What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

HAG xây dựng cụm công nghiệp mía đường tại Lào trị giá 100 triệu USD​

312a9HAGlao.jpg

Cụm công nghiệp mía đường sản xuất 4 dòng sản phẩm chính phục vụ thị trường Việt Nam, Thái Lan và Lào​

Sáng nay (22/11) tại tỉnh Attapeu, Lào, CTCP Hoàng Anh Gia Lai, mã: HAG, đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp mía đường, khánh thành bệnh viện và trường học

Cụm công nghiệp mía đường có tổng mức đầu tư 100 triệu USD sản xuất ra 4 sản phẩm chính là đường RS, Ethanol, điện năng và phân bón. Diện tích vùng trồng là 12.000 ha trong đó của nhà máy là 8.000 ha và 4.000 ha là kết hợp với địa phương. Nhà máy có công suất 7.000 tấn/ngày và năng suất trồng ước khoảng 100 tấn/ha/năm

Sản phẩm đường sẽ được tiêu thụ chính ở thị trường Việt Nam, riêng với Ethanol được sản xuất nhắm tới thị trường Thái Lan. Điện và phân bón là 2 sản phẩm phục vụ tại chỗ

Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT công ty cho biết, dự kiến đến năm 2014-2015 sẽ đem lại kim ngạch xuất khẩu lên tới 400-500 triệu USD cho tỉnh Attapeu

Ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch HĐTV ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mong muốn chính phủ Lào sớm cho phép Tập đoàn Hóa chất khai thác mỏ muối Kali tại Lào, cũng như đồng ý để HAG cùng một số nhà đầu tư khảo sát trồng cao su tại tỉnh Xekong trong thời gian tới
 
Bầu Đức đầu tư 1 tỷ USD sang Lào​

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức đã có một loạt dự án đầu tư qua Lào, với tổng số vốn lên gần 1 tỷ USD. Trong đó có cả việc đầu tư xây dựng hai sân bay và một khách sạn Hoàng Anh tại Attapue

Danh mục đầu tư của Bầu Đức ở Lào đến nay có 40.000 ha cao su và cọ dầu, 12.000 ha mía đường, 8 nhà áy thủy điện, một mỏ sắt và một mở đồng cùng hai sân bay ở Attapeu và Hủa Phăn

Với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 1 tỷ USD, Hoàng Anh Gia Lai trở thành DN có số vốn đầu tư và loại lớn nhất ở Lào. Trong đó, Attapeu là địa bàn được chọn là trọng điểm đầu tư với các lĩnh vực chủ yếu là cao su, thủy điện, sân bay, mía đường

Ngày 22/11, Hoàng Anh đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp mía đường và vùng nguyên liệu với số vốn đầu tư 100 triệu USD. Nhà máy có công suất 7 ngàn tấn mía trên ngày sẽ cho ra nhiều sản phẩm như: đường, ethanol, phân bón và tận dụng phê liệu để chạy nhà máy điện công suất 30 MW

Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai đã trồng được 22.000 ha cao su, xây dựng thủy điện Nậm Koong 2 công suất 66 MW, Nậm công 3, 40 Mw sắp tới sẽ khởi công thêm thủy điện Hạ Se Kong 120 MW và Se Sụ 50 MW...

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, hiện nay, các dự án thủy điện bắt đầu bán điện và có doanh thu tăng dần trong các năm sau, cao su sang năm bắt đầu có thu hoạch, mía đường sẽ hoàn thành và có sản phẩm trong vòng 1 năm tới... sẽ mang lại nguồn thu lớn cho tập đoàn

Với các dự án này khi hoạt động sẽ cần đến hơn 20 ngàn lao động, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho Lào hàng trăm triệu USD và đóng góp doanh thu lớn. Đặc biệt, với các dự án đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai và các tập đoàn khác sẽ biến Attapue là một tỉnh nghèo nhất nước thành một trung tâm nông nghiệp, chế biến và công nghiệp lớn nhất của Lào

Cam kết đầu tư lâu dài tại Lào, Hoàng Anh Gia Lai đã hỗ trợ địa phương 35 triệu USD cho an sinh xã hội như xây dựng 1.000 căn nhà ở công nhân, trung tâm hành chính, bệnh viện 200 giường, trường học, các công trình hạ tầng cầu đường và điện...
 
Bầu Đức đầu tư cho Giải bóng đá VĐQG Lào​

193bauduc.jpg

Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức vừa đưa ra dự án tổ chức Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp Lào (Laos League)

Ý tưởng này đã được phó thủ tướng thường trực và chủ tịch LĐBĐ Lào ủng hộ. Hiện đề án thành lập Laos League đang được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hoạch định theo đề nghị của Nhà nước Lào

Theo ông Đức, nếu đề án tổ chức Laos League được thông qua, giữa hoặc cuối năm 2012 giải sẽ ra đời. Trong số những đội dự giải sẽ có CLB mang tên Hoàng Anh Attapeu, nơi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư

“Ngoài việc cử chuyên gia, HLV sang giúp CLB, chúng tôi sẽ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Attapeu theo mô hình của CLB Hoàng Anh Gia Lai” - ông Đức cho biết. Hiện nhiều quan chức cao cấp của Lào, trong đó có chủ tịch LĐBĐ Lào Piphet, đã đồng ý để Hoàng Anh Gia Lai trở thành nhà tài trợ chính của giải. Do đề án đang được xây dựng nên con số cụ thể về kinh phí chưa thể nói ra, ít nhất cũng phải vài triệu USD cho một mùa giải
 
'Bầu' Đức nói về những thương vụ đầu tư tại Lào​

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức cho hay, tính đến nay, ông đã đầu tư vào Lào số vốn 1 tỷ USD, nhưng phải đến năm 2013 ông mới có thể thu được đồng lãi đầu tiên từ các dự án đang triển khai tại nước này

Vài năm trở lại đây, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức liên tục đầu tư vào Lào, đặc biệt là những tháng cuối năm 2011

Dự án Cụm Công nghiệp Mía đường vừa khởi công tại Lào mới đây với số vốn đầu tư 100 triệu USD đã đưa Hoàng Anh Gia Lai trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất tại Lào hiện nay. Cụm Công nghiệp Mía đường này hiện đại và lớn nhất Nam Lào, bao gồm nhà máy đường công suất 7000 tấn/ngày, nhà máy nhiệt điện công suất 30MW, nhà máy Ethanol 30.000 tấn/năm và nhà máy phân bón công suất 50.000 tấn/năm, dự kiến tháng 9/2012 đi vào hoạt động, tạo kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm

Ngoài dự án trên, Hoàng Anh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều dự án trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê ở thủ đô Viêng Chăn, nhà máy chế biến gỗ Attapeu, dự án mỏ sắt và đồng tại Sê Kông, 8 dự án thủy điện, cùng với dự án trồng hàng chục nghìn hecta cao su… Theo Hoàng Anh Gia Lai, tất cả dự án trên được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và nhanh chóng, trong tương lai sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 người lao động tại Lào

ktksHAGL2.jpg

Toàn cảnh khách sạn 4 sao Hoàng Anh Attapeu tại Lào​


Cũng trong tháng 11 này, Chính phủ Lào đã đồng ý cấp phép cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xây dựng 2 sân bay tại tỉnh Attapeu và Hữu Phăn. Việc đầu tư vào 2 sân bay này được triển khai trên hình thức Hoàng Anh Gia Lai hỗ trợ vốn cho Chính phủ Lào. Mức tín dụng cụ thể hai bên vẫn đang bàn bạc. Dự kiến, năm 2012, sân bay đầu tiên sẽ được khởi công xây dựng

Mới đây nhất, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ trở thành nhà đầu tư, cùng với Chính phủ Lào tổ chức Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia tại nước này

Dự án Tổ chức giải Vô định bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia Lào (Laos League) đang được Tổng liên đoàn Bóng đá Lào xây dựng. Ngoài việc góp vốn, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tham gia giải với một đội bóng được thành lập tại Lào

Dù Hoàng Anh Gia Lai chưa công bố tổng số vốn chính xác mà họ đầu tư vào bóng đá tại nước này, song trao đổi với Đất Việt chiều 28/11, ông Đức cho hay, số tiền chắc chắn được tính bằng đơn vị triệu USD

Bầu Đức cho biết, hiện tổng số vốn ông đầu tư vào Lào đã lên tới con số 1 tỷ USD. Ông bắt đầu đầu tư vào nước này từ năm 2007, ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Còn việc xây sân bay, bệnh viện, trường học, khách sạn hay đầu tư vào bóng đá tại Lào, mục đích của Hoàng Anh Gia Lai không phải là để kinh doanh, mà là thực hiện trách nhiệm xã hội với nơi mình làm ăn

Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã bỏ ra 35 triệu USD để giúp chính quyền và nhân dân tỉnh Attapeu xây tặng 1.000 căn nhà cho những người lao động, bệnh viện, trường học, nhiều cây cầu nối liền các vùng với nhau, kéo hàng trăm km đường điện phục vụ dân cư, xây dựng Trung tâm Hành chính mới huyện Phu Vông (tỉnh Attapeu)... Năm 2009, Hoàng Anh Gia Lai đã tài trợ 19 triệu USD cho Lào xây dựng Làng Vận động viên Sea Games 25

ktmiaduong2.jpg

Lễ khởi công xây dựng Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu​


Đoàn Nguyên Đức cho biết, phải đến năm 2013 ông mới có thể thu được đồng lãi đầu tiên từ việc đầu tư vào Lào, từ dự án đầu tiên ông triển khai ở nước này năm 2007. Hiện lĩnh vực cao su cho lợi nhuận sau 5 năm, khoáng sản thì tùy từng dự án sẽ cho lợi nhuận trong vòng 3 – 5 năm, thủy điện thì khoảng 3 năm

Theo bầu Đức, Lào là một thị trường hấp dẫn để cho các doanh nghiệp trong nước nhắm đến đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn đầu tư tại đây phải trường vốn, có tiềm lực về tài chính mạnh, tầm nhìn xa trông rộng thì mới mong thành công, còn nếu làm kiểu “ăn xổi ở thì”, khó mà sống được. Bởi ngoài việc đầu tư vào kinh doanh, họ phải quan tâm tới trách nhiệm xã hội của mình tại đây, đầu tư vào các dự án mang tính phúc lợi xã hội mà không có lợi nhuận

Bên cạnh Lào, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang đầu tư vào lĩnh vực cao su tại Campuchia được 3 năm nay, và sắp tới sẽ nhắm đến thị trường Myanmar. Khi được hỏi vì sao lại đầu tư vào 3 nước nghèo nhất khu vực Đông Nam Á, mà không phải các nước khác, bầu Đức nói rằng, những nước nghèo mới còn nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú để đầu tư

Hoàng Anh Gia Lai là một thương hiệu lớn tỏa sáng không chỉ ở Việt Nam mà còn lan rộng ra nước ngoài, đang phát triển nhanh và bền vững với 4 ngành chủ lực: cao su, khoáng sản, bất động sản, thủy điện.Hiện nay HAGL là một trong những công ty bất động sản lớn nhất nước với 27 dự án ở khắp nơi. Trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản HAGL có 7 mỏ sắt và đồng với tổng trữ lượng 60 triệu tấn, sẽ đem về doanh thu trong nhiều năm tới ước tính hàng tỷ USD

Bên cạnh đó, 17 dự án thủy điện với tổng công suất 420 MW tạo doanh thu khoảng 1500 tỷ đồng/năm. Đặc biệt điểm nhấn là quỹ đất để tập đoàn này trồng cao su, cọ dầu, mía đường đã lên đến 100.000 hecta, không lâu nữa cao su mang lại lợi nhuận khoảng 500 triệu USD cho tập đoàn mỗi năm

Sự thành công của Hoàng Anh Gia Lai nói chung, dấu ấn và tài năng của ông Đoàn Nguyên Đức nói riêng được các tổ chức uy tín quốc tế công nhận. Tháng 9/2011 ông Đức được Tạp chí tài chính hàng đầu thế giới Wall Street Journal bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, rồi tiếp đó hồi đầu tháng 10 ông trở thành nhân vật xuất sắc nhất đạt giải “Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp” do Ernst & Young bình chọn, đại diện cho doanh nhân Việt Nam tham dự giải thưởng toàn cầu tại Pháp vào tháng 6 năm sau

Và bầu Đức chia sẻ, vẫn giữ vững khát vọng trở thành tỷ phú thế giới trong nay mai. “Tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc”, bầu Đức nói
 
Gỗ Hoàng Anh Gia Lai
Biểu tượng chất lượng của ngành chế biến gỗ Việt Nam

Không ngừng đầu tư đổi mới trang thiết bị, quy trình công nghệ hiện đại; đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu; kiên định con đường mình đã lựa chọn và vững bước tiến lên…

Công ty CP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã trải qua không ít thách thức để tạo cho mình một thế đứng vững chắc trên thị trường

Khởi nghiệp năm 1990 từ một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh do ông Đoàn Nguyên Đức trực tiếp điều hành, đến nay Tập đoàn HAGL đã đạt được bước tiến mạnh mẽ và trở thành tập đoàn tư nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Trong đó, ngành sản xuất và kinh doanh gỗ là ngành truyền thống lâu đời nhất của HAGL, nhờ vậy HAGL có rất nhiều thế mạnh cũng như thuận lợi nhất định không phải doanh nghiệp nào cũng có được

Công ty CP Gỗ HAGL là 1 trong 5 tổng công ty thuộc Tập đoàn HAGL, là công ty sản xuất đồ gỗ nội thất hàng đầu thị trường Việt Nam. Công ty CP Gỗ HAGL hiện đang sở hữu 5 nhà máy gỗ (trong đó có 1 nhà máy tại Lào) với tổng công suất các nhà máy vào khoảng 20.000m3 gỗ tinh thành phẩm/năm

Bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực đồ gỗ, Công ty CP Gỗ HAGL đã góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh chóng ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ trong cả nước. Hiện nay các sản phẩm như đồ gỗ nội thất, ngoại thất cao cấp của Công ty có mặt ở hầu khắp các thị trường lớn trên thế giới như EU, châu Mỹ, châu Á, Australia, New Zealand…

Các văn phòng đại diện được thiết lập tại một số nước nhằm tạo điều kiện giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận, giao dịch với Tập đoàn một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất. Bên cạnh việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, Tập đoàn HAGL đang đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước bằng việc hình thành hệ thống siêu thị đồ gỗ với qui mô lớn tại 5 trung tâm đô thị Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ

HoangAnhGL.jpg

Bà Võ Thị Mỹ Hạnh – Phó Tổng giám đốc​

Bà Võ Thị Mỹ Hạnh – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai cho biết việc định hướng phát triển dựa trên nền tảng, tiềm năng vốn có của địa phương và dần mở rộng hơn ra các tỉnh, thành khác trong cả nước đã tạo nền móng vững chắc giúp cho HAGL đứng vững, phát triển ổn định ngay cả khi nền kinh tế bị ảnh hưởng của sự suy thoái. Đồ gỗ nội thất HAGL có góc cạnh sắc nét, tinh tế, vân gỗ đẹp quyến rũ, hiện đại trong sử dụng nhưng vẫn mang nét độc đáo riêng

Đặc biệt toàn bộ sản phẩm đồ gỗ nội thất của HAGL chủ yếu được làm từ gỗ xoan đào hoặc veneer xoan đào chất lượng tốt nhất và là một trong những thương hiệu dẫn đầu thị trường nội địa việt Nam, nhanh chóng được người tiêu dùng trong cũng như ngoài nước tin cậy sử dụng

Để có được những sản phẩm gỗ chất lượng cao cấp, tạo được uy tín trong lòng khách hàng tại những thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng…

HAGL đã tự hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hiện đại cũng như tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu chất lượng để tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho thị trường. Quy trình sản xuất khép kín, chủ động đầu vào – đầu ra đã đem lại sức cạnh tranh đặc biệt cho sản phẩm của HAGL

Không chỉ đẹp về mẫu mã, bền về chất lượng, thế mạnh của sản phẩm gỗ HAGL còn nằm ở chứng nhận xuất xứ của nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm đó. Đồ gỗ nội thất của Công ty đã vinh dự đạt được chứng nhận FSC - chương trình toàn cầu kiểm định chuỗi hành trình sản phẩm từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của các phẩm gỗ HAGL so với các doanh nghiệp cùng ngành khác

Cùng với việc đẩy mạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh, hoạt động của HAGL luôn gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển kinh doanh bền vững và có trách nhiệm đối với cộng đồng

Góp phần làm nên những thành công vượt trội của Công ty CP Gỗ HAGL hôm nay, bên cạnh nguồn nguyên liệu chất lượng, dây chuyền công nghệ hiện đại, một phần còn do Công ty đã xây dựng cho mình một đội ngũ thiết kế riêng cho từng dòng sản phẩm. Chính từ đội ngũ thiết kế hết sức năng động và sáng tạo này, Công ty đã tạo dựng được uy tín cũng như chiếm được niềm tin nơi người tiêu dùng

Bên cạnh đó, Công ty cũng không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng để từ đó cho ra đời những mẫu sản phẩm đồ gỗ nội thất phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng đối tượng. Yếu tố then chốt tạo nên thành công trong hoạt động kinh doanh của HAGL chính là sự tiết kiệm tối đa nguyên liệu sản xuất nhưng vẫn đảm bảo độ bền vững, mẫu mã phong phú

Trải qua thời gian, với những sản phẩm đồ gỗ nội thất độc đáo của mình, HAGL đã có những bước phát triển nhanh chóng, tự tin khẳng định vị thế trên thị trường. Khách hàng của Công ty là những nhà nhập khẩu có tên tuổi và rất khó tính, do vậy yêu cầu về chất lượng nguyên liệu, độ an toàn trong lao động, chăm lo cho đời sống người lao động và hàng loạt tiêu chuẩn quốc tế khác luôn được Công ty chú trọng kiểm định nghiêm ngặt

Bàn về kế hoạch phát triển trong tương lai, bà Võ Thị Mỹ Hạnh cho biết thời gian vừa qua, Ban lãnh đạo Công ty đã nỗ lực rất lớn nhằm từng bước chuẩn hóa từ khâu quản trị hành chính đến sản xuất. Hiện nay, đi đôi với việc cơ cấu lại bộ máy nhân sự tinh gọn, cơ sở hạ tầng, dây chuyền và quy trình sản xuất của các nhà máy đã được tiêu chuẩn hóa với những trang thiết bị hiện đại, công suất lớn, độ an toàn sản xuất cao

Với những nỗ lực đổi mới như vậy, bước đầu Công ty đã đạt được những kết quả khả quan, thể hiện ở: năng suất lao động không ngừng gia tăng; giá thành sản xuất được kiểm soát tốt; dây chuyền sản xuất hoạt động hết công suất, quy trình sản suất khép kín, giảm thiểu các công đoạn thừa và cắt giảm được những chi phí không cần thiết…Với nền tảng vững chắc như vậy, Công ty đặt chỉ tiêu doanh số cho kế hoạch phát triển đến năm 2015 đạt 1.000 tỷ đồng/ năm, chủ yếu phân phối cho thị trường trong nước

Cho đến thời điểm hiện nay, trong ngành chế biến gỗ Việt Nam, Công ty CP Gỗ HAGL luôn được đánh giá là doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh tốt, luôn giữ uy tín với khách hàng, đồng thời rất tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là nền tảng vững bền cho những cú đột phá ấn tượng của Công ty về sau này
 
Hoàng Anh Gia Lai sẽ đưa ra thị trường 2.500 căn hộ giá hợp lý​

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) khẳng định: “HAG coi bất động sản là một trong những ngành kinh doanh chủ lực trong chiến lược phát triển cùng với cao su, thủy điện và khoáng sản

Quỹ đất của HAG đủ để đầu tư phát triển trong 10 năm chưa hết. Chúng tôi sẽ luôn giữ vị trí số 1 ở phân khúc thị trường căn hộ”. Đây là phản hồi thông tin trên thị trường về việc Hoàng Anh Gia Lai sẽ rút ra khỏi bất động sản sau ba năm nữa của ông Đức

Ông Đức cho biết, HAGL hiện vẫn đang thu lợi nhuận từ bất động sản và đang nghiên cứu để trong năm 2012 đưa ra thị trường 2.500 căn hộ giá hợp lý, cùng với phương thức thanh toán dễ chịu, phù hợp thị trường bất động sản hiện nay. Với lợi thế giá vốn thấp, HAG đủ khả năng thích ứng với mặt bằng giá mới xác lập của thị trường căn hộ, đảm bảo đầu tư kinh doanh có lãi hợp lý

Sau 3 năm, lợi nhuận bất động sản dù vẫn tăng trưởng nhưng sẽ giảm dần về tỷ trọng trong tổng lợi nhuận của Tập đoàn do có sự đóng góp rất lớn của các lĩnh vực như cao su, thủy điện. Lợi nhuận của cả Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ giảm dần mức độ phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản như hiện nay
 
Myanmar cấp phép đầu tư cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam

Trong đó HAGL dự kiến đầu tư khoảng 300 triệu USD cho khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê trên diện tích 8ha tại Yangon theo hình thức BOT

Theo báo cáo của hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar, các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt những kết quả tích cực với việc ký kết và trao giấy phép trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bất động sản, khai khoáng trong chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ

26ea2_a187.jpg

Về lĩnh vực nông nghiệp: Liên doanh trong lĩnh vực sản xuất giống và kinh doanh nông nghiệp của công ty Viettranimex với đối tác là Công ty Sann Shwe Li Co .Ltd

Tổng mức đầu tư dự kiến 15 triệu USD, triển khai trên diện tích 10.000 ha tại Nay Pyi Taw. Hiện Viettranimex đang trồng trình diễn 12 giống lúa tại trang trại của Tổng thống và Công ty Sann Shwe li. Ruộng lúa thử nghiệm phát triển rất tốt, gây được tiếng vang lớn trong Chính phủ Myanmar và được Bạn đánh giá rất cao

Liên doanh đầu tư khu phức hợp dịch vụ nông nghiệp giữa Vinacapital, Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang và Công ty Green Asia của Myanmar bao gồm trồng, cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhà máy xay sát lúa gạo (công suất có thể mở rộng đến 250 ,000 tấn), sản xuất bao bì, mì gói, sản xuất nông sản xuất khẩu… tại huyện East-Dagon, Yangon

Tổng mức đầu tư dự kiến 55 triệu USD được chia làm 3 giai đoạn; Giai đoạn 1 dự kiến 15 triệu USD bao gồm nhà máy xay xát gạo (công suất 100.000 tấn/năm) và hệ thống kho chứa, nhà máy sản xuất bao bì, mì gói và trang trại sản xuất lúa giống

Về lĩnh vực bất động sản: Dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trên diện tích 8 ha tại Yangon; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD. Thực hiện theo hình thức BOT thời gian 60 năm

Về lĩnh vực sản xuất dược phẩm: Dự án liên doanh sản xuất dược phẩm giữa Tập đoàn ASV Pharma Corporation và Công ty Myanmar Entrepreneur Investment Group với tổng mức đầu tư ước tính 20 triệu USD tại Yangon, sản xuất các loại thuốc kháng sinh, thuốc tiêm và dịch truyền

Bên cạnh những dự án đã ký kết liên doanh được cấp phép, một số những dự án khác của các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến cũng sẽ đạt được liên doanh và cấp phép trong thời gian tới với sự ủng hộ, hỗ trợ từ Chính phủ Myanmar như dự án khai thác đá marble của Simco Sông Đà, sản xuất mía đường, trồng và chế biến bông, nhà máy sản xuất bia, nước giải khát, nhà máy sản xuất xi măng; sản xuất thiết bị nội thất…

Theo đánh giá của ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch AVIM, so với hơn 1 năm trước đây Chính phủ Myanmar có quyết tâm rất cao về việc sửa đổi cơ chế chính sách trong đầu tư nước ngoài với mục đích nhanh chóng đưa Myanmar trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển

Myanmar có thiện chí, dành tình cảm chân thành và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Myanmar và Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp

AVIM cho rằng cần nhanh chóng thúc đẩy hoạt động đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và phía bạn quan tâm như lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp (cao su, mía đường), cây nông sản…

Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam cũng cần kiên trì bền bỉ trong việc thăm dò khảo sát và tăng cường hiểu biết, nắm vững, cập nhật sự thay đổi về cơ chế, chính sách và luật pháp Myanmar để chủ động trong quá trình đàm phán và hợp tác theo nguyên tắc an toàn, bền vững hai bên cùng có lợi với sự chân thành và thiện chí

Tin tưởng rằng với cơ hội và vận hội trong những năm tới, hợp tác kinh tế - du lịch - thương mại - đầu tư của Việt Nam vào Myanmar sẽ có bước đột phá hiệu quả
 
Last edited by a moderator:
'Bầu' Đức kêu gọi đầu tư vốn vào dự án 'khủng' tại Myanmar​

Thông tin từ Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar (AVIM) đến với giới truyền thông, trong chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua, một số dự án đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar đã được ký kết

Trong đó có số vốn đầu tư lớn nhất là dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp do Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đầu tư

Trao đổi với Đất Việt, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho hay, dự án này mới chỉ là ý định và mọi vấn đề liên quan đều chưa được quyết định rõ ràng

“Về thời gian triển khai dự án, chúng tôi vẫn chưa chắc chắn sẽ bắt đầu vào năm nào, nhưng sớm nhất cũng phải đến năm 2013, còn chậm thì năm 2015. Còn địa điểm xây dựng khu trung tâm là ngay tại thành phố Yangon, Myanmar, với diện tích dự kiến khoảng 8 – 10 ha

Chúng tôi cũng chưa có con số cụ thể về số vốn đầu tư cho dự án này, con số 300 triệu USD mà báo chí đưa ra chỉ là trên lý thuyết, thực tế có thể khác xa. Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai chỉ đầu tư vốn 1 phần vào dự án, chủ yếu chúng tôi sẽ là người “cầm trịch” để kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đầu tư tiền vào dự án này”, ông Đức nói

ktbauduc2.jpg

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức​

Cũng theo "bầu" Đức, Hoàng Anh Gia Lai đang kêu gọi vốn đầu tư vào dự án này. Việc kéo vốn không quá khó song cũng không phải là dễ khi hiện có rất ít doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar. Những dự án đã đầu tư thì đang trong quá trình triển khai, hoặc mới đi vào hoạt động, nên chưa thấy được lợi nhuận

Ông Đức cũng cho biết, theo luật của Myanmar, doanh nghiệp nước ngoài thuê đất tại quốc gia này sẽ được hưởng thời gian thuê cao nhất là 70 năm

Hình thức đầu tư của dự án trên là BOT (Builing operationtransfer - xây dựng vận hành chuyển giao). Nghĩa là dự án sẽ được ký kết giữa 2 nhà đầu tư và cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền

Sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư sẽ được sử dụng công trình trong 1 thời gian theo hợp đồng trên khung giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Hết hợp đồng thì nhà đầu tư giao lại cho cơ quan nhà nước theo chất lượng đã quy định trong hợp đồng

Trước đó, bầu Đức từng chia sẻ với Đất Việt, ông chỉ muốn đầu tư vào các nước nghèo trong khu vực Đông Nam Á, bởi những nước này nguồn tài nguyên khoáng sản còn phong phú. Ngoài những nước Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư như Lào, Campuchia, ông đang có ý định nhắm tới thị trường Myanmar

Tuy bầu Đức không nói về kỳ vọng lợi nhuận vào dự án Khu phức hợp trung tâm thương mai, khách sạn, căn hộ cho thuê trên, song nhiều người vẫn ngầm hiểu rằng, đây mới chỉ là bước đệm ban đầu để Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sâu hơn vào Myanmar, bởi quốc gia này là nước giàu tài nguyên khoáng sản, trữ lượng khí tự nhiên vào hàng thứ 13 - 14 trên thế giới, lại có vị trí địa lý - chính trị khá quan trọng
 
“Chú Sam” của Việt Nam và khúc ngoặt trước giấc mơ tỷ phú đôla​

Đoàn Nguyên Đức có thể trở thành tỷ phú thế giới như “lời thề” của ông

Nhưng muốn thế, HAGL phải trải qua một khúc ngoặt không êm dịu trên con đường của mình

Nếu không có gì thay đổi, khúc ngoặt có tính quyết định này sẽ dẫn đến điểm cuối: năm 2014

Nếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) không bất ngờ bị Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Mỹ Standard & Poor (S&P) hạ bậc tín nhiệm từ ‘B’ xuống ‘B-’ vào tháng 12/2011, có lẽ giấc mơ trở thành “tỷ phú thế giới” của ông Đoàn Nguyên Đức sẽ có cơ hội được hiện thực hóa sớm hơn

Vào tháng 10/2011, trong một sự kiện gây chú ý không kém động thái hạ bậc của S&P, ông Đức đã được chọn là nhân vật đại diện duy nhất cho giới doanh thương Việt Nam tham dự giải thưởng Doanh nhân toàn cầu của Ernst & Young tại Monte Carlo, Monaco sẽ diễn ra vào tháng 6/2012

Còn ngay trước tháng 10/2011, Wall Street Journal - một tờ báo có uy tín bậc nhất trong hệ thống truyền thông tài chính của Mỹ, đã bình chọn Đoàn Nguyên Đức là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á

“Chú Sam” của Việt Nam ?

Tất nhiên, có nhiều tiêu chí để xác định điều được gọi là “đẳng cấp quyền lực” theo cách nhìn của riêng Phố Wall. Nếu chỉ đơn thuần xem xét tiêu chí tài sản, người mà báo giới và túc cầu giáo ở Việt Nam vẫn thường đề cập như biệt danh “bầu Đức” có lẽ không thể sánh nổi với giới tỷ phú đô la của những quốc gia mới nổi như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, hay đặc biệt là Trung Quốc với số lượng tỷ phú đột ngột dâng cao, chỉ xếp sau Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Quyền lực của cá nhân chính trị và cá thể doanh thương không chỉ được tượng trưng bằng những hình thức phô bày không kém tính tượng trưng. Hiểu theo góc cạnh ẩn ý và có văn hóa hơn, khái niệm về quyền lực còn tựu trung ở tư tưởng và phong cách của cá nhân lãnh đạo

Dĩ nhiên, không nên quá cường điệu vai trò của một tỷ phú Việt Nam, chẳng hạn thông qua cách gán cho Đoàn Nguyên Đức một cái mác nào đó mang tính tư tưởng hay điều gì đó đại loại như thế

Trong đời sống hàng ngày, đây là một con người đơn giản về sinh hoạt, nhưng có sức làm việc kiên trì, lấy công việc làm niềm vui và có lẽ là lẽ sống của đời mình

Tiền đẻ ra công việc, và công việc lại sinh sôi ra tiền – một chuỗi suy luận tất yếu để một cá nhân như ông Đức, dù muốn hay không, cũng bắt buộc phải được xếp vào hàng ngũ những người có đẳng cấp về kinh doanh theo quan niệm không chỉ là tiêu chí của những người giàu nhất sàn chứng khoán

Quyền lực còn thuộc về phong cách lãnh đạo. Không nhất thiết phải là một nhân vật sở hữu quá nhiều cổ phiếu hay bất động sản, nhưng có lẽ Đoàn Nguyên Đức đã từ lâu trở thành một trong số hiếm hoi doanh nhân dám phơi bày về bản thể của mình, cả mặt tốt lẫn hạn chế

Cái tính cách dám phơi bày ấy được biểu hiện bởi sự phô bày một cách đơn giản, chứ không nhằm phức tạp hóa, về nhận thức xã hội cũng như về công việc điều hành của mình

Khó tìm thấy những triết lý thâm sâu hay ẩn dụ cấp độ cao trong những bài trả lời phỏng vấn báo chí của Đoàn Nguyên Đức. Hiểu một cách đơn giản, ông không né tránh nguồn gốc nông dân của mình khi cố gắng biểu hiện phong cách “bình dân hóa đại gia”

Đối với người phương Tây, đặc biệt là giới tư bản ở Mỹ vốn đang mang truyền thống của “Chú Sam”, phong cách có thể tạo nên tư cách riêng biệt. Những “huyền thoại” như “Chú Sam” không mặc cảm với xuất xứ chân đất và vị trí một người làm công của mình, hoàn toàn có đủ tư cách để đứng vào hàng ngũ những người lãnh đạo kinh doanh, tất nhiên với điều kiện anh ta gặt hái sự thành công

Ở Việt Nam, tâm lý xóa bỏ mặc cảm về “nền văn hóa lúa nước” đã chưa được tạo dựng đủ nhiều và đủ sâu để giới doanh thương đất nước này vươn lên một tầm cao dân trí mới. Chính vì thế, phong cách khá bộc trực của Đoàn Nguyên Đức, tiêu biểu là mục tiêu trở thành tỷ phú thế giới, đã vô hình trung làm cho nhân vật này nổi bật hơn hẳn những doanh gia trưởng giả khác

Khúc ngoặt đầu tiên


Có lẽ dấu hiệu đầu tiên của khúc ngoặt khó khăn là vào đầu năm 2009, khi Đoàn Nguyên Đức bắt buộc phải tiến hành một hành động chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tồn tại của HAG: giảm đến 40% giá bán tại một dự án căn hộ cao cấp ở quận 2, TP.HCM

Tất nhiên theo cách tính toán riêng của ông Đức, với một lượng lớn đất thu gom với giá rất rẻ (so với thời giá hiện nay) từ những năm 2002-2003, hoạt động bán căn hộ của ông, dù có bị những người trong giới BĐS coi là hành vi bán tháo hay phá giá thị trường, vẫn còn có lãi

Nhưng nếu hạch toán đầy đủ cả những khoản bị “thất thoát” do các dự án căn hộ bị ngâm vốn, cùng với lãi vay ngân hàng, tình hình của năm 2011 đã trở nên khác biệt khá nhiều so với thời gian trước

Quý 2/2011 đã bắt đầu ghi nhận một dấu hỏi về thực chất tình hình tài chính của HAG. Tại một báo cáo riêng lẻ trước đó, công ty này công bố mức lỗ 114 tỷ đồng. Con số này đã ngay lập tức gây tác động ở mức độ vừa phải đến thị trường BĐS

Mặc dù sau đó trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của quý 2, HAG đã điều chỉnh lỗ thành lãi với con số mới là dương 260 tỷ đồng, nhưng nhiều người trong và cả ngoài giới BĐS đã bắt đầu cảm nhận về một cái gì đó bất ổn từ HAG

Sự bất ổn trên có lẽ xuất phát từ việc các khoản chi phí đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có những khoản mà HAG phải trả lãi vay cho ngân hàng, đặc biệt là lãi vay ngắn hạn

Những cảm nhận về khó khăn tài chính của HAG cũng làm ảnh hưởng đến tính xác thực của con số 2.400 tỷ đồng mà vào tháng 4/2011, Đoàn Nguyên Đức đã phát đi như một thông điệp đầy bất ngờ trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp BĐS đang bị xem là “chết lâm sàng”, là sẽ dùng số tiền dư dật hiếm có này để săn mua đất nền giá rẻ

Đến tháng 11/2011, khi câu chuyện về 2.400 tỷ trên đã trôi vào quên lãng, kết quả kinh doanh quý 3 của HAG lại cho thấy công ty mẹ chỉ đạt 293 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng điểm hết sức đáng lo ngại là trước đó, HAG đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 của công ty mẹ với lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng

Một lần nữa, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng tăng vọt lại là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hiệu quả của HAG. Đến lúc này, người ta đã có thể nhận ra là công ty này không còn nằm trong diện khó khăn bình thường, mà đã thật sự lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan - một tình trạng rất phổ biến đối với hầu hết doanh nghiệp BĐS ở Việt Nam trong cùng bối cảnh

Chưa bao giờ trong lịch sử hoạt động của mình, HAG lại bị tồn một lượng hàng với giá trị lớn đến như thời gian năm 2011 - gần 3.000 tỷ đồng - chủ yếu nằm trong khối căn hộ chưa thể tiêu thụ được. Nửa cuối năm 2011 cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của các doanh nghiệp BĐS khi khối này đã hầu như chẳng bán được dù vài phần trăm sản phẩm

Tất nhiên không đại gia nào, dù trong hoàn cảnh bĩ cực, lại tự vạch áo cho người khác xem lưng. Thế nên cách nhìn và đánh giá về các đại gia cũng cần tự khách quan, tự minh bạch trước khi chờ những đại gia đó tỏ lòng minh bạch

Và có lẽ cách nhìn đó cũng nên tham khảo phương pháp luận biện chứng lịch sử. HAG sẽ lấy đâu ra tiền để đầu tư đến hết năm 2012, như một tuyên bố của Đoàn Nguyên Đức vào giữa năm 2011 ?
 
Doanh nhân quyền lực không thích làm chính trị​

duc1b026a.jpg

Thanhnien.vn - Đoàn Nguyên Đức giờ đã trở thành cái tên quá nổi tiếng tại Việt Nam. Ông là người Việt duy nhất lọt top những doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á của Wall Street Journal và thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Bầu Đức luôn xuất hiện với hình ảnh giản dị

- Ông có bất ngờ khi là người Việt Nam duy nhất vào danh sách những doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, theo bình chọn của Wall Street Journal ?

Tôi bất ngờ vì không hề biết mình được bình chọn. Nhưng tôi không hài lòng lắm với 2 chữ "quyền lực", nghe nó ghê gớm quá. Tôi nghĩ 2 từ này chỉ thích hợp với những người làm chính trị. Tôi là một doanh nhân, tôi không bao giờ làm chính trị

- Vậy từ nào là thích hợp với ông ?

Có thể là "ảnh hưởng". Tại một số tỉnh ở Lào, Campuchia hay ở Gia Lai, tôi và công ty của mình đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Nếu nói tôi đã ảnh hưởng đến những nơi này, tôi thấy đúng

- Ngoài việc vào danh sách các doanh nhân quyền lực trong khu vực Đông Nam Á, năm nay ông cũng đoạt giải nhất "Doanh nhân toàn cầu" và sẽ đại diện cho doanh nhân Việt Nam tranh giải với doanh nhân thế giới tại Monaco vào năm 2012. Ông nghĩ mình có xứng đáng với danh hiệu này ?

Tôi nghĩ việc tôi đoạt giải, không "oan" cho người khác. Tạp chí Wall Street Journal và Ernst& Young (tổ chức giải "Doanh nhân toàn cầu") đều là những tổ chức uy tín, họ có tiêu chí riêng. Tôi cũng không chủ động tham gia bất cứ cuộc bình chọn hay thi cử nào. Họ tự tìm hiểu, tự đánh giá và tự bình chọn

- Ông có thể chứng minh điều này ?

Những cái tôi đã làm đủ để khẳng định điều đó. Hẳn cô còn nhớ, năm 2007 là năm nóng nhất của thị trường bất động sản, chứng khoán tại Việt Nam. Tôi bán nhà, người dân xếp hàng để mua. Sáng công bố dự án, chiều có thể thu tiền ngay

Thời điểm đó, tất cả các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán rồi lại đổ vào chứng khoán; bán chưa xong dự án này, lại nhảy sang làm dự án khác. Riêng tôi âm thầm qua Lào đầu tư vào cao su và thủy điện. Ai cũng cho tôi là dở hơi, thậm chí quái dị

Ở Việt Nam, đầu tư tài chính kiếm tiền dễ thế, việc gì qua Lào khai hoang đất trồng cao su, xây thủy điện cho cực. Nhưng đến lúc này, mọi thứ đã chứng minh là tôi đúng. Những doanh nghiệp đổ tiền vào chứng khoán đã gần như mất trắng; những doanh nghiệp lao vào bất động sản cũng sống dở chết dở

Còn tôi sau 4 năm đầu tư, giờ là lúc hái quả. Với 51.000ha đất trồng cao su, tương đương 125.000 tấn mủ cao su và giá cao su tăng từ 1.400USD/ tấn lên 4.500 USD/tấn hiện nay, chỉ riêng doanh thu từ cao su mỗi năm của tôi khoảng 500 triệu USD

Những dự án thủy điện của tôi cũng đã phát điện và cho doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm. Hay tại thị trường nội địa, năm 2009 khi bất động sản có dấu hiệu đóng băng, tôi đã nhanh chóng giảm 40% giá bán căn hộ để thu tiền về... Cô thấy đấy, tôi luôn đi trước và tôi nghĩ, đó là lý do tôi đoạt giải

- Có thể đó chỉ là may mắn ?

Đó là sự tỉnh táo cần thiết của một doanh nhân. Tôi luôn tỉnh táo và không chạy theo kiểu kinh doanh chụp giựt. Thị trường rất công bằng, anh làm ăn đứng đắn, nghiêm túc và đầu tư lâu dài, cái lợi lớn hơn nhiều. Ngay tại thời điểm hiện nay, tôi vẫn có thể chứng minh điều này

2011 là năm khó khăn nhất với các doanh nghiệp do lãi suất cao, lạm phát cao và không tiếp cận được vốn tín dụng. Nhưng tôi ung dung có 4.000 tỉ đồng trong tài khoản đủ đề đầu tư các dự án của mình. Tôi đã huy động 260 triệu USD vốn từ nước ngoài trong năm 2011

Hoàng Anh Gia Lai là công ty đại chúng, mọi thông tin chúng tôi đều phải công khai, minh bạch. Những tổ chức quốc tế mà chúng tôi huy động vốn là những tên tuổi lớn nhất, uy tín nhất trên thị trường tài chính

- Nói như vậy có vẻ không được khiêm tốn cho lắm, ông không sợ người ta ghét mình ?

Đúng là nghe có vẻ không khiêm tốn, nhưng đó là câu chuyện thật. Ai cũng khiêm tốn, những câu chuyện thật sẽ mãi là bí mật. Tôi không có gì phải sợ

- Vậy "câu chuyện thật" mà ông mang tới cuộc thi doanh nhân toàn cầu sắp tới sẽ là gì ?

Doanh nhân Việt Nam cũng đang phát triển như đất nước Việt Nam vậy. Chúng tôi có ý chí, có khát vọng vươn ra thế giới. Việt Nam sẽ có nhiều tỷ phú trong tương lai. Tôi đang rất háo hức với điều này

- Ông có tự tin là mình chiến thắng ? Ông đã chuẩn bị những gì cho cuộc tranh tài sắp tới ?

Chuẩn bị tốt nhất là phát triển công ty thật tốt. Tôi vạch chiến lược cho Hoàng Anh Gia Lai cách đây 4 năm và chúng tôi sẽ đi theo hướng đó

Trước mắt chúng tôi khẳng định vị trí của mình trong khu vực rồi sẽ vươn ra thế giới. Tôi cho rằng, 5 năm nữa cục diện sẽ thay đổi lớn và tôi sẽ là người đi trước. Tôi có đầy đủ điều kiện để làm việc này
 
Bán nhà cũng trồng cao su​

Vốn khan hiếm, tin đồn phá sản, giá cổ phiếu giảm, sự nghi ngờ của nhà đầu tư trong nước... không làm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức nản chí. Ông khẳng định: "Phải bán nhà cũng trồng cao su"

Rút cây bút trong túi áo, khía đầu sắt nhọn vào thân cây cao su cho dòng mủ trắng chảy ra, đứng trước rất nhiều đại diện các tổ chức đầu tư giữa vườn cao su 3 năm 3 tháng tuổi trên đất Lào, bầu Đức cười sảng khoái: “Có người hỏi ông Đức trồng cao su thì cạo ra cái gì

Ra mủ chứ ra cái gì”. Cách đó mấy bước chân, chuyên viên quỹ đầu tư Temasek với tay bẻ lá cao su, một giọt nhựa ứa ra đầu cành. Rồi ông Đức khẳng định: "Phải bán nhà cũng trồng cao su"

bauducvacacnhadautu.jpg

Bầu Đức và các nhà đầu tư bên cánh rừng cao su​

“Một doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai làm gì ở thị trường trong nước để tăng trưởng vài chục phần trăm một năm? Muốn trở thành doanh nghiệp lớn tầm cỡ khu vực, buộc chúng tôi phải vươn ra nước ngoài, tìm đến những vùng đất mới. Tôi đã trồng cao su 10 năm, nhưng ở Việt Nam hiện không còn quỹ đất để mở rộng diện tích. Muốn làm lớn, chúng tôi phải sang Lào”, ông Đức nói

Về lý do chọn Lào là mảnh đất đầu tư, bầu Đức cho biết, thủa ban đầu đi tìm quỹ đất trồng cao su, ông Đức chỉ tìm những vùng đất đỏ bazan. Nhưng khi sang Thái Lan, thấy không phải đất đỏ mà họ vẫn trồng cao su nhiều. Hỏi ra, ông mới biết, đất trồng được cao su phải đáp ứng đủ 4 yếu tố thổ nhưỡng là nhiệt độ từ 26 độ C, lượng mưa 1.800 mm trở lên, độ ẩm từ 80%, tầng đất sâu 1 m và độ cao so với mực nước biển từ 300 m trở xuống

Mảnh đất ở Attapeu, Lào hội đủ các yếu tố này, lại sát với Gia Lai, nơi đặt trụ sở chính của Hoàng Anh Gia Lai và từ đây qua Thái Lan, xứ sở của cao su chỉ mất 240 km. Không còn điểm nào thuận lợi hơn, bầu Đức quyết tâm gây dựng đại bản doanh thứ 2 của tập đoàn ở vùng đất này

Không phải là "tay mơ" trong việc trồng cây công nghiệp này, người đứng đầu Hoàng Anh Gia Lai đã thuộc làu làu quy trình trồng cao su như thế nào, tưới ra sao, bón phân nào...

Đây cũng là lý do, vườn cao su rộng khoảng 3.000 hecta của Hoàng Anh Gia Lai cách khách sạn Hoàng Anh Attapeu hơn 100 km về hướng cửa khẩu Bờ Y đã chuẩn bị khai thác, chỉ sau 4 năm. Những tấn mủ cao su đầu tiên dự kiến sẽ được thu hoạch vào tháng 6/2012

Ông Đức khẳng định, Hoàng Anh Gia Lai trồng cao su trên nền tảng khoa học kỹ thuật cao được chuyển giao từ Viện Nghiên cứu cao su của Thái Lan- nước xuất khẩu cao su đứng đầu thế giới

Có rất nhiều điểm khác biệt trong quy trình trồng cao su của Hoàng Anh Gia Lai với doanh nghiệp trong nước. Ông Đức cho biết, cây thiếu chất gì sẽ bón phân có chất đó chứ không cứ cao su là bón NPK. Hoàng Anh Gia Lai cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cao su

Hệ thống này gồm các bể chứa nước, van điều áp và hệ thống đường ống dẫn nước đến từng gốc cao su. Nhờ van điều áp mà nước bơm nhỏ giọt qua các van đặc biệt, được nhập khẩu từ Isarel, vào từng gốc cao su đều một lượng nước là 2 lít mỗi giờ

Thông thường, cây cao su phát triển nhanh vào mùa mưa, còn mùa khô từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, cây chậm phát triển hoặc không cạo được mủ vì thiếu nước. Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cây cao su phát triển quanh năm nên cao su Hoàng Anh Gia Lai trồng chỉ 4 năm tuổi là thu hoạch được, rút ngắn thời gian 1 năm so với quy trình trồng và chăm bón phổ biến của các doanh nghiệp khác và sau này, có thể khai thác mủ cả vào mùa khô. Ông Đức so sánh, giống như một đứa trẻ, cây cao su được chăm sóc đặc biệt sẽ lớn nhanh hơn nhiều

Bầu Đức cho hay, khối lượng công việc mà Hoàng Anh Gia Lai làm để cánh rừng cao su rộng 22.000 hecta mọc lên, trong tổng diện tích quy hoạch 36.000 hecta rất lớn. Riêng đường ống tưới cây lắp đặt đủ quấn 3 vòng trái đất vì trung bình cứ 1 hecta có 1.600 m ống

Trồng cao su diện tích lớn, chủ yếu lại ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nên tài sản lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai là rừng cây cao su, có khả năng đem lại dòng tiền lớn, có thể đưa vào sàn hàng hóa “giao dịch tương lai”

Đó cũng là thách thức lớn mà ông Đức đang phải vượt qua. Không nao núng trước khó khăn, lấy ngắn nuôi dài, bầu Đức bắt tay vào trồng mía đường tại Attapeu. Mía đường trồng 1 năm cho thu hoạch, nên cuối năm nay, đầu năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai đã có nguồn thu từ 12.000 hecta mía

“Năm 2012, chúng tôi sẽ trồng xong 51.000 hecta cao su như kế hoạch và tiếp tục phát triển thêm 50.000 hecta cao su nữa kể từ năm 2013. Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị xong quỹ đất”, ông Đức chia sẻ
 
5 năm nữa, máy đếm không xuể tiền của Bầu Đức​

Người nói điều ấy không phải Bầu Đức. Là một người làm nhiều hơn nói, Bầu Đức không nói như vậy. Thế nhưng, người chia sẻ với chúng tôi điều ấy thậm chí còn ít nói làm nhiều hơn cả Bầu Đức. Đó là Phan Thanh Thủ - Người bạn từ thuở hàn vi của ông Đoàn Nguyên Đức

Khẳng định vị thế số 1 tại "xứ sở triệu voi"

Nửa cuối tháng 11 năm 2011, HAGL tổ chức Lễ khởi công Dự án Cụm Công nghiệp Mía đường tại tỉnh Attapeu – Lào. Dự án có vốn đầu tư 100 triệu USD; cùng một loạt dự án được triển khai trước đó, đã nâng tổng mức đầu tư vào Lào của HAGL lên tới 1 tỷ USD

Ông Đoàn Nguyên Đức - Bầu Đức, cái tên mà người ta đặt cho ông kể từ ngày CLB bóng đá HAGL của ông làm mưa làm gió trên đấu trường quốc nội - Chủ tịch Tập đoàn HAGL cho biết: Cụm Công nghiệp Mía đường của ông thuộc diện hiện đại nhất, lớn nhất Nam Lào. Bao gồm một tổ hợp

- Nhà máy đường công suất 7000 tấn/ngày

- Nhà máy nhiệt điện công suất 30MW

- Nhà máy Ethanol 30.000 tấn/năm

- Nhà máy phân bón công suất 50.000 tấn/năm

Theo dự kiến, khoảng tháng 9/2012 toàn bộ cụm công nghiệp này có thể đi vào hoạt động, có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm

Bầu Đức cho biết, HAGL đầu tư vào Lào từ năm 2007, tập trung ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. “Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013 HAGL mới có thể thu được đồng lãi đầu tiên từ tất cả những dự án đầu tư này” - ông Đức nói

Ngoài Cụm công nghiệp mía đường nói trên, trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản HAGL có 7 mỏ sắt và đồng với tổng trữ lượng khoảng 60 triệu tấn, có khả năng đem về doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm, 17 dự án thủy điện với tổng công suất 420 MW tạo doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng/năm

Đáng chú ý là, quỹ đất để HAGL trồng cao su, cọ dầu, mía đường đã lên đến 100.000 hecta. Trong vòng 3 đến 5 năm tới, cao su có khả năng mang lại lợi nhuận khoảng 500 triệu USD cho HAGL mỗi năm, cùng với đó sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 người lao động tại Lào

Đây chính là cơ sở để ông Phan Thanh Thủ - Người bạn từ thuở hàn vi của Bầu Đức - trong một phút cao hứng đã nhẩm tính: “ 5 năm nữa, máy cũng đếm không xuể tiền của Bầu Đức”

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL chỉ nói đơn giản: “Chúng tôi đã làm việc cật lực từ nhiều năm qua để HAGL có được những thành quả như ngày hôm nay. Đơn giản bởi chúng tôi không làm việc cho hết nhiệm kỳ, mà là làm việc cho tương lai 50 – 60 năm sau nữa của con cháu mình”

Đầu tư nếu “ăn xổi” sẽ khó tồn tại

Chính vì cách nghĩ như vậy, việc đầu tư của HAGL sang Lào theo chia sẻ rất thật của Bầu Đức đó là ngoài việc nghĩ xem mình thu về được những gì thì các công trình viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 16 triệu USD như bệnh viện đa khoa 200 giường và trường học tại tỉnh Attapeu; cầu Sê-sụ bắc qua sông Sê-kông nối hai huyện Phu Vông và Say Sệt Thả - hai trong 5 huyện của tỉnh Attapeu hay 1.000 căn nhà tái định cư cho công nhân cao su người Lào làm việc cho tập đoàn là sự thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng và tình nghĩa giữa hai dân tộc Việt – Lào

“Đầu tư những công trình như vậy, mục đích của Hoàng Anh Gia Lai không phải là để kinh doanh, mà là thực hiện trách nhiệm xã hội với nơi mình làm ăn” – Ông Đức nói.

Theo bầu Đức, doanh nghiệp muốn thành công khi đầu tư vào Lào, trước hết phải trường vốn, bởi người dân ở đây còn nghèo, phải có tầm nhìn xa trông rộng, phải quan tâm tới trách nhiệm xã hội của mình, nếu làm kiểu “ăn xổi”, sẽ rất khó tồn tại

“Với Cụm công nghiệp mía đường, HAGL sẽ hỗ trợ người dân Lào về kỹ thuật, giống và đầu tư trang thiết bị, tôi tin tưởng rằng người dân Attapeu có thể biến những thửa ruộng xưa nay canh tác lạc hậu, giá trị thu hoạch từ 300-400 USD/hecta/năm thành những vườn mía đạt năng suất từ 100 tấn/hecta/năm trở lên và giá trị đạt 5.000-6.000 USD/hecta/năm” – Bầu Đức chia sẻ

Với người dân tỉnh Attapeu, HAGL không chỉ đơn thuần là một nhà đầu tư lớn. Mà hơn thế, HAGL và “Chú Ba Đức” còn là một người bạn thân tình của người dân Lào và tỉnh Attapeu nói riêng

Chứng kiến những gì HAGL đã và đang làm cho người dân tỉnh Attapeu, Phó Thủ tướng nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Somsavat Lengsavat nói ngắn gọn (bằng tiếng Việt): “HAGL đã làm đúng, làm tốt những gì mình cam kết khi đầu tư tại Lào

HAGL kinh doanh không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận, mà HAGL còn đóng góp rất nhiều vào vấn đề an sinh xã hội cho người dân Lào, đóng góp một cách hết sức nhiệt tình và tràn đầy tình cảm. Đồng chí Đoàn Nguyên Đức đã nói là làm và làm rất tốt. Đây chính là hình mẫu tốt đẹp cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Lào”

Câu nói ngắn gọn đó của Phó thủ tướng Lào (có lẽ) chính là cái được lớn nhất mà Hoàng Anh Gia Lai và ông Đoàn Nguyên Đức gặt hái được trên đất nước triệu voi này !
 
HAGL và khúc ngoặt 2014 của bất động sản​

Những gì đã, đang xảy ra và có thể sẽ xảy đến với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) xứng đáng như một dấu chỉ, đặc biệt đối với những người đang trằn trọc với tương lai trung hạn và cả dài hạn của thị trường BĐS Việt Nam

Khúc ngoặt đã được tiên liệu

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã từng trải qua buổi bình minh êm dịu, trước khi ánh hoàng hôn đầu tiên hiện ra

Có thể vào đầu năm 2009, Đoàn Nguyên Đức đã tiên liệu đúng khi quyết định giảm đến 40% giá bán căn hộ cao cấp để nhanh chóng thu hồi vốn. HAG cũng vì thế đã trở thành một trong số không nhiều những doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tạm thoát khỏi mớ bòng bong của giai đoạn suy thoái sau khủng hoảng

Kể ra đó cũng là một thành công không nhỏ

Nhưng cơn dư chấn của khủng hoảng kinh tế lại đến nhanh hơn cả dự cảm của những đại gia giỏi nhất. Sau thời đoạn 2010 chỉ có ý nghĩa như một sự chuyển tiếp, năm 2011 đã trở nên đủ xấu mà đã nhấn chìm gần như toàn bộ giới kinh doanh BĐS trong ráng chiều tà ảm đạm

Khúc ngoặt cũng hiện ra từ đó

Từ vị thế một doanh nghiệp đầu đàn, HAG lại trở thành "vật tế thần" với gần 3.000 tỷ đồng giá trị tồn đọng, chủ yếu từ phân khúc căn hộ. Đây cũng là giá trị thuộc vào hàng quy mô lớn nhất trong số các doanh nghiệp BĐS lớn nhất đang sa chân vào cơn bĩ cực lớn nhất trong sự nghiệp của mình

Kỷ lục lớn nhất trong lịch sử tồn tại của HAG còn được minh họa bằng những con số nợ ngân hàng cùng với giá trị mất mát từ cổ phiếu sở hữu trong năm 2011

Vấn đề chỉ còn là thời gian cho những xác nhận và thừa nhận

Những dấu hiệu bất ổn về tài chính ở HAG cũng kéo theo một tín hiệu thay đổi về chiến lược đầu tư của Đoàn Nguyên Đức. Trong một nội dung rất ngắn gọn trả lời phỏng vấn báo chí vào đầu tháng 12/2011, ông bất ngờ đưa ra tuyên bố là HAG sẽ rút khỏi lĩnh vực kinh doanh BĐS sau 3 năm tới

Nghĩa là đến năm 2014 hoặc 2015, có thể Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Mỹ Standard & Poor (S&P) sẽ không còn tiêu chí BĐS như một cơ sở chính để xếp hạng tín nhiệm và minh bạch tài chính đối với HAG

Sư thay đổi đột ngột về quan điểm của ông Đức có thể khiến nhiều cổ đông của ông bị hẫng hụt. Chỉ cách tuyên bố này có vài tháng, chính ông còn bộc lộ mơ ước rằng chậm nhất đến năm 2014, ông sẽ trở thành tỷ phú thế giới

Điều gì đã xảy đến trong tư tưởng và tâm trạng của nhà tỷ phú Việt Nam này ?

Rất có thể, giấc mơ trở thành tỷ phú thế giới của Đoàn Nguyên Đức sẽ có cơ hội được hiện thực hóa sớm hơn, nếu HAG không bất ngờ bị S&P hạ bậc tín nhiệm từ "B" xuống "B-" cũng trong tháng cuối cùng của năm 2011

Thất bại chưa được tiên liệu ?

Dĩ nhiên màu sắc u ám hoặc u tối của thị trường BĐS Việt Nam không còn là vấn đề phải bàn cãi. Nhưng một hy vọng vào tương lai của nó cũng là điều mà ít ra trong 3 quý đầu năm 2011, Đoàn Nguyên Đức vẫn giữ được thái độ tự tin, ở một mức độ cao vượt hẳn so với tâm trạng trầm uất của nhiều đại gia BĐS khác

Vào thời điểm được Wall Street Journal - một tờ báo có uy tín bậc nhất trong hệ thống truyền thông tài chính của Mỹ - bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, Đoàn Nguyên Đức đã chia sẻ với báo giới

"Ước mơ này không chỉ của riêng tôi đâu mà bất cứ ai dấn thân vào thương trường đều mong muốn điều đó. Tôi không viển vông khi đặt ra tham vọng như vậy và ngày đó sẽ không xa nữa đâu. Nếu thị trường tài chính Việt Nam tốt, cái đích "tỷ phú thế giới" của tôi đã có thể đạt được

Nhưng thời gian qua kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn nên mục tiêu mà tôi đặt ra đã bị chậm lại"

Lời bộc bạch hiếm thấy như trên ở một tỷ phú Việt Nam thật đáng cho những người quan tâm đến "hiện tượng Đoàn Nguyên Đức" lưu tâm. Gần như lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, ông không ngần ngại nói thẳng về mục tiêu và động cơ hướng đến một thứ quyền lực tinh thần - như một triết lý đặc thù của "tầng lớp tinh hoa Phố Wall"

Nhưng cũng gần như lần đầu tiên từ năm 2007 đến nay, Đoàn Nguyên Đức thừa nhận về một thất bại nào đó của ông trong kênh đầu tư tài chính

Hẳn nhiên, giới phân tích tài chính từ lâu đã quá biết về Đoàn Nguyên Đức không chỉ là một đại gia BĐS mà còn là một trong những người có tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Mã cổ phiếu mà ông Đức nắm giữ nhiều nhất là HAG

Vào thời thịnh trị của thị trường cổ phiếu, thị giá của HAG là rất cao, và do đó cũng đẩy khối tài sản chứng khoán của ông Đức lên mốc đỉnh. Nhưng nếu cả Tập đoàn Citigroup hay nhà tỷ phú Warren Buffett của Mỹ cũng không thể thoát khỏi những hệ quả đáng sợ từ khủng hoảng kinh tế năm 2008, thì trường hợp các tỷ phú Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ

Thậm chí giai đoạn hậu suy thoái diễn ra ở Việt Nam còn lâu dài hơn. Từ cuối năm 2009 đến cuối năm 2011, chỉ số chứng khoán VNI mất 40%, còn chỉ số HNX của sàn Hà Nội sụt đến hơn 70%. Giá cổ phiếu HAG của Đoàn Nguyên Đức cũng vì thế mà lao dốc không ngừng

Một kết luận tạm thời cần được nêu ra, và có thể là sự khẳng định rất quan trọng, là chính Đoàn Nguyên Đức đã trở thành một trong vô số nạn nhân của đà suy giảm nghiệt ngã của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ít nhất hai năm qua

Nhìn nhận khách quan hơn, có thể vai trò nạn nhân của ông cũng bị lồng trong một chiến dịch đánh xuống thị trường, được thực hiện một cách đầy tinh vi và chủ động của "bàn tay vô hình" - một nhóm đại gia lũng đoạn tài chính, từ khoảng giữa năm 2010 đến nay

Dấu chỉ về thị trường BĐS từ năm 2014 ?

Điểm thắt trong chiến lược phát triển của HAG cũng vì thế đã hiện ra. Những khoản nợ dài hạn và ngắn hạn của HAG đối với một số ngân hàng đã có dịp được đưa ra mổ xẻ, với con mắt nghiêng về bi quan nhiều hơn

Vào thời điểm cuối năm 2011, tình thế của HAG đã trở nên khó khăn, nếu không muốn nói còn hơn như thế. Những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng về cao su, thủy điện của HAG ở Lào phải đến năm 2013 trở đi mới phát huy tác dụng về doanh thu và lợi nhuận

Trong khi đó, có vẻ việc khai thác khoáng sản của công ty này ở Lào và Campuchia đã chưa được toại nguyện do vấn đề thủ tục

Ít nhất, tổ chức S&P, trong quá trình thiết lập những cơ sở xếp hạng cho HAG, cũng đã lưu ý đến việc trong năm 2012 và cả 2013, công ty này vẫn phải dựa vào nguồn thu từ lĩnh vực BĐS là chủ yếu

Có thể đó là một nghịch lý rất nghiệt ngã. Tài sản tồn đến gần 3.000 tỷ đồng, nhưng lại không tiêu thụ được. Con số này nằm trong tình cảnh lượng căn hộ trung - cao cấp đang bị tồn ứ đến 50.000 ở TP.HCM và khoảng 100.000 nếu tính cả Hà Nội và Đà Nẵng

Một cách nhìn được nêu ra là chưa cần bàn đến kế hoạch phát triển hay giấc mơ tỷ phú đô la của Đoàn Nguyên Đức, mà chỉ cần trong năm 2012, HAG có đủ tiền để trả nợ ngắn hạn và lãi vay cho ngân hàng cũng sẽ là một thành công

Nhưng trước khi đạt đến điểm thành công, quá trình diễn ra của nó lại bao hàm những mâu thuẫn. Sau động thái tuyên bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh BĐS, Đoàn Nguyên Đức lại có động tác "đính chính" về vấn đề này: "HAG coi BĐS là một trong những ngành kinh doanh chủ lực trong chiến lược phát triển cùng với cao su, thủy điện và khoáng sản"

Để thuyết minh cho sự lặp lại quan điểm truyền thống trên, Đoàn Nguyên Đức cũng đề ra kế hoạch trong năm 2012 sẽ đưa ra thị trường 2.500 căn hộ với giá hợp lý, cùng với phương thức thanh toán dễ chịu, phù hợp với thị trường BĐS

"Quỹ đất của HAG đủ để đầu tư phát triển trong 10 năm chưa hết. Chúng tôi sẽ luôn giữ vị trí số 1 ở phân khúc thị trường căn hộ" - ông bổ sung

Tuyên bố trên có thể khiến một số trong giới phân tích BĐS ngỡ ngàng, bởi từ trước đến nay họ chưa quen với sự thay đổi của Đoàn Nguyên Đức trong những vấn đề liên quan đến chiến lược hoạt động, phương châm hành động và thái độ kinh doanh

Lại đã có một điều gì đó không ổn trong cách nhìn về thị trường BĐS của Đoàn Nguyên Đức. Khác với thời gian trước, vẻ tự tin đã không còn giữ được nguyên vẹn trong khẩu khí và sắc thái của ông

Cũng khác với những phát ngôn trước, lần này thái độ của ông biểu hiện như một khách thể đang phải chịu đựng tình thế nan giải của hoàn cảnh khách quan, hơn là một tâm thế chủ động vốn có

Cũng như quy luật biến đổi của tự nhiên, không một thực thể doanh nghiệp nào lại vĩnh viễn bất biến. Trước mắt, những biến đổi liên tiếp của thời cuộc và nền kinh tế sẽ níu áo doanh nghiệp BĐS vào hai thời điểm cuối quý 2 và cuối năm 2012

Tức trong thời gian một năm nữa, doanh nghiệp BĐS vẫn còn có thể được quyền tự quyết về số phận của mình. Nhưng rất khác với năm 2007, giá trị tự quyết trong năm 2012 sẽ bị hạn hẹp đáng kể về ý nghĩa sinh học

Hoặc, doanh nghiệp BĐS có quyền tự quyết nhưng không còn sự chọn lựa nào khác

Có lẽ với Đoàn Nguyên Đức, một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiếm hoi có trực giác mạnh và chính xác về thời vận, tất cả mọi nẻo đường đều đang dẫn đến điểm quyết định: năm 2014

Vào thời điểm đó, dù muốn hay không, doanh nghiệp BĐS sẽ phải có một quyết định mang tính "cách mạng" để hoàn toàn thoát khỏi bóng đêm nợ nần và cơn ác mộng đóng băng hàng hóa

Những gì đã, đang xảy ra và có thể sẽ xảy đến với HAG xứng đáng như một dấu chỉ, đặc biệt đối với những người đang trằn trọc với tương lai trung hạn và cả dài hạn của thị trường BĐS Việt Nam
 
Last edited by a moderator:
Tôi không cho không ai cái gì​

"Tôi không cho không ai cái gì bao giờ. 30 triệu USD không phải ít, hơn nữa, đây là tiền của của cổ đông chứ không phải của cá nhân tôi nên tất cả đều vì quyền lợi của cổ đông..." - Chủ tịch Cty Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức nói về việc đầu tư sang Lào

Thưa ông, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa tài trợ không hoàn lại cho tỉnh Atapu (Lào) đến 30 triệu USD để xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh. Có người cho rằng, là chủ doanh nghiệp đầu tư qua Lào, bầu Đức đang “thả con tép để bắt con tôm” ?

Tôi không cho không ai cái gì bao giờ. 30 triệu USD không phải ít, hơn nữa, đây là tiền của của cổ đông chứ không phải của cá nhân tôi nên tất cả đều vì quyền lợi của cổ đông. Có thể nói, việc tài trợ 30 triệu USD cho Lào cũng là một chiến lược kinh doanh dài hạn, là một cách đầu tư cho tương lai. HAGL xác định Lào là vùng đất đầy tiềm năng nên đầu tư hơn 450 triệu USD vào đây với nhiều dự án

Theo kế hoạch, từ năm 2014, HAGL có doanh số từ các dự án này lên đến 300 triệu USD, nộp ngân sách cho nước bạn 50 triệu USD/năm. Chúng tôi tài trợ cho bạn 30 triệu USD cũng muốn chứng minh với Chính phủ Lào một điều rằng, chúng tôi làm ăn một cách nghiêm túc, đầu tư thật, làm ăn thật và chúng tôi đã lấy được niềm tin từ họ. Trong một số dự án, như việc giao hàng chục ngàn ha đất rừng cho chúng tôi trồng cao su, Quốc hội Lào đã thông qua

Hôm tổ chức lễ khởi công bệnh viện 200 giường tại tỉnh Atapu, ông Xôm Xa vẹt Leng Xa Vat, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào đã vượt gần 1.000 km đường bộ về dự. Xem ra, HAGL được ưu ái khi đầu tư vào Lào ?

Chúng tôi gây ấn tượng, lấy được thiện cảm với Chính phủ Lào qua việc tặng không cho họ 4 triệu USD và cho họ vay 15 triệu USD để xây dựng làng vận động viên tại SEA Games vừa qua. Đây là công trình của một doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ Lào, đối chứng với Trung Quốc khi họ xây sân vận động tặng cho Lào

Không chỉ Chính phủ Lào ghi nhận mà ngay cả chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm. Bằng chứng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm làng hai lần, rồi Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướngNguyễn Thiện Nhân cũng đã đến thăm

Tỉnh Atapu là tỉnh nghèo nhất nước Lào, khi chúng tôi đầu tư vào đây hàng trăm triệu USD, gần như tất cả lãnh đạo cao cấp của Lào đều ủng hộ. Họ ưu ái với chúng tôi là đều dễ hiểu. Chúng tôi thuê đất trồng cao su với giá hợp lý, 7 USD/năm và thời gian thuê là 49 năm

Thưa ông, phải chăng ông chọn đầu tư vào tỉnh Atapu vì nơi đây là quê hương của đương kim Chủ tịch nước Lào?

Cũng tình cờ thôi. Tỉnh Atapu là địa phương giáp với Gia Lai (cách Gia Lai 210 km), lại là nơi tài nguyên rừng và khoáng sản rất tiềm năng, phù hợp với chiến lược kinh doanh của HAGL. Tuy nhiên, công bằng mà nói, khi biết nơi đây là quê hương của Chủ tịch nước Lào, chúng tôi có cảm hứng hơn, quyết tâm hơn

HAGL không chỉ đầu tư qua Lào mà còn cả qua Campuchia, Myanmar… Phải chăng, thị trường trong nước không còn hấp dẫn ?

Ở trong nước, nhất là hai thành phố lớn TPHCM và Hà Nội, chúng tôi chỉ có thể phát triển kinh doanh bất động sản và tài chính, còn những lĩnh vực khác như tài nguyên khoáng sản thì không ở đâu tốt hơn, tiềm năng hơn ở Lào và một số nước lân cận

Có thể nói, đây là thời điểm tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư qua đây. Nếu chậm chân, chúng ta sẽ thua Trung Quốc, Nga… ở thị trường hấp dẫn này

Hình như ông còn muốn vươn xa hơn nữa ?

Nếu đã làm kinh tế thì phải có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, cũng dựa vào lực, thế mạnh của mình. Ví dụ như, chúng tôi không thể sang Nga để khai thác dầu khí vì làm sao mình thắng họ được. Tóm lại, những nơi ấy là vùng nước trong, chỉ còn cá nhỏ

Trước đây, nhắc tới Đoàn Nguyên Đức thì người ta nghĩ đến gỗ, sau đó, ông nổi tiếng làm bóng đá, rồi bất động sản... Và bây giờ ?

Những lĩnh vực như trồng cao su, khai thác khoáng sản…, chúng tôi đã làm từ lâu nhưng bây giờ mới có cái để nói. Hiện tại, chúng tôi tập trung cao nhất là cao su, rồi đến khoáng sản, bất động sản, thuỷ điện…

Còn bóng đá ?

Chúng tôi có thương hiệu như hôm nay cũng nhờ bóng đá. Hiện nay, bóng đá không phải ngành kinh doanh chủ lực nữa, nhưng chúng tôi quyết không bỏ bóng đá.

Thưa ông, tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, có người đặt nghi vấn: Bầu Đức làm giá để bán cổ phiếu ?

Không bao giờ và không bao giờ có chuyện đó. Tôi đang nắm 54% cổ phiếu của HAGL và tôi không bao giờ bán cổ phiếu thì tôi làm giá để người khác hưởng lợi à? Với tôi, cách làm giá tốt nhất, đẹp nhất là: Hãy làm cho lợi nhuận của công ty năm sau cao hơn năm trước

Ông là người giàu, ngày càng giàu. Tuy nhiên, cách ăn mặc của ông vẫn xoàng xoàng, ngay cả những lễ tân sang trọng cũng ít thấy ông comple cà vạt. Tại sao thế ?

Tôi có tính cách đơn giản, thoải mái, tôi không nặng nề, cầu kỳ bề ngoài. Tôi không mặc comple vì cảm thấy vướng víu, bất tiện. Nhưng có phải vì thế mà bất lịch sự, thiếu tôn trọng người khác ?

Mà cả công ty tôi từ Bắc chí Nam, trong nước cũng như ngoài nước, gần 10 ngàn con người, không ai comple, cà vạt. Với chúng tôi, xe cộ, máy bay cũng chỉ là phương tiện làm việc mà thôi

Nhắc đến máy bay, xin hỏi, ông bỏ tiền túi ra hơn 7 triệu USD để mua máy bay, sau hơn hai năm sử dụng, ông có thấy xa xỉ không ?

Hoàn toàn không xa xỉ, tôi chưa bao giờ sử dụng máy bay cho việc đi du lịch. Mỗi tháng, chi phí cho lương phi công, xăng dầu, sân bãi lên đến 30.000 USD nhưng bù lại, tôi đang sử dụng máy bay cho mục đích cực lớn, thậm chí vô hình

Do đặc thù công việc, tôi đi lại như con thoi, bất kể ngày đêm. 12 giờ đêm tôi còn ở Viêng Chăn nhưng sáng hôm sau tôi có thể chủ trì cuộc họp tại Hà Nội. Nếu không có máy bay riêng, điều này là không thể

Hơn nữa, tôi có nhiều tiền, do vậy số tiền tôi bỏ ra mua máy bay cũng như một người có cuộc sống kinh tế bình thường mua chiếc xe máy. Có máy bay riêng, tôi tiết kiệm được thời gian, làm được nhiều việc, dễ dàng tiếp cận được nhiều dự án lớn

Máy bay cũng tạo nên hình ảnh tốt cho tôi trong thương trường. Hình như, khi đi máy bay riêng làm việc với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, công việc cũng được thuận lợi hơn

Một đồng nghiệp của tôi làm ở một đài truyền hình lớn than rằng: Chưa bao giờ phỏng vấn được bầu Đức. Hình như ông dị ứng với truyền hình ?

Tôi không thích những phát ngôn của mình làm đề tài bình luận cho thiên hạ. Khi được người ta thích, lời mình nói dở cũng thành hay và ngược lại, khi bị ghét, mình nói hay cỡ nào cũng bị chê bai. Tôi không muốn mình bận tâm vì những việc này

Ông tự nhận mình ít học, đi lên từ khó khăn, nhưng hiện tại ông làm chủ một doanh nghiệp lớn, đang vươn xa ra thế giới, chuyên làm ăn với đối tác nước ngoài. Vậy xin hỏi ông có bao giờ cảm thấy bất tiện vì sự học hành dở dang của mình không? Ông có biết ngoại ngữ không ?

Tôi hai lần thi rớt đại học, buộc phải chuyển hướng cho cuộc đời của mình. Tất nhiên, được học hành là tốt nhưng không phải học cao là làm lãnh đạo công ty lớn dễ đâu. Tôi khuyên các bạn trẻ đừng bao giờ ngộ nhận điều này

Kinh doanh, quản lý giỏi phần lớn là nhờ năng khiếu và có phương pháp tốt. Tôi học không cao nhưng tôi đang quản lý gần 10.000 nhân viên, trong đó có hơn 8.000 người có bằng đại học, vậy mà mọi chuyện vẫn rất tốt

Còn ngoại ngữ, tôi cũng biết tiếng bồi tí chút, có thể đi nước ngoài một mình được. Theo tôi, việc học ngoại ngữ đâu có khó, kinh doanh khó hơn nhiều chứ. Tôi không có thời gian và cũng không cần bỏ thời gian để học ngoại ngữ vì suy cho cùng, ngoại ngữ chỉ là phương tiện. Trong các cuộc làm việc với đối tác nước ngoài, tôi có nhân viên phiên dịch.

Ông không được học hành đến nơi đến chốn, còn các con của ông ?

Cháu đầu đang học năm thứ hai khoa Quản trị kinh doanh ở ĐH Quốc gia Singapore. Cháu thứ hai đang học trung học và cháu út đang học mẫu giáo, cũng ở Singapore. Tôi bận tối ngày, tất cả việc nuôi dạy các con, tôi giao cho vợ

Một ngày của ông thế nào? Ông có thường xuyên đi du lịch không ?

Thời gian của tôi, tất cả đều dành cho công việc. Tôi không chơi thể thao, không đi du lịch trong hơn 20 năm qua. Với tôi, công việc là tất cả. Tôi đam mê công việc vô tận

HAGL kinh doanh bất động sản nổi tiếng, vậy xin hỏi bầu Đức có được bao nhiêu căn biệt thự đắt tiền ?

Tôi không có nhà và cũng không có nhu cầu có nhà ở TPHCM. Ở TPHCM, tôi sống dài hạn trong các khách sạn - nơi đó tiện lợi cho công việc của tôi. Còn ở Gia Lai, tôi có căn nhà nhỏ, đủ tiện nghi cho tôi làm việc, thế thôi
 
Bầu Đức khởi công sân bay 40 triệu USD tại Lào​

Sân bay quốc tế được xây dựng trên khu đất rộng 200 ha tại tỉnh Attapeu, phía đông nam Lào và dự kiến hoạt động từ tháng 6/2013

Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức cho biết dự án sân bay quốc tế tại Attapeu của tập đoàn vừa được khởi công cuối tuần qua

Đây là một trong 2 dự án xây dựng sân bay mà Hoàng Anh Gia Lai được Chính phủ Lào cấp phép xây dựng

Cũng theo ông Đức, dự án nói trên được đầu tư với tổng số vốn 40 triệu USD, xây dựng trên khu đất rộng 200 ha và được chia thành 2 giai đoạn. Trong khoảng thời gian 2013 - 2020, sân bay sẽ chủ yếu tiếp nhận các máy bay nhỏ, chặng ngắn như ATR 72, Fokker 70…

Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện vào năm 2020, sân bay có thể đáp ứng yêu cầu cất, hạ cánh của các máy bay cỡ lớn như Airbus A320…

Dự án sân bay còn lại được cấp phép, theo Bầu Đức, sẽ được khởi công vào đầu năm 2013 tại tỉnh Huaphanh, phía đông bắc nước Lào
 
Đề xuất cấp phép sân bay của bầu Đức trước tháng 8​

Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào vừa đề xuất chính phủ Lào cấp giấy phép xây dựng sân bay tại tỉnh Hủa Phăn cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trước tháng 8 năm nay

Trong buổi tọa đàm về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào tổ chức hôm 25/4, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) đã đề nghị chính phủ Lào cấp phép đầu tư sân bay tại tỉnh Hủa Phăn cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trước tháng 8. Cùng với dự án 40 triệu USD tại tỉnh Attapeu, sân bay Hủa Phăn là một trong 2 dự án mà Hoàng Anh Gia Lai (do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) rót vốn

Hiệp hội này cũng đề xuất phía Lào cho phép Tập đoàn Dệt may thuê 30.000ha đất trồng cây keo lai. Đối với hai dự án nghiên cứu khảo sát đầu tư chăn nuôi bò sữa và nuôi cá, ba ba tại Lào, AVIL đề nghị Lào tạo điều kiện, hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đưa ra nột số kiến nghị như chính phủ nước bạn chấp thuận tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt lên 70 triệu USD...

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Việt Nam có 206 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 3,4 tỷ USD. Lào đứng thứ nhất trong tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Còn Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong tổng số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Lào

Đầu tư của Việt Nam tại Lào tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, với tổng vốn 1,06 tỷ USD chiếm 32,1% tổng vốn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Lĩnh vực dịch vụ, nghệ thuật, giải trí, với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD đứng thứ 2, chiếm 32%. Thứ ba là lĩnh vực nông lâm nghiệp, với tổng vốn đầu tư khoảng 526 triệu USD, chiếm 15,4%
 
Bầu Đức sẽ phá giá bất động sản tại TP HCM​

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức cho biết, sắp chào bán dự án căn hộ tại quận 7 (TP HCM) vào tháng 6 với giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí

Tại Đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) năm 2012 ngày 19/4, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết: "Năm 2009, tôi giảm giá căn hộ 40%, năm 2011 giảm 20%, và vài tháng tới sẽ có căn hộ được bán với giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí trên thị trường"

duc_1.JPG

Bầu Đức sẽ bán căn hộ bằng 50% giá thị trường ở cùng vị trí tại quận 7​

Bầu Đức cho biết thêm, Hoàng Anh Gia Lai có nhiều lợi thế để giảm giá. Đó là quỹ đất dồi dào và giá rẻ, kinh doanh đa ngành, phát triển dự án quy trình khép kín, lại có ưu thế về vật liệu xây dựng...

Cũng vì thế, đại gia bất động sản này còn khẳng định mình vẫn có lãi dù giảm giá 50%. "Tôi giảm giá vẫn trụ vững vì dòng tiền này được tái đầu tư vào cao su, thủy điện, khoáng sản mang về lợi nhuận cao", ông Đức giải thích thêm

Người đứng đầu Hoàng Anh Gia Lai thông tin, quỹ đất của doanh nghiệp này còn cho 16 dự án với tổng diện tích lên đến 2 triệu m2 sàn xây dựng. Trung bình mỗi năm Hoàng Anh Gia Lai sẽ đưa ra thị trường 2.000 căn hộ có giá cạnh tranh. "Trong thời điểm thị trường tụt dốc nếu có cơ hội mua đất sạch, vị trí đẹp, giá rẻ tôi sẽ tiếp tục gom hàng chuẩn bị cho tương lai", ông nói

Chủ tịch HAGL cho hay, ông không ngại bị coi là phá giá bất động sản. Ông Đức còn dự kiến trong vòng một vài năm tới, khi thị trường địa ốc ấm trở lại, ông sẽ tiếp tục tung ra thị trường những sản phẩm có giá "mềm" tới mức không ai có thể cạnh tranh để phục nhu cầu về nhà ở tại TP HCM

Tuy nhiên, bầu Đức cho biết, Hoàng Anh Gia Lai sẽ giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn thu bất động sản. Năm 2011, doanh thu bất động sản của công ty này chiếm tỷ trọng 55,9%; nhưng trong vài năm tới sẽ giảm dần, mức thấp nhất dự kiến khoảng 15%. Ông Đức sắp xếp thứ tự ngành nghề ưu tiên trong tương lai gồm: cao su, thủy điện, bất động sản và khoáng sản

Lo ngại về những khó khăn kinh tế nói chung, Hoàng Anh Gia Lai đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng cho năm 2012 (năm 2011 đạt 1.702 tỷ đồng). Đại hội cổ đông cũng thông qua việc giữ lại lợi nhuận của năm 2011 để tái đầu tư và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%
 
Tiền có biến chuyển theo ý bầu Đức ?​

Đầu tư vào các dự án đòi hỏi vốn lớn nhưng doanh thu đến chậm, Hoàng Anh Gia Lai đang đứng trước bài toán khó về cân đối dòng tiền. không ai phủ nhận tiềm năng của những dự án mà tập đoàn này đang tham gia, nhưng thiếu tiền mặt có thể sẽ là câu chuyện làm đau đầu Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức

1338361819_bau-duc-02.jpg

Trước tình hình vĩ mô biến động, HAGL đã điều chỉnh kịch bản xấu để xây dựng kế hoạch lợi nhuận còn 1.200 tỉ đồng​

Vốn nổi tiếng với nhiều phát biểu gây sốc, gần đây Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức lại một lần nữa làm dậy sóng dư luận khi cho biết HAGL sẽ có đợt hạ giá căn hộ. Theo ông Đức, giá bán của những căn hộ HAGL sắp tung ra ở quận 7 chỉ bằng 50% so với những dự án cùng vị trí

Sau khi tung ra “đòn gió” này, bầu Đức đã bị giới kinh doanh nhà đất “ném đá”, bởi ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến việc bán hàng của các doanh nghiệp khác. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những ngày qua thông tin Công ty Hoàng Anh Gia Lai nợ trên 15.493 tỉ đồng và sắp phá sản tới nơi được bàn tán khá rôm rả


Vấn đề nằm ở dòng tiền


Đáp lại tin đồn, HAGL đã đưa ra cơ cấu về nguồn vốn và tỉ lệ nợ vay để chứng minh rằng không có chuyện phá sản. Chi phí lãi vay năm 2011 được Công ty báo cáo ở mức 464,8 tỉ đồng, tuy tăng gấp đôi so với năm 2010, nhưng nếu so sánh với tổng mức nợ vay thì lãi suất cũng chưa quá 10%. Bởi lẽ hơn 70% trong tổng nợ vay 11.622 tỉ đồng là nợ dài hạn

Quan trọng là HAGL vẫn làm ăn có lời để trả lãi vay, khi hệ số lợi nhuận trước thuế và lãi vay so với chi phí lãi suất là 4,7 lần. HAGL cũng đang có trong tay 2.896 tỉ đồng tiền mặt, bằng 90,3% nợ vay ngắn hạn nói trên, nên dư địa để trả nợ là hoàn toàn có

Doanh thu và lợi nhuận của HAGL năm 2011 sụt giảm, nhưng không phải là bất thường trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản. Các khoản mục tồn kho và phải thu không có biến động tăng bất thường, không lo đến doanh thu ảo hay đình đốn

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào dòng tiền, HAGL có thể gặp khó khăn. Báo cáo tài chính của HAGL cho thấy dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ngày càng đi xuống kể từ năm 2009. Cụ thể, năm 2009, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn là khoảng 1.000 tỉ đồng, năm 2010 chỉ còn 294 tỉ đồng và đến năm 2011 đã âm 993 tỉ đồng

Nếu phân tích kỹ những chiến lược đầu tư trong năm nay của HAGL, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục gặp vấn đề. Năm 2012, để trả lãi vay, chi phí đầu tư cho các dự án thủy điện, cao su, mía đường và xây dựng các dự án bất động sản, HAGL cần phải chi ra 5.603 tỉ đồng

Trong khi đó, cộng các khoản thu dự kiến (tính trong trường hợp tốt nhất là căn hộ và khoáng sản sẽ bán được) thì theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bản Việt, tổng nguồn thu bằng tiền mặt cũng chỉ khoảng 3.600 tỉ đồng

hư vậy, để đảm bảo được chi phí vốn, HAGL phải dùng đến khoảng 2.000 tỉ đồng. So với số tiền mặt tập đoàn này có trong tay tính đến cuối năm 2011 là 2.896 tỉ đồng, các khoản chi này sẽ làm sụt giảm lượng tiền mặt xuống rất thấp

Trong phản hồi của HAGL với báo giới, ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính, đã phân tích cơ cấu tài sản và cơ cấu nguồn vốn của Tập đoàn để khẳng định tình hình tài chính của họ là an toàn. Theo ông Sơn, nguồn vốn dài hạn chiếm đến 73% tổng tài sản của HAGL, trong khi tài sản dài hạn chỉ chiếm 48%. Điều này có nghĩa HAGL đã dùng 25% nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho tài sản ngắn hạn, có thể xem là một cái “đệm” an toàn về thanh khoản

Về nợ ngắn hạn và khả năng trả nợ, ông cho biết: “Hiện nay tài sản ngắn hạn của HAGL chiếm đến 52%, trong khi nợ ngắn hạn chỉ chiếm 27%. Điều này cho thấy HAGL chỉ cần thu hồi một nửa tài sản ngắn hạn là có thể thanh toán hết nợ ngắn hạn”

Tài sản ngắn hạn mà ông Sơn nói đến chính là những dự án căn hộ đang xây, số quặng sắt đã khai thác chưa bán được. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường hiện nay, triển vọng thu hồi tài sản ngắn hạn như ông Sơn nói không phải là dễ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012, mức tồn kho của HAGL đã tăng 258 tỉ so với cuối năm 2011, lên đến 4.676 tỉ đồng. Trong đó, có 3.697 tỉ là chi phí tồn kho các căn hộ đang xây để bán. Báo cáo này cũng củng cố thêm xu hướng sụt giảm tiền mặt của tập đoàn

Lượng tiền mặt tính đến hết quý I chỉ còn 1.687 tỉ đồng, giảm ròng hơn 1.200 tỉ đồng so với 3 tháng trước đó. Góp phần lớn nhất vào sự sụt giảm tiền mặt này là tiền chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tiền trả nợ gốc vay


Dòng tiền tương lai và ván cờ quặng sắt


Câu chuyện về dòng tiền không ổn định của HAGL cho thấy, họ cũng không đứng bên lề khó khăn chung của thị trường. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ, khó khăn về dòng tiền của HAGL dường như xuất phát từ một nước cờ rủi ro của bầu Đức: quá kỳ vọng vào lĩnh vực khai khoáng, mà chủ yếu là quặng sắt

Cơ cấu doanh thu của HAGL từ năm 2010 trở về trước cho thấy, ngoài mảng bất động sản luôn đóng góp khoảng 60% doanh thu của toàn Tập đoàn, các mảng còn lại khá phân tán. Chẳng hạn, mảng sản phẩm, hàng hóa, mà chủ yếu là đồ gỗ, chiếm chưa tới 20%; xây dựng khoảng 10%

Điều đáng nói là tỉ trọng của các mảng này lại có xu hướng giảm dần. Và trong lúc nguồn thu từ thủy điện, cao su vẫn đang ở thì tương lai, HAGL đã dần chuyển sang đặt trọng tâm vào mảng khoáng sản

Nước cờ khoáng sản của bầu Đức không phải không có lý. “Đây là lĩnh vực không đòi hỏi vốn lớn nhưng có tỉ suất sinh lợi cao, chỉ cần đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu USD là có thể sản xuất ra sản phẩm. Quặng sắt lại dễ dự trữ, có thể xuất ra bán dễ dàng. Đây là ngành sẽ góp phần điều hòa và tạo sự ổn định cho dòng lợi nhuận của Tập đoàn”, bầu Đức giải thích cho lý do đầu tư vào khai thác quặng sắt của HAGL

Thực tế, nhu cầu quặng sắt trên thế giới luôn ở mức cao, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc. Với trữ lượng gần 60 triệu tấn gồm các mỏ của HAGL phân bố tại Tây Nguyên, Thanh Hóa, Lào và Campuchia, tập đoàn này sẽ thu được khoảng 7,2 tỉ USD (dựa trên giá bán bình quân ước tính là 120 USD/tấn quặng tinh) trong suốt quá trình khai thác

Năm 2009, trong ngày đại hội cổ đông, ông Đức từng tuyên bố rằng, trong khoảng 2 năm nữa doanh thu từ khoáng sản sẽ dần thay thế cho bất động sản. Chiến lược kinh doanh của HAGL sau đó cũng đã thể hiện rõ ý đồ này. Theo đó, năm 2010 HAGL dự kiến sẽ khai thác khoảng 400.000 tấn quặng sắt, năm 2011 là 1 triệu tấn và năm 2012 là 1,5 triệu tấn

1,5 triệu tấn này nếu nhân với 120 USD/tấn, HAGL sẽ có khoảng 180 triệu USD, hơn 3.600 tỉ đồng. Rõ ràng, nếu đúng như kế hoạch, khoáng sản hoàn toàn có thể thay thế vị trí của bất động sản. Năm 2009 thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn khó khăn, do vậy HAGL không kỳ vọng nhiều vào dòng tiền từ mảng này

Tuy nhiên, những dự định này đã bị phá sản khi việc xuất khẩu khoáng sản ngày càng khó khăn, nhất là sau Chỉ thị 02/CT-TTg ban hành đầu năm 2012. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ thị dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt để phục vụ cho các cơ sở sản xuất gang, thép trong nước

Cửa xuất khẩu từ Việt Nam đã khép, mọi hy vọng có lẽ được HAGL dồn vào các mỏ sắt tại Lào và Campuchia. Theo phân tích của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam, quặng sắt có triển vọng rất tích cực. Khối lượng quặng sắt bán ra của vùng châu Á - Thái Bình Dương và Đông Canada trong năm 2012 có thể đạt 11 và 12 triệu tấn mỗi vùng. Giá quặng sắt Đông Canada có thể đạt 135-145 USD/tấn

Tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất sắt thép ở quốc gia này sẵn sàng đặt cọc 20-50%, chấp nhận cả quặng xấu, hàm lượng sắt kém. Có công ty mua hàng triệu tấn về để đó, chưa sử dụng vẫn cứ mua, dù với giá cao. Nếu HAGL khai thác ngay các mỏ sắt tại Lào hoặc Campuchia để xuất khẩu thì sẽ không gặp khó khăn bởi chỉ thị cấm xuất khẩu

Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên 2011, kế hoạch khai thác quặng sắt trong 3 năm tới đã được HAGL điều chỉnh còn rất khiêm tốn: năm 2012 chỉ khai thác 300.000 tấn, năm 2013 và 2014 là 550.000 tấn. Kế hoạch khiêm tốn như trên cho thấy HAGL không chỉ gặp khó khăn trong nước. Theo dự kiến, đến cuối quý IV/2012 HAGL mới có thể khai thác được mỏ sắt tại Lào

Những khó khăn về xuất khẩu đang khiến HAGL cố xoay xở để tiêu thụ quặng sắt trong nước. Mới đây, HAGL đã công bố thông tin ký hợp đồng bán 100.000 tấn tinh quặng sắt cho Tập đoàn Hòa Phát trị giá trên 171 tỉ đồng. Như vậy, giá bán cho Hòa Phát chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tấn, tương đương 85 USD, rẻ hơn rất nhiều so với dự tính 120 USD/tấn của Bầu Đức

Có lẽ vì thế mà kỳ vọng lợi nhuận năm 2012 của bầu Đức đã phải san sẻ bớt sang bất động sản, vốn cũng không dễ dàng gì trong lúc này. Tuyên bố hạ giá căn hộ 50% so với các dự án cùng vị trí được giới đầu tư nhận định là một bước đẩy hàng của HAGL, trong lúc nguồn thu từ quặng sắt không sáng sủa. Kế hoạch doanh thu cũng được điều chỉnh khiêm tốn hơn

“Quý I, Hội đồng Quản trị đã xây dựng kế hoạch lợi nhuận 1.700 tỉ đồng, nhưng trước tình hình vĩ mô biến động, HAGL đã điều chỉnh kịch bản xấu để xây dựng kế hoạch lợi nhuận 1.200 tỉ đồng”, bầu Đức chia sẻ với các cổ đông trong đại hội thường niên năm 2012

Kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn này cho thấy, HAGL đã nhìn ra được thách thức lớn của họ và thận trọng hơn trong chiến lược đầu tư. Đối với bài toán dòng tiền, gọi thêm vốn từ bên ngoài cũng là một khả năng HAGL có thể tính tới. Tại đại hội cổ đông thường niên 2012, ông Đức đã chia sẻ, có nhiều tập đoàn muốn đầu tư vào HAGL lúc này

Những mục tiêu mà các nhà đầu tư này nhắm tới, theo phân tích của ông Đức, chính là tiềm năng tăng giá cao su rất cao vào năm 2014, 2015; nguồn thu ổn định từ thủy điện; quỹ đất đủ để thực hiện khoảng 16 dự án bất động sản với tổng diện tích sàn khoảng 2 triệu m2. Rõ ràng, khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế đối với HAGL là có thể. Tuy nhiên, lãi suất là vấn đề đáng lưu tâm lúc này, khi xếp hạng tín dụng của HAGL không được sáng sủa

Giữa tháng 3.2012, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch đã điều chỉnh triển vọng tín dụng của HAGL từ “ổn định” xuống mức “tiêu cực”. Và theo tổ chức này, HAGL chỉ có thể được điều chỉnh lên “ổn định” nếu giảm được lượng hàng tồn và hoạt động kinh doanh quặng sắt, thủy điện hỗ trợ tốt cho tình hình tài chính của công ty

Tuy nhiên, với việc thủy điện chỉ đóng góp 3,2% tổng doanh thu năm 2011, doanh số bán quặng sắt chắc chắn sẽ giảm do chính sách mới, khả năng HAGL tiếp tục bị hạ bậc là rất cao. Hy vọng của HAGL bây giờ có lẽ phải đặt trở lại vào bất động sản
 
Bầu Đức thi bản lĩnh doanh nhân thế giới​

Ông Quốc Anh, Giám đốc truyền thông Hoàng Anh Gia Lai cho biết, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã bay sang Pháp tham dự giải thưởng "Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp thế giới" (WEOY) từ 6/6

1339042941_ong-doan-nguyen-duc.jpg

Theo kế hoạch, ông Đức sẽ về tới Việt Nam vào ngày 11/6. Hộ tống ông Đức có Phó Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai Nguyễn Trường Sơn. Đoàn Việt Nam gồm 1 doanh nhân duy nhất tham gia Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp thế giới lần này là ông Đức. Đoàn đi gồm 4 người, trong đó có 2 người ở Ernst & Young Việt Nam

Tham dự cuộc thi Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp thế giới, các doanh nhân không phải tham gia các vòng thi, mà hội đồng bình xét giải chung kết sẽ đánh giá doanh nhân theo 6 tiêu chí thống nhất trên toàn cầu, và cũng là 6 tiêu chí đánh giá các doanh nhân tham dự giải thưởng này tại Việt Nam

Sau khi xem xét hồ sơ của các doanh nhân tham dự, hội đồng bình xét sẽ cùng thảo luận, gặp mặt phỏng vấn từng doanh nhân tại Monaco trong 4 ngày từ ngày 6 tới ngày 9/6 và đưa ra kết quả

Giải thưởng không đánh giá doanh nhân theo quy mô của doanh nghiệp, mà đánh giá sự tăng trưởng cùng với tinh thần và bản lĩnh doanh nhân và các sáng kiến cho phát triển bền vững

Trước đó, vào tháng 10/2011, ông Đoàn Nguyên Đức là một trong 59 ứng viên đạt giải thưởng "Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp" tại 51 quốc gia, vùng lãnh thổ, và đã trở thành đại diện cho doanh nhân Việt Nam tham gia WEOY 2012 tại Monaco. Trong cuộc thi này, một doanh nhân duy nhất sẽ trở thành người chiến thắng

“Tham dự WEOY 2012 là một niềm vinh dự rất lớn đối với tôi và Hoàng Anh Gia Lai, cổ vũ tôi và Hoàng Anh Gia Lai nuôi dưỡng khát vọng tiếp tục đưa tập đoàn vươn ra khỏi biên giới Việt Nam, xứng tầm với một số công ty lớn trên thế giới và mục đìch cuối cùng là đóng góp và xây dựng đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển”, ông Đức nói
 
Trong lần sang Monaco dự thi bản lĩnh lập nghiệp, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức gây ấn tượng về tinh thần vượt khó của con người, đặc biệt là doanh nhân Việt Nam sau chiến tranh.

bauDuc1-ey_495x327.jpg

Ông Đoàn Nguyên Đức được nhận cúp giải thưởng tại Monca

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là doanh nhân duy nhất của Việt Nam tham dự chương trình Giải thưởng Ernst & Young Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp thế giới năm 2012 (WEOY) tổ chức ngày 10/6 tại Monaco. Tại đây, bầu Đức được trao cúp vinh danh của Giải thưởng WEOY 2012. Ông chủ của đội bóng phố núi cũng có dịp "khoe" với thế giới về tinh thần, bản lĩnh lập nghiệp và vươn lên của doanh nhân Việt Nam.

Đại diện của Ernst & Young cho biết, nhờ có những chia sẻ này mà thế giới hiểu thêm vì sao một đất nước mới có hơn 30 năm thống nhất đã có một đội ngũ doanh nhân đông đảo với doanh thu lên đến hàng tỷ USD và hàng hóa xuất khẩu trên khắp thế giới.

Dù không đạt giải nhất, nhưng Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai đã để lại ấn tượng mạnh với ban tổ chức và các đồng nghiệp quốc tế. Ông Michael Spencer, Tổng giám đốc Tập đoàn ICAP, Anh - doanh nhân đoạt giải WEOY năm 2010 - thành viên Hội đồng bình xét nói: "Tôi rất ấn tượng với những thành quả mà ông Đức làm được trong 20 năm lập nghiệp, những bước đột phá mà doanh nhân tại các quốc gia phát triển khó có thể làm được".

Ernst & Young cho biết, giải thưởng WEOY không đánh giá doanh nhân theo quy mô của doanh nghiệp mà đánh giá sự tăng trưởng cùng với tinh thần và bản lĩnh, các sáng kiến cho sự phát triển bền vững của doanh nhân.

Ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: "Tham dự WEOY là vinh dự lớn với tôi và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cổ vũ tôi nuôi dưỡng khát vọng tiếp tục đưa HAGL vươn ra khỏi biên giới Việt Nam, sánh tầm với các công ty lớn trên thế giới".

bauduc6-ey_495x742.jpg


Tháng 9/2011, bầu Đức cũng từng được nhất báo tài chính hàng đầu thế giới Wall Street Journal (WSJ) bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất khu vực Đông Nam Á năm 2011.

Giải thưởng Ernst & Young Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp được ra đời từ năm 1986 và đã tổ chức thường niên tại 50 quốc trên trong suốt một phần tư thế kỷ qua. Năm 2011, Việt Nam là quốc gia thứ 51 trên thế giới và là quốc gia thứ 12 tại châu Á tổ chức giải thưởng này. Ông Đoàn Nguyên Đức là người đoạt giải thưởng cao nhất và đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi thế giới.
 
Top