USD​

- Bên lề hội nghị thường niên ngân hàng Thế giới (WB) và quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang diễn ra tại Washington, các bộ trưởng Tài chính ASEAN ngày 24.9 đã nhất trí thành lập quỹ Cơ sở hạ tầng trị giá gần 500 triệu USD nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực năng động này và các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, đồng thời hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015

Các bộ trưởng Tài chính ASEAN cho biết các quốc gia thành viên có thể đề nghị quỹ Cơ sở hạ tầng cấp các khoản vay để xây dựng đường bộ, đường sắt hay thực hiện các dự án khác về cơ sở hạ tầng

Sau khi các bộ trưưởng ký hiệp ước thành lập quỹ trên, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tuyên bố sự kiện này đã ghi một dấu mốc lịch sử của ASEAN. Các nước thành viên ASEAN đang được xây dựng với tốc độ rất nhanh, nhưng các khoản tài trợ từ bên ngoài rồi cũng sẽ hết và ASEAN phải chung sức vì mục tiêu hội nhập

Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN sẽ bắt đầu đi vào hoạt động với khoản tài chính 485,2 triệu USD, hỗ trợ 6 dự án trong một năm. Đến năm 2020, ASEAN hy vọng quỹ sẽ huy động được 4 tỉ USD và sau đó ngân sách của quỹ sẽ tăng lên đến 13 tỉ USD

Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN đặt trụ sở tại Malaysia, nước đóng góp nhiều nhất cho quỹ với 150 triệu USD. Indonesia đứng thứ hai với mức đóng góp 120 triệu USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đóng góp 150 triệu USD, đồng thời sẽ tham gia cố vấn để mọi khoản vay đều hợp lý và hiệu quả. Hiện các nước thành viên khác chưa thông báo mức đóng góp

Mặc dù ASEAN đang phát triển với tốc độ cao nhưng tỷ lệ bình quân đầu người trong các lĩnh vực như sử dụng đường cao tốc, nước sạch và điện vẫn xếp sau các quốc gia tiến tiến. Chính vì vậy, việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng trong khối thực sự là một bước đi cần thiết cho ASEAN
 
Chủ trương đầu tư một số tuyến đường liên huyện tại Gia Lai​

- Xét đề nghị của UBND tỉnh Gia Lai và ý kiến của các Bộ liên quan, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Gia Lai không thực hiện đầu tư một số dự án đường giao thông liên huyện theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao

Các dự án nêu trên bao gồm: tuyến đường Đ1, tuyến đường Đ2, tuyến đường Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ, tuyến đường Chư Sê - Chư Prông - Đức Cơ và tuyến đường Chư Prông - Chư Sê - Mang Yang

Cho ý kiến về việc tiếp tục triển khai dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ và tuyến đường Chư Sê - Chư Prông - Đức Cơ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai thực hiện theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 5000/BKHĐT-KTĐPLT ngày 29/7/2011 và của Bộ Tài chính tại công văn số 11094/BTC-ĐT ngày 18/8/2011

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai rút kinh nghiệm trong việc xem xét chủ trương triển khai thực hiện các Dự án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chịu trách nhiệm hoàn tất các thủ tục đối với Nhà đầu tư về việc thay đổi hình thức đầu tư, xác định các chi phí trong quá trình chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hoàn trả cho Nhà đầu tư theo các quy định của pháp luật hiện hành
 
Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua huyện Núi Thành​

- Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư tuyến đường này theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn huyện Núi Thành (đoạn từ km 996+800 đến km 1021+500), tỉnh Quảng Nam theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam căn cứ vào tính cấp bách của dự án, quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo các quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả đầu tư

Về nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
 
Đầu tư một số tuyến đường của Thanh Hóa theo hình thức BT​

- Chính phủ đồng ý đầu tư đường vành đai phía Tây và đường bộ ven biển đoạn qua huyện Quảng Xương đến huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc đầu tư các dự án tuyến đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa và tuyến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Quảng Xương đến huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT)

UBND tỉnh Thanh Hóa tính toán cụ thể phương án thanh toán cho nhà đầu tư từ các nguồn vốn hợp pháp hoặc giao dự án khác phù hợp với các quy hoạch có liên quan

Về việc hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương, với dự án tuyến đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa, trước mắt, UBND tỉnh Thanh Hóa chủ động nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, đề xuất nguồn vốn và mức hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định
 
Nâng cấp sân bay Cát Bi theo hình thức BT​


1a6110929-san-bay-Cat-Bi.jpg

Sơ đồ mặt bằng quy hoạch dự án cảng hàng không quốc tế Cát Bi​

Đề xuất nâng cấp cảng hàng không sẽ được trình vào giữa tháng 10 để Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định

Tại cuộc họp chiều 28/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông vận tải tiến hành điều chỉnh quy hoạch, đề xuất chủ đầu tư và phương án triển khai dự án nâng cấp sân bay Cát Bi theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT)

Dự án sẽ tập trung nâng cấp đường cất hạ cánh hiện nay, đồng thời xây dựng đường cất hạ cánh số 2 với quy mô 3.050 m x 50 m, nâng cấp các hạng mục liên quan như sân đỗ, trang thiết bị quản lý điều hành bay, khu hàng không dân dụng

Sân bay Cát Bi nằm tại quận Hải An, Hải Phòng, có tốc độ tăng trưởng vận chuyển hành khách đạt mức tăng 104%/năm, hàng hóa tăng 64,9%/năm, số chuyến bay tăng 96,6%

Đây là sân bay địa phương có quy mô, công suất cao nhất so với các sân bay địa phương khu vực phía Bắc, bằng tổng lượng hành khách của sân bay Điện Biên, Vinh, Đồng Hới cộng lại, nhưng hiện trạng kỹ thuật xuống cấp

Sân bay được nâng cấp và sửa chữa từ năm 1996, chỉ có 1 đường cất hạ cánh 2.400 m x 50 m. Số chuyến bị hủy do thời tiết xấu có thời gian lên tới 20%
 
Loay hoay đầu tư sân bay​

- Đề xuất thành lập sân bay mới trong khi đang chịu lỗ lớn là hai mảng màu tương phản trong bức tranh hoạt động kinh doanh sân bay hiện nay. Nhiều câu hỏi đang đặt ra xung quanh câu chuyện đầu tư phát triển sân bay hiện nay, từ quỹ đất tới nguồn vốn...

522643.jpg

Nhờ phát triển du lịch, sân bay Phú Quốc hoạt động hiệu quả nhất trong số các sân bay địa phương ở phía Nam​

Sân bay: Xây mới và tiếp tục lỗ

Khi đặt vấn đề xây dựng sân bay, địa phương nào cũng đưa ra những lý do chính đáng: kết nối quốc tế, rút ngắn thời gian đi lại, tạo sức bật thu hút đầu tư và phát triển du lịch... Nhưng trên thực tế, nhiều sân bay được nâng cấp hạ tầng để có thể đón máy bay lớn đành phải chịu lỗ vì vắng khách

Tiền để đầu tư sân bay là những con số ở hàng nghìn tỉ đồng, trong khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy số lỗ sẽ dừng lại ở mức hàng trăm tỉ

Thu hồi vốn: cần 30 năm

Trong buổi lễ khánh thành cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), đại diện Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam (SAC) cho biết sân bay này đã được đầu tư gần 3.000 tỉ đồng để có một đường băng đủ tải cho máy bay Airbus A321 có thể cất - hạ cánh, cộng với nhà ga có thể vận chuyển 1,5-2 triệu khách/năm và các trang thiết bị. Theo một quan chức SAC, với doanh thu và tần suất bay như hiện nay của sân bay này, phải mất 30 năm mới có thể thu hồi vốn. Vốn đầu tư cho những nhà ga “xoàng xoàng” như Rạch Giá, Liên Khương cũng ngốn chừng 600-700 tỉ đồng, chưa kể trang thiết bị

Cũng theo quan chức này, với nguồn vốn đầu tư như thế và nguồn nhân lực để vận hành một bộ máy chuyên nghiệp thì các sân bay như Rạch Giá, Liên Khương phải có từ 10-20 chuyến bay mỗi ngày mới có thể bù đắp đủ chi phí. Trường hợp sân bay Phú Bài cũng tương tự, dù ước tính mỗi năm phục vụ 500.000 lượt khách nhưng việc kêu gọi đầu tư hạ tầng mới không hề dễ do đòi hỏi vốn đầu tư cao (từ 2.500-3.000 tỉ đồng) trong khi khả năng thu hồi vốn rất chậm. Nhà đầu tư nước ngoài lại muốn được đầu tư vào những lĩnh vực có thể thu hồi vốn nhanh như nhà ga hay dịch vụ bay...

Theo SAC, nhiều sân bay do đơn vị này quản lý hiện đang trong tình trạng thu không đủ bù chi. Trong số tám sân bay SAC đang quản lý, Phú Quốc có doanh thu cao nhất và có lãi, hai sân bay Liên Khương và Buôn Ma Thuột có khi thu đủ bù chi (chưa tính đến khoản đầu tư cơ sở hạ tầng). Các sân bay khác đều lỗ

Mới đây, tỉnh An Giang lại đề xuất xây sân bay vì cho rằng có lợi thế về phát triển du lịch cũng như thu hút nhiều dự án đầu tư. Nhưng sân bay (dự kiến) tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành chỉ cách hai sân bay hiện hữu là Trà Nóc (Cần Thơ) và Rạch Giá (Kiên Giang) chừng 60km. Do vậy, nhiều chuyên gia đã sửng sốt hỏi: Với bán kính như vậy có cần đến ba sân bay ?

Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific Tạ Hữu Thanh cho biết với khoảng cách từ TP.HCM đến Cần Thơ, máy bay chưa đến độ cao cần thiết để bay bằng đã phải hạ độ cao để hạ cánh. Việc cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được đầu tư nâng cấp nhưng nguồn khách không đủ khiến hãng này phải ngưng khai thác đường bay Cần Thơ - Hà Nội. Bảng tổng kết sau năm tháng bay lỗ gần 2 triệu USD

Hãng hàng không Vietnam Airlines sau đó một mình một chợ đã tăng từ bảy chuyến/tuần lên 11 chuyến/tuần nhưng không lâu sau cũng quay lại lịch bay một chuyến/ngày vì thiếu khách. “Hai sân bay Rạch Giá, Cần Thơ còn lâu mới hoạt động hết công suất, vậy bỏ thêm hơn 3.000 tỉ đồng đầu tư sân bay An Giang để làm gì ?” - một chuyên gia hàng không đặt câu hỏi

Mặc dù đã có quy hoạch nhưng ở góc độ kinh doanh, các chuyên gia cho rằng để sân bay hoạt động hiệu quả nhất thiết phải nhìn cấp độ khu vực, không thể để mỗi tỉnh đều có sân bay. Chẳng hạn để sân bay Cần Thơ hoạt động hiệu quả, phải đầu tư xây dựng đường kết nối đến các tỉnh xung quanh thay vì xây thêm sân bay ở nơi khác

Việc đầu tư nâng cấp các sân bay Liên Khương hay Đà Nẵng nhưng thiếu vắng các chuyến bay quốc tế đều đặn còn cho thêm bài học khác: quyết định đầu tư phải nhìn ở góc độ nhu cầu khách hàng dựa trên cơ sở nghiên cứu thị trường nghiêm túc mới mong thành công

Nước ngoài ngỏ ý và... tắc

Theo Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc (NAC), mặc dù vẫn phải bù lỗ nhưng ở cảng hàng không Cát Bi và Vinh lưu lượng hành khách vẫn tiếp tục tăng (sáu tháng đầu năm nay tại cảng hàng không Cát Bi tăng 38,86%, tại Vinh tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái). Vì vậy theo NAC, việc mở rộng nhà ga trở nên cấp bách, Cát Bi cần được đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống đường cất - hạ cánh, đường lăn và hệ thống thiết bị dẫn đường, đèn tín hiệu hàng không...

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cấp bách của NAC giai đoạn 2010-2015 là gần 3.000 tỉ đồng (chưa kể vốn đối ứng xây dựng nhà ga hành khách T2 Nội Bài), trong khi nguồn vốn đầu tư hiện có của NAC chỉ ở mức 1.500 tỉ đồng

Đến thời điểm này ít nhất có ba cảng hàng không ở Hà Nội, Quảng Ninh và Huế đã được đối tác nước ngoài ngỏ ý đầu tư và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang xem xét. Tuy nhiên, nhiều khó khăn đã phát sinh do khung luật pháp tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia là chưa có hoặc không đủ. Chẳng hạn với cảng hàng không Quảng Ninh, Bộ GTVT cho biết đã lập xong quy hoạch song do quy định hiện hành thì việc đầu tư vào cảng hàng không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện

Do tính chất phức tạp trong việc quản lý nên trước nhu cầu của Công ty TNHH Joinus (Việt Nam) và Tổng công ty Hàng không Hàn Quốc đầu tư vào đây, bộ yêu cầu nhà đầu tư phải lập đề xuất sơ bộ về nội dung cơ bản, những điều kiện cụ thể để bộ và các bộ ngành liên quan xem xét trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Với dự án đầu tư nâng cấp cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Bộ GTVT cho biết đã lập xong dự án theo phương án liên doanh với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, đây là dự án liên doanh đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không với đối tác nước ngoài nên gặp nhiều khó khăn do Nhà nước chưa có quy định

Theo kế hoạch nâng cấp cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung (MAC) sẽ liên kết với đối tác nước ngoài để đưa cảng hàng không này lên chuẩn quốc tế. Giai đoạn 1 (đến năm 2020) cảng hàng không Phú Bài sẽ có công suất 5 triệu khách/năm, tổng diện tích 297,5ha, đường băng tiếp nhận được máy bay Boeing 777

Tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 là 6.087 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (đến năm 2030) cảng hàng không Phú Bài sẽ tiếp nhận được máy bay Boeing 787, có thêm một đường băng và nâng chỗ đỗ máy bay từ 23 lên 43 chỗ, công suất nhà ga hành khách là 9 triệu khách/năm, tổng mức đầu tư sẽ nâng lên 6.484 tỉ đồng

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng cả hai phương án là không khả thi, vì theo phương án 1 công ty liên doanh sẽ lỗ trong thời gian dài (lỗ lũy kế 686 tỉ đồng sau 25 năm hoạt động), còn phương án 2 không có vốn vay vì không có nhà đầu tư nào tham gia đầu tư chỉ bằng vốn chủ sở hữu. Còn Bộ Tài chính khuyến cáo cần đánh giá cụ thể điều kiện góp vốn của dự án để cơ quan có thẩm quyền xem xét. Bộ GTVT cũng thừa nhận phương án trên không khả thi vì MAC không có đủ khả năng tài chính

Gần đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết Tập đoàn International Airport (Singapore) đã đề xuất góp hơn 137 triệu USD đầu tư cho cảng hàng không Phú Bài. Bộ GTVT đã đề nghị tỉnh cùng tập đoàn này làm việc với bộ để xác định cụ thể các nội dung, điều kiện góp vốn trước khi báo cáo Thủ tướng. Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao các bộ ngành khác hướng dẫn liên doanh với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng hàng không cũng như định giá cảng hàng không để có cơ sở thực hiện dự án và quản lý khai thác sau này

Một đề xuất khác về tham gia đầu tư vào cảng hàng không quốc tế Nội Bài của Tập đoàn Airis Holdings (Hoa Kỳ) đã bị từ chối. Các hạng mục đầu tư cho cảng hàng không này đều do các đơn vị trong nước thực hiện với tổng mức đầu tư trên 800 triệu USD

Vì sao họ lỗ ?

Mặc dù lợi nhuận trước thuế trong tám tháng đầu năm của Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc (NAC) đạt hơn 336 tỉ đồng nhưng báo cáo của doanh nghiệp này cho thấy các cảng hàng không địa phương trong phạm vi quản lý của NAC đều bị lỗ. Chi phí bình quân cho mỗi chuyến bay là 12,8 triệu đồng, trong khi mức Nhà nước ban hành thu tại các cảng hàng không địa phương bình quân là 3 triệu đồng/chuyến. Bình quân mỗi chuyến bay phải bù lỗ 9,8 triệu đồng

Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam (SAC) dù tám tháng đầu năm lợi nhuận đạt 114 tỉ đồng nhưng ông Nguyễn Nguyên Hùng - chủ tịch hội đồng thành viên của SAC - cho biết tính đến cuối năm nay vẫn có thể bị lỗ do không đủ bù mức chênh lệch tỉ giá vốn vay đầu tư hạ tầng. Đến hết tháng 8-2011, chi phí chênh lệch tỉ giá mà doanh nghiệp này phải chịu là hơn 1.000 tỉ đồng (chiếm 45% tổng chi phí)

Ông Lê Mạnh Hùng, tổng giám đốc NAC, cho biết hằng năm NAC phải bù lỗ cho năm cảng hàng không địa phương thuộc phạm vi quản lý của mình là Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Cát Bi (Hải Phòng), Nà Sản (Sơn La) và Điện Biên hàng trăm tỉ đồng. Năm 2010, NAC đã bù lỗ 82,3 tỉ đồng cho các cảng hàng không (Đồng Hới 58,7 tỉ đồng, Vinh 9,1 tỉ đồng, Điện Biên 9,2 tỉ đồng, Cát Bi 3,2 tỉ đồng, Nà Sản 2 tỉ đồng). Riêng tám tháng đầu năm 2011 đã bù lỗ khoảng 64,4 tỉ đồng cho các cảng hàng không trên

Theo ông Hùng, dự kiến trong những năm tới việc bù lỗ cho các cảng hàng không địa phương ngày càng gia tăng do mức gia tăng về chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và các chi phí phục vụ trực tiếp

Thống kê của NAC cũng cho thấy trong năm 2010, tổng sản lượng tại các cảng hàng không địa phương là 9.289 chuyến bay. Trong hệ thống cảng hàng không do doanh nghiệp này quản lý, Nội Bài đang có tần suất và lưu lượng bay lớn nhất với 250 chuyến bay/ngày. Cảng hàng không Đồng Hới mới đưa vào khai thác năm 2008 nhưng do chi phí khấu hao đầu tư hạ tầng và tần suất bay ít nên đây lại là cảng bị lỗ nặng nhất

Để giải quyết tình trạng thua lỗ các cảng hàng không địa phương, NAC đề nghị Bộ GTVT phối hợp các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chính sách giá các loại hình dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo chính sách giá phù hợp chi phí và thị trường, nhất là chính sách giá tại các cảng hàng không địa phương

Để tránh bù lỗ cho cảng hàng không Phù Cát (Bình Định), Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh khung giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không Phù Cát từ nhóm B lên nhóm A để được thu phí tương xứng với dịch vụ đã cung cấp

Do cảng hàng không Phù Cát đang khai thác chủ yếu loại máy bay A320 với giá phục vụ mặt đất trọn gói tại cảng hàng không nhóm B là 4 triệu đồng/lần chuyến, trong khi mức giá này ở cảng hàng không nhóm A áp dụng với loại máy bay A320 khoảng 8-9 triệu đồng/lần chuyến. Vì vậy, hiện cảng hàng không Phù Cát đang phải bù lỗ một năm khoảng 5 tỉ đồng...

Theo một lãnh đạo Cục Hàng không VN, các cảng hàng không địa phương lỗ vì tần suất hoạt động thấp, quy mô khai thác ít trong khi vẫn phải đầu tư hạ tầng đảm bảo yêu cầu khắt khe của hoạt động hàng không. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động các cảng hàng không địa phương ngoài mục đích kinh tế - xã hội còn đáp ứng cả yêu cầu an ninh quốc phòng

Ngành hàng không đang tổ chức các cảng hàng không hoạt động theo cụm, lấy lợi nhuận của cảng hàng không quốc tế cửa ngõ bù cho cảng hàng không địa phương. Tính chung lại, toàn bộ mạng cảng hàng không đang hoạt động vẫn có lãi và hằng năm vẫn đóng góp hàng trăm tỉ đồng vào ngân sách nhà nước trong khi Nhà nước chưa phải bù lỗ

Rất cân nhắc trong đầu tư

Trao đổi với TTCT, ông Đinh Việt Thắng - phó cục trưởng Cục Hàng không VN - cho biết việc quy hoạch số lượng cảng hàng không, sân bay nước ta hiện nay đáp ứng được quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không dân dụng VN giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt. Nhu cầu phát triển cảng hàng không của các địa phương là chính đáng nhưng việc quy hoạch, quy mô đầu tư và thời điểm xây dựng sẽ được cân nhắc

522641.jpg

Ông Đinh Việt Thắng​

* Thưa ông, ông nói gì về những ý kiến cho rằng VN có quá nhiều sân bay và vị trí các sân bay quá gần nhau ?

- Cảng hàng không, sân bay là công trình đặc thù có điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe. Ở nước ta điều kiện dân số đông, trong khi địa hình hiểm trở, không thuận lợi cho việc lựa chọn xây dựng cảng hàng không, sân bay. Do vậy cần phải quy hoạch sớm để dự trữ nguồn phục vụ cho việc phát triển cảng hàng không, sân bay sau này

Hiện nay các cảng hàng không, sân bay cơ bản đều được quy hoạch phát triển trên cơ sở các sân bay có từ trước, trừ một số cảng hàng không mới như Quảng Ninh, Phú Quốc, Hải Phòng (vị trí quy hoạch ở huyện Tiên Lãng). Chúng ta quy hoạch 26 cảng hàng không là không nhiều. Chúng tôi đưa ra con số này sau khi khảo sát 300 sân bay, bãi đỗ trực thăng hiện có

Có dân số đông đứng thứ 13 trên thế giới, diện tích hơn 300.000 km2 với địa hình trải dài và với chỉ số 1 cảng hàng không/16.000 km2 thì chúng ta đang ở mức trung bình trong khu vực. Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia có mật độ cao hơn chúng ta rất nhiều, chỉ khoảng 5.000-7.000km2 là đã có một cảng hàng không. Các nước có diện tích tương đương Việt Nam như Malaysia có 37 cảng hàng không, Philippines có 46 cảng hàng không, Nhật có 53 cảng hàng không...

Nguyện vọng muốn có cảng hàng không, sân bay của các địa phương là chính đáng. Tuy nhiên Bộ GTVT, Cục Hàng không VN phải căn cứ trên quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và dựa vào nhu cầu thị trường vận tải hàng không, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền, vị trí địa lý và tầm quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, khả năng khai thác dùng chung quân sự và dân dụng để xem xét, quyết định việc quy hoạch đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay hay không

Đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sẽ có 26 cảng hàng không được đưa vào khai thác, sử dụng bao gồm:

- 10 cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cần Thơ, Phú Quốc

- 16 cảng hàng không nội địa: Điện Biên Phủ, Nà Sản, Lào Cai, Quảng Ninh, Gia Lâm, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn, Vũng Tàu

(Quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không dân dụng VN giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030)

* Dư luận lo ngại việc đầu tư nhiều sân bay và gần nhau sẽ tốn kém và dẫn tới khai thác không hết công suất ?

- Hiệu quả khai thác các cảng hàng không phải tính đến hiệu quả tổng thể, đây là hạ tầng cần thiết để thúc đẩy hiệu quả xã hội. Ở một số khu vực trọng điểm có các cảng hàng không gần nhau nhưng mục đích chính quy hoạch các cảng hàng không này không phải để bay các tuyến nội vùng, mà nhằm mục đích mở rộng, phát triển thị trường liên vùng

Hà Nội chỉ cách Hải Phòng hơn 100km nhưng xây sân bay ở Hải Phòng không phải để bay ra Hà Nội mà để thiết lập các đường bay Hải Phòng đi TP.HCM, khu vực Tây nguyên... Hay cảng hàng không Đồng Hới cách Vinh 200km nhưng không bay Đồng Hới - Vinh mà là từ Vinh đến Buôn Ma Thuột, TP.HCM...

Các cảng hàng không như Vinh, Đồng Hới, Tuy Hòa, Phù Cát, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau khi quy hoạch và đầu tư xây dựng cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn. Tuy nhiên, qua thực tế khai thác, sản lượng các cảng hàng không này đã có sự tăng trưởng trung bình trên 30%/năm và thật sự có đóng góp không nhỏ vào việc thu hút đầu tư, giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương

* Nhưng hiện nay nhiều cảng hàng không địa phương đang bị lỗ do tần suất khai thác ít. Điều này dẫn đến nghi ngại về hiệu quả đầu tư ?

- Hiện nay hầu hết các cảng hàng không địa phương của chúng ta hoạt động đều lỗ, trừ một vài cảng hàng không như Cam Ranh, Phú Bài, Phú Quốc, Cát Bi cân đối được thu - chi. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển các cảng hàng không địa phương là hết sức cần thiết vì sự phát triển chung của các địa phương và của đất nước. Một vấn đề cần lưu ý: xét trên bình diện tổng thể thì toàn bộ mạng cảng hàng không của chúng ta đang hoạt động có lãi và hằng năm vẫn đóng góp hàng trăm tỉ đồng vào ngân sách nhà nước

Không riêng ở nước ta, trên thế giới việc khai thác các cảng hàng không nội địa có dưới 4-5 triệu khách/năm đều lỗ. Hiệu quả khai thác các cảng hàng không cần phải tính đến hiệu quả tổng thể

* Ông nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch các cảng hàng không có thể được đầu tư sau năm 2030 như Lai Châu, Cao Bằng, Phan Thiết... sẽ dẫn đến lãng phí trong sử dụng đất chờ cảng hàng không, hay việc xây dựng sân bay An Giang sẽ làm mất đất trồng lúa ?

- Sân bay Lai Châu, Phan Thiết, An Giang được quy hoạch xác định là sân bay nội địa, khai thác bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn... và sẽ nghiên cứu phát triển bay khai thác thường lệ khi có thị trường. Các địa phương này đều có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và có tiềm năng phát triển du lịch bằng máy bay cánh bằng loại nhỏ. Như đã trình bày ở trên, thời điểm triển khai đầu tư xây dựng các sân bay này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng

Quy hoạch các cảng hàng không, sân bay được xem xét, cân nhắc trên nhiều yếu tố. Trong đó việc hạn chế tối đa đất trồng lúa luôn được các cơ quan xây dựng và thẩm định quy hoạch quan tâm. Việc định hình mạng quy hoạch cảng hàng không còn phải hướng tới tương lai, nếu không quy hoạch sớm thì sau này sẽ không còn chỗ để xây sân bay

* Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không dân dụng VN mà Thủ tướng đã phê duyệt, không có sân bay Hải Phòng vì đã có cảng hàng không Cát Bi. Nhưng đến tháng 4 lại có quyết định phê duyệt vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng. Vì sao có điều này, thưa ông ?

- Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Cát Bi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1857/QĐ-TTg ngày 28-12-2007. Theo đó, Cát Bi là cảng hàng không quốc tế quan trọng trong hệ thống cảng hàng không toàn quốc đến năm 2025. Với vị trí là cảng hàng không quốc tế dự bị cho cảng hàng không Nội Bài và toàn khu vực miền Bắc, nhu cầu về việc mở rộng phát triển cảng hàng không Cát Bi là rất cao

Tuy nhiên, do nằm trong phạm vi thành phố có mật độ dân cư cao nên việc mở rộng, phát triển cảng hàng không Cát Bi chỉ đáp ứng được đến năm 2025 vì bị hạn chế về quỹ đất và các quy định về tiếng ồn, môi trường của thành phố... Vì vậy cần thiết phải có cảng hàng không thay thế cảng hàng không Cát Bi giai đoạn sau năm 2025

Việc quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hải Phòng không trái với quyết định quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không dân dụng VN đến năm 2020 và định hướng đến 2030, vì quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hải Phòng được xác định thay thế cảng hàng không Cát Bi và thời điểm đưa cảng hàng không quốc tế Hải Phòng vào khai thác là từ năm 2025, tức là hết giai đoạn quy hoạch cảng hàng không Cát Bi và cảng hàng không này đã khai thác hết công suất, không thể mở rộng, nâng cấp được

* Hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý được đầu tư vào xây dựng, nâng cấp cảng hàng không, chủ trương của Cục Hàng không VN, Bộ GTVT trong việc này thế nào ?

- Bộ GTVT, Cục Hàng không VN luôn khuyến khích và kêu gọi nguồn vốn ngoài vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào các cảng hàng không trên cơ sở hợp tác đầu tư, tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nước ngoài và các quy định của Luật hàng không dân dụng VN năm 2006

* Vốn đầu tư hạ tầng cảng hàng không rất lớn, có thể sử dụng những phương thức nào để tạo vốn đầu tư cảng hàng không hiệu quả ?

- Đầu tư xây cảng hàng không địa phương hiện nay phải mất từ 2.000-4.000 tỉ đồng. Xây cảng hàng không quốc tế như Long Thành phải mất 7 tỉ USD. Như vậy cần một nguồn vốn rất lớn để đầu tư các cảng hàng không, sân bay, tạo đột phá về hạ tầng để tạo đà cho kinh tế phát triển. Cục Hàng không VN đang nghiên cứu để báo cáo Bộ GTVT, Chính phủ cơ chế thu hút đầu tư ngoài ngân sách mà vẫn đảm bảo được quyền quản lý của Nhà nước
 
Nhật Bản tài trợ vốn cho đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu​

Ngày 30.9, ông Nguyễn Thành Hóa - Phó tổng giám đốc Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) cho hay, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và BVEC đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tài trợ vốn (cho vay với tỷ lệ khoảng 80%) đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do BVEC làm chủ đầu tư thuộc tuyến cao tốc loại A vận tốc 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư khoảng 22.522,34 tỉ đồng. Dự kiến khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào đầu năm 2013 và đưa vào sử dụng cuối năm 2017
 
Chính phủ muốn thu hút nhiều vốn tư nhân​

d8fc4_tu_nhan_1b.jpg

Các nhà đầu tư trao đổi bên lề hội thảo Vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á diễn ra ngày 6-10 tại TPHCM​

- Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét 24 dự án đề xuất từ các bộ ngành để kêu gọi vốn đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư (PPP) đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Ông Quang nói bên lề hội thảo về vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á diễn ra ngày 6-10 tại TPHCM rằng: “24 dự án này thuộc 8 lĩnh vực, trong đó có duy nhất một dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ công là khám chữa bệnh. Tổng vốn đầu tư của 24 dự án là khoảng 20 tỉ đô la Mỹ”

Về hình thức, Chính phủ sẽ chủ động trong việc xây dựng báo cáo, đấu thầu quốc tế công khai minh bạch để lựa chọn nhà tư vấn xây dựng dự án và chọn đối tác tư nhân cho dự án. Theo chủ trương, Chính phủ sẽ cho phép áp dụng thí điểm mô hình PPP trong 3-5 năm cho các dự án trong số 24 dự án trên, sau đó nếu thành công sẽ nhân rộng về ngành nghề, lĩnh vực, quy mô các dự án PPP

“Chính phủ muốn khai thông nguồn vốn đầu tư tư nhân và cần sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân vào các dự án lớn”, ông Quang nói tại hội thảo. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 năm tới Việt Nam sẽ phải cần ít nhất 160 đến 180 tỉ đô la Mỹ cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó trên 50% nguồn vốn cần thu hút từ tư nhân

Trước các câu hỏi về hành lang pháp lý cụ thể cho các dự án này, Phó cục trưởng Đặng Xuân Quang cũng cho biết, quan điểm của Việt Nam là hành lang pháp lý sẽ không phải là căn cứ cụ thể nhất cho các dự án được thực hiện theo mô hình đầu tư công - tư mà cụ thể nhất chính là hợp đồng 2 bên ký kết và đàm phán. “Hợp đồng mới là luật của dự án”, ông nói

Ông Quang cho rằng tương lai gần sẽ có sự thay đổi quan trọng trong cơ cấu đầu tư của Việt Nam. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) sẽ giảm đi, cơ cấu đầu tư của Nhà nước cần được chuyển hướng bền vững hơn và bớt phụ thuộc vào các nguồn vốn truyền thống như ODA và huy động trong nước (trái phiếu chính phủ). Cần cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công song trước mắt ông nói chưa thể cắt giảm ngay mà vẫn phải coi đó là giải pháp dài hạn

Về thu hút đầu tư nước ngoài ông Quang nói dòng vốn đầu tư FDI trong năm nay hiện đạt 9,9 tỉ đô la Mỹ, trong đó có khoảng 8,2 tỉ đô la Mỹ đã giải ngân. "Đây là tín hiệu đáng mừng. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào thu hút FDI về chất lượng thay vì số lượng. Cá nhân tôi cho rằng có 2 vấn đề sẽ được Chính phủ tập trung vào thời gian tới: thu hút đầu tư tư nhân đặc biệt vào lĩnh vực hạ tầng và tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ”

Đại diện các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ trong khu vực đều bày tỏ mong muốn rằng các cơ hội đó phải có tính thương mại rõ ràng, trong đó Chính phủ và nhà đầu tư hòa hợp về mục tiêu, có mong muốn hợp tác bền vững và lâu dài. Trong khu vực chưa có các dự án PPP lớn và khả năng tiên liệu cho thị trường PPP trong tương lai rất khó cũng như cần những nước đi cụ thể hơn từ phía Chính phủ

Ông Jonathan Pincus, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng nếu xét về vấn đề kinh tế thì các dự án kêu gọi đầu tư công nhất thiết phải đảm bảo làm sao khớp được lợi ích nhà nước với tư nhân, làm sao để PPP thực sự hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài và đó sẽ là những cuộc hôn nhân bền vững

“Quan trọng nhất là lợi ích phải cân đối và cân bằng. Và vì thế, cần xem xét cụ thể từng dự án chứ PPP không phải thuốc chữa bách bệnh”, ông Pincus nói. Ông cũng lưu ý rằng sự thiếu nhất quán giữa trung ương và địa phương cũng như giữa các cơ quan địa phương trong điều hành môi trường kinh doanh tại Việt Nam làm nhà đầu tư lo ngại hơn cả và đây là vấn đề nhà đầu tư nên thận trọng

John Vong, cố vấn cao cấp của Ngân hàng TMCP Sacombank và Công ty Tài chính quốc tế IFC, nói có đến 75% vốn đầu tư tư nhân toàn cầu đang ở các thị trường mới nổi và Việt Nam là nơi vốn đầu tư tư nhân còn có thể tăng trưởng nhanh hơn nữa nên cần có những chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội này

"Đây là thời khắc quan trọng, là ngã ba đường, là thời điểm khó khăn để nhiều nhà đầu tư đưa ra quyết định đi tiếp, dừng lại hay rẽ ngang trong chiến lược đầu tư của mình”, ông Vong nhận định

Hồng Phúc - Quốc Hùng
 
Ấn Độ sẽ cấp thêm vốn ODA cho Việt Nam​

74b23_btc.jpg

Bộ trưởng Pranab Mukherjee và Bộ trưởng Vương Đình Huệ​

- Ấn Độ sẽ tăng vốn hỗ trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và giúp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thiết bị, công nghệ của Ấn Độ

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ, ông Pranab Mukherjee, tại cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vương Đình Huệ tại Ấn Độ hôm 12-10 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp nhà nước nước Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Ông Pranab Mukherjee nói rằng, ngoài khoản 100 triệu đô la Mỹ vốn ODA đã được công bố tại Hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm, Chính phủ Ấn Độ sẽ tăng cung cấp ODA cho Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Tài chính Việt Nam, ông Pranab Mukherjee nói rằng Bộ Tài chính Ấn Độ rất quan tâm đến chủ trương tìm nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là tăng cường hợp tác công tư PPP đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Ấn Độ trong việc tìm kiếm các đối tác cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

Hai bộ trưởng cũng thống nhất sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quan, thuế, quản lý ngân sách, quản lý nợ công... nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đồng thời giao cơ quan chức năng hai bộ phối hợp xây dựng Hiệp định hợp tác giữa hai Bộ Tài chính để có thể ký trong thời gian sớm nhất
 
Khởi công dự án nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Uông Bí-Hạ Long​


Dự án được đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí trên 1.317 tỷ đồng

Ngày 16/10, tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giao thông-Vận tải đã tổ chức khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Uông Bí-Hạ Long

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí-Hạ Long được đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí trên 1.317 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước để giải phóng mặt bằng trên 234 tỷ đồng, phần còn lại đầu tư bằng vốn BOT, do nhà thầu Công ty cổ phần Phát triển Đại Dương đảm nhận

Quy mô dự án nâng cấp tuyến quốc lộ trên thành đường cấp 3 đồng bằng, chiều dài hơn 30km, bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80km/giờ, nền đường rộng 20,5m

Dự án sẽ xây mới hai cầu, cải tạo 16 cầu, do Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thi công trong thời gian 36 tháng

Việc khởi công nâng cấp tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ninh, bởi tuyến đường này là cửa ngõ dẫn đến các tỉnh, thành phố lớn trong vùng kinh tế phía Bắc khác như Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội
 
Đường cao tốc Bắc-Nam sẽ xong năm 2020 nếu vay được tiền​

28d36_images.jpg

Đường cao tốc Bắc-Nam là công trình ưu tiên vay vốn hàng đầu của Bộ Giao thông vận tải​

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 nếu Việt Nam tìm đủ các khoản vốn vay

“Chính phủ đã quyết định đầu tư cho dự án này nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển. Nhưng nếu tình hình phân bổ ngân sách kém đi thì từ nay đến năm 2020 không thể có đường bộ cao tốc Bắc Nam”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói tại cuộc thảo luận tổ Quốc hội ngày 24-10 về Báo cáo thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011 và dự toán ngân sách năm 2012

Ông Thăng nói một đất nước muốn phát triển thì không thể không có đường bộ cao tốc và nếu vay đuợc tiền để đầu tư vào hạ tầng giao thông, cần tiếp tục đi vay để hoàn thành các dự án

Ông Thăng nói: “Nếu vay được tiền đầu tư thì tiếp tục vay và từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn tất việc xây dựng đường cao tốc”. Ông bày tỏ quan ngại rằng với tiến độ đầu tư nhỏ giọt như hiện nay, ước tính đến năm 2015 chỉ hoàn thành được 600 km/hơn 2.000 km toàn tuyến

Ông Thăng cho biết, trong chuyến công tác tại Trung Quốc mới đây, ông biết rằng Trung Quốc mỗi năm làm từ 4.500 km đến 5.000 km đường cao tốc, trong khi Việt Nam có một đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình vài chục cây số trên trục Bắc-Nam khởi công từ năm 2005 đến nay vẫn chưa hoàn thành

Do vậy, Bộ trưởng Thăng nói càng làm sớm đường cao tốc thì càng tiết kiệm được thời gian và chi phí, để tương lai sau này không phải đầu tư. "Vấn đề hàng đầu là phải quản lý tốt đồng vốn vay và quyết liệt để thực hiện bằng được mục tiêu năm 2020 phải có đường cao tốc Bắc-Nam phục vụ phát triển kinh tế”, ông nói

Trong dự toán ngân sách năm 2012 mà Chính phủ dự kiến, tỷ trọng đầu tư công sụt giảm khá mạnh từ mức 44,3% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 39,5% đến 40,3% năm 2012. Trong đó, đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu có tỷ trọng giảm lớn nhất và hầu hết các dự án hạ tầng giao thông đều lấy từ các nguồn vốn này
 
Ba dự án kết nối ĐBSCL dự kiến khởi công năm 2012​



- Ba công trình giao thông quan trọng kết nối với trung tâm ĐBSCL là cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2012

Theo Tổng công ty Đầu tư và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) chủ đầu tư của 3 dự án nói trên, dự án cầu Cao Lãnh và đường nối từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống đã có liên danh nhà thầu Wilbur Smith Associates & WSP Finland và Yooshin Engineering Corporation đảm nhận phần thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công

4746b_cau_vc___cl_.jpg

Mạng lưới một số trục đường chính tại vùng ĐBSCL​


Đến nay, Bộ giao thông vận tải (GTVT) và tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất hướng tuyến của 2 cây cầu này. Theo thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức, mặc dù đã ký hợp đồng thiết kế với liên danh các nhà thầu nước ngoài nhưng vẫn cần phải có tư vấn phía Việt Nam để thực hiện một số việc như xác định vị trí hướng tuyến Cao Lãnh - Vàm Cống và vị trí kết nối của cầu Vàm Cống vào tuyến lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thi công

Theo thiết kế cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh (đều là cầu dây văng), hai cây cầu này sẽ kết nối với khu vực trung tâm ĐBSCL. Trong đó, 3 dự án thành phần là cầu Cao Lãnh, đường nối cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống, cầu Vàm Cống sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 16.417 tỉ đồng từ nguồn vốn vay thương mại của Ngân hàng châu Á, vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Hàn Quốc, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam

Dự kiến, 3 dự án thành phần này sẽ chính thức khởi công vào cuối năm 2012 và hoàn thành vào cuối năm 2016

Còn dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được lên phương án giải phóng mặt bằng. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành bước nghiên cứu khả thi

Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý với phương án tài chính sử dụng vốn ngân sách nhà nước, huy động vốn vay trong và ngoài nước, vốn của các nhà đầu tư và việc khai thác sử dụng quỹ đất dọc theo hai bên để tạo nguồn vốn thực hiện dự án

Theo quy hoạch, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 32,3 km, trong đó đường cao tốc chính dài 24,5 km và tuyến nối dài 7,82 km

Đường cao tốc này sẽ nối tiếp với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương tại nút giao quốc lộ 80, sau đó đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long và nối với đường dẫn cầu Cần Thơ tại nút giao Trà Và. Dự án, dự kiến khởi công vào năm 2012 và hoàn thành cuối năm 2014

Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được xây dựng với 6 làn xe, vận tốc 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng hơn 9.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1 chỉ xây dựng 4 làn xe

Anh Quân
 
Hoàn thiện cơ chế hợp tác công tư từ thí điểm dự án nhỏ​

- Kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư phát triển đòi hỏi phải có một nguồn lực lớn ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi vai trò của tư nhân trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn khiêm tốn đã khiến cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

h1.jpg

Hội nghị tổng kết dự án thành lập và hoạt động văn phòng phát triển chương trình hợp tác PPP​

Đó là vấn đề được đưa ra thảo luận tại "Hội nghị tổng kết dự án thành lập và hoạt động văn phòng phát triển chương trình hợp tác Nhà nước - Tư nhân (PPP) tại Việt Nam" diễn ra ngày 28/10, tại Hà Nội

Cơ hội đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại với những dự án quy mô lớn, biến đổi cơ bản về chất so với hiện tại, điều này đòi hỏi phải có một nguồn lực to lớn ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Một phần quan trọng của nguồn vốn này là vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước trong hợp tác đầu tư Nhà nước - Tư nhân (PPP) cần được áp dụng mạnh mẽ sâu rộng trong cả phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và kết cấu hạ tầng xã hội

Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã xây dựng chương trình hợp tác nhà nước và tư nhân, tạo một đòn bẩy khuyến khích đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng

Theo ông Trần Tường Lân, Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án, Dự án thành lập và hoạt động Văn phòng phát triển chương trình hợp tác nhà nước và tư nhân tại Việt Nam do WB tài trợ với tổng số vốn là 450.000 USD, trong đó 375.000 USD là từ WB, số còn lại 75.000 USD sẽ là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án này hoạt động từ tháng 3/2009 và dự kiến kết thúc ngày 31/10/2011 sau 2 lần gia hạn Hiệp định

Theo đó, dự án nhằm xây dựng một hành lang pháp lý nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP. Các hoạt động chủ yếu là xúc tiến các chương trình dự án PPP dựa trên khung pháp lý thành công từ các dự án thí điểm, nghiên cứu, hoàn thiện việc ưu đãi, thu hút đầu tư theo hình thức PPP

Ban Quản lý dự án đề ra mục tiêu ngắn hạn là nhằm xây dựng năng lực điều phối hoạt động giữa các cơ quan liên quan đến PPP trong việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và xây dựng dự án thí điểm

Dự án này sẽ hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải xây dựng khung thể chế cho dự án đường bộ đầu tiên thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức PPP là Dự án Dầu Giây - Phan Thiết và các tư vấn hỗ trợ nghiên cứu đánh giá môi trường và xã hội của dự án. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu trên

Do đây là dự án thí điểm đầu tiên ở Việt Nam cũng là dự án áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế để tiếp cận thị trường nhà đầu tư quốc tế. Cụ thể là hỗ trợ dự án Dầu Giây - Phan Thiết trên cơ sở cạnh tranh để đảm bảo tính khả thi của dự án về tài chính và hấp dẫn các nhà đầu tư

Ông Kamran Khan, Trưởng nhóm PPP của WB cho rằng, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong khu vực về triển khai PPP. Thời gian này, thay vì số lượng, cần tập trung triển khai một vài dự án PPP có khả năng thành công cao. Từ những thành công của các dự án thí điểm, sẽ tiếp tục quá trình xây dựng thể chế nâng cao hiệu quả hình thức PPP trong điều kiện đặc thù của Việt Nam

Sự thành công của dự án sẽ tạo ra sự tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường PPP quốc tế

Triển khai hợp tác công tư “vừa làm vừa học”

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế. Việc phân bổ nguồn lực cho dự án chưa tương xứng với các mục tiêu dự án đề ra, gây khó khăn cho việc lựa chọn các chiến lược thực hiện mục tiêu lâu dài của dự án mà đặc biệt là ở việc lựa chọn các dự án tiềm năng

Thực tế, mặc dù khá nhiều nước áp dụng mô hình PPP nhưng không phải nước nào cũng thành công. Nhiều dự án PPP ở các nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã thất bại vì có nhiều rủi ro và không đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, việc triển khai các dự án PPP còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Chẳng hạn đối ngành giao thông, kinh nghiệm các nước cho thấy những dự án thuộc lĩnh vực này thường đứng trước những khó khăn như quá trình đấu thầu đôi khi không được thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch, không tiên lượng được hết các rủi ro có thể xảy ra...

Việc giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, cần phải triển khai trước khi phát hành hồ sơ mời thầu

Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao thu hồi được đầy đủ chi phí của dự án. Qua thực tế có thể thấy một số dự án nhỏ thuộc vài lĩnh vực nhất định trong giao thông vận tải mới có khả năng thu hồi được đầy đủ chi phí và có lãi...

Chính vì thế, việc xây dựng cơ chế mới nhằm biến dự án đầu tư phát triển như các dự án cơ sở hạ tầng thành dự án mang tính thương mại, có khả năng thu hồi vốn và có lãi đang là vấn đề cần đặt ra trong thời gian tới để làm sao thể hiện được cam kết của Chính phủ, chia sẻ rủi ro trong quan hệ hợp tác PPP

Văn Chính
 
Việt Nam cần 350-400 tỉ đô la đầu tư cho hạ tầng​

2c644_botaichinh.jpg

Các Bộ trưởng Tài chính APEC chụp ảnh lưu niệm​

Bộ trưởngTài chính Vương Đình Huệ cho biết, do đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, Việt Nam cần một lượng vốn đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, khoảng từ 350 – 400 tỉ đô la Mỹ, và đặc biệt chú ý mô hình thu hút đầu tư bằng hợp tác công tư (PPP)

Ông Huệ phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 18 đã được tổ chức tại Honolulu, Hoa Kỳ ngày 10-11 và cho rằng mô hình PPP mới đang trong giai đoạn thử nghiệm, khung khổ pháp lý cũng như kinh nghiệm thực tế còn thiếu, trong khi khu vực tư nhân không đủ mạnh để đầu tư cơ sở hạ tầng. Việt Nam hy vọng sẽ học được những kinh nghiệm từ các nước thành viên APEC trong việc phát triển các dự án PPP, đặc biệt là cách thức thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án cơ sở hạ tầng

Trong bài phát biểu của mình, ông Huệ cho biết, hiện Việt Nam đang áp dụng các giải pháp đối phó với rủi ro và thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Đó là, về chính sách tài khóa: triển khai chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm chi tiêu công, giữ cho thâm hụt dưới 5%; về chính sách tiền tệ: triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh tóan dưới 16%; về nợ công: mức nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn, dự kiến khỏang 54% GDP vào cuối năm nay, phần lớn là nợ ODA; có những chính sách cụ thể để cải thiện FDI…

Bên lề APEC 19, Việt Nam và Chilê sẽ ký Hiệp định thương mại tự do (FTA)

Chile là nước có nền kinh tế khá mở với định hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, và đã ký hơn 50 hiệp định thương mại tự do với các nước khác, như Trung Quốc, Mỹ, EU

Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19 tổ chức tại Hawaii từ ngày 10 – 13/11 có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cùng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Công an và các ngành chức năng

APEC hiện là cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại lớn, gồm 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 40% dân số, 55% GDP và hơn 44% thương mại toàn cầu. Qua hơn 20 năm phát triển, Diễn đàn hợp tác APEC đã khẳng định được vai trò và vị thế trong khu vực và quốc tế, được các thành viên coi trọng. Việt Nam gia nhập APEC vào tháng 11/1998
 
Khởi động dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi​

- Gói hợp đồng dịch vụ tư vấn, thiết kế kỹ thuật dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ được Ban Quản lý dự án 85 ký với liên danh các nhà tư vấn của Nhật Bản vào ngày 15-11

Nguồn tin từ Văn phòng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Ban quản lý dự án 85 (thuộc Bộ GTVT) đã chọn liên danh Nippon Koei, Nippon Engineering Consultants, Chodai và Thai Engieering Consultants, làm tư vấn cho dự án với giá trị gói thầu này là 12,1 triệu đô la Mỹ

Theo Ban quản lý dự án 85, sau khi ký kết hợp đồng tư vấn, ban quản lý sẽ phối hợp với tư vấn hoàn thành phần thiết kế chi tiết để dự án có thể khởi công trong năm 2012

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần trong tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, với chiều dài 139 km, bao gồm 6 làn xe (giai đoạn đầu chỉ xây dựng 4 làn xe), vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Điểm đầu tuyến tại thị trấn Túy Loan, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng và điểm cuối tuyến nằm ở phía Tây thành phố Quảng Ngãi

Tổng vốn đầu tư của dự án gần 28.000 tỉ đồng (tương đương 1,472 tỉ đô la), trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 631 triệu đô la Mỹ để xây dựng đoạn đường từ Đà Nẵng tới Tam Kỳ (Quảng Nam) dài 65 km. Còn đoạn từ Tam Kỳ đến Quảng Ngãi dài 74 km, trị giá 673 triệu đô la được vay từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Phần còn lại là vốn ngân sách Nhà nước

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đồng thời, giảm tải cho quốc lộ 1A và kết nối vận chuyển quốc tế giữa 3 nước Lào - Campuchia - Việt Nam qua hành lang kinh tế Đông - Tây đến các cảng biển miền Trung của Việt Nam. Ngoài ra, khi có những sự cố về lũ lụt, tuyến đường cao tốc này sẽ đảm bảo giao thông thông suốt
 
Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến dự án PPP​

e8cc6_08db7_hatanggiaothong_1.jpg

Việt Nam đang tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông​

– Các nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm đến các dự án hạ tầng được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và mong muốn được làm rõ các hành lang pháp lý, mức độ chia sẻ rủi ro trong quá trình hợp tác cũng như thông tin về tính khả thi của dự án để có thể xúc tiến đầu tư

Các nhà đầu tư Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn trên với đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại buổi tọa đàm về đầu tư dự án theo hình thức PPP diễn ra tại TPHCM ngày 21-11

Ông Norio Hattori, nguyên đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (giai đoạn 2002-2008) nay là đại diện một quỹ đầu tư quốc tế nhận định việc xây dựng các danh mục dự án PPP sắp tới của Việt Nam là mối quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và do vậy cần có các báo cáo nghiên cứu các dự án chất lượng để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận

Với các dự án PPP phát triển hạ tầng tại TPHCM, các nhà đầu tư tham dự buổi tọa đàm cho rằng Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các hợp đồng mẫu để cho đông đảo doanh nghiệp tham khảo. Bên cạnh đó, phía Việt Nam nên thuê các tổ chức tư vấn quốc tế thẩm định tính khả thi của dự án và điều này sẽ giúp nâng cao mức độ hấp dẫn, thu hút của các dự án với nhà đầu tư

Tuy nhiên, điều các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản mong muốn được làm rõ về hành lang pháp lý, mức độ chia sẻ rủi ro trong quá trình hợp tác và các thông tin về tính khả thi của các dự án để có thể đưa ra quyết định

Trao đổi với các nhà đầu tư, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết trong giai đoạn vừa hoàn thiện hành lang pháp lý vừa triển khai các dự án thí điểm, Việt Nam rất cần sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Phía Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các chính sách kêu gọi, thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP hạ tầng cơ sở, bắt đầu tư khâu cung cấp, công bố thông tin rộng rãi

Ông Quang nói: “Nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án PPP sẽ là đấu thầu cạnh tranh quốc tế để tạo ra sân chơi công bằng, rộng rãi và minh bạch cho các nhà đầu tư”

Tại buổi tọa đàm, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã giới thiệu các dự án hạ tầng giao thông mà thành phố dự định thí điểm thực hiện theo hình thức PPP. Trong đó, dự án được TPHCM ưu tiên giới thiệu chính là dự án đường trên cao số 1 (còn gọi là đường trên cao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè)

Đây là dự án có điểm đầu từ đường vào sân bay Tân Sơn Nhất và điểm cuối là đường Nguyễn Hữu Cảnh, có chiều dài toàn tuyến 10,8km với 4 làn xe. Theo tính toán từ thời điểm 2007-2008, tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 720 triệu đô la Mỹ

Đoàn các nhà đầu tư, công ty Nhật Bản đang có chuyến khảo sát tại Việt Nam và có những buổi tìm hiểu trực tiếp với cơ quan chức năng của 3 địa phương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng để tìm hiểu về nhu cầu, thị trường cũng như môi trường đầu tư. Chuyến khảo sát này thu hút hơn 60 nhà đầu tư Nhật Bản tham gia, trong đó có đại diện các quỹ đầu tư, viện nghiên cứu phát triển hạ tầng cùng các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam

Thành Nhân
 
Bảo vệ nhà đầu tư PPP khỏi những rủi ro

– Việt Nam xác định rằng cần phải đưa ra những cam kết dài hạn với nhà đầu tư PPP thông qua hợp đồng được ký kết giữa hai bên để bảo vệ nhà đầu tư khỏi những rủi ro trong quá trình thực hiện

Hatang.jpg

Lĩnh vực hạ tầng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư​

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng nhóm Tổ công tác về hợp tác công-tư (PPP) khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm giữa Tổ công tác và Đoàn Doanh nghiệp của Nhật Bản diễn ra chiều ngày 24/11 tại Hà Nội

Với sự ra đời của Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai dự án theo hình thức PPP, 27 dự án được đề xuất thí điểm theo hình thức PPP, trong đó có 3 dự án thuộc lĩnh vực điện, 4 dự án nước, 12 dự án giao thông, 6 dự án liên quan đến lĩnh vực cảng và 2 dự án phát triển y tế

Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, mới chỉ có 4 dự án thí điểm đầu tiên được lựa chọn là Dự án xây dựng đường vành đai 4, thành phố Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch sông Hậu 1, và Dự án đầu tư xây dựng đường nối thành phố Hạ Long- Hải Phòng và 1 dự án đang được đề nghị triển khai thí điểm là Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Theo ông Đặng Xuân Quang, quá trình chuẩn bị dự án PPP có thể dài hơn so với những hình thức đầu tư có sự tham gia của tư nhân khác như BOT, BT… nhưng dự án PPP nhiều khả năng sẽ khả thi hơn. Toàn bộ công tác chuẩn bị, lập đề xuất và xây dựng nghiên cứu khả thi là do phía Nhà nước làm, khác so với những dự án được thực hiện theo hình thức BOT hay BT. Sau đó, với sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế có uy tín, các dự án sẽ được đưa ra đấu thầu rộng rãi, công khai và minh bạch

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Đoàn doanh nghiệp Nhật, Giáo sư Taniguchi cho biết, tại Nhật Bản, các doanh nghiệp có thể tham gia việc xây dựng dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức trọn gói (package) trong những lĩnh vực quan trọng như đường cao tốc, nhà máy điện, dự án chăm sóc y tế... Nhật Bản không quy định giới hạn đầu tư của Nhà nước trong những dự án PPP mà quy định dự án nào sẽ được triển khai PPP ở cấp địa phương và dự án nào sẽ được triển khai PPP ở cấp trung ương dựa vào tiêu chí xem xét tổng mức vốn đầu tư dự án

Theo Giáo sư Taniguchi, trong dự án PPP, việc phân chia rủi ro giữa khu vực nhà nước và tư nhân, trách nhiệm và quyền hạn giữa hai bên, phân chia chi phí đầu tư giữa hai bên… sẽ là những yếu tố tác động tới quyết định của nhà đầu tư Nhật Bản. Bởi thông thường, những dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc, nhà máy điện… nhà đầu tư phải mất từ 30-40 năm mới có thể hoàn vốn. Với thời gian thực hiện dài như vậy, có nhiều yếu tố mà nhà đầu tư phải tính tới và sự phân chia rõ ràng thông qua mô hình hợp tác hai bên cùng có lợi (win-win )sẽ là yếu tố thúc đẩy dự án triển khai theo hình thức PPP

Ông Đặng Xuân Quang cho rằng, cách hiểu PPP giữa các nước khác nhau không phải là vấn đề quan trọng bởi mô hình PPP của Việt Nam được tiếp thu từ những mô hình của các nước trên thế giới. Việc tìm được tiếng nói chung trong mô hình PPP thực tế ở Việt Nam không phải là quá khó khăn

Theo ông Đặng Xuân Quang, trong mô hình PPP, ngoài những quy định chung, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết giữa nhà nước và tư nhân, trong đó quan trọng nhất là cơ chế phân chia rủi ro giữa hai bên. Mặc dù Việt Nam mới trong giai đoạn triển khai thí điểm dự án PPP nhưng ngay tại thời điểm này, Việt Nam đã xác định rằng cần phải đưa ra những cam kết dài hạn với nhà đầu tư thông qua hợp đồng được ký kết giữa hai bên, bảo vệ nhà đầu tư khỏi những rủi ro trong quá trình thực hiện, kể cả những rủi ro trong thay đổi chính sách

Quyết định 71/2010/QĐ-TTg đã đưa ra cách làm mới và con đường mới cho phát triển hạ tầng đồng bộ của Việt Nam

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và đầu tư , mỗi năm Việt Nam cần tới 15-16 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng nhưng nguồn vốn mới chỉ đáp ứng được 7-8 tỷ USD và hình thức PPP được xem là một trong những giải pháp trong thời gian tới. Hơn thế nữa, theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, quanh mức 6-7%/năm, Việt Nam trở thành một thị trường PPP đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp nước ngoài
 
Vốn ODA không đủ cho phát triển lâu dài​

- Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng 2.12 tại Hà Nội, ông Alain Cany, chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, Chính phủ đã nhận ra rằng vốn ODA sẽ không đủ cho Việt Nam về lâu dài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn rất thờ ơ

Theo ông Cany, đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần hơn 160 tỷ USD để phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Các nguồn vốn truyền thống như ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và hỗ trợ phát triển (ODA) từ nước ngoài chỉ có thể giúp thỏa mãn một nửa nhu cầu

Điều đó có nghĩa là hơn 50% vốn đầu tư phải được huy động từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thế nhưng, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang cân nhắc về việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng do lo ngại về hiệu quả đầu tư, tỷ lệ thu hồi lãi và các đảm bảo về vốn

Ông Cany cho rằng, lý do khiến các nhà đầu tư thờ ơ là việc phân bổ rủi ro kém hiệu quả, các yêu cầu hành chính phức tạp, thiếu minh bạch trong các thủ tục đấu thầu và giải phóng mặt bằng tốn nhiều thời gian và chi phí

Với việc Chính phủ Việt Nam ban hành các quy định mới về các dự án ưu tiên hợp tác công tư (PPP) hồi năm ngoái, Eurocharm tin rằng đó sẽ là điều trọng yếu về lâu dài đảm bảo cho các dự án đối tác công tư

Người đứng đầu Eurocharm cũng nêu bật lên tình trạng đáng lo ngại của môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong năm 2011. Chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của Eurocharm đã giảm từ 78 xuống còn 52 điểm, thể hiện sự sụt giảm lòng tin vào Việt Nam là điểm đến đầu tư. Đó là tỷ lệ lạm phát cao kèm theo khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn

Phát biểu khai mạc trước đó, bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận, những khó khăn thách thức của Việt Nam như lạm phát cao, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản trầm lắng, nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng… chủ yếu là do nguyên nhân nội tại của nền kinh tế. Vì thế, Chính phủ Việt Nam từ 2012 sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào ba lĩnh vực là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm doanh nghiệp Nhà nước; và cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại
 
Top