Ron Conway: “Bố già” của Silicon Valley
Michael Arrington (trái) và Ron Conway (phải)
Trong những tên tuổi đình đám giới công nghệ, nhà đầu tư Ron Conway được coi là người quyền lực nhất thung lũng Silicon. Chuyện của ông được xem như một huyền thoại
Quyền lực của Ron Conway được gây dựng từ các mặt tích cực và tiêu cực, ông đón nhận cả sự khen ngợi, kính trọng đồng thời là sự chỉ trích và nỗi sợ hãi của mọi người. Từ năm 2005 tới nay, quỹ SV Angel của Conway đã đầu tư cho ít nhất 228 công ty
Ron Conway là một nhà đầu tư “angle”. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những cá nhân giàu có, có khả năng cấp vốn cho một doanh nghiệp mới thành lập, đổi lại, họ sẽ có quyền sở hữu một phần công ty. Khác với các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư này thường đầu tư bằng chính tiền của mình
Phương pháp đầu tư của Conway có vẻ kì lạ nhưng lại đem về lợi nhuận cho Conway và các doanh nghiệp tại thung lũng Silicon. Ngoài ra, cách đầu tư này còn giúp Conway tạo lập mối quan hệ với những nhân vật quyền lực ở Silicon trong khi ông cũng là một trong những nhân vật được kiêng nể nhất tại thung lũng này
“Bố già” của thung lũng Silicon
Conway quá quyền thế và đáng sợ đến nỗi ít người được phỏng vấn về ông dám phát ngôn công khai. Hầu hết họ đều sợ bị Conway trả đũa và lật đổ
Hoạt động đầu tư “angle” của Ron Conway được miêu tả gần giống như hoạt động từ thiện. Ông nói rằng mình đầu tư vì sự phát triển của các doanh nghiệp chứ không phải để kiếm tiền
Năm ngoái, khi một nhóm các nhà đầu tư “angle” thông đồng để ra giá thấp, Conway đã gửi email khiển trách những các nhà đầu tư này. Email tràn đầy nhiệt huyết của ông có đoạn viết “tôi đầu tư vì tấm lòng đối với các doanh nghiệp, tôi thực sự muốn nhìn họ trải nghiệm và thành công. Theo tôi thấy, động cơ đầu tư của các ngài chỉ là nhằm mưu lợi cá nhân, để thể hiện cái tôi và kiếm tiền. Động cơ và giá trị của tôi khác các ngài nhiều”
Chân dung của Conway nổi bật lên như một người đàn ông đáng sợ. Quyền lực của ông quá lớn đến nỗi những người ở ngoài thung lũng Silicon khó tưởng tưởng được, còn những người trong cuộc lại cảm thấy bất an. Giống nhiều nhân vật quyền thế khác, sức ảnh hưởng của Conway là sự kết hợp của cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Nhiều người ở Silicon cần sự giúp đỡ của Conway. Và cũng nhiều người quá sợ hãi và không dám qua mặt ông
Hãy nghe chia sẻ của một số nhân vật nổi tiếng về Conway
Đe dọa
Trước khi rời khỏi Twitter, Alex Payne quyết định bán cổ phần tại Twitter. Cổ phiếu của Twitter lúc bấy giờ khá nóng trên thị trường tư nhân
Twitter đã có 500 cổ đông. Việc có quá nhiều cổ đông gây khó khăn rất lớn cho quá trình quản lý và Twitter không muốn tăng con số này lên. Để tự bảo vệ, Twitter đã ban hành bốn quỹ có “quyền ưu tiên mua” giao cho những người tin cẩn điều hành. Bốn quỹ này do nhiều người góp vốn, nhưng những người này chỉ là các nhà đầu tư, chứ không phải cổ đông của Twitter. Ron Conway điều hành một quỹ đầu tư của Twitter có tên RC Chirp
Để mua được cổ phần của Twitter không hề dễ dàng. Khi một nhân viên của Twitter muốn rút vốn, việc tranh giành mua cổ phần diễn ra rất quyết liệt
Khi Alex Payne bán cổ phần, anh đã không thông qua các kênh phân phối được Twitter chấp nhận (chính là các quỹ có “quyền ưu tiên mua” và các cổ đông công ty) mà lựa chọn thị trường thứ hai được coi là trả giá cao hơn. Sau khi Payne đã hoàn tất cả thủ tục giấy tờ và cam kết bán thì nhận được email của Conway
Email này nói rằng Payne nên bán cho một quỹ “chính thức và có phê chuẩn” của Twitter. Đồng thời Payne nên suy nghĩ về “mối quan hệ lâu dài với Twitter và cộng đồng công nghệ”
Email của Conway là một lời khuyên hữu nghị, nhưng cũng có thể coi là một lời đe dọa. Payne rất lo ngại sẽ làm xấu đi mối quan hệ với Conway, nhưng không thể làm gì hơn khi hợp đồng đã kí kết xong
Sau khi thời báo BusinessWeek đưa tin là Conway đe dọa người khác, Conway đã đích thân xin lỗi Payne, còn Payne xoa dịu mâu thuẫn bằng cách nói rằng “chỉ là sự hiểu lầm giữa Ron và Twitter”
Trừng phạt
Dave Morin, nhà sáng lập công ty chia sẻ hình ảnh Path mà Ron Conway đầu tư vốn đã chống lại Conway và cũng phải gánh chịu hậu quả
Google đề nghị mua công ty chia sẻ hình ảnh di động Path của Morin với giá 100 triệu USD
Thỏa thuận này đáng lẽ đã đem về lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư cũng như những nhà đồng sáng lập của Path. Nhưng Morin từ chối vì muốn xây dựng công ty theo cách của riêng mình. Mặt khác, Conway lại muốn “kiếm lời nhanh chóng”. Khi Morin dứt khoát không bán Path cho Google, Conway vô cùng tức giận, đích thân đe dọa lật đổ Morin
Ngoài việc đe dọa đơn thuần, có nguồn tin cho rằng Conway còn tìm cách làm nhục Morin khi gửi thông tin chi tiết về vụ việc cho Michael Arrington của thời báo TechCrunch. Arrington từ chối bình luận về việc này
Trước khi việc xảy ra, Morin luôn coi Conway là “người thầy lớn nhất”. Sau khi mối quan hệ đổ vỡ, Morin và Conway không còn nhìn mặt nhau nữa
Đe dọa lật đổ không phải là cách duy nhất mà Ron Conway sử dụng để thể hiện quyền lực của mình ở Silicon. Ngoài ra, ông còn tận dụng mối quan hệ mật thiết với nhà sáng lập Michael Arrington của blog công nghệ TechCrunch để thực thi quyền lực của mình
Ưu ái
Nhà sáng lập Michael Arrington của TechCrunch phát biểu “Conway có vị trí quan trọng đối với tôi. Cũng như Mark Zuckerberg, Marc Andreessen, giữa chúng tôi không có mối quan hệ công việc”
Mọi người trong ngành công nghiệp công nghệ đều biết về mối quan hệ mật thiết giữa Michael Arrington và Ron Conway. Thậm chí có người còn nói rằng “Nếu bạn nhận được 10.000 USD của Ron Conway, bạn sẽ xuất hiện trên TechCrunch, và bạn sẽ có tiền vì các nhà đầu tư mạo hiểm đều đọc TechCrunch”
Không có gì là sai trái khi kết bạn với một người, nhất là một người có mối quan hệ rộng rãi như Conway. Nhưng đối với nhiều doanh nghiệp đây là điều nên ghi nhớ về sức ảnh hưởng của Conway đối với ngành công nghệ
Chiến lược “cây gậy” và “củ cà rốt”
Chiến lược đầu tư của Conway thường bị chế giễu là “vung tiền rồi cầu may”. Ông bơm những khoản tiền nhỏ vào hàng trăm các công ty mới thành lập và hi vọng “vớ” được người thành công
Đây là một cách miêu tả vui về chiến lược đầu tư, nhưng dễ gây hiểu lầm là Conway thiếu thận trọng và không nghiêm túc trong đầu tư tiền bạc
Conway có chiến lược tấn công túi tiền của ngành công nghệ. Nhà đầu tư này rót tiền vào những công ty đã được gợi ý từ những nguồn tin đáng tin cậy, và thực tế ông chỉ chọn lựa 1/25 những cơ hội được giới thiệu đó
Có câu chuyện kể rằng một doanh nhân đã “bốc hơi” cùng khoản đầu tư của Conway sau khi doanh nghiệp của người này phá sản. Giả sử như Conway đầu tư vào hàng trăm doanh nghiệp và các doanh nghiệp này đều phá sản một lúc, có phải là Conway mất hàng núi tiền không? Không hề.
Sau khi một công ty lụn bại, giám đốc công ty này đã nhận được một cú điện thoại của Conway mà người đó coi là “cú điện thoại đáng sợ nhất trong đời.” Conway nhiếc móc, chửi bới và đay nghiến “Tôi sẽ nghiền nát ông như một con kiến”
Conway đã từng được nhắc đến về những hành vi “đe dọa”. Nhưng vị giám đốc này cho biết, hành động của Conway còn tệ hơn là đe dọa. Người này coi những lời lẽ của Ron ngang những trận “hành hung”
Bất chấp những tin đồn đáng sợ về “bố già Silicon”, vẫn có những câu chuyện tích cực về những gì Conway đã làm cho các doanh nghiệp. Đã từng có một công ty đứng bên bờ vực phá sản, sự hỗ trợ về mặt tài chính của Conway đã cứu sống doanh nghiệp này, và đó không phải trường hợp duy nhất. Nhà đầu tư Jason Calacanis nhận xét: “Ron Conway là nguồn giúp đỡ đáng kinh ngạc đối với những doanh nghiệp non trẻ. Tôi không biết nói gì hơn ngoài sự kính trọng những gì ông đã làm”. Một nhà đầu tư khác đã từng chỉ trích Conway trong quá khứ nay lại nói rằng: “Tôi quý mến Ron, tôi nghĩ những gì ông làm thực sự có ý nghĩa với các doanh nghiệp”
Một doanh nhân cho biết: “Có nhiều doanh nghiệp và thậm chí là các nhà đầu tư ở Silicon nhận được “những lời đề nghị không thể chối từ” từ Ron. Nếu họ không đồng ý, Ron sẽ đe dọa cho tới khi nào họ chấp nhận thì thôi”
Sức mạnh thực sự có thể là sự kết hợp giữa “củ cà rốt” và “cây gậy” – từ sự ủng hộ và cả nỗi sợ hãi. Conway có thể đem đến cả hai, vì thế không phải điều đáng ngạc nhiên khi ông được coi là người quyền lực nhất thung lũng Silicon