LOBBY.VN
Administrator
Làm giàu nhờ ứng dụng nghiên cứu khoa học
Trong chuyến đi khảo sát và làm việc của Tổ biên tập xây dựng đề án “Phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH và hội nhập quốc tế” sẽ trình ra hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 10/2012, Bộ KH-CN đã ghi nhận hoạt động của nhiều đơn vị nhờ đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất, kinh doanh nên phát triển tốt, bảo đảm được đời sống của người lao động
Một minh chứng điển hình là Tập đoàn Viettel (Bộ Quốc phòng). Khi mới ra đời cách đây hơn 10 năm với số vốn 2 tỷ đồng thì đến năm 2011, doanh số của Viettel tăng lên 116 nghìn tỷ đồng. Số lượng cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong đơn vị lên đến 26000 người. Mức lương thu nhập trung bình ở đây là 12-17 triệu đồng/ người/ tháng
Ông Phan Xuân Dũng, Phó chủ tịch hội đồng quản trị Vietel khẳng định sự lớn mạnh của Viettel chính là việc dựa trên sự phát triển của KH-CN. Tại Viettel, các nhà khoa học chỉ tập trung nghiên cứu, không phải “động tay” đến cơ chế tài chính
Viettel ra lệnh toàn bộ bộ phận tài chính phải phục vụ các nhà khoa học. Các nhà khoa học cần tiền để làm nghiên cứu thì bộ phận kế hoạch tài chính của công ty phải cấp tiền. Mỗi năm, Vietel dành khoảng 1.000 tỷ đồng (khoảng 1% doanh thu) cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển KH-CN
Hiện nay, Viettel nghiên cứu và áp dụng phần mềm do chính Tập đoàn thiết kế lập trình cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý… Nhiều sản phẩm nghiên cứu của Viettel đã có mặt không chỉ ở Việt Nam và còn ở các thị trường khác như: Dây chuyền lắp rắp điện tử; máy thu phát sóng ngắn dùng trong quân đội; nghiên cứu hệ thống điều hành quản lý cho các cơ quan chính phủ, trung ương; hệ thống chữ ký số CA; hệ thống khai thuế điện tử V-Tax; hệ thống quản lý nhà trường… Chỉ tính riêng năm 2011, tại Viettel đã có 244 sáng kiến được công nhận, 417 sáng kiến đăng ký, tiết kiệm 359 tỷ đồng
Một đơn vị khác là Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Với doanh thu gần 2.000 tỷ đồng, hàng năm công ty luôn dành từ 20 – 30 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhờ đầu tư phát triển KH-CN, công ty đã có mức tăng trưởng bền vững suốt 22 năm qua
Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu khốc liệt, doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng kỷ lục 27 – 28%. Thu nhập của CBCNV nhờ đó tăng từ 2,5 triệu đồng/người/tháng lên 7,9 triệu đồng/người/tháng...
Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL của Việt Nam được đánh giá là một trong những trung tâm nghiên cứu về giống lúa lớn nhất Châu Á. Nếu trước đây, Viện Lúa IRRI tại Philippines là nơi cung cấp đa số giống lúa tốt với chất lượng cao cho khu vực thì hiện nay Viện Lúa ĐBSCL đã cung cấp lúa cho nhiều vùng trong nước và một số nước trong khu vực. Các cán bộ KH-CN của Viện Lúa IRRI cũng sang làm việc với Viện Lúa ĐBSCL về việc nhập và cho phép được chuyển những giống do Viện Lúa ĐBSCL cung cấp để áp dụng trong khu vực
Gần đây nhất là sự kiện các bác sỹ Việt Nam đã chữa được bệnh ly thượng bì bọng nước, một bệnh hiếm gặp, do nguyên nhân di truyền. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 2 bệnh viện ở Mỹ và Việt Nam đã nghiên cứu và áp dụng chữa trị thành công bệnh này bằng phương pháp ghép tế bào gốc từ tủy xương. Với thành công này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã góp phần khẳng định vị thế của nghiên cứu khoa học trong y tế của Việt Nam trên thế giới. Hiện nay đã có một số bênh nhi ở nước ngoài có nguyện vọng đến Việt Nam chữa trị căn bệnh này
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng: Vấn đề đặt ra trong thời điểm hiện nay là cần phải có nghị quyết mới của Trung ương để xã hội thấy rằng đã đến lúc không thể dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, không thể dựa vào những thế mạnh về đất đai, nguồn lao động trình độ chưa cao nữa mà phải đầu tư cho KH-CN để KH-CN phát huy sức mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian tới các cấp ban, ngành cần có chỉ đạo quyết liệt để đưa KH-CN thực sự đi vào cuộc sống
Last edited: