LOBBY.VN
Administrator
Không ngại chuyện Mỹ bị nhóm lợi ích Trung Quốc “lobby”
GS Stephen Walt nhận định trong buổi trực tuyến với VietNamNet rằng chắc chắn sẽ có một số nhóm lợi ích liên quan đến doanh nghiệp, muốn chính sách dễ dàng và thỏa hiệp với Trung Quốc, tuy nhiên còn có nhóm lợi ích lớn hơn rất nhiều, họ sẽ biết nước Mỹ phải làm gì
Việt Nam có thể trở thành nhà hòa giải hiệu quả
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ông nói phải đến Việt Nam để nhìn Việt Nam tận mắt xem thế nào. Vậy trong vòng mấy ngày ngắn ngủi thôi, ông thấy Việt Nam như thế nào ?
GS Stephen Walt: Tôi nhìn thấy rất nhiều điều ở đất nước các bạn. Điều đầu tiên tôi cảm nhận được đó là một nguồn năng lượng cực kỳ dồi dào và những tiềm năng vô cùng lớn để Việt Nam có thể đạt được những thành công nhiều hơn những gì các bạn đã đạt được. Tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều nơi ở Tp.HCM và ở Hà Nội có một mức độ phát triển cực kỳ đáng kể
Một điều tôi cũng cảm thấy bất ngờ và ấn tượng không kém đó là rất nhiều người dân Việt Nam có kiến thức và hiểu biết rất đáng kể về các vấn đề quốc tế, các vấn đề chính trị, kinh tế cũng như ngoại giao
Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu rất tốt. Còn 2 điều nhỏ nữa mà tôi đã trải nghiệm được. Thứ nhất là các món ăn ở Việt Nam cực kỳ ngon. Vấn đề thức ăn ngon cũng không ngạc nhiên lắm vì ở Mỹ tôi cũng đã từng ăn món ăn Việt Nam rồi nhưng một vấn đề không hay lắm đó là vấn đề giao thông. Tôi thấy giao thông ở các thành phố Việt Nam còn tệ hơn giao thông ở Boston - thành phố mà tôi đang sống
Ở Boston thì ngày nào tôi cũng đạp xe đi lại thế nhưng nếu tôi thử đạp xe ở Việt Nam có lẽ tôi chỉ đi được khoảng 5 phút là cùng
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Việt Nam rõ ràng muốn làm bạn với các nước và muốn đóng góp vào thế giới, có trách nhiệm với thế giới để thế giới có trách nhiệm với mình. Nhưng về kinh tế và quân sự, Việt Nam không có nhiều khả năng. Vậy theo ông, Việt Nam sẽ làm gì để thể hiện vai trò trách nhiệm của mình với thế giới. Một nước không thể chỉ có nhận mà phải cho, vậy Việt Nam có thể cho thế giới điều gì trong tương lai ?
GS Stephen Walt: Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất hay. Một việc mà Việt Nam có thể làm được một cách rõ ràng đó là chủ động và tích cực tham gia một cách có trách nhiệm vào các thể chế hợp tác trong khu vực
Ví dụ như ASEAN, Việt Nam phải chứng tỏ mình là một thành viên có khả năng lãnh đạo cũng như có những đóng góp mang tính xây dựng đối với những thể chế khu vực này. Việt Nam cũng cần phải cố gắng cải thiện uy tín và hình ảnh của mình trước thế giới, làm sao để thế giới luôn nhìn nhận Việt Nam là một đối tác trung thực, thẳng thắn, minh bạch trong bất cứ cuộc thương thảo nào
Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ rất nhiều nước đã chứng minh được rằng họ có thể trở thành những đối tác tốt đối với thế giới, bất chấp họ không phải là nước mạnh hay có quá nhiều những tiềm lực trong thế so sánh với các nước khác, ví dụ như Canada, NaUy, Thụy Điển ... Họ đều là những đối tác cực kỳ tin cậy trên thế giới cho dù họ không phải những nước lớn, không phải những siêu cường
Việt Nam có thể nhìn vào những nước đó để học tập và tìm được cảm hứng để có thể trở thành một nước tương tự như thế. Chắc chắn không ai mong muốn Việt Nam trở thành người lãnh đạo thế giới, ít nhất là trong tương lai gần thế nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành bạn của tất cả các nước trên thế giới bằng cách hành xử trung thực, có trách nhiệm và minh bạch với tất cả các quốc gia khác
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ngoài ra, Việt Nam có thể đóng vai trò là trung gian hòa giải giữa các quốc gia, giữa các dân tộc trên thế giới trong các cuộc xung đột hay không, khi Việt Nam là một nước cũng đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh ?
GS Stephen Walt: Tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra và Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành người kiến tạo hòa bình cho thế giới bởi lý do như ông đã nêu ra. Việt Nam biết rõ hơn ai hết cái giá của chiến tranh, vì thế họ có thể giúp cho các nước trên thế giới hiểu được về cái giá của những cuộc chiến đó
Việt Nam có thể trở thành người trung gian hòa giải hiệu quả trong một số cuộc xung đột nhất định, đặc biệt là những cuộc xung đột mà Việt Nam không có liên hệ trực tiếp gì về lợi ích. Nếu Việt Nam tăng cường năng lực của các cán bộ ngoại giao và cán bộ chính quyền, tôi nghĩ rằng việc này hoàn toàn có thể thực hiện được
Mỹ không thể bị lobby bởi nhóm lợi ích Trung Quốc
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bây giờ quay trở lại chuyện lobby. Ông là một chuyên gia nổi tiếng về lobby, có cuốn sách rất nổi tiếng về lobby. Vậy liệu nước Mỹ có bị thay đổi chính sách chiến lược của mình như ông đã nói bởi những nhóm lobby hay không ?
GS Stephen Walt: Ở Mỹ, các nhóm lợi ích là một hiện tượng cực kỳ phổ biến, sự tác động và ảnh hưởng của họ đến chính quyền cực kỳ lớn. Trong xã hội Mỹ có rất nhiều loại nhóm lợi ích và mỗi nhóm đều có phương cách riêng của họ để tác động đến các chính trị gia theo hướng có những chính sách lợi cho họ
Có thể lấy ví dụ như thế này, một số nhóm lợi ích quyền lợi của họ liên kết chặt chẽ với các chính sách quân sự như các công ty sản xuất vũ khí, hay các công ty buôn bán vũ khí. Các nhóm lợi ích về kinh doanh cũng có sự ảnh hưởng lớn ở Mỹ, họ sẽ không từ biện pháp nào để có thể tác động sao cho các chính sách và bộ luật đưa ra sẽ đứng về phía họ trong việc giúp họ làm ăn có lãi và kiếm thêm nhiều tiền hơn
Một ví dụ mà chính người Việt Nam cũng có thể nhìn thấy đó là hiệp hội các nhà chăn nuôi cá Da Trơn ở Mỹ, các bạn có thể nhìn thấy ngay tác động của họ như thế nào thể hiện qua vụ bán phá giá cá Basa Việt Nam. Ngoài ra còn có thể kể đến các nhóm lợi ích liên quan đến các sắc tộc, các dân tộc, tức là các nhóm người từ các nơi khác đến nước Mỹ nhưng họ vẫn có những lợi ích gắn chặt với đất nước quê hương của họ. Họ cũng là những nguồn tác động rất lớn tới chính quyền Mỹ
Cũng không thể không nhắc đến những nhóm các nhà hoạt động chính trị với những mục tiêu cụ thể, ví dụ như những người hoạt động về nhân quyền, những người hoạt động về môi trường. Chắc chắn cũng phải kể đến vai trò của những học giả và trí thức lớn ở Mỹ. Họ cũng là những nguồn có thể lobby với chính quyền
Tất cả những nhóm lợi ích này dù là cá nhân hay tập thể, họ đều có thể tham gia các hoạt động chính trị của Mỹ và có thể gây áp lực đến chính quyền phải thay đổi những chính sách. Để xác định nhóm lợi ích nào có tác động lớn nhất lại không phải một vấn đề phổ biến, nó phụ thuộc vào từng vấn đề được đề ra
Ví dụ vấn đề kinh doanh hay kinh tế thì các nhóm lợi ích liên quan đến các doanh nghiệp sẽ có tiếng nói lớn. Hoặc các vấn đề liên quan đến chính trị hoặc nhân quyền thì các nhóm hoạt động về nhân quyền cũng sẽ có tiếng nói lớn và cũng tương tự như các vấn đề khác
Nếu như bối cảnh hoặc vấn đề trở nên nguy hiểm, có thể đe dọa đến an ninh quốc gia thì vai trò của những nhóm lợi ích này sẽ giảm xuống. Khi đó chính trị gia sẽ chủ động và quyết định điều gì là có lợi cho đất nước. Họ sẽ quyết định không phụ thuộc vào bất cứ nhóm lợi ích nào
TBT Nguyến Anh Tuấn: Có lẽ như thế người ta sẽ đỡ lo lắng hơn khi các tập đoàn kinh tế, các công ty đa quốc gia của Mỹ có mặt tại Trung Quốc. Sẽ ra sao nếu họ vì lợi ích của Trung Quốc mà sẵn sang lobby ngược lại để các chính sách có lợi cho Trung Quốc ?
GS Stephen Walt: Tôi nghĩ không cần quá lo ngại về vấn đề này. Một mặt nước Mỹ rất muốn có mối quan hệ tốt về thương mại với Trung Quốc để hai bên cùng có thể thu được lợi nhuận. Thế nhưng những lợi ích về kinh tế đó cũng không thể ngăn cản được nước Mỹ hành động để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình trong trường hợp Trung Quốc có thể đe dọa đến Mỹ
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Đúng như thế nhưng nhiều người vẫn lo ngại rằng, những nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, các ông chủ các doanh nghiệp họ quan tâm đến lợi ích rất nhiều. Như vậy, với lợi ích đó, lợi nhuận đó, họ bỏ tiền ra lobby, vận động tranh cử cho vị tổng thống nào đó. Vị tổng thống đó sau này lại phải trả lại hoặc có những hỗ trợ về chính sách chọ họ hay không ?
GS Stephen Walt: ...Cũng nên lo lắng nhưng cũng vừa phải thôi. Có một điều chắc chắn là bất cứ ứng cử viên nào muốn trở thành Tổng thống Mỹ đều không muốn đưa vị trí của nước Mỹ trở thành số 2 trên thế giới. Tất cả các nước đều muốn giàu nhưng các nước cũng muốn an toàn, an ninh
Chắc chắn sẽ có một số nhóm lợi ích liên quan đến doanh nghiệp, muốn chính sách dễ dàng và thỏa hiệp với Trung Quốc, tuy nhiên còn có nhóm lợi ích lớn hơn rất nhiều, họ sẽ biết nước Mỹ phải làm gì. Mặc dù Trung Quốc là một nước lớn nhưng họ cũng chỉ là một quốc gia, Mỹ làm ăn và giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới
Last edited: