LOBBY.VN
Administrator
Các chính trị gia Mỹ đã lobby cho giới tội phạm kinh tế nước ngoài
Cựu GĐ FBI William Sessions trước đây đã từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lũng đoạn của mafia Nga tại Mỹ, đồng thời tuyên bố: “Chúng tôi có đủ khả năng chiến thắng giới tội phạm có tổ chức”. Nhưng hiện giờ, chính Sessions lại đang bận rộn để chạy chọt cho một nhân vật đang nằm trong danh sách “Những tội phạm đặc biệt nguy hiểm” của FBI.
Công dân Nga Semen Mogilevich, kẻ theo đánh giá của FBI, đang là một trong những trùm tội phạm thế lực nhất của Nga. Hoạt động nhân danh Mogilevich, Sessions đang cố gắng ký kết được một thỏa thuận ngoài tòa án với Bộ Tư pháp Mỹ.
Vấn đề là Mogilevich đang bị buộc tội gian lận thương mại, đồng thời còn là một nhân vật chủ chốt trong một vụ điều tra khác của Bộ Tư pháp Mỹ về một số thương vụ mờ ám trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga và Ukraina.
William Sessions chỉ là một trong nhiều quan chức vận động hành lang (lobby) hàng đầu của Washington đang nhận những khoản tiền hậu hĩnh để bảo vệ quyền lợi cho những khách hàng từng “có tì vết” từ các nước thuộc Liên Xô cũ.
Dịch vụ lobby hạng sang tại Washington từ lâu đã không còn xa lạ với những khách hàng nước ngoài cần tới bất cứ một nhu cầu đặc biệt nào. Như Jack Abramoff - bị kết án vì tội gian lận và hối lộ năm 2006 - từng đại diện cho quyền lợi của các khách hàng từ Pakistan và Nga.
Ngay cả cựu Tổng thống Charles Taylor của Liberia (đang chuẩn bị phải ra tòa với tư cách tội phạm chiến tranh) cũng từng phải nhờ tới dịch vụ của chuyên gia lobby này.
Những năm gần đây đã ghi nhận sự tăng lên nhanh chóng số lượng các cựu quan chức quốc gia và nhà tài phiệt từ Nga đang tìm kiếm những “bạn bè mới” tại Washington.
Nhiều nhân vật trong số này đang dần nắm giữ những vai trò quan trọng trong thị trường kinh tế thế giới, do đang nắm trong tay quyền kiểm soát nhiều nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên phong phú tại khu vực lục địa Á - Âu. Đó là lý do khiến những nhà tài phiệt này đã không tiếc tiền của để thuê mướn những chuyên gia lobby có ảnh hưởng hàng đầu ở Washington nhằm bảo vệ cho quyền lợi kinh doanh của mình tại Mỹ.
Có thể dễ dàng đưa ra vài minh chứng cho xu hướng này. Chẳng hạn như với khoản thù lao hậu hĩnh 560 ngàn USD, Bob Doyle (cựu thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện và là ứng cử viên tranh cử tổng thống của phe Cộng hòa hồi năm 1996) đã giúp đỡ một nhà tỉ phú người Nga nhận được hộ chiếu vào kinh doanh tại Mỹ. Nhân vật này đã bị các đối thủ cạnh tranh buộc tội có dính dáng tới các âm mưu hối lộ.
Còn Tập đoàn Alpha Group của Nga đã trả cho hãng lobby có ảnh hưởng tại Mỹ là Barbour Griffith & Rogers khoản tiền tới 2 triệu USD trong một thương vụ giành quyền kiểm soát một tập đoàn viễn thông khác. Một ông chủ của hãng lobby này chính là Haley Barbour, Thống đốc của bang Mississipi.
Chính vì những tài sản có nguồn gốc mờ ám của những ông chủ giàu có ở Nga, các khoản tiền thù lao được họ trả cho giới lobby cũng được che giấu bằng mọi cách sao cho kín đáo nhất. Như hồi năm 2005, chính trị gia Yuri Boiko từ Ukraina để trả công cho một chuyên gia lobby đã sắp xếp cho ông ta được gặp gỡ với giới lãnh đạo đảng Cộng hòa, đã thanh toán qua tiền chuyển khoản từ công ty ma Annex Holdings, được lập ra chỉ để làm bình phong.
Chính Boiko hiện đang bị Bộ Tư pháp Mỹ nghi ngờ và điều tra vì có liên quan đến một khách hàng mafia khác của Sessions. Với những mục đích trên, danh sách các công ty ma kiểu trên có thể lần ra không phải là ít.
Vào năm 2004, một công ty của Anh có tên Foruper Ltd. (không hề có vốn cũng như cả nhân viên) đã chi trả một khoản tiền 820 ngàn USD cho Hãng Barbour Griffith. Điều tra cho thấy, Foruper là con đẻ của một luật sư chuyên trách tổ chức việc đàm phán về cung cấp khí gas thiên nhiên, hiện cũng đang là đối tượng điều tra của người Mỹ.
Theo giải thích của Barbour Griffith, số tiền này là để trả công cho “việc vận động cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực tài chính giữa Đông Âu và phương Tây”. Trong giai đoạn 2002-2003, Barbour Griffith cũng nhận được tổng cộng tới 320 ngàn USD từ một tổ chức có tên “Friends of Ukraine” nhờ những dịch vụ tương tự như trên.
Theo luật pháp Mỹ, những công dân nước này khi đảm bảo các dịch vụ cho khách hàng nước ngoài trong lĩnh vực lobby hay quan hệ cộng đồng (PR) cần phải đăng ký và có báo cáo chi tiết cho các cơ quan liên bang có thẩm quyền. Tuy nhiên, nội dung những báo cáo này thường chỉ mang tính mập mờ và chiếu lệ.
Chẳng hạn như Bob Doyle khi báo lên thượng viện về việc hợp tác của mình với nhà tỉ phú Nga Oleg Deripaska, chỉ nói rằng, dịch vụ này “có liên quan tới chính sách về hộ chiếu và hoàn tất các thủ tục của Bộ Ngoại giao Mỹ”. Deripaska (được mệnh danh là ông vua nhôm tại Nga) từ lâu đã bị dính dáng tới nhiều vụ kiện tại tòa án.
Các đối thủ cạnh tranh đã nộp đơn kiện lên nhiều tòa án tại Mỹ và Anh, buộc tội trùm tài phiệt này dính líu tới nhiều âm mưu hối lộ, dọa dẫm, thậm chí còn tổ chức đánh dằn mặt nhiều người khác. Chính vì những lý do này mà Bộ Ngoại giao Mỹ từ nhiều năm qua đã từ chối cung cấp hộ chiếu cho Deripaska vào Mỹ.
Năm 2003, Deripaska đã trả một khoản tiền hào phóng 300 ngàn USD cho Hãng luật Alston & Bird của Bob Doyle. Kể từ thời điểm đó, ông Doyle đã rất tích cực thuyết phục Chính phủ Mỹ rằng, khách hàng của ông ta không phải là một tội phạm và công việc làm ăn cũng hoàn toàn trong sạch. Kết quả là đến năm 2005, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thay đổi quan điểm với Deripaska và đồng ý cấp thị thực nhập cảnh cho ông ta.
Sau sự kiện này, Bob Doyle và công ty của ông ta nhận được thêm một khoản tiền thưởng 260 ngàn USD nữa
Last edited: