Cần những bộ óc thông minh hơn sức mạnh dầu lửa
Tầm nhìn của Medvedev về tương lai của Nga là về các khối óc chứ không phải về sức mạnh dầu lửa, những quả bom hay điện Cremli
Quyết tâm cho một nước Nga thông minh
Khi Vladimir Putin nói về việc khôi phục sự vĩ đại của nước Nga, ông đã nêu ra một tầm nhìn sâu sắc trong thế kỷ 20 về việc sử dụng sức mạnh nhà nước, khả năng quân sự và sự dồi dào dầu lửa để khiến thế giới phải tôn trọng.
Đề cập vấn đề này, vị Tổng thống của ông, Dmitry Medvedev, lại nói về việc xây dựng "một thành phố đổi mới" ở ngoại ô Skolkovo của Mátxcơva, nơi nhà nước sẽ để những khối óc giỏi nhất của quốc gia tự do theo đuổi những bước đột phá về khoa học và công nghệ, nền tảng của "nền kinh tế tri thức" trong thế kỷ 21.
Tầm nhìn của Medvedev được thiết kế để giải phóng nước Nga khỏi thứ mà ông gọi là sự phụ thuộc "nhục nhã" vào xuất khẩu dầu khí, và để khôi phục sự vĩ đại của một dân tộc đã từng nổi tiếng về thành tựu khoa học và công nghệ.
Zhores Alferov, người đoạt giải Nobel duy nhất vẫn đang sống tại Nga, cũng là người được Medvedev chọn làm người quản lý dự án Skolkovo hồi tháng 4/2010, nói: "Sự thành công của phong trào "nước Nga thông minh" là một vấn đề mang tính sống còn đối với nước Nga. Ý tưởng Skolkovo gióng chiếc thuyền của Noah (con thuyền được nhắc đến trong Kinh Thánh do Chúa hướng dẫn Noah đóng để tránh qua con Đại hồng thủy do Chúa tạo ra để trừng phạt loài người vốn đã có quá nhiều tội lỗi)- mọi ý tưởng về hy vọng và sự sống sót của chúng tôi được gắn chặt trên đó".
Liệu Nga có lại nổi lên thành một cường quốc vĩ đại hay không có thể được quyết định bởi chiến dịch của Medvedev phục hồi sự thông minh của nước Nga.
Bất chấp sự thiếu hiệu quả của mình, nhà nước Liên Xô đã từng là một nước ủng hộ hào phóng cho khoa học và công nghệ, chế tạo vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới cũng như tàu vũ trụ mà đã đưa nhà du hành vũ trụ đầu tiên vào không gian.
Liệu Nga có lại nổi lên thành một cường quốc vĩ đại hay không có thể được quyết định bởi chiến dịch của Medvedev phục hồi sự thông minh của nước Nga
Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, sự ủng hộ của nhà nước dành cho khoa học sụt giảm mạnh, các nhà khoa học đã chạy ra nước ngoài và bản thân nhà nước này đã tiến triển thành cái tương tự như một dã thú- về mặt lý thuyết thì cam kết theo hướng thị trường tự do, nhưng trên thực tế thường xuyên "chiếm đoạt" lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân.
Trong thế hệ ở giữa hai sự kiện là chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin và cuộc bầu cử của Putin năm 2000, GDP và sản xuất công nghiệp của Nga đã giảm gần 50%, và kèm theo đó là đầu tư vào khoa học giảm từ 6% GDP xuống còn 1,5% GDP.
Tình trạng chảy máu chất xám đã bắt đầu vào những năm 1970 khi những người Do Thái có giáo dục của Liên Xô như cha mẹ của Sergey Brin- người đồng sáng lập ra Google- chạy sang phương Tây tự do.
Đến cuối thế kỷ 20, nó đã cướp đi của Nga hơn nửa triệu người tài năng nhất. Cả Putin lẫn Medvedev đều tin rằng nhà nước có thể giải quyết các vấn đề của Nga - nhưng trong khi Putin xem bộ máy hành chính của Nga hiện nay như nguồn sức mạnh của ông, thì Medvedev xem nó như trở ngại (nạn tham nhũng) cho việc tạo ra một nền kinh tế hậu dầu lửa.
Skolkovo là trọng tâm trong nỗ lực của Medvedev nhằm tạo ra một kiểu nền kinh tế mới. Là một khu vực ngoại ô khó phân loại thời đại Liên Xô và nằm cách Mátxcơva 40km, Skolkovo hiện là nơi có các trường kinh doanh hàng đầu của Nga, mà chủ yếu là của tư nhân nhưng lại nhận được một số khoản tiền của nhà nước chỉ cho nghiên cứu.
Thành phố đổi mới này được lấy cảm hứng từ mối quan hệ giữa Trường Đại học Stanford và Thung lũng Silicon, hay Học viện Kỹ thuật Massachusettsvà các công ty công nghệ Route 128 bên ngoài Boston: nơi những người tài giỏi có thể tìm thấy các nguồn tài trợ của tư nhân và chính phủ mà họ cần để thành lập "các công ty khởi nghiệp".
Ông trùm dầu lửa Viktor Vekselberg, người giàu thứ 10 của Nga và là sự lựa chọn của Medvedev để tổ chức mảng kinh doanh của Skolkovo, nói rằng Skolkovo mới sẽ là "một thành phố tương lai thực sự", lựa chọn những ý tưởng tốt nhất để nhà nước hỗ trợ dưới hình thức các "công ty khởi nghiệp".
Việc xây dựng đang được tiến hành trên một mảnh đất rộng 300ha mà sẽ được bảo vệ bởi tường bao xung quanh và những cánh cổng. Nếu mọi việc theo đúng kế hoạch thì vào năm 2014, thành phố mới này sẽ là nơi cư ngụ của khoảng từ 30.000 đến 40.000 người.
Viktor Ustinov, một nhà vật lý hàng đầu của Nga và là cựu học sinh của Alferov nói rằng Skolkovo sẽ là "Thung lũng Silicon của Nga" chuyên nghiên cứu đổi mới các phương tiện liên lạc và ngành y sinh, cũng như các công nghệ vũ trụ, hạt nhân và thông tin.
Theo Vladislav Surkov, nhà tư tưởng hàng đầu của Cremli nói: "Chỉ những người giỏi nhất mới được đến đó, và họ sẽ được bảo vệ cẩn thận.... những người giỏi nhất sẽ được hưởng những điều kiện đặc biệt tốt nhất".
Nhiều nước cũng đã cố gắng xây dựng Thung lũng Silicon của riêng mình. Những Medvedev, tuy chậm chân hơn, đã tuyên bố rằng dự án này là hy vọng tốt nhất cuối cùng của Nga.
Bản kế hoạch cho nền kinh tế Nga của ông đưa ra năm 2008, được gọi là "Chiến lược 2020", đòi hỏi khu vực công nghệ phải chiếm 15% sản phẩm xuất khẩu, hoặc 8-10% GDP vào năm 2020.
Hiện nay, tỷ lệ này chỉ khoảng 1,1% GDP, và phần lớn là nhờ xuất khẩu vũ khí quân sự hạng nặng. Chính vì vậy, Medvedev đang đổ nhiều tỷ USD trong ngân sách nhà nước vào các dự án bao gồm cả dự án Skolkovo, dự án quỹ đầu tư công nghệ nano lớn nhất thế giới, và một chương trình được tạo ra để lôi kéo những người Nga sống lưu vong và các công ty của họ trở lại quê hương.
Medvedev đã cử các quan chức cao cấp đi vận động để thu hút tiền cho chương trình đổi mới, và đã dành hơn 10 tỉ USD cho đầu tư công nghệ. Con số đó còn lâu mới bằng của những nước khác- Trung Quốc đã cấp 20 tỷ USD cho đầu tư công nghệ chỉ riêng năm 2010- nhưng dù sao nó cũng là một dấu hiệu cho thấy sự nghiêm túc.
Bảo vệ "nước Nga thông minh" bằng cách giết rồng "tham nhũng"
Cơ hội thành công lớn của Skolkovo là các doanh nghiệp của nó sẽ được bảo vệ khỏi các quan chức nhà nước và cảnh sát tham lam. Ngày nay, tiền trợ cáp và các đặc quyền đặc lợi đặc biệt mà nhà nước Liên Xô đã từng hào phóng cấp cho các dự án khoa học và kinh doanh đã dẫn đến các vụ "ăn cắp trắng trợn".
Trong một cuộc điều tra gần đây của PricewaterhouseCoopers về các tội phạm toàn cầu, 71% số doanh nghiệp của Nga bị đưa tin là mục tiêu của những hành động vi phạm như vậy của cảnh sát hay các công chức nhà nước (mức tồi tệ nhất trong số 33 nước trong cuộc nghiên cứu).
Bản thân Medvedev đã công khai chỉ trích văn hóa tham nhũng nhà nước của Nga và đã nỗ lực nhằm tạo nên các bức tường chắn để bảo vệ Skolkovo, điều này sẽ đơn giản hóa các luật về doanh nghiệp, tạo nên một chế độ cấp thị thực đơn giản hơn cũng như những lợi ích về thuế, và sẽ không có một công chức trộm cắp nào.
Vekselberg nói: "Chúng tôi sẽ tạo ra không chỉ một thành phố mới mà còn là những con người mới sẽ sống ở đó- sẽ không có chỗ cho tham nhũng trong thành phố của chúng tôi. Người nào đó phải đưa ra ví dụ về việc Nga có thể thay đổi như thế nào. Chúng tôi phải bắt đầu giết chết con rồng (tham nhũng) bên trong chính chúng tôi.
Nhưng hiện đang có các trào lưu chống lại "nước Nga thông minh", và có thể trong hai thập kỷ tới, tinh hoa giới trí thức của Liên Xô sẽ chết đi, để lại đằng sau một hệ thống giáo dục mục nát. Phần lớn các viện nghiên cứu truyền thống của Nga cách đây rất lâu đã đánh mất nhiều người giỏi nhất của họ vào tay các trường đại học được tài trợ tốt hơn ở phương Tây, và hiện nay không một trường đại học nào của Nga đứng trong top 100 trường tốt nhất của thế giới.
Do nhà nước Nga đã bị các công chức nhà nước tham nhũng sau biến cố hồi đầu thập niên 90, nên tài sản của các thể chế giáo dục đã bị bán hết, bị những người quản lý cho thuê hoặc bị đánh cắp có hệ thống.
Vào năm 2009, đất nước này đã xuất bản số báo và tạp chí mang tính chất học thuật ít hơn so với Ấn Độ hay Trung Quốc, và người Nga đã chỉ đoạt 4 giải Nobel trong thập kỷ qua, so với 76 giải dành cho Mỹ (và chỉ một giải, Giải Nobel hòa bình của Mikhail Gorbachev, vào những năm 1990).
Trong hệ thống thứ bậc các quốc gia có khả năng cạnh tranh nhất thế giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Nga đã xuống vị trí thứ 74 trong số 134 nước. Một số doanh nhân của Nga, như nhà thiết kế chương trình diệt virus Yevgeny Kaspersky phàn nàn rằng các tài năng dường như vẫn tập trung một cách lệch lạc vào hoạt động bất hợp pháp, như việc tạo ra loại virus Con ngựa thành Troy mang tên "Storm" tấn công khắp thế giới, làm 1,5 triệu máy tính bị nhiễm hồi năm ngoái.
Kaspersky, chủ sở hữu phòng thí nghiệm Kaspersky (một trong số ít doanh nghiệp công nghệ mang tính toàn cầu của Nga, chuyên nghiên cứu các biện pháp để ngăn chặn các tin tặc) nói: "Nga là một quốc gia của các siêu tin tặc".
Medvedev đang đẩy mạnh sự đổi mới như là một trong bốn trụ cột của chương trình hiện đại hóa
Dù gì thì kế hoạch của Medvedev nhằm tạo ra một lối thoát hợp pháp cho các tài năng công nghệ là một phẩm chất mang tính Xôviết. Ý tưởng về một thành phố cho các nhà khoa học gợi nhớ lại hình ảnh các thành phố công nghệ được xây dựng có mục đích của Stalin nằm dưới sự điều hành của Gulag, cơ quan quản lý của chính phủ. Đây là nơi các nhà khoa học được tuyển chọn làm việc trong những điều kiện được hưởng đặc quyền- và đã có những phát minh mang tính đột phá chẳng hạn như bom nguyên tử của Liên Xô.
Nhưng Vladislav Inzemtsev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hậu công nghiệp đóng tại Mátxcơva, cảnh báo rằng trong thời đại này "bạn không thể có một nền kinh tế đổi mới, kế hoạch và tập trung. Không một nơi nào trên thế giới có một Thung lũng Silicon phát triển nở rộ nhờ vào các sắc lệnh do các quan chức ban hành, cho dù các sắc lệnh này được hậu thuẫn bởi sự tài trợ của chính phủ".
Bản lĩnh của lãnh đạo
Sự thất bại của kế hoạch tập trung không nhất thiết sẽ báo hiệu một thất bại dành cho Solkovo, bởi vì Medvedev được dẫn đường bởi một tầm nhìn hiện đại hơn về việc sử dụng các khoản trợ cấp như thế nào để định hướng sự phát triển kinh doanh.
Đã có một số câu chuyện về sự thành công. Một trong những cựu học sinh của Alferov, Alexei Kovsh, đang chuyển công ty chiếu sáng của ông từ Đức sang St.Pertersburg, bởi vì Alferov thuyết phục ông này rằng ông ta có thể nhận được tài trợ tốt hơn ở Nga, với những chi phí thấp hơn so với ở phương Tây, và có sự bảo vệ tốt trước những kẻ sao chép công nghệ hơn ở Trung Quốc.
Kovsh gần đây đã bán cổ phần trong công ty của ông, Optogan, cho công ty Rusnanotech do nhà nước sở hữu và cho ông vua kim loại Mikhail Prokhorov. Với nhà nước như một bên tham gia thứ ba, Kovsh cảm thấy được bảo vệ. Alferov hy vọng sẽ áp dụng lại kinh nghiệm này để lôi kéo các doanh nghiệp tương tự đến Skolkovo.
Cùng chống lại "nhà nước Nga thông minh" là một số quan chức muốn nước Nga vẫn trong tình trạng "ngu dốt"- bởi vì họ kiếm được quá nhiều tiền từ đó.
Medvedev đang đẩy mạnh sự đổi mới như là một trong bốn trụ cột của chương trình hiện đại hóa của ông, ba trụ cột còn lại là các thể chế, cơ sở hạ tầng và đầu tư.
Nhưng sự thật là ông vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ. Nga mới chỉ xây dựng được thêm 1.000km đường vào năm ngoái, so với 47.000km đường đã được xây dựng ở Trung Quốc.
Cựu nghị sĩ thuộc phe đối lập Vladimir Ryzhkov phàn nàn rằng bốn trụ cột thực sự của chương trình hiện đại hóa của Nga là "sự ảo tưởng, thiếu hiệu quả, không ổn định và không có khả năng".
Yevgeny Gontmakher, thành viên cấp cao của nhóm nghiên cứu được Medvedev ưa thích là Viện phát triển đương đại nói rằng sai lầm trong chiến lược của Tổng thống là "họ mong đợi các nhà khoa học đến và phát minh ra mọi thứ cho họ, chính vì thế sẽ không cần phải cải cách các thể chế chính trị".
Không, Medvedev không quyết tâm cải cách toàn bộ hệ thống chính trị từ trên xuống dưới, nhưng điều rõ ràng là ông thấu hiểu các thế lực ủng hộ một nước Nga "ngu dốt".
Ông đã viết trong bản tuyên bố "Tiến lên nước Nga" của ông vào năm 2009: "Các quan chức tham nhũng... không muốn sự phát triển và lo sợ về điều đó. Nhưng tương lai không thuộc về họ- nó thuộc về chúng ta. Chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng lạc hậu và tệ tham nhũng". Có thể nước Nga thông mình sẽ giành chiến thắng.
Newsweek